Dầm lũ giúp dân
Những ngày này, người dân miền Trung đang oằn mình trước những cơn lũ dữ. Lũ lên sát nóc nhà, dân gọi điện kêu cứu thâu đêm. Nhiều cán bộ xã, thôn bao ngày lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ xuôi ngược cứu dân.
Quần quật cứu dân
Xã An Thủy ( huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nằm cuối rìa mô đất thấp nhất huyện Lệ Thủy. Lũ lịch sử trào dâng, các tuyến cứu hộ bên ngoài không thể vượt sóng lớn từ phá Hạc Hải đi vào, vì mưa không ngớt trong nhiều ngày liền, khiến việc tiếp cận cứu hộ vô cùng khó khăn.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, kể: “Ngày lũ lịch sử lên đỉnh, mưa liên miên, tui cùng anh em công an xã dầm mình trong lũ, tiếng kêu cứu cháy máy điện thoại. Khi lũ lên, xóm tôi có nhà 2 tầng cao nhất, 33 người dân trong xóm đã chạy đến ở tránh lũ, tưởng nó chỉ vào tráng nền nhà rồi ra, ai ngờ lũ vùi hết tầng 1, mọi người leo lên tầng 2, còn tui bỏ vợ lại, xuyên lũ cứu dân. Đang cứu ở xóm dưới thì xóm trên gọi. Xã có đến 2.000 hộ dân, đông nhất huyện nên người ta kêu cứu rất nhiều. Quần quật cả ngày mưa rét, tôi cùng anh em ở xã nhịn ăn, đêm xuống cũng đi cứu dân lên nhà cao tầng hoặc đưa vào UBND xã. Dầm nước bạc kiệt sức”.
Cán bộ xã Tân Ninh giúp dân lên thuyền chạy lũ
Đại úy Phạm Văn Tân, Phó trưởng Công an xã An Thủy kể thêm: “Trong đỉnh lũ lịch sử, 2 ngày 1 đêm chúng tôi cứu dân, ăn uống thì chủ yếu là nhai mì tôm sống rồi lần theo sóng điện thoại để cứu người. Điện thoại reo là lòng như lửa đốt. Không ai cầm lòng được, thế là lao ra cứu bà con, hàng trăm người đã được thoát lũ, nên dù nước lớn người An Thủy không ai qua đời là mừng rớt nước mắt”.
Dưới vùng trũng nhất tỉnh Quảng Bình là xã Tân Ninh, huyện Quản Ninh, địa phương rốn lũ của 2 nguồn nước sông Long Đại đổ về và toàn bộ huyện Lệ Thủy trút xuống. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã, nói: “Trong vòng 20 ngày 3 trận lũ lớn, trận thứ 3 là đại hồng thủy, xã ngập sâu, đò cứu hộ 2 chiếc chạy hết công suất cả ngày lẫn đêm chỉ cứu được 50 người vì sóng quá mạnh. Đêm tối, theo tiếng dân kêu, tôi theo đò giữa đêm đen thì bị chìm gần ủy ban xã, mấy anh em phải men theo dây điện bơi về, thoát chết; chiếc còn lại nhỏ chỉ cứu quanh mấy xóm gần xã. May mà cầu cứu ngư dân xã Hải Ninh lao vào cứu được 150 người ở các điểm xung yếu, biết bà con sống sót mừng ứa nước mắt”.
Nhường cái ăn cho dân
Trận đại hồng thủy kéo dài đến gần 10 ngày, cái ăn trong lũ hết sức cấp bách. Khi các đoàn cứu trợ chưa kịp về Quảng Bình, vùng lũ chia nhau từng miếng ăn, thương đến cháy lòng. Ông Quyết kể: “Tại trụ sở xã, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ, người già nhiều, xã đã cắt cử người lo nấu mì tôm. Còn ở nhà tui có 33 người, vợ kêu hết gạo, phải nhờ bạn bè ở vùng không ngập lụt viện trợ hoặc mua giùm gạo, vận chuyển bằng ca nô để bà con không bị đói”.
