Đài Loan bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 nội địa
Từ ngày 23-8, Đài Loan bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên do hòn đảo này tự phát triển cho người dân.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn là một trong những người đầu tiên tiêm vắc xin này.
Hộp vắc xin Medigen do công ty Đài Loan sản xuất – Ảnh: Medigen
Vắc xin Medigen là vắc xin tái tổ hợp, được phát triển trên cơ sở hợp tác với Viện Y tế quốc gia Mỹ. Vắc xin gồm 2 liều, mỗi liều cách nhau 28 ngày, được tiêm cho người từ 20 tuổi trở lên.
Tháng trước, Đài Loan phê duyệt khẩn cấp vắc xin nội địa Medigen sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Cơ quan chức năng đánh giá lượng kháng thể do vắc xin Medigen tạo ra không thấp hơn lượng kháng thể của vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và không có vấn đề an toàn nào đáng lo ngại.
Đây là nỗ lực tự chủ vắc xin của Đài Loan do tình trạng chậm giao hàng của các công ty cung ứng vắc xin trên toàn thế giới.
Dù vậy, theo Đài Channel News Asia, việc phê duyệt này cũng vấp phải phản ứng của một bộ phận dân chúng. Họ cho rằng chính quyền đã quá vội vàng khi cấp phép sử dụng vắc xin nội địa.
Video đang HOT
Cho đến nay, đã có hơn 700.000 người Đài Loan đăng ký tiêm vắc xin Medigen. Để chứng tỏ niềm tin với vắc xin tự phát triển và đảm bảo vắc xin an toàn, bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan, đã không tiêm các vắc xin Moderna hay AstraZeneca, hai loại vắc xin được triển khai ở hòn đảo, mà chờ tiêm vắc xin Medigen.
Medigen bác bỏ những ý kiến cho rằng vắc xin của họ không an toàn hay được tung ra thị trường quá vội vã. Công ty cho biết vắc xin có hiệu quả và được tiến hành các thử nghiệm đúng tiêu chuẩn.
Giám đốc điều hành của Medigen, ông Charles Chen cho biết: “Chúng tôi đã làm nhiều thử nghiệm, mọi người đều thấy vắc xin của chúng tôi an toàn như thế nào. Có rất ít tác dụng phụ, hầu như không gây sốt. Vì vậy, mọi người có thể yên tâm”.
Theo ông Chen, công ty đã công bố rất nhiều dữ liệu liên quan để chứng minh cả từ quan điểm khoa học và quan điểm so sánh, vắc xin Medigen tạo ra kháng thể rất tốt, do đó hiệu quả cũng được dự báo là tốt.
Đài Loan đã đặt hàng 5 triệu liều vắc xin Medigen đầu tiên và khẳng định người dân được tùy ý chọn tiêm vắc xin nào.
Cho đến nay, khoảng 40% trong số 23,5 triệu người Đài Loan đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin AstraZeneca hoặc Moderna.
Tuy nhiên hòn đảo này chưa phải đối mặt sức ép lớn trong việc phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Không giống nhiều nơi khác ở châu Á, Đài Loan chỉ ghi nhận khoảng vài chục ca nhiễm trong cộng đồng mỗi ngày và vẫn kiểm soát tình hình dịch bệnh rất tốt.
Người phụ nữ bị đũa cắm vào sọ suốt 1 tuần mà không hề hay biết
Đây là một tai nạn hi hữu hội tụ rất nhiều yếu tố trùng hợp ngẫu nhiên.
Một tai nạn hi hữu vừa xảy ra ở Đài Loan, trong đó, một người phụ nữ bị hai mảnh đũa dài tổng cộng 8,5 cm cắm sâu vào xoang sọ mà không hề hay biết. Cô gái 29 tuổi vẫn hít thở, sinh hoạt bình thường suốt 1 tuần lễ sau khi tai nạn xảy ra.
Báo cáo trên Tạp chí Y khoa The Journal of Emergency Medicine, các bác sĩ Đài Loan cho biết đây là một trường hợp may mắn hội tụ rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Đầu tiên, người phụ nữ đã có một cuộc ẩu đả trên bàn ăn với em gái của mình. Người em đã tấn công người chị bằng một đôi đũa nhựa.
Đôi đũa sau đó bị gãy ra thành 2 mảnh một mảnh dài 3,5 cm, mảnh còn lại dài 5 cm và cắm ngập vào vách ngăn mũi của người chị. Điều đáng nói là các mảnh đũa này sau đó đã chui lọt vào xoang sọ theo đúng tuyến đường mà các bác sĩ hay sử dụng khi tiến hành phẫu thuật xoang sàng - khoang xoang nằm giữa khóe mắt và sống mũi.
Kết quả là nó chỉ để lại một vết rách nhỏ trên mũi người phụ nữ, trông giống như một vết thương vô hại. Hai mảnh đũa cắm vào xoang lên đến tận khoé mắt, nhưng chỉ khiến người phụ nữ nghĩ rằng mình bị đấm vào mắt nên khóe mắt mới sưng lên.
Mặc dù cô ấy đến bệnh viện và đã được chụp X quang, nhưng vì đôi đũa làm bằng nhựa, nó trở nên vô hình dưới tia X. Các bác sĩ không thấy bất thường nào trên phim chụp nên đã cho người phụ nữ về nhà. Cô gái vẫn hít thở và sinh hoạt bình thường do xoang sàng không ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động hô hấp.
Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, người phụ nữ bắt đầu nghi ngờ vết thương của mình nghiêm trọng hơn vẻ ngoài của nó. Các bác sĩ ở Bệnh viện Hualien Tzu Chi ở Đài Loan cho biết cô ấy thấy lo lắng khi tìm lại được đôi đũa mà người em đã dùng để tấn công mình, nhưng hai đầu của nó bị gãy mà không thấy đâu cả.
Người phụ nữ sau đó đã soi gương và phát hiện một vật thể màu xám trong mũi mình. Cô ngay lập tức quay lại bệnh viện và các bác sĩ lần này đã nhìn thẳng vào mũi để xác nhận mảnh đũa cắm trong đó.
Chỉ định chụp cắt lớp CT được đưa ra thay cho X quang và phim chụp sau đó chỉ ra có không chỉ một mà tới 2 mảnh đũa đã mắc kẹt trong xoang sàng người phụ nữ suốt 1 tuần.
Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật để giúp cô ấy lấy các dị vật ra ngoài: một mảnh đũa dài 3,5 cm và một mảnh dài 5 cm. Cô gái không gặp bất kỳ biến chứng nào sau phẫu thuật và đã xuất viện khoẻ mạnh.
Ảnh chụp CT cho thấy hai mảnh đũa dài tổng cộng hơn 8,5 cm đã cắm vào xoang sọ của người phụ nữ.
Qua trường hợp hi hữu này, các bác sĩ Đài Loan cảnh báo nhiều trường hợp có dị vật xâm nhập hộp sọ chỉ để lại các vết rách nhỏ trên da mà không có triệu chứng. Họ cho biết chụp phim X quang sẽ không thể phát hiện ra dị vật bằng nhựa, chẳng hạn như đũa hay khi trẻ em nuốt phải lego...
Nếu các bác sĩ nghi ngờ có dị vật nằm gần mũi, điều quan trọng là họ phải kiểm tra tai, mũi, họng bằng mắt thường, nội soi cũng như chụp cắt lớp CT để xác định nó càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, các tai nạn nguy hiểm với đũa vẫn thường hay xảy ra ở các nước Châu Á sử dụng nó làm công cụ gắp thức ăn. Năm 2019, một bé gái 17 tháng tuổi ở Vũ Hán Trung Quốc cũng đã bị đũa cắm từ vòm miệng lên tới não sau khi bị ngã lúc đang ăn.
Chiếc đũa cắm sâu 2 cm vào tiểu não vận động nhưng đã trượt khỏi thân não tránh cho cô bé một tai nạn chết người. Các bác sĩ ở Bệnh viện Vũ Hán đã phẫu thuật thành công để cứu sống bé gái. Nhưng họ cảnh báo không phải ai gặp tai nạn với đũa cũng may mắn đến vậy.
Mỗi năm, chỉ tính riêng ở bệnh viện này đã tiếp nhận hơn một chục ca tai nạn xảy ra với đũa. Các bác sĩ cho biết đũa, đặc biệt là đũa gỗ, là một vật thể không vệ sinh. Vì vậy, khi nó xâm nhập cơ thể có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các vật thể khác. Tai nạn với đũa đặc biệt hay xảy ra với trẻ nhỏ, do đó, các bậc cha mẹ nên giám sát con mình trong khi chúng học sử dụng công cụ này.
Con người có thể có nọc độc như rắn trong tương lai? Nghiên cứu mới đây phát hiện ra mối liên hệ giữa tuyến nước bọt ở động vật có vú và tuyến nọc độc của rắn. Các nhà khoa học tin rằng con người có khả năng có nọc độc trong tương lai. Một số loài động vật có vú, chẳng hạn như chuột, người hay chó, có khả năng phát triển nọc độc...