Đậm đà bánh xèo Quy Nhơn
Chiều tối, đi qua các con đường ở Quy Nhơn, nghe tiếng đổ bánh xèo xèo, tiếng mời gọi cùng hương thơm của món ăn làm du khách khó lòng bước đi.
Trong khi các vùng đất khác chế biến bánh xèo khá cầu kỳ với tôm, mực, thịt, trứng… thì bánh xèo Quy Nhơn chỉ có tôm đất làm nhân. Linh hồn của món bánh xèo Quy Nhơn cũng là từ yếu tố này. Tôm đất để làm bánh xèo được người Quy Nhơn kén chọn lắm, phải là tôm của dòng sông Gò Bồi ngọt lịm, tươi roi rói, được đánh bắt mỗi buổi sáng tinh mơ. Loại tôm này nhỏ, nhưng chắc thịt, khi chín sẽ đỏ au, ăn vào ngọt lịm vị của nước sông, của đất bồi…
Bánh xèo Quy Nhơn chỉ có một loại nhân duy nhất là tôm tươi. Ảnh: T.D.
Bột gạo để làm bánh xèo cũng nhất định phải được xay bằng cái cối đá cũ kỹ truyền đời trong gia đình, xay đến đâu đúc bánh đến đó thì bánh mới thơm mùi gạo mới, giòn rụm, mịn màng, quyện với chút hương bột nghệ và nước cốt dừa. Chút hành lá thái nhuyễn vừa làm đẹp thêm màu bánh, vừa thêm chút thơm thơm cho từng cái bánh ngon lại càng ngon.
Nước chấm là khâu vô cùng quan trọng. So với các vùng khác thì nước chấm bánh xèo Quy Nhơn có phần đậm đặc hơn. Nước mắm cốt phải thật ngon, rồi pha với tỏi ớt giã thật nhuyễn, thật mịn, thêm nước cốt chanh và đường để dậy mùi. Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn thì không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt hơi nhân nhẩn, nhưng rất mát và bổ, cùng với chút xoài chua xắt nhuyễn, mới nhìn qua đã thấy không cưỡng được.
Rau mầm, dưa leo, xoài sống, xà lách… được dùng để ăn kèm với bánh xèo. Ảnh: T.D.
Video đang HOT
Bánh xèo Quy Nhơn phải ăn với bánh tráng mới đúng điệu. Loại bánh tráng gạo nhúng mềm, trải lên đĩa, cuốn một nhúm rau mầm với xoài chua, bỏ lên cái bánh xèo nóng hôi hổi, cuốn một cuốn thật chặt tay, chấm ngập vào chén nước mắm rồi cắn một miếng, niềm vui trên trời đất này có gì sánh bằng được ăn những món dân dã mà tuyệt vời như thế. Người thích vị đậm hơn còn ăn kèm với vài tép tỏi tươi đến từ vùng Lý Sơn, để hương vị càng nồng đượm.
Ngày xưa, đi ăn bánh xèo tôm nhảy rau mầm phải đến tận Mỹ Cang, cách Quy Nhơn 20km, mới có một quán. Giờ món ăn này phổ biến khắp nơi ở thành phố Quy Nhơn, đặc biệt là khu ven biển. Cứ khi trời nhá nhem tối, đi ngang những quán bánh xèo tôm nhảy, nghe tiếng đổ bánh xèo xèo, tiếng gọi mời, tiếng khua của bát đũa và mùi thơm của bánh dậy lên, khách sẽ khó lòng bước qua.
Theo Phụ nữ Online
Nhâm nhi bánh xèo Ấn Độ giòn tan
Món bánh bình dân masala dosa được xem là 'anh em họ' của bánh xèo Việt Nam.
Bánh xèo không hẳn là đặc sản độc quyền của Việt Nam đâu nhé. Có thể kể tới một số "anh em họ" của bánh xèo trên khắp thế giới như bánh xèo Nhật Bản, gọi là okonomiyaki, bánh xèo blin của Nga hay bánh crepe của Pháp.
