Đại lý phải đóng cửa, doanh số lao dốc: Bán hàng trực tuyến hiện là hy vọng sống tốt nhất của ngành xe hơi
Khách hàng đã quen với việc mua trực tuyến những gì họ muốn và bất cứ lúc nào và ô tô cũng không ngoại lệ.
FIat Chrysler đã đưa ra món hời cho chiếc xe Jeep mới. Karen Murphy nghĩ rằng cuối cùng cũng có cơ hội mua chiếc xe đời mới cho mình. Nhưng thời điểm này thì không tuyệt vời cho lắm. Do đại dịch coronavirus, các đại lý ô tô mới đã bị đóng cửa. Vì vậy, cô quyết định làm một việc khác mà cô chưa bao giờ làm trước đây là mua online một chiếc xe.
Murphy nói cô đã phát hiện ra một trang web đại lý cách 65 dặm ở Matteson, Illinois, đại lý đó có chiếc xe cô muốn. Cô đã hoàn tất thỏa thuận qua điện thoại, qua email và trong cùng ngày, chiếc SUV đã được chuyển đến nhà cô ấy.
Cô nói về chiếc SUV màu đỏ tía mới của mình như này: “Nàng (chiếc xe) đang ở trong ga ra. Tôi đặt tên cho nàng là Betty theo tên của mẹ tôi. Tối đến tôi ngồi vào trong xe và tự nghĩ ‘Ô, bạn thật đẹp, khi nào thì tôi mới được lái bạn đây’?”
South Oak, đại lý ở Elgin đã bán xe từ xa qua điện thoại và qua email gần đây đã chuyển sang một hệ thống trực tuyến hoàn toàn để khách hàng có thể chọn xe, thương lượng giá và sắp xếp để giao dịch xe cũ của họ mà không phải đến đại lý.
Garrett Guest, phó chủ tịch của South Oak nói: “Rất nhiều người nói tình hình này giống như hiệu ứng của nhà bán lẻ Amazon và nó bắt đầu ảnh hưởng đến việc kinh doanh ô tô rất nhiều”.
Khách hàng đã quen với việc mua trực tuyến những gì họ muốn và bất cứ lúc nào. Jack Hollis, người phụ trách tiếp thị cho xe hơi Toyota ở Bắc Mỹ cho biết việc phong tỏa do coronavirus ngày càng đẩy mạnh sự phát triển của thương mại điện tử.
Hollis nói trong cuộc họp video Automotive News hôm thứ Năm như sau: “Nếu bạn hiện có một đại lý bán được 10% doanh số của mình thông qua một hệ thống trực tuyến, thì có thể bây giờ nó đã đi được một phần ba.”
Chuyển đổi hình thức online khá chậm.
Khả năng mua trực tuyến một chiếc xe đã qua sử dụng đã có từ lâu. Các công ty như Carvana, được thành lập vào năm 2012, cho phép bạn xem qua kho xe đã qua sử dụng và bạn có thể hầu như xem được ảnh 360 độ của một chiếc xe từ mọi góc độ. Bạn có thể nhấp chuột và mua chiếc xe bạn muốn, người ta sẽ giao nó đến tận nhà bằng một chiếc xe tải.
Tuy nhiên, nếu nói đến chuyện mua một chiếc xe hơi mới thì bán hàng online đến chậm hơn. Khách hàng vẫn quen với trải nghiệm đến trực tiếp các đại lý, bắt tay với nhân viên bán hàng và ký giấy tờ.
Nhưng, nhờ đại dịch, các phòng trưng bày, nơi khách hàng thường đến mua xe, phải đóng cửa hoặc đến theo lịch hẹn.
Đó là một lý do chính khiến doanh số ô tô giảm mạnh. May mắn thay, các dịch vụ mua sắm trực tuyến mà các nhà sản xuất và đại lý ô tô tung ra trước khi virus tấn công có thể giúp ít nhất một số doanh nghiệp bước tiếp trong mùa dịch.
Video đang HOT
Jessica Caldwell, một nhà phân tích ngành công nghiệp với trang web ô tô Edmunds cho biết: “Bây giờ, dù sao đi nữa, bán trực tiếp một món hàng cồng kềnh như oto là rất khó. Tôi nghĩ bán lẻ online sẽ dễ dàng hơn. Nếu không có trang bán hàng trực tuyến, kết quả còn tồi tệ hơn.”
