Đại uý công an kể phút đấu trí tội phạm đường phố Hà Nội
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường – Tổ trưởng Y7/141, Đội phó đội CSGT số 2 là nỗi khiếp sợ đối với nhiều loại tội phạm đường phố.
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường (SN 1983) – Tổ trưởng Y7/141, Phó đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội) được nhiều người biết đến với biệt danh “khắc tinh của tội phạm đường phố”.
Dưới sự chỉ huy của anh Cường, Tổ Y7/141 đã phát hiện ra hàng trăm vụ án hình sự, là một trong những tập thể dẫn đầu Công an TP Hà Nội về phòng chống tội phạm trong nhiều năm qua. 8 năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội… có lẽ ít nhiều minh chứng cho những đóng góp của Đại úy Nguyễn Tuấn Cường đối với công việc.
“Khắc tinh” của tội phạm đường phố
Với kinh nghiệm dày dặn qua nhiều năm công tác, vị Tổ trưởng Y7/141 luôn có nghiệp vụ vững vàng cùng sự quan sát tinh tường để nhận diện, nắm bắt tâm lý tội phạm.
Đại úy Cường cho biết, anh cùng các đồng đội trong Tổ công tác Y7/141 phát hiện, bắt giữ rất nhiều đối tượng nguy hiểm liên quan đến ma túy, trộm cắp xe máy… Đáng nhớ nhất là vụ phát hiện đôi nam nữ mang theo 94 viên thuốc lắc và ma túy tổng hợp ketamnin.
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường có giọng nói trầm ấm thân thiện gần gũi với người dân nhưng trong công việc đấu tranh trấn áp tội phạm thì giọng nói của anh như “sấm đánh ngang tai” với những tên tội phạm.
Tổ trưởng Tổ công tác Y7/141 nhớ lại, vào một buổi chiều oi bức giữa mùa hè năm 2017, anh cùng Tổ công tác Y7/141 làm nhiệm vụ tại đường Võ Chí Công giao với Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Tại đây, anh em trong tổ phát hiện đôi nam nữ ngồi trên xe máy đi về phía chốt chặn không đội mũ bảo hiểm nên yêu cầu họ dừng xe.
“Đôi nam nữ nhìn bề ngoài tỏ rõ sự khắc khổ, trên mặt có nhiều nốt mụn lỗ rỗ, cơ thể gày gò xanh xao.”, Đại úy Cường nhớ lại.
Trong khi các chiến sỹ trong tổ đang kiểm tra giấy tờ thì hai người này luôn miệng nói rằng họ đang đi đến Bệnh viện E để khám chữa bệnh, mong các chiến sỹ thông cảm. Sau đó, người phụ nữ cầm trên tay một chiếc ví da màu đen nhanh chóng rời khỏi chốt và đi ngang qua mặt Đại úy Cường.
Hành động khác thường này của người phụ nữ này lập tức bị người tổ trưởng phát hiện.
“Tôi yêu cầu người phụ nữ đứng lại để kiểm tra, nhưng người này nói phải đi khám bệnh. Tuy nhiên, tôi nhất quyết không đồng ý“, vị Tổ trưởng Y7/141 kể lại.
Video đang HOT
Đại úy Cường khám xét đồ đạc của 2 nam thanh niên đi xe máy có biểu hiện nghi vấn.
Sau đó, Đại úy Cường tách riêng đôi nam nữ để dùng biện pháp nghiệp vụ xét hỏi. Qua đây, sự dối trá được lộ rõ khi người phụ nói người đàn ông đi cùng mình là em, trong khi đó người kia thì lại nói họ là vợ chồng.
Tiếp đó, Đại úy Cường yêu cầu người phụ nữ mở chiếc ví đen ôm khư khư trên người để kiểm tra. Tuy nhiên, người này nhất quyết không đồng ý. Thấy vậy, Đại úy Cường đoán được hai người này có thể liên quan ma túy và nguy hiểm hơn nữa là họ có thể đang bị nhiễm HIV/AISD.
“Lợi dụng sự không đề phòng của người phụ nữ, tôi giật nhanh chiếc ví của người này. Sau đó, qua kiểm tra, thì phát hiện bên trong ví chứa ma túy thì người phụ nữ lại quay sang xin xỏ”, Đại úy Cường nói và cho biết vụ việc ngay sau đó được bàn giao cho Công an phường Xuân La thụ lý.
Tại đây, qua kiểm tra nhân thân của hai người này, cơ quan chức năng xác định cả hai đều đang bị nhiễm HIV/AISD và đôi nam nữ khai nhận chở nhau đi mua ma túy để về sử dụng.
Đi tìm xe máy bị mất cắp cho dân
Không chỉ là “khắc tinh” của tội phạm đường phố, Đại úy Cường còn là “khắc tinh” của những kẻ trộm cắp mua bán xe trái phép. Trong quá trình đảm bảo an toàn giao thông thường ngày, Đại úy Cường từng giúp nhiều chủ xe nhận lại phương tiện bị trộm.
