Đài Loan nhận phi cơ cảnh báo sớm tối tân từ Mỹ
Đài Loan vừa nhận hai chiếc phi cơ cảnh báo sớm được nâng cấp từ Mỹ, một động thái được cho là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên không.
Một trong hai chiếc E-2K mà Đài Loan vừa nhận tại cảng Cao Hùng. Ảnh: CNA
Sự xuất hiện của hai chiếc máy bay E-2K mới đã đưa số lượng của loại phi cơ tiên tiến này trong phi đội của Đài Loan lên thành 6 chiếc, AFP đưa tin. Đài Loan nhận 4 chiếc E-2T ít ưu việt hơn từ Mỹ hồi năm 1995 và đón thêm hai chiếc E-2K vào năm 2006.
Hai năm sau đó, Mỹ đồng ý nâng cấp 4 chiếc E-2T lên thành E-2K như một phần trong hợp đồng vũ khí 6,5 tỷ USD từng khiến Trung Quốc không hài lòng. Hai chiếc E-2K mà Đài Loan vừa nhận là hai chiếc cuối cùng trong số 4 chiếc phi cơ được nâng cấp.
Hợp đồng 6,5 tỷ USD kể trên cũng bao gồm các tên lửa đánh chặn tiên tiến Patriot, trực thăng tấn công Apache và các tên lửa được phóng từ tàu ngầm.
Đài Loan từ chối cung cấp thông số kỹ thuật của phi cơ E-2K, vốn là một phiên bản cải tiến từ chiếc E-2T do Northrop Grumman sản xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng E-2K tương tự như phi cơ E-2C 2000 đang được hải quân Mỹ sử dụng.
Được trang bị các cánh quạt 8 cánh và một vòm tròn ở phía sau, nơi có các antenna dành cho những radar tầm xa, các phi cơ E-2K đã được đưa tới cảng Cao Hùng ở miền nam của đảo Đài Loan hôm qua. Một bức ảnh được đăng trên tờ Liberty Times của Đài Loan cho thấy hai chiếc máy bay mới, với các cánh được gập lại và được che phủ toàn bộ bằng một tấm nhựa trắng bảo vệ màu trắng, được kéo từ cảng tới một sân bay ở gần đó. Báo này còn cho hay hai chiếc máy bay được cho là sẽ bay về căn cứ nhà ở huyện Bình Đông, phía nam của Đài Loan trong vòng một tuần.
Giới phân tích cho rằng các máy bay này, vốn được trang bị nền tảng hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trong mọi điều kiện thời tiết với các radar, phần mềm, điện tử hàng không và cánh quạt được nâng cấp, sẽ giúp tăng khả năng cảnh báo nhanh nếu Trung Quốc phát động một cuộc không kích vào Đài Loan.
Video đang HOT
Trung Quốc nhiều lần đe dọa tấn công Đài Loan nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập chính thức, khiến lãnh đạo Đài Loan phải tìm kiếm những vũ khí tiên tiến hơn, chủ yếu là từ Mỹ.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan được cải thiện kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền tại đảo này và tăng cường liên kết thương mại cũng như du lịch với đại lục. Ông Mã tái cử vào tháng 1/2012 và có nhiệm kỳ cuối cùng kéo dài đến năm 2016. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và thể hiện quan điểm sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần.
Theo VNE
Nhật đầu tư "khủng" cho hệ thống cảnh báo sớm
2 năm trước, một trận động đất mạnh 9,0 độ richter đã tạo ra cơn sóng thần khổng lồ khiến 19.000 người Nhật thiệt mạng. Trước thềm lễ kỷ niệm 2 năm sự kiện đau buồn, một hệ thống mới cảnh báo sớm sóng thần hiện đại đã được ra mắt.
