Đại sứ Mỹ: Chiến lược với châu Á sẽ không đổi sau bầu cử
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của nước này sẽ không thay đổi, bất kể ai là tổng thống tiếp theo.
“Mỹ đã hiện diện ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ và điều đó sẽ không thay đổi, dù mỗi chính quyền và mỗi tổng thống sẽ có những trọng tâm và chính sách riêng”, Đại sứ Kritenbrink trả lời về khả năng Mỹ thay đổi chiến lược ở khu vực sau bầu cử tổng thống năm nay trong cuộc trao đổi riêng với VnExpress tại Hà Nội.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong cuộc trao đổi với VnExpress tháng 9/2020. Ảnh: Giang Huy.
Trong bầu cử tổng thống Mỹ, Trump đối đầu với đại diện đảng Dân chủ Joe Biden. Hai ứng viên đang tăng tốc chiến dịch chạy đua khi ngày bỏ phiếu đang cận kề.
Tổng thống Mỹ Trump công bố Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do vào tháng 11/2017 khi dự APEC tại Việt Nam. Trong đó, ông khẳng định các nước cần bảo đảm “tất cả cùng chơi theo luật”, tôn trọng tự do hàng hải và trên không, bao gồm các tuyến vận chuyển mở. Mỹ muốn hợp tác với các nước để xây dựng lòng tin, tạo dựng ổn định, an ninh và thịnh vượng, hướng tới một thế giới của các quốc gia mạnh mẽ, chủ quyền và độc lập.
Kể từ 2017 đến nay, Mỹ xúc tiến một loạt chính sách trong chiến lược mới. Washington cấp khoản hỗ trợ trị giá trên 1,8 tỷ USD cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt: kinh tế, quản trị, và an ninh. Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực nhằm đối phó với những mối đe dọa chung; xây dựng các chương trình gìn giữ hòa bình cho các quốc đảo Thái Bình Dương.
Chiến lược của Trump chỉ khác tên gọi, về cơ bản giống với chiến lược “Xoay trục châu Á” từ năm 2009 của người tiền nhiệm Barack Obama nhằm thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Đại sứ Kritenbrink, ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mỹ coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách hợp tác với khu vực. Washington ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và khuôn khổ đối tác chiến lược giữa hai bên. Hợp tác giữa Mỹ và ASEAN không chỉ bảo đảm hoà bình, an ninh mà còn vì thịnh vượng chung của khu vực.
Hôm 9/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham dự chuỗi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM 53). Ông Pompeo nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – ASEAN, khuyến khích các nước đoàn kết, thống nhất duy trì quan điểm chung về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các giá trị đã nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).
Đánh giá về vai trò của Mỹ trong hợp tác ở khu vực, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, trên cương vị đại diện nước Chủ tịch ASEAN 2020, cho biết Hiệp hội hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước trong nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có Mỹ. ASEAN mong Mỹ, là nước lớn và đóng vai trò quan trọng trên thế giới, có tiếng nói khách quan, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung, không tạo thêm phức tạp và không buộc ASEAN chọn bên.
Đại sứ Kritenbrink cho biết nếu các nước tin vào hoà bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, ngăn chặn xu hướng “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Washington hy vọng các quốc gia chung quan điểm, bạn bè và đối tác sẽ cùng sát cánh bảo vệ nguyên tắc trên.
“Mỹ không bao giờ yêu cầu ai chọn bên”, ông Kritenbrink nói.
Với Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ coi đây là một trong những đối tác quan trọng nhất ở khu vực. Khi hai nước đang kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hoá quan hệ, Mỹ tiếp tục khẳng định mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trở thành một nước vững mạnh, độc lập và thịnh vượng.
“Mỹ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam ở những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên song trùng đáng kể”, ông nói.
Mỹ đã hiện diện ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink trả lời phỏng vấn VnExpress tại Hà Nội tháng 9/2020. Video: Văn Phú.
Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ 2019, khi chiến tranh thương mại nổ ra với nhiều hành động trừng phạt mang tính “ăn miếng trả miếng”, gây thiệt hại lớn. Căng thẳng lan sang các vấn đề khác như nguồn gốc và cách ứng phó Covid-19, công nghệ, trong đó có hoạt động của tập đoàn viễn thông Huawei, luật an ninh Hong Kong, tình hình Tân Cương, Biển Đông. Quan hệ giữa hai cường quốc bị đẩy đến mức thấp nhất trong hàng chục năm.
Khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang tới gần, các nhà phân tích đánh giá Tổng thống Mỹ Trump thúc đẩy các hoạt động thách thức, cứng rắn với Trung Quốc nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri để tái đắc cử. Đại sứ Kritenbrink cho biết Washington từ lâu đã tuyên bố về chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ xác định lợi ích quốc gia của mình liên quan chặt chẽ với tương lai của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Washington sẽ duy trì ba trụ cột chính trong định hướng chính sách của Mỹ sắp tới ở Biển Đông. Thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc ủng hộ luật quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở; thúc đẩy các hoạt động tương tự như gửi công thư đến LHQ, tăng đối thoại với các đối tác thông qua các diễn đàn, trong đó có các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN. Thứ hai, Mỹ sẽ hỗ trợ các đối tác ở Đông Nam Á tăng cường năng lực nhằm bảo đảm lợi ích trên biển của các nước này, nắm được tình hình và ngăn chặn xung đột. Thứ ba, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động duy trì tự do hàng hải nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế. Các tàu và máy bay của Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật cho phép, như đã thực hiện trong hàng chục năm qua.
“Chính sách của Mỹ trên ba lĩnh vực này là nhất quán, chúng tôi sẽ có những bước đi cụ thể và có những điều chỉnh chi tiết khi cần thiết”, Đại sứ Kritenbrink nói.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Chính sách biển Đông vẫn tiếp tục sau bầu cử
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói việc Mỹ gần đây cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông là sự tiếp nối chính sách đã có từ lâu và sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tiền Phong ngày 3/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định Mỹ từ lâu đã là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và những bước đi gần đây của Mỹ là cách Washington tiếp nối và điều chỉnh chính sách đã có từ lâu của mình.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng)
" Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở Biển Đông từ năm 2013. Đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó", Đại sứ Kritenbrink nói.
Giải thích về việc trừng phạt 24 công ty và các cá nhân Trung Quốc tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ muốn thể hiện rõ sự ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp quốc tế trên biển, cụ thể là biển Đông; và rằng tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử theo luật lệ và không thực hiện các hành vi bắt nạt hay cưỡng ép.
Đại sứ Mỹ cho biết, trong vòng 3 tháng qua, Mỹ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên lý về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do về hàng hải đã có từ lâu đời. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7 đối với khu vực Biển Đông, dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.
Sau đó, để thể hiện rõ hơn nữa rằng Mỹ sẽ có những bước đi thiết thực để buộc các quốc gia hành xử trái nguyên lý đó sẽ phải trả giá, ngày 26/8, Mỹ công bố 2 bước đi: hạn chế visa đối với một số cá nhân Trung Quốc có vai trò trong hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại Biển Đông; đưa thêm 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó có nhiều thành viên của Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC).
Điều đó nghĩa là bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn làm ăn với công ty này tại Mỹ đều sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu. Bước đi này sẽ hạn chế hoạt động của các công ty đó, và danh tiếng của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Hợp tác an ninh Việt - Mỹ sẽ mở rộng
Về hợp tác Việt - Mỹ, Đại sứ Kritenbrink khẳng định quan hệ hai nước đang phát triển trên hầu hết các lĩnh vực. Hai bên phối hợp với nhau trong nhiều vấn đề, từ Triều Tiên, Biển Đông tới xây dựng năng lực cho Việt Nam.
Đại sứ Mỹ cho rằng hai nước có những tương đồng về lợi ích quốc phòng và an ninh. Mỹ và Việt Nam đều mong muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều hành xử theo luật lệ và tuân thủ luật quốc tế, các quốc gia không có những hành động bắt nạt hay cưỡng ép nước khác; tự do hàng hải và hàng không trong các khu vực, trong đó có biển Đông.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 3/9. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng)
Đại sứ cho biết các hoạt động hợp tác của hai bên đã đạt được nhiều bước tiến. Từ năm 2009, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 400 triệu USD để xây dựng năng lực, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
" Tôi cho rằng đây là sự đầu tư cho một nước Việt Nam vững mạnh và độc lập. Một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng rất có lợi cho Mỹ và toàn bộ khu vực", Đại sứ nói.
Ông nhấn mạnh, chỉ riêng trong thời gian ông làm Đại sứ ở Việt Nam đã có 3 chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam; hai chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink cho rằng hợp tác an ninh Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và được củng cố trong thời gian tới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, có thể là thương mại quốc phòng và trao đổi thông tin.
ASEAN gửi thông điệp trước 'sức nóng' cạnh tranh Mỹ - Trung Ra tuyên bố riêng về hoà bình và an ninh khu vực, ASEAN kiên quyết khẳng định lập trường "không chọn phe" dù áp lực cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng. Ngày 8/8, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam...