“Đại gia” xăng dầu nợ thuế gần 300 tỷ
Có tới 9 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang nợ thuế quá hạn (Ảnh minh họa)
Chiều 5/9, Tổng cục Hải quan cho biết, có tới 9 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang nợ thuế quá hạn tới 298 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2/3 số nợ thuế này là do xăng dầu tạm nhập tái xuất lưu tại Việt Nam quá thời hạn cho phép.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 4/9, các doanh nghiệp xăng dầu đã nợ thuế quá hạn đối với kinh doanh nội địa gần 106 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực tạm nhập tái xuất, do có quá nhiều hàng quá hạn nên khi tính ra số thuế phải thu, con số này lên tới hơn 192 tỷ đồng, cao gấp đôi tổng số nợ thuế hàng nội địa.
Petrolimex là đơn vị nợ thuế cao nhất với tổng số tiền lên tới 132 tỷ đồng. Trong đó, Petrolimex bị tính thuế cho các lô hàng tạm nhập tái xuất quá thời hạn lên tới 82,6 tỷ đồng. Khoảng hơn 49,4 tỷ đồng nợ thuế còn lại là hàng xăng dầu tiêu thụ nội địa.
Nợ thuế cao thứ 2 là Công ty TNHH một thành viên xăng dầu hàng không Việt Nam với số nợ 85,6 tỷ đồng, trong đó, nợ thuế xăng dầu nội địa gần 47 tỷ đồng và nợ thuế do hàng tạm nhập tái xuất quá hạn là 42,6 tỷ đồng.
Nợ thuế cao thứ 3 phải kể đến là Tổng công ty xăng dầu Quân đội với số nợ hơn 51,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đứng thứ 2 về nợ thuế do quá hạn tạm nhập tái xuất xăng dầu, với con số hơn 50 tỷ đồng. Thuế nhập khẩu nợ quá hạn đối với hàng nội địa chỉ hơn 487 triệu đồng.
Video đang HOT
Đứng thứ 4 trong “thứ hạng nợ nần” này là Tổng công ty Dầu Việt Nam khi nợ gần 24,4 tỷ, trong đó, hơn 15,6 tỷ đồng thuế là do hàng tạm nhập tái xuất quá hạn. 5 doanh nghiệp khác bị “bêu” tên trong danh sách này có số nợ không cao, như Tổng công ty Thương mại và kỹ thuật đầu tư, Công ty CP lọc hóa dầu Nam Việt, Công ty TNHH thương mại một thành viên dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP dầu khí Mê Koong và Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Số nợ thuế của các doanh nghiệp này chỉ từ 20 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho tiêu thụ nội địa chỉ được ân hạn thuế trong thời hạn 30 ngày. Đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất, các doanh nghiệp không phải nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa loại hình kinh doanh này chỉ được phép lưu tại Việt Nam 120 ngày và được gia hạn không quá 2 lần, mỗi lần 30 ngày. Tổng thời gian tối đa được phép lưu tại Việt Nam cho một lô hàng xăng dầu nhập theo loại hình này là 180 ngày. Ngoài ra, khi hết thời hạn trên, các doanh nghiệp cũng phải chịu giới hạn 15 ngày tối đa chấp hành nộp thuế cho lô hàng tạm nhập tái xuất . Nếu quá thời hạn này mà không tái xuất, doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế nhập khẩu như hàng tiêu thụ nội địa kèm theo các khoản phạt chậm nộp thuế. Như vậy, tổng thời gian “ân hạn” nộp thuế cho xăng dầu tạm nhập tái xuất lên tới 195 ngày.
Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, 192 tỷ đồng nợ thuế trên là do các doanh nghiệp đã lưu xăng dầu tạm nhập tái xuất quá 195 ngày, tương ứng 6 tháng 15 ngày. Tính từ ngày 4/9 trừ lùi trở về trước, các lô hàng xăng dầu trên đã được nhập ở thời điểm tháng 1-2 năm nay theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng đến nay, vẫn chưa tái xuất đúng đăng ký.
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Petrolimex nói rằng khá bất ngờ về các con số do Tổng cục Hải quan công bố.
“Quy trình của hải quan là nếu quá hạn tạm nhập tái xuất thì sẽ không được nhập lô tiếp theo. Tương tự, nếu chậm nộp thuế ở hàng tiêu thụ nội địa thì cũng sẽ bị cưỡng chế ở lô hàng nhập kế tiếp. Thực tế kinh doanh thời gian qua, chưa bao giờ Petrolimex bị hải quan cưỡng chế lô hàng nào”, ông Bảo khẳng định.
Cũng theo ông Bảo cho hay, lượng hàng nhập của Petrolimex rất lớn, mỗi năm có hơn 300 chuyến tàu xăng dầu nhập về. Trung bình ngày nào trên cảng ở Việt Nam, cũng sẽ có ít nhất 1 chuyến tàu chở hàng xăng dầu của Petrolimex nhập cảng. Trong khi đó, hệ thống giám sát của hải quan rất chặt chẽ, nếu quá hạn sẽ bị cập nhật công khai ngay trên mạng. Tuy nhiên, khi Petrolimex không có chuyến hàng nào bị cưỡng chế thì chứng tỏ khó có chuyện Petrolimex chậm nộp thuế quá hạn.
