Đại gia xin ưu đãi khủng mua tàu cá 30 tuổi: “Sớm vào bãi đồng nát”
Theo Tổng thư ký Hiệp hội nghề cá Việt Nam, tàu cá 30 năm tuổi dù sửa chữa lại cũng sớm xếp vào bãi đồng nát.
Gửi trực tiếp hồ sơ xin cơ chế ưu đãi lên Chính phủ nhằm thực hiện dự án mua 100 tàu thủy, 2 máy bay trực thăng, 2 ụ nổi tuy nhiên dễ thấy trong hồ sơ của Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) có những nội dung yêu cầu vượt quá quy định của luật pháp và nhiều điểm bất thường.
Cụ thể quy định tại Nghị định 52, tàu cá đã qua sử dụng muốn nhập về phải có tuổi đời không quá 8 tuổi trong khi tàu cá Công ty Đức Khải xin nhập về đều có “tuổi thọ” cao hơn quy định. Thậm chí có những con tàu khai thác từ năm 1985, tức có gần 30 năm khai thác sử dụng.
Trong số tàu cá được Công ty CP Đức Khải dự định nhập về có những con tàu có tuổi khai thác sử dụng đến 30 năm
Đánh giá chất lượng tàu có đến 30 năm khai thác, ông Trần Cao Mưu – Tổng Thư ký Hội nghề Cá Việt Nam khẳng định: “Với những tàu cá có tuổi đời cao như vậy, dù sửa chữa lại cũng chỉ có thể ra khơi đánh bắt thời gian ngắn, sau đó sẽ sớm vào bãi đồng nát”.
Theo đó, tàu cá dù là vỏ thép, vỏ nhôm, composite tổng hợp, sợi thủy tinh và được đóng ở đâu cũng chỉ có tuổi đời khai thác 25 – 30 năm. “Tất nhiên ngoài 30 năm tàu vẫn có thể ra khơi khai thác nhưng nó không khác gì con người đến tuổi nghỉ hưu, dù vẫn có thể làm được việc nhưng chậm chạp hiệu quả thấp và rủi ro cao”, ông Mưu dẫn chứng.
Một nguy cơ khác với tàu có tuổi đời cao là vấn đề xử lý môi trường. Trong dự án của Công ty Đức Khải có tàu cá bằng nhiều chất liệu từ nhôm, sắt, composite tổng hợp… với tàu 30 năm khai thác sớm muộn gì phải tái chế lại, khi đó vấn đề xử lý không hề dễ.
Cụ thể, nếu tàu bằng vỏ thép, nhôm có thể tái chế lại thì tàu vỏ bằng composite tổng hợp sẽ không thể tái chế, như vậy vừa không thể đánh bắt lâu dài do tuổi cao, vừa phải lo bãi thải tập kết.
“Nếu cho nhập tàu 30 năm tuổi, chúng ta sớm phải giải quyết bãi thải cho nhưng con tàu này, dù có sửa chữa làm mới thiết nhưng khung tàu đã trải qua quá trình sử dụng dài, không thể sửa chữa một tàu 30 năm tuổi xuống còn 7 – 8 tuổi để kéo dài khai thác thêm 20 năm nữa”, ông Mưu khẳng định.
Video đang HOT
Ông Mưu tin rằng, với những phân tích trên chắc chắn Chính phủ sẽ không cho phép Công ty Đức Khải nhập những còn tàu có số tuổi vượt quá với quy định của luật (dưới 8 tuổi).
“Trước đây Bộ Thủy sản và hiện nay Tổng Cục Thủy sản quy định tàu cá đã qua sử dụng muốn nhập về Việt Nam không được vượt quá 8 tuổi, như vậy với số tuổi chung khai thác 30 năm, ít nhất tàu cá khi nhập về cũng được khai thác sử dụng tốt trong vòng 20 năm nữa. Nếu cho tàu tuổi cao được nhập về chỉ khai thác thời gian ngắn sau đó đưa vào bãi đồng nát thì sớm muộn chúng ta thành bãi phế thải tàu của các nước”, ông Mưu cho biết thêm.
Nhìn lại hồ sơ xin cơ chế ưu đãi của Công ty Đức Khải gửi lên Chính phủ có thể thấy, bên cạnh bất cập về tuổi đời tàu, vấn đề vốn thực hiện dự án cũng cho thấy nhiều điểm bất thường.