Các nhà sản xuất ô tô lớn, bao gồm General Motors (GM), Fiat Chrysler (FCAU), Ford (F) và Toyota (TM) đều có hệ thống mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà.
Chương trình của GM, được gọi là “Lượn. Nhấp vào. Lái.” (Shop. Click. Drive.) đã xuất hiện từ năm 2013, nhưng gần đây, theo nhà sản xuất, lưu lượng truy cập vào trang web tăng gấp 4 lần so với bình thường. Bộ phận Cadillac của GM gần đây cũng đã giới thiệu Cadillac Live, một trang web nơi người mua sắm có thể xem các bài thuyết trình trực tiếp về xe hơi và SUV của thương hiệu trong thời gian thực.
Một trang web triển khai chương trình “Lượn. Nhấp vào. Lái.” của GM.
Các đại lý hoạt động như một doanh nghiệp độc lập và phải đăng ký để tham gia vào các chương trình đặt hàng trực tuyến của nhà sản xuất ô tô. Cả Ford và Fiat Chrysler đều nói rằng hầu hết các đại lý của họ đều tham gia vào chương trình này.
Mark Stewart, giám đốc điều hành của Fiat Chrysler ở Bắc Mỹ cho biết: “Nếu bạn đang ở trên Jeep.com hoặc Ram.com, bạn có thể thực hiện đúng quy trình và sau đó kết nối với đại lý trong khu vực của bạn có loại xe mà bạn đang tìm kiếm.”
“Đường sống” cho các đại lý và nhà sản xuất ô tô
Một số đại lý xe hơi, như Paragon Honda của thành phố New York, bắt đầu thử nghiệm giao hàng tại nhà. Giống như nhiều đại lý khác, Paragon đã cung cấp dịch vụ nhận xe tại nhà và giao xe cho những cuộc hẹn trước. Vì vậy, giao hàng tận nhà những chiếc xe mới là một phần mở rộng tương đối dễ dàng của dịch vụ đó.
Brian Benstock, CEO của Paragon Honda và Paragon Acura cho biết: “Chúng tôi đã trải qua 4 tháng thử nghiệm beta trước khi chính thức cung cấp loại hình dịch vụ này.”
Đối với các đại lý như Paragon, bán hàng trực tuyến đã trở thành con đường sống. Doanh số vẫn giảm, nhưng ít nhất doanh nghiệp đã không phải kết thúc hoàn toàn.
Các đại lý Honda và Acura của Brian Benstock đã bắt đầu cung cấp dịch vụ đặt hàng và giao hàng trực tuyến ngay trước khi các showroom ở New York phải đóng cửa do coronavirus.
Vince Zappa, chủ tịch của Clutch Technologies, một công ty bán phần mềm giúp doanh nghiệp lên lịch giao xe cho biết: “Trước đây, phần mềm này không phải là một công cụ cần thiết cho doanh nghiệp, nó chỉ đơn giản là để khách hàng có thêm trải nghiệm và là một hình thức cạnh tranh. Bây giờ, nó là thứ giúp doanh nghiệp tồn tại.”
Ricart Automotive, một nhóm đại lý nhỏ ở Columbus, Ohio, bắt đầu sử dụng hệ thống đặt hàng trực tuyến của riêng mình tại đại lý Ford năm 2017. Hiện tại, họ sử dụng hệ thống đó để bán xe từ 6 thương hiệu khác nhau, bao gồm Huyndai, Mazda và Nissan. Rick Ricart, chủ tịch của công ty cho biết, nhân viên bán hàng giao xe hơi và xe tải đến tận nhà hoặc các địa điểm khác, chẳng hạn như sân bay.
Các phòng trưng bày của Ricart cũng mở cửa cho khách hàng miễn là họ đã đặt hẹn.
Ricart nói: “Phòng trưng bày chỉ mở cửa để kết thúc giao dịch, ném chìa khóa từ khoảng cách sáu feet và nhận những giấy tờ ký kết.”
Trao đổi xe cũng có thể được xử lý trực tuyến, những chiếc xe cũ của khách hàng sẽ được đem đi khi mà chiếc xe mới được giao đến. Trên trang của Fiat Chrysler, Stewart nói, khách hàng có thể báo cáo tình trạng chung của chiếc xe để có được giá trị trao đổi ước tính.