Video đang HOT
Đại úy Phạm Văn Tân tâm sự: “Em vay mượn xây được căn nhà 2 gác, đợt này có 80 người đến trú, cái ăn mấy ngày lũ lo chóng mặt. Gạo khó kiếm, những ngày đầu tiên còn nấu cơm, sau đó vợ em nấu cháo loãng sáng trưa, tối có chút cơm để mọi người khỏi đói. Mấy ngày sau, chừng căng thẳng cái ăn vì nước chưa rút, mà gạo đã vơi hết, may ngư dân Ngư Thủy xuất hiện, họ cứu trợ cơm nóng mỗi bữa mà bà con vượt qua cơn lũ lịch sử. Còn ở xã, cán bộ lúc nào cũng ăn sau dân. Bà con ăn hết lượt cán bộ mới ăn, lỡ hết mì tôm nóng bắt bà con chờ lại không hay, nên có miếng gì ngon đều nhường bà con ăn, cán bộ xã ăn tạm mà trực chiến. Miếng ngon lúc đó là cơm nóng được viện trợ từ Đồng Hới lên bằng ca nô đều nhường cho dân, nhất là trẻ em, người già nhằm chống đói và chống lạnh”.
Ở xã Tân Ninh, ông Nguyễn Văn Hoan nói: “Cái ăn trong lũ là rất cam go, phải nói đúng nghĩa là nhường cơm sẻ áo cho dân. Bà con ở Đồng Hới đưa vào cơm nóng đóng hộp, vượt phá Hạc Hải là rất kỳ công, vì sóng lớn lật thuyền như chơi. Cơm vào là chúng tôi nhường cho bà con hết, bữa nào còn dư thì san sẻ cùng ăn, bữa nào không dư thì để bà con chạy lũ ở trụ sở xã ăn. Đoàn nào có thuyền vào, chúng tôi đều hướng dẫn đưa về các thôn, vào sâu các hẻm nhỏ cứu tế cơm cho dân, cán bộ xã có cũng được, không có thì mì tôm mà nhai”.
Ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, ông Lê Quyết Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nói: “Chúng tôi đi quần quật 3 trận lũ tiếp tế cơm nước cho dân làng Đồng Tư. Đói hoa mắt, thức ăn trên thuyền nhưng không hề đụng đến vì đang đi ứng cứu bà con đang đói trong lũ, phải nhường cho bà con trước. Không chuyến nào đủ cơm, phát xong thì đã xế chiều, chỉ nhai vội chút mì tôm sống cầm hơi, rồi lại lao vào với bà con trong lũ.”.
Lũ rút vẫn không về nhà
Cứu được dân trong lũ đã khổ, lãnh đạo cơ sở còn phải lo tình làng nghĩa xóm không rạn vỡ sau lũ khi các đoàn cứu trợ tìm về. Nhiều người trong số đó không được nghỉ ngày nào dẫn đến kiệt sức. Có trường hợp nhập viện vì gãy tay chân, có trường hợp qua đời vì quần quật trong lũ, sau lũ không có thời gian phục sức. Ông Hoàng Ái Nhân (61 tuổi, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh) đã qua đời vì kiệt sức khi giúp dân dọn dẹp lũ lụt, lên danh sách cứu trợ các hộ dân, tiếp đón chu tất từng đoàn cứu tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh nói: “Bác Nhân là thành viên của ban mặt trận thôn, việc gì của làng cũng qua tay, làm hết mình, hết sức. Lũ lớn tràn vào, bác Nhân đi cứu người, cứu gà, cứu bò, cứu heo cho bà con, thả nhà mình cho vợ dọn không kịp, thiệt hại nhất làng. Thế nhưng, khi có đoàn cứu trợ về, bác vẫn nhường hết cho người làng. Chăm lo bà con chu đáo đến kiệt sức, mệt quá mà qua đời trong đêm. Khi mất, bác Nhân vẫn chưa lên danh sách nhà mình cần cứu trợ mà đưa người khác vào trước”.
Ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, ông Đoàn Công Lĩnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã khi tiếp xúc, nói lũ rút, nhà sập tường nhưng không thể về dọn, phải nhờ bạn bè dọn, ông phải lo cho dân cùng anh em trong xã. Biết nhà bị sập ít nhiều, muốn ông Lĩnh về chụp ảnh hiện trường, ông khoát tay: “Về chừ là bà con họ nói cán bộ đưa nhà báo về chụp nhà cán bộ để kêu nghèo kể khổ, không để nhà báo về chụp nhà dân, anh thông cảm cho”. Nhà ông Lĩnh cách trụ sở xã hơn 300m, nhưng gần một tháng nay đương đầu với 3 trận lũ là mẹ già và vợ con, còn ông phải đi lo cho dân từ miếng ăn đến đoàn cứu trợ. Khi nhận tin nhà thóc lúa ướt sạch ông cũng không thể về mà phải dẫn các đoàn cứu trợ phát quà cho dân.
Cán bộ cơ sở bình thường lo trực tiếp cho dân, lũ lụt thiên tai lại càng bám dân nên hiểu thôn nào xóm nào khó khăn, ai cần cái gì. Sau lũ họ lại lao vào lên danh sách cứu trợ, quần quật ngày đêm nhưng thù lao mỗi tháng cũng chỉ 1 triệu đồng, không đủ tiền xăng xe máy. Bí thư Xã đoàn Lộc Thủy Trần Hữu Tiến nói trong ngấn lệ: “Nhà em bị sập nhà bếp, sập tường, vợ mới sinh phải chạy lụt bên nhà ngoại, mẹ già ở nhà một mình, em chỉ biết động viên, chứ cán bộ xã là cấp gần dân mà cứ về lo cho nhà mình thì dân chửi chết. Hơn 20 ngày nay có về nhà đâu, áo quần thì mặc tạm. Thế mà trên mạng, người ta cứ nói cán bộ thôn xã này kia, anh em cũng chạnh lòng. Cán bộ thôn xã ở với dân cả đời, biết cái khổ của dân, hiểu cái cực của dân nên nào dám lơ là, nhất là những lúc thiên tai như thế này”.
Đến vùng lũ miền Trung trong những ngày này, sẽ chứng kiến hàng ngàn cán bộ cấp xã thôn đang ngày đêm bám dân, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Về với họ, sẻ chia với họ chỉ cần một nụ cười, một cái bắt tay thật ấm là niềm động viên tích cực giữa bão lũ dồn dập năm nay. Cùng là nạn nhân của thiên tai, nhưng phần nhận nhường về dân trước tiên, họ luôn nhận sau cùng!
Thủy điện nhỏ trong bài toán kinh tế và các nguy cơ
Những ngày qua, người dân miền Trung đã phải gồng mình chống chọi với những trận lũ lụt lịch sử liên tiếp. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai và thời tiết ngày càng cực đoan nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực trạng trên có phần "trách nhiệm" của hàng loạt công trình thủy điện nhỏ...
Tác nhân gây mất rừng, lũ lụt?
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo các quy trình được xây dựng theo chuẩn quốc tế, khi mưa về, hồ xả nước tới mức "đón lũ".
PGS, TS Vũ Thanh Ca khẳng định không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ. "Nếu không có đập thủy điện lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện lũ cao hơn rất nhiều".
Tiến sĩ Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho rằng, thủy điện nhỏ chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn, dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể, nhưng cũng không làm ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy của hạ du. Các nhà máy thủy điện nhỏ giúp giảm đầu tư và tổn thất truyền tải điện, góp phần tăng cường vào bài toán an ninh năng lượng quốc gia.
"Theo quy định, các dự án thuỷ điện nhỏ do chính quyền địa phương xem xét, quyết định. Thực tế nhiều địa phương còn thiếu chuyên gia về thuỷ điện, thuỷ văn, môi trường nên chất lượng từ công tác quy hoạch thuỷ điện đến xây dựng, vận hành hệ thống công trình còn nhiều hạn chế. Bản thân thủy điện không có lỗi mà vấn đề cần lưu ý là quá trình xây dựng, vận hành của con người", TS Tô Văn Trường cho biết.