Trong tổng số vốn 1.500 tỉ đồng được dự tính để thực hiện dự án, doanh nghiệp Đức Khải chỉ có 150 tỉ đồng còn lại 1.350 tỉ đồng (90% tổng số vốn) Đức Khai xin cơ chế vay ưu đãi với lãi suất 1%.
Nếu được chấp nhận, Công ty Đức Khải dự định sẽ nhập 95 tàu đánh bắt (bình quân 8 tỷ đồng/chiếc), cùng với các ngư cụ trên tàu (khoảng 3 tỷ đồng/chiếc); 5 tàu dịch vụ hậu cần khoảng 15-20 tỷ đồng/chiếc, cùng với thiết bị chuyên dụng cho các tàu (thêm khoảng 10 tỷ đồng/chiếc); 2 trực thăng khoảng 60 tỷ đồng.
Trong số thiết bị nhập của Đức Khải, duy nhất 2 trực thăng được đơn vị này cho biết sẽ mua mới, còn lại với thiết bị trang bị trên tàu chưa biết là thiết bị mới hay cũ. Nhưng dù thiết bị mới nhưng trên những con tàu sắp trở thành phế liệu chắc chắn hiệu quả trông đợi sẽ không cao, thêm vào thời gian khai thác ngắn.
Tất cả yếu tố đó làm dấy lên lo ngại kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Đức Khải có nguy cơ thất bại, ngân hàng khó thu hồi vốn. Do đó sẽ là mạo hiểm với ngân hàng nếu cho Đức Khải vay số tiền lớn nhưng nhiều yếu tố rủi ro như thế.
Theo Giáo Dục
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản: Hết sức thận trọng với dự án mua 100 tàu cá
Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Võ Văn Trác - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, đây là dự án lớn cần hết sức thận trọng...
Ngay từ khi công bố, kế hoạch mua 100 tàu thủy, hai máy bay trực thăng, hai ụ nổi phục vụ cho việc khai thác đánh bắt thủy hải sản của Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) luôn được dư luận quan tâm đồng thời đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án.
Sự hoài nghi xuất phát từ việc bản thân Công ty Đức Khải chưa từng có kinh nghiệm trong khai thác, chế biến thủy hải sản, số vốn thực hiện dự án lớn. Đặc biệt, điều này càng có cơ sở khi mới đây phía Công ty Đức Khải đã trình lên Thủ tướng xin cơ chế ưu đãi cho dự án của doanh nghiệp. Như vậy, trong 1.500 tỉ đồng tổng số vốn thực hiện dự án, Công ty Đức Khải chỉ có 150 tỉ đồng, còn lại doanh nghiệp này xin đề xuất vay 1.350 tỉ đồng (bằng 90% tổng số vốn thực hiện dự án) với lãi suất ưu đãi 1%.
Ảnh đội tàu được cho là công ty Đức Khải muốn nhập về
Với thực lực như trên, liệu dự án của Công ty Đức Khải có khả thi? Phải chăng kế hoạch vay vốn của Đức Khải đã được tính toán kỹ để "đón lõng" tranh thủ nguồn hỗ trợ lớn từ Nghị định 67 (sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8/2014) về hỗ trợ ngư dân, trong đó có phần đóng tàu?.
Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Võ Văn Trác - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, đây là dự án lớn cần hết sức thận trọng, trước khi phê duyệt cần xem xét tham khảo ý kiến các bộ ngành, tham khảo các chuyên gia, hội ngành nghề, và của chính ngư dân không nên vội vàng.
PGS.TS Võ Văn Trác nhận định, có 4 yếu tố quan trọng cần xem xét trong dự án mua tàu cá và công cụ hỗ trợ để ra khơi đánh bắt thủy hải sản của Công ty Đức Khải.
Thứ nhất là tính hiệu quả của dự án, dù ý tưởng thành lập đội tàu ra khơi đánh bắt thủy hải sản nhằm góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam nhưng đây vẫn là dự án sản xuất kinh doanh. Do đó yếu tố đầu tiên là tính hiệu quả của dự án, hiệu quả có cả về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội.
Về kinh tế, sau khi tham gia dự án của Công ty Đức Khải đời sống của ngư dân liệu có được cải thiện? Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp như thế nào? Sản phẩm thủy hải sản sau khi được Công ty Đức Khải đánh bắt, sơ chế và xuất khẩu có nâng tầm thương hiệu thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hay không...? Có rất nhiều vấn đề cần phải tính đến.