Ông Bảo nhấn mạnh: “Dù vậy, để thông tin chính xác, Tập đoàn đang khẩn trương kiểm chứng toàn bộ các con số trên, bao gồm cả việc kiểm tra ở các đơn vị thành viên”.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan lưu ý, các con số này sẽ nói được phần nào về tình trạng lưu quá hạn hàng xăng dầu tạm nhập ở mức nào. Hiện, Tổng Cục đang tiến hành rà soát toàn bộ các dấu hiệu lách luật trong tạm nhập tái xuất hàng hóa nói chung, bao gồm cả xăng dầu.
Theo VNE
Lại nơm nớp lo xăng chuẩn bị tăng giá
Người tiêu dùng qua kỳ nghỉ lễ 2/9 lại bắt đầu nơm nớp lo sợ xăng sẽ tăng giá tiếp. Bởi hôm nay đã là ngày thứ 8 kể từ lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất (28/8).
Mặc dù đã tăng giá liên tục 3 lần trong tháng 8 và lần tăng gần đây nhất cách đây khoảng 1 tuần (28/8), một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu lại than lỗ và đòi tăng giá tiếp.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối cho biết, hiện so với mức giá xăng dầu bán lẻ trong nước mới tăng hôm 28/8, giá cơ sở vẫn cao hơn từ 1.000 tới 1.200 đồng/lít xăng.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết, ngay lần điều chỉnh tăng giá xăng gần đây nhất, các doanh nghiệp đã lỗ. Tuy ông Năm không tiết lộ mức giá đề xuất tăng của Petrolimex, song một doanh nghiệp khác cho hay hầu hết doanh nghiệp đầu mối đều đề nghị mức giá tương tự nhau với mức tăng không dưới 1.200 đồng/lít xăng, trong khi mức tăng được Bộ Tài chính duyệt chỉ 650 đồng/lít. Cộng thêm 200 đồng trích từ Quỹ bình ổn, các doanh nghiệp vẫn lỗ đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết vẫn đang lỗ
"Từ 28/8 đến nay, giá xăng dầu thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tục. Tính đến hôm nay, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng tại Petrolimex đã lên tới 1.000 đồng/lít. Còn nếu so với mức giá bán lẻ cũ, chênh lệch này là gần 2.000 đồng/lit", ông Năm nói.
Người tiêu dùng qua kỳ nghỉ lễ 2/9 lại bắt đầu nơm nớp lo sợ xăng sẽ tăng giá tiếp. Bởi hôm nay đã là ngày thứ 8 kể từ lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất (28/8), mà theo quy định tại Nghị định 84 thì nếu xăng tăng giá phải tối thiểu là 10 ngày, còn giảm giá thì tối đa 10 ngày. Thông thường đây là thời điểm để các doanh nghiệp đầu mối đề xuất tăng giá lên Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm khẳng định, dù chịu lỗ song doanh nghiệp hiện chưa có đề xuất gì về giá lên Bộ Tài chính mà đang xem xét tình hình. "Nếu giá xăng dầu trên thị trường vẫn tiếp tục tăng thì việc tăng giá xăng dầu trong nước là điều khó tránh, nhưng cũng phải theo quy định chứ không thể muốn tăng là được. Điều quan trọng bây giờ là bình ổn thị trường. Petrolimex vẫn cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các công ty thành viên, các đại lý theo đúng như hợp đồng đã ký trước đó, chứ không có việc hạn chế cung hàng. Trong những ngày qua, doanh nghiệp đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng hay dừng bán với các lý do không đúng sẽ kiến nghị quản lý thị trường ra quyết định xử phạt nghiêm, nếu cần thiết sẽ tước giấy phép kinh doanh", ông Năm nói.
Một đại diện của Saigon Petro cũng cho biết doanh nghiệp đang lỗ đáng kể song vẫn chưa có kiến nghị gì về giá lên Bộ Tài chính. "Chúng tôi đang đợi tình hình mấy hôm nữa xem thế nào".
Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (31/8), giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 tăng 1,85 USD, tương ứng 2%, lên 96,47 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Tính chung cả tuần, dầu thô New York tăng 0,3%, đưa mức tăng cả tháng lên 9,6%, cao nhất kể từ tháng 2 tới nay. Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới nay, giá dầu thô loại này đã giảm 2,4%.
Tại sàn giao dịch London (Anh quốc), giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc cũng tăng tới 1,92 USD lên 114,57 USD/thùng.
Trong tháng 8 vừa qua, giá xăng thế giới đã tăng tới 6,6%, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3 tới nay, nâng mức tăng cả năm lên gần 16%. Tương tự, trong tháng 8, giá dầu sưởi đã tăng gần 12%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2010.
Theo VNE
Mỗi lít xăng 'cõng' 6.500 đồng thuế, phí Nhu cầu gỡ bỏ các khoản thuế, phí với giá xăng dầu đang ngày một trở nên bức bách khi giá cả trên thị trường thế giới leo thang. Tuy nhiên, đây được xem là một bài toán không hề đơn giản với các cơ quan quản lý. Câu chuyện thuế, phí được nhắc đến từ lâu và càng trở nên bức xúc...