Khi một trận sóng thần đem ngòm, cuồn cuộn quét qua các tỉnh vùng Đông Bắc Nhật bản ngày 11/3/2011, cuốn trôi nhiều nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền, ít có ai dự báo chính xác được quy mô của thảm họa này. Khi đó, Cơ quan khí tượng Nhật, đơn vị chịu nhiều chỉ trích sau thảm họa, chỉ cảnh báo về một trận sóng thần cao 3m trong khi chiều cao thực tế của sóng thần lên tới 40m.
Bên trong trung tâm khí tượng Nhật Bản
Hôm nay, khi cả nước Nhật đang chuẩn bị lễ kỷ niệm lần thứ 2 cho thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 19000 người, cũng chính cơ quan trên vừa cho ra mặt Hệ thống cảnh báo sóng thần mới, được thiết kế để đảm bảo rằng những dự báo thiếu chính xác sẽ không lặp lại.
Từ lâu Nhật đã nổi tiếng không chỉ bởi nằm trong khu vực địa chất hoạt động nhiều nhất thế giới với khoảng 100.000 trận động đất mỗi năm, mà còn bởi họ có những công nghệ dự báo thảm họa tiên tiến nhất thế giới.
Từ những cảm biến đo áp lực dưới đáy biển tới hệ thống báo động sẽ khiến điện thoại di động đổ chuông vài giây trước khi các tòa nhà bị rung lắc, một loạt thiết bị công nghệ hiện đại đã khiến Nhật Bản trở thành người tiên phong trong công nghệ cảnh báo thảm họa.
Tuy nhiên sự kiện 11/3/2011 đã cho thấy ngay cả Nhật cũng không có đủ phương tiện để đối phó với một thảm họa có quy mô lớn như vậy, khi động đất có cường độ tới 9,0 độ richter, mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản. Kể từ đó đến nay, Tokyo đã đầu tư tới 3,5 tỷ Yên (tương đương 36,5 triệu USD) để nâng cấp hệ thống cảnh báo thảm họa quốc gia.
"Tôi nghĩ hoàn toàn đúng khi nói rằng Nhật có những hệ thống tốt nhất liên quan đến cảnh báo sóng thần gần bờ", Takeshi Koizumi, một điều phối viên cao cấp về thông tin động đất và sóng thần quốc tế tại Cơ quan khí tượng Nhật cho biết. "Đó không chỉ bởi các hệ thống phần cứng hay phần mềm mà còn bởi kinh nghiệm của chúng tôi.
Nhưng chúng tôi đã không nghĩ sẽ có một trận động đất mạnh hơn 9,0 độ richter. Vào ngày 11/3/2011 chúng tôi đã tuân thủ chính xác các quy trình cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút, nhưng cảnh báo đầu tiên của chúng tôi đã không chính xác. Chúng tôi phải rút kinh nghiệm từ đó và đó là nguyên nhân vì sao chúng tôi nâng cấp hệ thống của mình".
"Trái tim" của hệ thống phản ứng thảm họa quốc gia Nhật nằm trong một tòa nhà văn phòng màu xám không có gì nổi bật tại khu vực Otemachi, Tokyo. Bên trong là hàng chục màn hình máy tính với những biểu đồ nhiều màu sắc, một dãy những con số và những hình ảnh thực tế về các ngọn núi và bờ biển.
Đây là nơi các chuyên gia cảnh báo thảm họa thiên nhiên của Nhật làm việc 24/24 để theo dõi mọi rung chấn của Trái Đất cũng như những vận động khẽ nhất của núi lửa khắp Nhật Bản. Giải thích về hệ thống mới, ông Koizumi cho biết mục tiêu chính của công nghệ mới là tăng tốc độ và sự chính xác trong việc dự báo một trận sóng thần có thể diễn ra sau một trận động đất lớn.
Phần chính của hệ thống chính là một loạt các thiết bị có tên Thiết bị đo dịch chuyển mạnh băng rộng (Broadband Strong Motion Meters) được lắp tại 80 địa điểm khắp Nhật Bản với trị giá hàng triệu USD.
Khoảng 19.000 người Nhật đã thiệt mạng vì sóng thần năm 2011
Các thiết bị này đo được nhiều loại sóng địa chấn được tạo ra bởi một trận động đất. Và không giống các thiết bị hiện có tại Nhật, những thiết bị mới này được thiết kế với độ nhạy thấp để tránh làm cho những cảnh báo trở nên bão hòa với người dân khi một trận động đất mạnh xảy ra, giống như trường hợp của vụ việc hôm 11/3.
Ngoài ra còn có nhiều thiết bị tiên tiến khác trong đó có 3 hệ thống cảm biến xa bờ chiến lược có tên DART, bao gồm những cảm biến áp lực hiện đại được gắn sâu dưới đáy biển đặt ngoài khơi Thái Bình Dương. Các thiết bị này sẽ gửi thông tin về một cơn sóng thần đang ập tới cho các đài nổi trên mặt nước.
Hệ thống mới cũng bao gồm việc mở rộng mạng lưới trạm quan trắc địa chất hiện có với tổng cộng 261 trạm đã hoạt động, tăng mạnh so với con số 221 trạm hoạt động tại thời điểm xảy ra thảm họa 2 năm trước. Các trạm này được lắp đặt hệ thống pin mới, tuổi thọ cao để tránh những rắc rối từng gặp phải khi các trạm này cũng phải ngừng hoạt động vì mất điện do động đất, như đã xảy ra vào ngày 11/3.
"Trước đây, chúng tôi chỉ có các pin với tuổi thọ 3-4 giờ nhưng đợt mất điện ngày 11/3 kéo dài tới 1 ngày. Do đó các trạm quan trắc của chúng tôi cứ "chết" dần", ông Koizumi nói tiếp. "Với hệ thống pin mới của chúng tôi, các trạm có thể hoạt động tới 3 ngày khi có động đất mạnh".
Cũng như nhiều người Nhật khác, ông Koizumi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc động đất xảy ra 2 năm về trước. "Khi đó tôi đang làm việc tại văn phòng trên tầng 7 thì có động đất. Tôi không nghĩ nó mạnh tới 9,0 độ richter nên thấy rõ ràng có gì đó bất thường đang xảy ra.
Tôi cố giữ lấy máy tính để nó không bị hư hại. Khi rung chấn kết thúc, tôi chạy xuống Phòng địa chất và núi lửa. Tại đó không khí rất hỗn loạn. Rất nhiều người đã chạy tới trong đó có cả tổng giám đốc. Cảnh báo sóng thần đầu tiên được đưa ra trong vòng 3 phút. Nhưng thông tin đó, như mọi người đều biết, đã không phản ánh đúng thực tế".
Nhưng chỉ đến ngày hôm sau, tác động thực sự của thảm họa với được thấy rõ khi ông Koizumi được điều vào khu vực bị tàn phá để điều tra thảm họa.
Đem ra một bức ảnh chụp một vùng đất trống bị nước biển đen ngòm tràn qua, ông Koizumi nói: "Đây là một bức ảnh tôi chụp thành phố Rikuzentakata từ trực thăng vào ngày 12/3. Khi đến khu vực này tôi nhớ mình đã nghĩ: "Ồ, ở đây sạch quá. Chẳng có gì cả". Rồi tôi mới nhận ra rằng tại nơi trống trơn này từng có một thành phố. Toàn bộ khu vực đã bị quét sạch. Trong số 16.640 cư dân tại đây, 2170 người đã chết hoặc mất tích. Không lời nào có thể miêu tả cảnh tượng này".
Theo Dantri
Giảm trí nhớ do ngủ trưa quá nhiều Ngủ trưa thường xuyên và ngủ quá lâu có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh mất trí nhớ. Những nhà nghiên cứu ở Pháp xem xét kết quả từ 5.000 người trên 65 tuổi và thấy rằng những người thường xuyên ngủ trưa lâu có điểm số thấp hơn trong những bài kiểm tra về khả năng thần kinh. Trong...