Thực tế, vai trò thủy điện trong hệ thống điện quốc gia là không thể phủ nhận. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết: Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng.
Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đã vận hành phát điện 342 công trình (công suất 3.582,66 MW); đang thi công xây dựng 158 dự án (2.122,75 MW); đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án (3.121,65 MW.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, bình quân 1 MW thủy điện vừa và nhỏ chiếm dụng khoảng 7,41 ha đất (trong đó có 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất lúa, 0,808 ha đất màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất sông suối) và tái định cư 0,16 hộ dân. Quá trình xây dựng công trình cũng ảnh hưởng nhất định đến môi trường và công trình giao thông hiện có. Theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải thực hiện trồng bù rừng bị mất do dự án thủy điện. Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tính đến tháng 9/2019, các dự án thủy điện chiếm dụng khoảng 30.305 ha rừng trên địa bàn cả nước. Hiện nay, diện tích đã trồng bù rừng là 33.735 ha, đạt 111,3% so với diện tích phải trồng tại các dự
án thủy điện.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện
Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN.
Nhiều vấn đề cần xem xét lại
Khẳng định không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ, tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng không phủ nhận những mặt trái của thủy điện. Trong thực tế, các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy môi trường, sinh thái và làm gia tăng xói lở bờ biển do chặn dòng bùn cát chảy ra biển; thủy điện cũng có những nguy cơ gây lũ quét rất lớn nếu đập bị vỡ.
Cùng với đó, việc xây dựng các hồ chứa luôn kèm theo việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đính kèm, việc này sẽ gây ra phá rừng và do vậy làm gia tăng lũ lụt. Ngoài ra, việc san đồi núi tạo các mặt bằng xây dựng có thể làm gia tăng mức độ bất ổn định của các khối đất đá, làm gia tăng khả năng trượt lở
đất và gây những thiệt hại về người và của.
PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất, các đập thủy điện cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái. Cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Cần thường xuyên quan trắc môi trường trong lòng hồ và cần nghiên cứu kỹ và tái định cư người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.
Theo TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thủy điện không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Những năm qua chúng ta chứng kiến một sự vận hành không hợp lý. "Có thể nói rất nhiều hồ chứa thủy điện hiện nay đều không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng nước mùa khô".
Theo các chuyên gia, hiện nay, vấn đề an toàn đập nói chung và thủy điện nói riêng cần phải được quan tâm thích đáng. Cần kiểm tra và đánh giá mức an toàn của tất cả các đập thủy điện trên toàn vùng, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn cho từng hồ - đập và hệ thống bậc thang. Các biện pháp đề ra phải được thực hiện và phải có chế tài và cơ chế giám sát việc thực hiện.
TS Tô Văn Trường cho rằng, để đảm bảo mục tiêu ban đầu của thuỷ điện nhỏ, ngoài quy trình vận hành đơn hồ trong mùa lũ và mùa cạn, các địa phương cũng cần yêu cầu các hồ chứa thủy điện cùng lưu vực lập quy trình phối hợp vận hành để tăng cường an toàn về mùa lũ, phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng nước mùa cạn cho hạ du.
Đồng thời, cần tiến hành rà soát quỹ đất dành cho việc xây dựng thủy điện, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng từng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông và các công trình thủy điện. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.
Hà Tĩnh khen thưởng công dân cứu người bị lũ cuốn trôi UBND TP Hà Tĩnh vừa khen thưởng 1 công dân trên địa bàn thành phố, đã dũng cảm cứu được 1 phụ nữ bị lũ cuốn trôi trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Chiều hôm qua (28/10), tại UBND phường Nam Hà, UBND TP Hà Tĩnh đã tiến hành khen thưởng, tặng giấy khen cho 1 công dân trên địa bàn đã...