Và hôm nay, chúng mình sẽ biết thêm một loại bánh xèo nữa. Đó là bánh masala dosa của người dân Ấn Độ. Dễ làm, nguyên liệu không cầu kỳ, giá thành rẻ, tất cả những yếu tố này giúp masala dosa trở nên được ưa chuộng ở bất kỳ ngõ ngách nào của đất nước Ấn Độ.
Món bánh bình dân này còn có tên gọi ngắn gọn là dosa, dosai hay dose. Có thể hiểu dosa là món bánh tráng cuốn từ hỗn hợp bột gạo và đậu lăng đen. Người dân ở các vùng Andhra Pradesh, Karnataka, Kerala và Tamil Nadu của Ấn Độ đặc biệt ưa chuộng món bánh bình dân này.
Ở một số nước Châu Á cũng tồn tại công thức làm bánh tương tự, có thể kể tới như thosai của Singapore hay toshay của Myanmar. Quay trở lại với dosa, món bánh này được sử dụng chủ yếu cho bữa sáng và được bày bán trong hầu hết các cửa hàng ăn đường phố.
Dosa rất giàu hydrat cacbon, không chứa đường hay chất béo bão hòa. Nguyên liệu chủ yếu để làm nên dosa chỉ là gạo và đậu lăng đen, điều đó cũng có nghĩa, dosa chứa nhiều protein. Mặt khác, giá bánh dosa cũng không quá đắt, chỉ dao động trong khoảng 50 - 100 rupee (tương đương 20-40K) mỗi chiếc.
Thông thường, dosa không có nhân như bánh xèo Việt Nam. Món bánh này được ăn kèm với một số loại nước chấm, nhưng chủ yếu là cà ri cay.
Bột gạo và đậu lăng đen được trộn đều với nước, theo tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1, cho đến khi hỗn hợp trở nên đặc sệt. Người ta sẽ để hỗn hợp này qua đêm nhằm đảm bảo quá trình lên men, dậy mùi thơm cho những chiếc bánh dosa. Đôi khi, hạt cỏ cà ri Fenugreek cũng được cho vào trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu.
Nếu thay thế bột gạo bằng bột mỳ, chúng ta cũng có món bánh xèo tương tự, nhưng được gọi là maida dosa, hoặc bột hòn cho bánh rava dosa.
Khi nước mỡ hoặc bơ ghee vừa bắt tiếng nổ lách tách trên chiếc chảo thật nóng, người ta múc thật nhanh muỗng bột gạo vào chảo và tráng đều. Thao tác này tạo nên tiếng đánh "xèo" rất đã tai. Ngay sau đó, mùi hương bột thơm lừng bắt đầu lan tỏa. Sau thời gian gần 1 phút, chiếc bánh được trở mặt vàng đều.
Như vậy chúng mình đã có một chiếc dosa "tuyệt cú mèo" rồi đấy. Nếu như dosa có nhân thì bếp được điều chỉnh nhỏ lửa hơn để không phải lật mặt, mà vẫn đảm bảo bánh chín. Hỗn hợp nhân bánh dosa thường bao gồm cà ri nấu khô, ớt bột, khoai tây nghiền.
Dosa phải ăn nóng mới ngon, kèm theo hai loại sốt, gồm sambhar cà chua, mặn và nồng mùi hăng thảo mộc và xốt dừa được làm từ cơm dừa tươi, ớt, gừng và me xay nhuyễn cho vị béo và ngọt hơn.
Tùy từng địa phương, dosa được gập đôi đơn giản hoặc cuộn tròn. Làm một chiếc dosa thành công là vừa phải đảm bảo độ giòn của lớp bột bên ngoài, mà vẫn còn cảm giác mềm của lớp cuộn bên trong.
Theo ione.net
Đê mê đầu lưỡi với bánh xèo ngon tuyệt Vừa thưởng thức những chiếc bánh xèo bốc khói, vừa trò chuyện rôm rả cùng bạn bè trong thời tiết se se lạnh thì không còn gì bằng. Những quán bánh xèo trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp) dường như đông khách hơn trong những ngày Sài Gòn bắt đầu trở gió. Các quán nhỏ bình dân chuyên bán món bánh...