Đậm đà hương vị măng chiên
Từ khi xa quê đến giờ, tôi đi nhiều nơi, được ăn nhiều món ẩm thực hấp dẫn, sang trọng, nhưng tôi vẫn thấy không có món nào ngon bằng món măng chiên của mẹ.
Cho đến bây giờ, sau nhiều năm bôn ba tìm cuộc mưu sinh, tôi vẫn không bao giờ quên cái hương vị đậm đà của món ăn dân dã này. Cái vị ngòn ngọt, thanh thanh, giòn giòn của sợi măng, vị beo béo, mặn mặn, cay cay, bùi bùi của dầu phụng, nước mắm, tiêu, ớt, đậu phụng rang, cái hương thơm của các lại rau mùi… như vương vấn đâu đây khiến lòng tôi trào dâng một cảm xúc rất khó tả.
Món măng chiên của mẹ rất hợp với những bữa cơm ngày mưa . Bên mâm cơm cả gia đình đầm ấm quây quần bên nhau sẻ chia những niềm vui, thật là hạnh phúc. Ngày trước, những bữa cơm có măng chiên, chị em tôi ăn được nhiều cơm hơn. Những lúc như thế cha tôi thường đọc câu ca dao: “Cà lùi, mít trộn, măng chiên/ Con có hư tại mẹ bạn cũ chớ phiền”.
Video đang HOT
Măng chiên rất ngon, nhưng trước khi chế biến phải biết cách khử độc. Theo kinh nghiệm dân gian thì có nhiều cách khử độc. Cách thứ nhất là bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi xắt thành lát mỏng hoặc thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm rồi rửa lại trước khi chế biến. Cách thứ hai là măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2 – 3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước vo gạo trong vòng 2 ngày (thay nước vo gạo thường xuyên, 2 lần/ngày)…
Những cách này kỳ công, lâu có ăn. Mẹ tôi có một cách khử độc nhanh hơn, hiệu quả hơn là sau khi cắt măng, bóc vỏ, xắt thành sợi nhỏ bỏ vào nồi, cho thêm nắm lá rau ngót và nắm muối luộc qua một lần. Khi măng đã chín, nhấc xuống chắt hết nước nóng đi, đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót, xả lại với nước lạnh, tiếp tục làm như thế thêm lần nữa cho hết mùi hăng. Măng chín tới, thử đọt măng không đắng, có vị ngọt đổ ra rổ tre để nguội, vắt khô.
Công đoạn tiếp theo mẹ đặt chảo lên bếp, cho vào một lượng dầu phụng vừa phải, phi hành tím vừa vàng, đổ măng vào chiên, nêm nước mắm, bột ngọt, đảo qua đảo lại đến khi thấy măng có mùi thơm nêm nếm lại một lần nữa cho vừa miệng, rắc gia vị tiêu, ớt, hành lá thái nhỏ vào rồi tắt bếp. Xúc măng ra đĩa rắc đậu phụng rang đã giã nhỏ lên trên và trang trí cho đẹp mắt. Món này có thể ăn cùng với cơm nóng hoặc xúc với bánh tráng nướng hoặc lai rai với vài ly bia hoặc vài ly rượu trong những ngày đông lạnh giá thì không gì thú bằng. Món này không riêng gì tôi mà ở quê tôi ai cũng rất ưa thích.
Bánh nậm, bánh gói quê nhà
Bánh nậm, bánh gói là hai loại bánh song hành trong mỗi mẻ hấp của người dân xứ Quảng.
Đó là món ăn dân dã của anh thợ cày vừa xong thửa ruộng; là thức quà quê buổi sáng mà các bà, các mẹ cho con, cho cháu; là món quà mỗi dịp về thăm quê vẫn không quên mua vài chục chiếc để làm quà cho láng giềng, đồng nghiệp.
