Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc đang ngồi ‘ghế nóng’
Báo Hàn Quốc Chosun Ilbo ngày 11.12 đưa tin Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong, một người thân tín chủ chốt của ông Jang Song-thaek, có thể bị triệu hồi về nước sớm.
Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong – Ảnh: Chosun Ilbo
Tờ báo dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết ông Ji vẫn ở Bắc Kinh và có thể sẽ lưu lại đó đến sau lễ giỗ thứ hai của cố lãnh đạo Kim Jong-il, vào ngày 17.12 tới. Hiện đại sứ quán Triều Tiên tại Trung Quốc đang treo cờ rũ.
Ông Ji đã có mặt ở Bắc Kinh trong dịp kỷ niệm một năm ngày mất của ông Kim Jong-il và làm nhiệm vụ tiếp khách viếng.
Nhưng những ngày ông Ji ở Bắc Kinh dường như đang được đếm lùi. Ông Ji gặp ông Jang vào cuối thập niên 1970 và 2 người giữ quan hệ gần gũi từ đó đến nay.
Ông Jang, người chú quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã bị cách chức về một loạt tội bao gồm lập bè phái, tham nhũng, bài bạc…
Một số chuyên gia nói rằng Bình Nhưỡng lo ngại sẽ gây tổn hại quan hệ với Bắc Kinh nếu triệu hồi đại sứ quá sớm sau khi cách chức ông Jang, vốn cũng có quan hệ gần gũi với giới chức Trung Quốc.
Video đang HOT
Một yếu tố khác là nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn đi thăm Trung Quốc và có thể cần đến sự giúp đỡ của ông Ji.
Theo TNO
Ông Kim Jong-un đang loại dần thế hệ trung thành với cha mình?
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đang loại dần những sĩ quan trung thành với cha mình, lãnh đạo quá cố Kim Jong-il, bằng cách cho họ về hưu sớm.
Ông Kim Jong-un trong một cuộc họp với quân đội hồi tháng 11.2013 - Ảnh: Reuters
"Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã thay thế nhiều quan chức cấp cao, một dấu hiệu của sự thay đổi thế hệ. Triều Tiên vừa ban hành một quy định cho các quân nhân từ 65 tuổi trở lên về hưu", báo JoongAng Ilbo hôm nay 11.12 dẫn lời một quan chức tình báo Hàn Quốc.
Thông thường, một vị trí trong quân đội được xem là công việc cả đời mà một người có thể giữ cho đến khi không còn khả năng nữa.
Động thái trên theo sau vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek, dượng của lãnh đạo Kim Jong-un, và là nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên. Ông Jang là một trong những "quan nhiếp chính" của ông Kim Jong-un trong giai đoạn củng cố quyền lực kể từ khi cha ông Kim là ông Kim Jong-il qua đời vào cuối năm 2011.
"Sau cái chết của ông Kim Jong-il, nhiều quan chức quân đội cấp cao như bộ trưởng các lực lượng vũ trang hay tổng tham mưu trưởng quân đội đã bị thay gần như 6 tháng một lần. Trước một cuộc cải tổ lớn, chính quyền Triều Tiên trao cho các quan chức ở tuổi 70 những vị trí tốt như là quà tặng trước khi buộc họ về hưu sớm", vị quan chức trên cho hay.
JoongAng Ilbo dẫn một số nguồn tin tình báo đánh giá Bình Nhưỡng đã thay thế hơn 44% trong số vị tướng từ 3 sao trở lên.
Vị quan chức trên cho biết thêm chính quyền Triều Tiên đã tiến hành cuộc cải tổ đối với sĩ quan cấp cao, như chỉ huy quân đoàn, và sẽ tiếp tục hành động tương tự đối với những người từ cấp chỉ huy sư đoàn trở xuống.
Thực hiện cải tổ giống cha, ông nội?