Về hiệu quả xã hội, dự án nếu thành công sẽ tạo hiệu ứng tốt thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để ra khơi, ngược lại nếu không thành công sẽ tạo hiệu ứng xấu...
Thứ hai là tính bền vững của dự án, với kế hoạch ra khởi đánh bắt thủy hải sản không chỉ cần dự án nhất thời thay vào đó là dự án có tính bền vững xuyên suốt và liên tiếp. Từ đó tạo niềm tin cho ngư dân để họ yên tâm tham gia cùng doanh nghiệp.
Thứ ba mua sắm tàu nhưng ai sẽ là người sử dụng tàu đó khi trong cơ cấu đội tàu thường có từ 10 - 20 người. Theo Công ty Đức Khải sẽ hợp tác với ngư dân dựa vào kinh nghiệm của ngư dân, tuy nhiên vấn đề chính là vận hành tàu và chi phí bỏ ra ai phải chịu. Tàu được nhập về là tàu cũ đã qua sử dụng liệu có phù hợp với vùng biển Việt Nam cũng như chi phí nhiên liệu...
Thứ tư nguồn vốn, nếu dự án là nguồn vốn do doanh nghiệp tự bỏ ra vấn đề hoàn toàn lỗ lãi doanh nghiệp tự chịu, nhưng chủ yếu vốn thực hiện dự án là nguồn vốn vay, nếu dự án không thành công sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cho ngân hàng, tiền đó chu quy lại vẫn là tiền của dân.
Từ các yếu tố trên, PGS.TS Võ Văn Trác nhấn mạnh, trước khi phê duyệt dự án cần cẩn trọng xem xét vấn đề. Trước câu hỏi giữa việc cho doanh nghiệp vay vốn và cho ngư dân vay vốn thực hiện dự án đánh bắt thủy hải sản ai sẽ hiệu quả hơn? Tính hiệu quả dự án sẽ rất khó nói nếu chỉ nhìn vào con số đưa ra, về doanh nghiệp có lợi thế về vốn, trong khi ngư dân có lợi thế về kinh nghiệm. Vì vậy nếu kết hợp được hai yếu tố này sẽ mang lại hiệu quả.
Trong khi đó nói về tính cách của ngư dân và hợp tác giữa ngư dân với doanh nghiệp, PGS.TS Võ Văn Trác cho rằng, ngư dân Việt Nam mạnh mẽ kiên cường bám biển họ luôn muốn làm chủ biển khơi. Do đó cùng với Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ "Về một số chính sách phát triển thủy sản" với nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho ngư dân trong việc đóng mới, nâng cấp tàu và cho vay vốn lưu động đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ, chắc chắn ngư dân đang rất chờ đợi nghị định này có hiệu lực để họ được tiếp cận nguồn vốn và ra khơi.
"Do vậy thay vì làm việc cho doanh nghiệp, ngư dân được tiếp cận vốn sẽ có cơ hội làm chủ chính con tàu của mình, vì vậy để lựa chọn ngư dân sẽ muốn tự vay vốn đóng tàu và ra khơi bằng chính con tàu của mình hơn là thuê lại của doanh nghiệp dù tỉ lệ ăn chia ngư dân có được phần hơn nhưng không gì quý bằng việc họ tự làm chủ tàu của mình", PGS.TS Võ Văn Trác nhận định.
Nội dung Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ "Về một số chính sách phát triển thủy sản":
Chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và công suất máy chính.
Thời hạn vay là 11 năm, riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc; phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp; tài sản bảo đảm là chính con tàu được đóng bằng vốn vay.
Ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp. Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu từ 4-6%/năm tùy thuộc loại tàu và công suất máy.
Cho vay vốn lưu động lên tới 70% chi phí cho chuyến đi biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cầu trên biển; mức lãi suất cho vay trong năm đầu tiên là 7%/năm.
Cũng theo Nghị định này, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất 7%/năm.
Theo Giáo dục
Cận cảnh đội tàu sắp mua của đại gia Sài Gòn Trong tuần này, Công ty Đức Khải sẽ sang Hàn Quốc để đàm phán, quyết định 12 chiếc tàu đầu tiên trong đội tàu sẽ sơn ở đâu và đưa tàu về như thế nào. Kế hoạch dành hơn 1.500 tỉ đồng sắm đội tàu sắt gồm 95 chiếc để đánh bắt thủy, hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa,...