Đậm đà cá bống om măng chua
Vị ngọt của cá bống, vị cay nồng của hạt tiêu, mùi thơm đậm đà của lá mác mật hòa quyện với vị chua đặc trưng của măng mai tạo nên một hương vị thật khó quên đối với bất cứ ai từng được thưởng thức món này.
Cá bống om măng chua là một món ăn bình dị của hầu hết người dân sinh sống ở vùng núi phía Bắc. Món này khá đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo của người đầu bếp.
Trời lạnh, món cá bống om măng chua ăn khi còn nóng rất “bắt cơm”.
Nguyên liệu đầu tiên là phải có măng chua. Có thể dùng măng chua nào cũng được, nhưng ngon nhất vẫn là măng mai. Loại măng này được trồng nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái nguyên…phù hợp với khí hậu mát mẻ quanh năm nên ăn rất ngon. Thường thì vào tháng 6, tháng 7 âm lịch là lúc măng mọc nhiều nhất, và vào thời gian này có thể làm măng khô, măng chua.
Video đang HOT
Măng tươi đem về rửa sạch, thái nhỏ dọc theo chiều dài của thân măng, sau đó bỏ vào hũ hoặc bình thủy tinh, đổ một lượng nước lã sạch có pha muối và đậy kín lại cho măng mau chua, măng chua bảo quản kỹ có thể dùng được trong một năm.
Đến khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, lúc này là mùa nước cạn và cũng là lúc cá bống hết mùa sinh sản, thịt chắc và thơm ngon nhất, thích hợp để làm món cá bống om măng.
Để làm món này, chỉ chọn những con cá bống nhỏ bằng đầu đũa, loại này thường chỉ có ở các ao, hồ có nhiều đá. Cá đem về rửa sạch, để ráo nước, ướp với hạt tiêu, mắm, muối, đường. Sau đó chao qua mỡ nóng già. Khi chao, không được đảo nhiều vì cá này xương nhỏ, dễ bị nát, cũng không được chao giòn quá vì thịt cá khô hết ăn không ngon. Sau khi chao xong thì bỏ ra đĩa.
Lá cây mác mật, một loại cây cho quả có vị chua ngọt đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…
Rửa măng qua vài lần nước nếu quá chua, chắt lấy nước lá mác mật chứ không nên lấy cả lá, như vậy sẽ dậy mùi thơm hơn, rồi om măng trước cho đến khi măng chín, hết mùi hăng thì mới cho cá bống và các gia vị khác vào. Tiếp tục om khoảng 1 giờ, khi om nên cho nhỏ lửa để cá ngấm gia vị. Khi gần cạn nước thì bắc ra, cá vẫn giữ được màu vàng đặc trưng là được và nên ăn nóng.
Trong cái lạnh của mùa đông, còn gì tuyệt vời hơn khi cùng gia đình quây quần thưởng thức món cá bống om măng chua. Vị ngọt của cá bống, vị cay nồng của hạt tiêu, mùi thơm đậm đà của lá mác mật hòa quyện với vị chua đặc trưng của măng mai tạo nên một hương vị thật khó quên đối với bất cứ ai đã từng được thưởng thức món này một lần.
Dương Khuyên
Theo VNE
Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu
Cá bống sông Trà kho tiêu từ lâu đã trở thành món ăn dân dã của người dân xứ Quảng và là đặc sản phục vụ du khách thập phương mỗi khi đến Quảng Ngãi.
Theo những người dân nơi đây, con sông Trà Khúc chảy quanh Quảng Ngãi cung cấp một lượng lớn thủy sản, trong đó có nhiều giống cá sinh sống như cá đối, cá hanh, thài lai...và đặc biệt là cá bống, được chế biến thành món ăn hấp dẫn. Có rất nhiều loại cá bống được phân biệt qua màu sắc, hình dáng như: bống dô, bống thệ, bống mú, bống nhọn, bống tượng nhưng theo các đầu bếp khách sạn Petrosetco Sông Trà thì bống ngon nhất là bống cằn và bống cát vì thịt thơm, xương mềm.
Cá bống sông Trà kho tiêu. Ảnh: Ngọc Hoàng
Để kho cá bống tiêu ngon cũng rất tỷ mỷ, khéo léo từ khâu chọn cá đến chế biến. Người xứ Quảng thường dùng một chiếc gai tre rồi khều nhẹ phía bụng cá lấy hết ruột cá ra, rắc muối trắng xoa đều lên mình cá cho hết nhớt. Sau đó, cá bống được cho vào chiếc niêu ướp cùng với đường, mắm và tiêu, phải là tiêu sọ... Đây chính là khâu "bí quyết" của các đầu bếp để tạo ra những hương vị lạ, hấp dẫn của cá bống kho tiêu. Sau khi tẩm ướp, niêu cá được đặt lên bếp và đun liu riu (nhỏ lửa) cho đến khi con cá cong lên. Con cá bống cong chừng nào thì ngon chừng ấy. Vị thơm thơm, bùi bùi, béo ngọt của cá bống quyện với nước mắm và đường, kết hợp với vị tê tê, cay cay của tiêu sọ sẽ thấm dần từ đầu lưỡi và lan tỏa đến cuống họng để lại ấn tượng khó quên.
Người xứ Quảng thường thiết đãi khách quý món cá bống sông Trà kho tiêu ăn với cơm niêu cơm trắng và rau muống luộc chấm nước cá kho. Món cá bống sông Trà kho tiêu thể hiện sự tinh tế trong phong vị ẩm thực của người xứ Quảng. Mỗi người dân nơi đây dù có đi xa đều nhớ về những điều thật giản dị và tự hào với câu ca: "anh đi anh nhớ quê nhà/nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu".
Theo PNO
'Đã miệng' với ẩm thực Xì tin Tất cả các món ăn vặt của Sài Gòn như bột chiên, há cảo, gỏi khô bò, bò bía, bánh tráng trộn, cá viên chiên, chè kem... đều được phục vụ từ sáng đến tối, vừa ngon rẻ vửa nhanh đúng gu teen của teen. Không hiếm những quán bán món ăn chơi ở Sài Gòn, nhưng điểm khác biệt khiến giới trẻ...