Các vấn đề tài chính cũng có thể được chăm sóc trực tuyến, mặc dù cách xử lý giấy tờ giữa các tiểu bang có thể khác nhau và thậm chí cũng có sự khác nhau giữa các công ty tài chính. Trong một số trường hợp, tài liệu có thể được ký trực tuyến. Nếu khách hàng phải ký trực tiếp trên giấy, thì họ phải sử dụng loại bút được khử trùng cẩn thận. (Một số đại lý cung cấp loại bút được bọc trong vỏ (mỗi bút đều được bọc riêng biệt) và khách hàng có thể là người đầu tiên chạm vào bút)
Joe St. John, chủ tịch của cửa hàng bán lẻ kỹ thuật số cho AutoFi (AutoFi là một công ty điều hành các nền tảng tài chính trực tuyến cho các đại lý xe hơi) nói: Mặc dù một số bang đã cấm hoàn toàn việc bán xe dưới bất kỳ hình thức nào do đại dịch coronavirus, một số đại lý vẫn nhận đơn đặt hàng. Họ giữ hồ sơ đơn hàng cẩn thận và sẽ giao xe sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Những người trong ngành đồng ý rằng, ở một mức độ nào đó, sự thay đổi về cách bán xe sẽ là vĩnh viễn. Không phải là trải nghiệm trực tiếp ở đại lý sẽ biến mất. Nhưng bán hàng trực tuyến sẽ trở thành một phần lớn hơn của doanh nghiệp.
Cuối tháng trước, một nhân viên bán hàng từ Van Griffith Kia ở Gransbury, Texas, đã lái xe một giờ đồng hồ (đi đi về về) để giao một chiếc Kia Soul mới cho một người không thể ra ngoài vì lệnh cấm ra khỏi nhà. Thỏa thuận được thực hiện qua điện thoại.
Brad Ferris, giám đốc tài chính nói: “Chúng tôi là một đại lý nhỏ. Chúng tôi không thể bán 300 chiếc xe mỗi tháng như một số đại lý khác. Nhưng chỉ cần đạt 75 hoặc 80 chiếc thôi, thì chúng tôi cũng đã làm rất tốt rồi.”
Ông nói, đối với đại lý của chúng tôi, một hệ thống đặt hàng trực tuyến đắt tiền dường như là không đáng. Nhưng nếu việc kiểm dịch diễn ra lâu hơn, chúng tôi có thể phải xem xét đến nó.
Mai Phương
Tín dụng sụt giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
Tín dụng tăng trưởng chậm lại khiến thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa, dẫn đến doanh số giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đồng loạt giảm mạnh.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng tuần từ ngày 13-17/4.
Theo đó, lãi suất huy động VND không có nhiều biến động, hiện đang phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trong khi đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,5%/năm. Đây là mức lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Dù lãi suất giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất kém
Đáng nói, doanh số giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh.
Cụ thể, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND trong kỳ đạt xấp xỉ 249.834 tỷ đồng, bình quân 49.967 tỷ đồng/ngày, giảm 4.490 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 120.042 tỷ đồng, bình quân 24.008 tỷ đồng/ngày, tăng 497 tỷ đồng/ngày so với tuần trước.
Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (71% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (15% tổng doanh số giao dịch).
Không chỉ doanh số giao dịch giảm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh. Đối với các giao dịch bằng VND, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 1,69%/năm, 1,93%/năm và 2,94%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm sâu tới gần 1 điểm phần trăm so với tuần trước đó (lần lượt 2,78%/năm, 2,89%/năm và 3,64%/năm).
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần cũng giảm mạnh ở các kì hạn chủ chốt so với mức lãi suất tuần trước. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 1,17%/năm, 1,18%/năm và 0,79%/năm xuống mức 0,21%/năm, 0,37%/năm và 1,01%/năm.
Việc giá trị giao dịch và lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh cho thấy các ngân hàng đang khá dư thừa thanh khoản nên không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.
Nguyên nhân có thể đến từ tăng trưởng tín dụng chậm do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 16/4, dịch Covid-19 đã tác động đến ngành ngân hàng, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,78% so với cuối năm 2019.
Trước đó, cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,3%. Như vậy, kể từ đầu tháng 4, tín dụng đã sụt giảm hơn 5%.
Linh Nhật
Các hãng bán lẻ trực tuyến "bội thu" trong mùa dịch Covid-19 Trái với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của các hãng bán lẻ trực tuyến lại bật tăng mạnh. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động đi lại và thực hiện giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến trở...