Vị quan chức tình báo Hàn Quốc đánh giá cuộc cải tổ quân đội lần này tương tự như đợt diễn ra vào thập niên 1970, khi ông Kim Jong-il được chọn là người sẽ thay thế Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Khi đó, ông Kim Jong-il đã giảm tuổi nghỉ hưu từ dưới 50 xuống còn 32 tuổi đối với chỉ huy đại đội, từ dưới 60 xuống còn 35 đối với chỉ huy tiểu đoàn và từ dưới 70 xuống 40 tuổi đối với chỉ huy trung đoàn.
"Ông Kim Jong-il có thể đã chuẩn bị kế hoạch cải tổ cho con trai út (Kim Jong-un) lên làm người kế nhiệm. Vụ ông Jang bị thanh trừng là một dấu hiệu cho thấy điều đó. Kế đến, chính quyền (Kim Jong-un) sẽ tiếp tục đợt thanh trừng trên quy mô lớn và là đợt thay đổi toàn bộ thế hệ", JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức cấp cao Hàn Quốc suy đoán.
Trong giai đoạn lãnh đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành và ông Kim Jong-il đã xảy ra ít nhất 2 lần "thanh lọc" những người bị nghi phản bội và gây thách thức. Trong thời của ông Kim Nhật Thành, đợt thanh trừng xảy ra vào năm 1956, còn khi ông Kim Jong-il nắm quyền, đợt thanh lọc kéo dài từ năm 1997 đến năm 2000.
Sẽ không còn ai mạnh như phe ông Jang?
Giới phân tích cho rằng những người trung thành hoặc phụ tá của ông Jang sẽ bị cách chức hàng loạt, giống như đợt thanh trừng của ông Kim Jong-il nói trên.
Kể từ khi bắt đầu tham gia chính trường vào thập niên 1970, ông Jang đã nắm giữ nhiều vị trí, trong đó có chức vụ chủ nhiệm Ban hành chính của đảng Lao Động Triều Tiên. Ban này, với tổng cộng 900 quan chức, giám sát nhiều cơ quan như Bộ An ninh nhà nước, Bộ An ninh nhân dân, cơ quan công tố, theo giáo sư Nam Sung-wook tại đại học Hàn Quốc.
Ngoài ra, phần lớn trong số 32 thành viên của một ủy ban về văn hóa và thể thao được thành lập cách đây không lâu là người trung thành của ông Jang, trong đó có Bộ trưởng An ninh nhân dân Choi Pu-il.
Dù ông Jang có nhiều người trung thành và thân cận, nhưng giới quan sát cho rằng người của ông khó tiến hành cuộc đảo chính quân sự.
"Một cuộc đảo chính quân sự không dễ đối với người của ông Jang. Nếu đã muốn đảo chính quân sự, ông Jang phải có binh sĩ riêng, nhưng ông ấy không nắm quyền quân đội", giáo sư Nam đánh giá.
Còn chuyên gia Cheong Seong-chang tại Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) phân tích: "Dù Ban hành chính của ông Jang phụ trách Bộ An ninh nhân dân, tương đương cảnh sát, ông ấy không có quyền điều khiển mà chỉ giám sát bộ này. Ông Jang không có thẩm quyền chỉ đạo quân đội và hầu hết những người theo ông làm việc trong các cơ quan đảng liên quan đến hoạt động kinh doanh ngoại tệ".
"Từ trước tới nay, nhóm của ông Jang là phe mạnh nhất có thể thách thức ông Kim Jong-un, nhưng họ sẽ bị giải tán sớm. Từ giờ trở đi sẽ không còn có những người thách thử mạnh như phe của ông Jang", chuyên gia Cheong nhận định.
Theo TNO
Anh trai Kim Jong-un tự mình dẫn quân đi bắt chú Người anh trai ít tên tuổi của Kim Jong-un đã tự mình dẫn lực lượng cận vệ đi bắt người chú Jang Song-taek ngay giữa Bộ Chính trị. Ngày 10/12, một chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Thông tin Chiến lược Triều Tiên có trụ sở tại Hàn Quốc cho rằng nhân vật đứng ra tổ chức lật đổ và bắt giữ...