Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad rút bớt nhân viên
Hai quan chức cấp cao Iraq cho hay đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đã rút một phần nhân viên do lo ngại an ninh.
Washington tức giận bởi hàng chục vụ tấn công bằng tên lửa và bom nhằm vào cơ sở ngoại giao và quân sự của Mỹ tại Iraq trong năm qua. Việc rút bớt nhân viên ngoại giao dường như là kết quả của những lo ngại mới về an ninh, một quan chức Iraq cho biết hôm 2/12.
“Đây chỉ là một sự thu gọn nhỏ nhằm đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Họ sẽ quay lại. Đây chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ vì an ninh”, quan chức Iraq giấu tên cho hay. “Chúng tôi đã biết trước và các nhân viên ngoại giao hàng đầu bao gồm đại sứ vẫn ở lại, vì vậy đây không phải là dấu hiệu rạn nứt ngoại giao”.
Một quan chức hàng đầu khác của Iraq xác nhận đây là nỗ lực “giảm thiểu rủi ro”.
Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: AFP
Hiện chưa rõ Mỹ rút bao nhiêu trong số hàng trăm nhân viên ngoại giao ở sứ quán về nước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận, nhưng cho hay luôn đặt sự an toàn của quan chức, công dân và các cơ sở của Mỹ tại Iraq “lên mức ưu tiên cao nhất”.
Phát ngôn viên cho hay đại sứ Mỹ Matthew Tueller vẫn ở Iraq và đại sứ quán “vẫn tiếp tục hoạt động”.
Washington đã đổ lỗi cho hàng chục vụ tấn công bằng tên lửa và bom ven đường cho các nhóm dân quân thân Iran, và đã trả đũa hai lần bằng cách ném bom một trong những nhóm này là Kataeb Hezbollah.
Khi các cuộc tấn công vẫn tiếp tục, Mỹ đưa ra tối hậu thư cho Iraq, đe dọa sẽ đóng cửa hoàn toàn đại sứ quán tại nước này. Điều này khiến các phe liên kết với Iran đồng ý “đình chiến” hồi giữa tháng 10, các vụ tấn công dừng lại trong một thời gian ngắn.
Hôm 17/11, một loạt tên lửa tấn công một số khu dân cư ở Baghdad đã khiến một bé gái thiệt mạng. Các quan chức hàng đầu của Iraq và phương Tây khi đó cho hay họ hy vọng sẽ giữ thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cho biết Washington vẫn lên kế hoạch rút quân.
Cuối tháng 11, một quan chức phương Tây cho biết Mỹ đang nghiên cứu ba phương án, trong đó có phương án rút một phần nhân viên. “Họ đang cân nhắc rút bớt người ở đại sứ quán, chỉ để lại đại sứ và các nhân viên ngoại giao chủ chốt”, quan chức này cho hay.
Các quan chức Iraq và phương Tây đang chứng kiến vài tuần hỗn loạn trước khi Tổng thống Donald Trump bàn giao Nhà Trắng. Ông Trump luôn theo đuổi chính sách “gây áp lực tối đa” cho Iran. Họ không loại trừ chính quyền Trump có thể sẽ hành động quân sự vào phút chót với lợi ích của Iran tại Iraq.
“Chúng tôi có cảm giác đó khi chỉ vài tuần nữa là ông ấy mãn nhiệm, ai mà biết chuyện gì có thể xảy ra”, quan chức phương Tây nói.
Căng thẳng gia tăng tại Trung Đông trong thời gian gần đây sau khi nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát tại Tehran. Các quan chức Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ sát hại, làm tăng khả năng Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm có thể trả đũa các mục tiêu phương Tây.
Pháo siêu nhanh Mỹ diệt rocket bảo vệ đại sứ quán
Tổ hợp đánh chặn C-RAM khai hỏa hàng nghìn viên đạn trong vài giây, diệt nhiều rocket nhằm vào khu vực Mỹ đặt đại sứ quán ở Baghdad.
Ít nhất 7 rocket hôm 17/11 được phóng nhằm vào Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad của Iraq, nơi tập trung nhiều cơ sở quân sự và ngoại giao, bao gồm đại sứ quán Mỹ. Lực lượng bảo vệ đại sứ quán Mỹ sử dụng tổ hợp Đánh chặn Rocket, Đạn pháo và Đạn cối (C-RAM) bắn hạ phần lớn số rocket nhằm vào đây.
Video trên Twitter cho thấy tổ hợp C-RAM khai hỏa loạt đạn dài với tốc độ siêu nhanh, phá hủy ít nhất ba mục tiêu trên không khi chúng tiếp cận Vùng Xanh. Chưa có báo cáo về thiệt hại hay thương vong trong khu vực được bảo vệ cẩn mật này.
Tuy nhiên, một rocket rơi xuống bên ngoài Vùng Xanh khiến một trẻ em thiệt mạng và một số dân thường bị thương.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Mỹ tuyên bố rút thêm quân về nước, giảm số binh sĩ đồn trú tại Iraq xuống 2.500 người. Tài khoản Twitter thestevennabil đăng ảnh bệ phóng tự chế, được cho là dùng để khai hỏa số rocket trên, bị bỏ lại ở khu vực gần Vùng Xanh.
Mỹ chưa bình luận về thông tin này. Chưa bên nào nhận trách nhiệm về vụ nã rocket.
Tổ hợp C-RAM xả loạt đạn dài diệt rocket tại Baghdad, Iraq, ngày 17/11. Video: Twitter/thestevennabil .
C-RAM được Mỹ triển khai tại nhiều căn cứ và cơ sở ngoại giao ở Trung Đông để đánh chặn các loại đạn và rocket không điều khiển giá rẻ, thay cho các tổ hợp phòng không đắt tiền như Patriot. C-RAM được coi là phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx trên chiến hạm Mỹ, sử dụng radar để phát hiện mục tiêu và pháo nòng xoay 20 mm có tốc độ bắn cực cao để diệt tiêu diệt.
C-RAM sử dụng đạn vạch đường tự hủy (MPT-SD) M-940 với cơ chế tự hủy ở khoảng cách nhất định để tránh gây thiệt hại ngoài ý muốn cho khu dân cư lân cận. Một tổ hợp C-RAM có thể nã 4.500 viên đạn mỗi phút, tạo lưới lửa dày đặc để tiêu diệt mục tiêu đang bay tới.
Binh sĩ và nhân viên ngoại giao Mỹ tại Iraq trở thành mục tiêu của hàng chục vụ tấn công bằng rocket. Mỹ cáo buộc các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn thực hiện các vụ tập kích này. Quân đội Iraq hồi tháng 6 bắt 10 tay súng do Iran hậu thuẫn với cáo buộc lên kế hoạch tấn công Vùng Xanh.
Iran lo Trump tung đòn cuối nhiệm kỳ Nhiều yếu tố có thể khiến Tổng thống Trump khơi mào xung đột với Tehran trước khi rời Nhà Trắng, theo một số quan chức Iran và giới chuyên gia. Tuần trước, khi một loạt rocket được khai hỏa nhắm vào Vùng Xanh, nơi có đại sứ quán Mỹ tại thủ đô của Iraq, lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách...