Đậm đà hương vị bún nước lèo Sóc Trăng
Có cô bạn mỗi lần tôi lên Cần Thơ chơi cứ nằng nặc kêu tôi mua cho bằng được bún nước lèo Sóc Trăng đem lên.
Tôi thắc mắc: “Ở Cần Thơ hông có bán sao?”. Cô bạn đáp gọn hơ: “Có, mà bún nước lèo Sóc Trăng làm người ăn rồi không quên được hương vị, có đi đâu cũng hông tìm thấy được. Phải là bún nước lèo chế biến tại Sóc Trăng mới ngon”.
Sóc Trăng được người sành ẩm thực ví là “kinh đô lâu đời” của bún nước lèo. Người ta gọi bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn đoàn kết, bởi món ăn là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc. “Linh hồn” của nồi nước lèo là sự hòa quyện giữa mắm, ngải bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ), sả. Theo đó, mắm thường dùng là những loại có sẵn tại địa phương như: mắm cá sặc, riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc; ngải bún, sả để khử mùi tanh và tạo mùi thơm. Cho nên, dù là người kém ăn, sợ mùi tanh cách mấy cũng phải động đũa thưởng thức tô bún nước lèo nghi ngút khói với mùi hương đặc trưng riêng biệt. Ông Trần Công Phước – chủ quán bún nước lèo 36 thì có sự kết hợp 3 loại mắm: mắm bò hóc, mắm cá sặc và mắm nêm khi nấu nước lèo.
Video đang HOT
Bún nước lèo có sự kết hợp nhiều nguyên liệu nên có thưởng thức nhiều lần cũng không thấy ngán.
Cũng nói rằng, bún nước lèo rất khó nấu, ngay cả phần nguyên liệu cũng đã thấy sự cầu kỳ. Ông Trần Công Phước chia sẻ bí quyết: “Để có tô bún nước lèo ngon đòi hỏi nồi nước lèo phải đúng chuẩn. Trước tiên bắt nồi nước, đập dập sả và ngải bún cho vào rồi đun sôi. Nấu riêng nồi nước khác, cho 3 loại mắm vào nấu chung cho rã ra rồi dùng rổ lược lại. Tiếp đến, đổ cả 2 nồi nước đó chung thành 1 rồi tiếp tục nấu. Khi sôi lên vớt phần bọt trên mặt khoảng 30 phút sau hết bọt thì nêm đường, bột ngọt cho vừa ăn. Cầu kỳ là khi nấu nước lèo xong, để lúc sau cho lắng phần cặn dưới, lấy nước trong lại”. Ông Phước cũng chia sẻ thêm, điểm khác nhau giữa bún nước lèo với bún mắm, bún nước lèo có thể sử dụng nhiều loại mắm nấu chung và có thêm ngải bún và sả không băm. Nước dùng của bún nước lèo cũng trong hơn so với bún mắm. Nhiều người nấu nồi nước lèo thêm nước dừa, để phần nước lèo thêm ngọt và ngon hơn. Đây là thói quen của người dân Nam bộ hay dùng nước dừa để nấu các món ăn.
Sự kỳ công trong nồi nước lèo đã vậy, nhưng chưa đủ, mà phần rau và nguyên liệu đi kèm để tô bún nước lèo “tròn trịa” cũng được chuẩn bị công phu. Các loại rau ăn kèm thông thường gồm: giá, hẹ, rau muống bào, bắp chuối bào, kèm thêm ít rau thơm cho dậy hương vị. Còn phần nguyên liệu ăn kèm thì có 3 thứ chính: cá lóc luộc, tách thịt, bỏ xương; tép luộc chín bỏ vỏ và thịt heo quay xắt miếng. Để tô bún nước lèo ngon hết chỗ chê, thì cá lóc được chọn là cá lóc đồng, tép phải là tép đất. Nhiều quán bún cũng thêm chả cá chiên vào ăn kèm.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Sóc Trăng, nhiều tuyến đường, con phố có nhiều hàng quán bán bún nước lèo. Có một số quán bán suốt từ sáng đến tối, để chiều lòng thực khách muốn thưởng thức món bún độc đáo này. Không chỉ vậy, món bún này còn được các nhà hàng đưa vào thực đơn để khách lựa chọn.
Dù có đi đâu, người dân Sóc Trăng vẫn không quên được hương vị bún nước lèo Sóc Trăng và ai cũng “bỏ túi” cho mình địa chỉ quán bún nước lèo hợp khẩu vị. Nhiều người xa quê, mỗi lần nhớ quê lại chuẩn bị nguyên liệu để nấu bún nước lèo cho cả nhà thưởng thức. Còn những người ở tỉnh khác khi đến Sóc Trăng cũng nhất quyết thưởng thức bún nước lèo, nhiều người truyền miệng nhau “đến Sóc Trăng mà chưa ăn bún nước lèo là chưa đến Sóc Trăng”.
Hương vị quê hương: Thơm lừng bún vịt nấu tiêu
Tỉnh Sóc Trăng được xem là nơi làm ra món ăn nổi danh bún vịt nấu tiêu. Món này do người Hoa chế biến đầu tiên, theo dòng thời gian được thêm thắt, biến tấu khác nhau.
Bún vịt nấu tiêu ở Vĩnh Châu TÔ PHỤC HƯNG
Vậy ăn bún vịt nấu tiêu ở đâu ngon nhất? Theo tôi, vẫn là tại TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Khi được hỏi về bí quyết, nhiều chủ quán bán món này vui vẻ chia sẻ với tôi rằng, chọn vịt trống săn chắc được thả rông trên đồng lúa thì sẽ có thịt thơm ngon, nhiều nạc, không được dùng vịt mái hay vịt nuôi trong chuồng; tiêu phải mua từ H.Phú Quốc (Kiên Giang) mới có vị cay dịu, không quá nồng và thơm rất lâu. Nước dừa để nấu nước súp phải chọn giống dừa xiêm xanh mới có độ ngọt thanh. Hành tím để ăn kèm nhất thiết phải là hành trồng tại đất Vĩnh Châu mới có độ giòn, thơm, ngọt và màu sắc đẹp.
Đầu tiên, người nấu chặt thịt vịt thành từng miếng vừa ăn, ướp thịt với tiêu nguyên hạt, cho vào một số gia vị khác như đường, tỏi, nước mắm, gừng... Khi thịt thấm gia vị, tiếp tục phi tỏi cho vàng rồi cho thịt vào xào, xóc đều để thịt săn lại. Tiếp đến, đổ nước dừa vào nồi nấu thêm từ 30 - 40 phút, khi thấy thịt vịt mềm thì tiến hành nêm nếm gia vị vừa ăn.
Dùng món này nhất thiết phải có hành tím bào nhuyễn trộn với ớt sừng trâu và giấm đường thì ngon tuyệt. Cạnh đó là các loại rau, chuối hột, rau quế đất, giá để tăng phần hấp dẫn. Nhiều người rất thích dùng món vịt này chấm muối ớt thay cho nước mắm.
Ở Vĩnh Châu, bún vịt nấu tiêu có giá bán rất bình dân, từ 15.000 - 20.000 đồng/tô có khuyến mãi trà đá.
Bún nước lèo Sóc Trăng Món ăn đoàn kết của 3 dân tộc Bún nước lèo là món ăn nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ vùng miền nào. Người ta gọi bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn đoàn kết, bởi món ăn là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thể hiện ở...