Còn nhớ, sau những vụ mùa thu hoạch lúa, bà tôi thường chọn những loại gạo tẻ ngon nhất vụ để mang ra làm bánh nậm, bánh gói. Bánh của bà nổi tiếng khắp chợ, bởi cái vị đậm đà được nêm nếm kỹ càng của nhân, thơm bùi của lá, của bánh đã làm say lòng người thưởng thức. Bánh gói có hình chóp, được gói khéo léo sau lớp lá chuối; bánh nậm thì dẹt, có hình chữ nhật vuông vức. Mỗi thớ bánh tuy giản đơn, thoạt nhìn đầy dung dị, nhưng cũng ẩn chứa sự kỳ công của người làm bánh.
Bánh nậm, bánh gói là món ăn đặc trưng của người dân xứ Quảng.
Loại gạo làm bánh phải là gạo tẻ được chọn lọc kỹ, bánh chỉ ngon khi được làm từ những hạt lúa vừa được máy tách, bởi gạo để lâu sẽ không còn hương vị đậm đà, quyến rũ, thơm nồng nữa.
Bây giờ ở quê cũng ít nhà làm bánh, bởi làm được chiếc bánh có hương vị ngon phải mất nhiều công đoạn. Công đoạn làm bánh yêu cầu gạo phải được làm sạch, ngâm mềm trong nước ấm, được xay thật mịn. Ngày trước, quê tôi xay bột bằng cối đá. Ai chưa từng xay, không biết cách nắm cán cối xay, sẽ dễ bị đau tay.
Bà và cô tôi hay đảm nhiệm công đoạn này. Xay làm sao cho bột mịn, nước và bột phải quyện, không loãng cũng không đặc. Bột sau khi xay mịn phải để vài tiếng cho bột nở ra, ngậm nước thì thớ bánh mới mịn, ngon và thơm dẻo. Tiếp theo, đem khuấy bột đều tay trên lửa liu riu đến khi chín tới, tránh để bị vón cục.
Nhân bánh được bà làm khá cẩn thận. Đậu xanh được đánh tơi, thịt nạt băm nhỏ, ướp gia vị trộn đều với nhau rồi đem xào chín trước khi mang ra làm nhân. Điều đặc biệt của món bánh nậm là phần nhân bánh phải có những cọng lá hẹ xanh mướt được trộn đều trong nhân. Những chiếc bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhìn những chiếc bánh ấy mà tôi chỉ muốn ăn ngay. Nhưng bà bảo phải mang đi đun cách thuỷ để bánh chín mới ăn được. Hơi nóng của nước sôi sẽ làm bánh chín.
Bánh gói, bánh nậm sẽ đậm đà hơn khi chấm vào chén nước mắm chua ngọt. Khi ăn, từng thớ bánh mềm, mịn, thơm mùi lá dong, lá chuối, bùi bùi hương gạo tẻ với cái nhân chín mềm được ủ sau lớp bánh, tất cả hòa vào nhau đem đến dư vị sánh ngọt, bùi thơm.
Thỉnh thoảng, nhất là những khi nông nhàn, hai ba nhà cùng tụ lại xay bột, rồi hết người này đến người kia thay phiên nhau làm nhân gói bánh. Tiếng thịt băm nghe râm ran từ nhà này sang nhà kia, mùi nhân bánh thơm bùi bùi, lan toả trong không gian ấm tình hàng xóm láng giềng.
Bà bảo sau này lớn có đi làm xa như các cô, các bác cũng đừng quên cái hương vị đậm đà của bánh nậm, bánh gói quê mình. Quên làm sao được khi trong mỗi chiếc bánh, bà đã gửi trọn hương gạo mới của ẩm thực làng quê vào trong đó. Quên sao được những tháng ngày chập chững làm bánh cho bà...
Đậm đà bánh bột lọc xứ Quảng Ở mỗi vùng miền, bánh bột lọc có cách làm khác nhau. Riêng bánh bột lọc xứ Quảng có hương vị đậm đà của nhân tôm, đậu xanh, bánh mềm dai, tạo nên một nét rất riêng. Bánh bột lọc, cái tên nghe bình dị và dân dã, gợi nhớ về những mùa đông tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc bên bếp lửa...