Trong tập thư cảm ơn Đội CSGT số 2 của người dân tìm lại được xe bị trộm, Đại úy Cường không thể quên được trường hợp của ông Nguyễn Hùng Anh (SN 1962, trú tại 181 Sơn Tây, phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) tìm lại được xe bị mất 16 năm trước của người vợ quá cố.
Ông Hùng Anh hân hoan nhận lại chiếc xe Spacy của người vợ quá cố bị mất từ 16 năm trước.
Đại úy Cường nhớ lại, vào khoảng 21h45 ngày 13/7/2016, khi đó anh đang làm nhiệm vụ tại nút giao thông Lý Thái Tổ – Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì phát hiện một nam thanh niên lái xe máy hiệu Honda Spacy BKS 29R4-7608 có dấu hiệu nghi vấn.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện số khung, số máy chiếc xe không trùng khớp với giấy đăng ký. Giấy đăng ký xe cũng có dấu hiệu được làm giả một cách tinh vi.
Qua tra cứu nhanh, tổ công tác đã trao trả xe cho ông Hùng Anh. Nạn nhân cho hay, chiếc xe do vợ ông đứng tên đăng ký. Tuy nhiên, vợ ông đã qua đời cách đây 2 năm do mắc bệnh hiểm nghèo.
Xúc động khi nhận lại kỷ vật của người vợ quá cố, ông Hùng Anh viết thư cảm ơn Công an Hà Nội nói chung và Tổ công tác Y7/141 nói riêng.
“Tôi thực sự bất ngờ và xúc động khi thấy chiếc xe máy của người vợ quá cố bị mất từ 16 năm trước. Chiếc xe này do vợ tôi đứng tên đăng ký, tuy nhiên do lâm bệnh hiểm nghèo nên vợ tôi đã mất hai năm nay.
Tôi không ngờ sau 16 năm bị mất xe, hôm nay lại nhận được cuộc điện thoại báo tìm thấy chiếc xe này. Tôi xin chân thành cảm ơn đồng chí Nguyễn Tuấn Cường và các anh em chiến sỹ”, ông Nguyễn Hùng Anh viết trong thư.
Đại úy Cường chia sẻ mỗi khi nhận được cái bắt tay hay cái ôm từ người dân, anh cảm nhận được sự tin yêu của nhân dân dành cho lực lượng cảnh sát.
Công việc bận rộn khiến anh có ít thời gian dành cho vợ và hai đứa con nhỏ nhưng anh luôn nhận được sự thấu hiểu, thông cảm từ gia đình.
MẠNH ĐOÀN
Theo VTC
Những vụ phá án của trinh sát hình sự đặc nhiệm TP.HCM
Tiền thân là Đội SBC (Săn bắt Cướp), khắc tinh tội phạm đường phố, song các trinh sát hình sự đặc nhiệm luôn có mặt trong các vụ án lớn.
Chiếc xe bán tải chạy chậm, rẽ vào đường số 3, khu dân cư phường Bình Hưng Hoà B (quận Bình Tân) chiều 20/3, rồi dừng lại bên đường. Hai người đàn ông xuống xe bỏ đi, ôtô tiếp tục chạy nhiều vòng trước khi đỗ tại bãi đất trống. Họ không biết xung quanh có hàng chục trinh sát mặc áo giáp, súng đã lên đạn.
Gã lái xe liên tục gọi điện, vẻ bồn chồn. Một người đàn ông đi đến, cùng lên xe, nổ máy. Chạy gần đến kho hàng của Công ty may mặc Hashan, xe bán tải phải giảm tốc độ do phía trước có ôtô 7 chỗ đang quay đầu. Cùng lúc, chiếc xe tải áp sát phía sau. Nhiều người bất ngờ lao ra từ hai ôtô, chĩa súng khống chế, khoá chặt tay hai kẻ trên xe bán tải. Trong thùng chiếc xe này có hơn 300 kg ma tuý đá được nguỵ trang trong các gói trà, ước tính có giá 100 tỷ đồng.
Đồng loạt, hàng trăm cảnh sát thuộc Cục điều tra tội phạm về ma tuý (C04, Bộ Công an) khám xét kho hàng Công ty Hashan và 4 địa điểm khác. Doanh nhân Wu HeShan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị bắt cùng 4 đồng phạm, với vai trò cầm đầu đường dây vận chuyển tổng cộng hơn 1,1 tấn ma tuý đá.
Trước đó, Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP HCM) nhận nhiệm vụ phối hợp Bộ Công an triệt phá đường dây ma tuý. Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành (Đội phó) cùng 20 trinh sát thiện chiến trang bị súng, áo giáp tham gia chuyên án tuyệt mật. Suốt 4 ngày đêm, họ cùng các đồng nghiệp chia làm hai mũi bám sát chiếc ôtô bán tải chở ma tuý trong hành trình 700 km, từ Kon Tum sang Đăk Nông rồi về TP HCM.
"Tôi gọi điện cho đồng chí Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM, đề nghị cử Đội đặc nhiệm tham gia phá án, khi phát hiện các đối tượng vận chuyển ma túy về thành phố", thiếu tướng Phạm Văn Các (Cục trưởng C04) cho biết. "Tội phạm ma tuý rất manh động, sẵn sàng chống trả bằng vũ khí nóng, nên thành viên ban chuyên án cơ bản là đặc nhiệm vì trình độ nghiệp vụ, nhạy bén, đáp ứng được tình hình, đối phó được tội phạm nguy hiểm".
Theo thiếu tướng Các, "thương hiệu" đặc nhiệm của Công an TP HCM đã có hơn 40 năm qua. Khi làm việc với các trinh sát, ông mừng vì họ có niềm tin, niềm say mê công việc. "Lúc sắp phá án có đồng chí bị ốm, chúng tôi cho về nghỉ nhưng không chịu, vẫn bám sát địa bàn", ông nói.
Đội Hình sự Đặc nhiệm tiền thân là Đội SBC (Săn Bắt Cướp) lừng danh một thời, được thành lập năm 2008, trong bối cảnh tội phạm cướp giật đường phố là vấn đề nhức nhối của TP HCM. Cũng với chức năng phòng chống tội phạm xâm hại sở hữu tài sản trên đường phố như SBC, song phương thức trấn áp được điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Các trinh sát phải hạn chế truy đuổi cướp tốc độ cao trên đường nhằm giảm nguy hiểm cho người dân và cho cả tội phạm, đồng thời đẩy mạnh điều tra truy xét, bắt nguội sau khi xảy ra án.
Đội gồm hơn 60 người, quy tụ những trinh sát trẻ giỏi võ thuật, bắn súng, chạy xe máy tốc độ 150 km/h. Họ được chia làm 3 tổ, mặc thường phục tuần tra 24/24 tại nhiều quận trung tâm thành phố - nơi thường xuyên xảy ra các vụ cướp giật, nhất là với du khách nước ngoài.
"Đặc nhiệm được ví như bác sĩ chuyên khoa, nhìn vào sự việc là phải có phương án giải quyết. Trên đường phố, trinh sát có thể phát hiện đối tượng hình sự để xử lý, truy bắt. Những tên cướp khi bị truy đuổi thì điên cuồng chống trả nhằm thoát thân, đặc nhiệm phải bản lĩnh hơn mới bắt được", trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Hình sự đặc nhiệm nói.
Thường xuyên giáp mặt tội phạm hung hãn, luôn tìm cách chống trả để tẩu thoát, việc trinh sát đặc nhiệm bị thương do chạy xe tốc độ cao; bị xịt hơi cay; đâm dao, mã tấu... nhiều như cơm bữa. Do tính chất công việc, lính đặc nhiệm rất ít dịp mặc cảnh phục. Họ luôn xuất hiện trên đường, hay ở đơn vị trong trang phục bụi bặm; quần short, áo thun; thậm chí hàng xóm lâu năm của gia đình cũng không biết thân phận của họ.
Ông Hoàng Trọng Phương (60 tuổi) nhà trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú) nhớ như in đêm đầu tháng 4/2008, quán cà phê Hoàng Hạc ở gần nhà náo loạn, xung quanh có nhóm thanh niên bao vây. Chủ quán Đặng Quốc Đạt (tức Đạt "Trắng") và ít nhất 3 đàn em bị quật ngã, khống chế, nhiều mã tấu bị thu giữ.
Đạt "Trắng" là đại ca của băng chăn dắt gái, đâm chém mướn và cướp giật tại các quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân... Hai hôm trước Đạt ra lệnh cho đàn em quay lại hẻm 622 Cộng Hòa chém trả thù những người dân trước đó đã truy cản bọn chúng trên đường đi cướp. Một cựu quân nhân bị chúng chém 8 nhát, thương tích 37% vĩnh viễn, một số người khác cũng trọng thương.
Vụ án gây rúng động dư luận do tính chất manh động, coi thường pháp luật của băng cướp. Đội đặc nhiệm cử những trinh sát giỏi nhất vào cuộc điều tra, ròng rã đeo bám cả ngày lẫn đêm để bắt trọn 8 người băng cướp của Đạt "Trắng". "Lúc này tôi mới biết mấy anh xe ôm, bán hàng rong ngày đêm qua lại khu vực này là cảnh sát đặc nhiệm", ông Phương nói.
Từ đầu năm đến nay Đội Hình sự đặc nhiệm đã bắt hàng trăm nghi can, phối hợp công an tỉnh Đồng Nai, Bình Dương giải cứu hơn 100 cô gái bị lừa bán vào các quán cà phê mại dâm trá hình, massage kích dục... Theo thống kê, án cướp tài sản giảm 22,6%; cướp giật giảm 3,22%; trộm tài sản giảm hơn 11% so với cùng kì năm ngoái.
Theo Danviet
Thượng tá Nguyễn Văn Giáp - "Khắc tinh" của tội phạm ma túy vùng biên Tròn 19 năm công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Thượng tá Nguyễn Văn Giáp, Trưởng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đã cùng đồng đội lăn lộn trên trận tuyến nguy hiểm, đối đầu với tội phạm ma túy. Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, anh cùng đồng đội...