Đại gia đã bớt thao túng ngân hàng
Sau 4 năm tái cơ cấu ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn tồn tại, nhưng các cổ đông lớn không còn dám mạnh tay thao túng ngân hàng để vỗ béo cho công ty sân sau như trước.
Công cuộc tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn I bắt đầu kết thúc. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước ( NHNN), sau giai đoạn này, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng.
“NHNN đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm dần (chỉ còn 3 cặp tổ chức tín dụng có sở hữu chéo). Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp tập trung ở một số ngân hàng TMCP, nhưng tỷ lệ không lớn. Tình trạng một tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một số tổ chức tín dụng hoặc một số tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng đã giảm so với thời gian trước đây”, ông Nghĩa nói.
Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank) là một trong số các thương vụ M&A ngân hàng thời gian qua
Thực tế, giai đoạn 2011-2015, hàng loạt thương vụ sáp nhập, hợp nhất liên quan đến sở hữu chéo đã diễn ra. Đầu tiên là trường hợp 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), sau đó là trường hợp Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), MaritimeBank sáp nhập Tài chính dệt may, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chung sở hữu nhà nước, Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, số lượng ngân hàng vẫn liên quan đến sở hữu chéo còn rất nhiều. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng sở hữu cổ phần tại nhiều tổ chức tín dụng nhất: 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trong đó, Vietcombank đang nắm 9,59% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), 8,24% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), 5,07% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và trên 8% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank).
Tương tự, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị, trong đó nắm giữ cổ phần lớn tại Sacombank. Bên cạnh đó, tình trạng ngân hàng và doanh nghiệp sở hữu cổ phần lẫn nhau vẫn còn rất lớn. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng tuy đã loại một số ông chủ yếu kém ra khỏi lĩnh vực ngân hàng, song lại xuất hiện những ông chủ mới và vẫn tiếp tục gắn với “sân sau”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, tình trạng sở hữu chéo tuy vẫn còn, song điều đáng mừng là các cổ đông lớn đã biết sợ, không còn dám lũng đoạn ngân hàng để sử dụng vốn cho các công ty sân sau như trước. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, quá trình xử lý sở hữu chéo đang chậm lại. Dù sở hữu chéo đã giảm khá mạnh, song “mạng nhện” sở hữu chéo vẫn chưa được xử lý dứt điểm và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Video đang HOT
Về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện một cách quyết liệt đã giúp tình trạng sở hữu chéo cơ bản gần như chấm dứt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như mong muốn, cần có cơ chế thanh lọc cơ cấu cổ đông nhằm loại trừ sự liên kết móc ngoặc giữa các cổ đông.
“Điều đó sẽ đảm bảo cho thành công của quá trình tái cơ cấu này không bị đảo ngược”, TS. Trương Văn Phước khuyến cáo.
Theo Báo Đầu Tư
Sở hữu chéo ngân hàng đã được đẩy lùi?
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng đã được xử lý từng bước, nhất là từ sau khi tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh các cặp đôi hợp nhất, sáp nhập.
Đây là một trong những nhận định tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá 13 đến năm 2015. Cơ quan của Quốc hội đánh giá hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có hiệu quả, nợ xấu giảm nhanh, song vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp cần xử lý, khắc phục...
Chuyện dài sáp nhập
Báo cáo thẩm tra cho biết: Tính đến cuối năm 2014, chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Quá trình "bóc tách" dần sở hữu chéo, đầu tư chéo ở lĩnh vực ngân hàng đã có kết quả sau những nỗ lực tăng cường thanh tra giám sát, yêu cầu các ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất.
Thực tế, giai đoạn 2011-2014, hệ thống ngân hàng đã diễn ra cuộc sáp nhập, hợp nhất, gồm: 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng SCB, SHB-Habubank, PVFC- WesternBank. Từ đầu năm 2015 đến nay, tiếp tục có thêm 3 thương vụ sáp nhập được tiến hành rốt ráo như: MaritimeBank- MekongBank, BIDV - MHB, Vietinbank - PGbank.
(Ảnh minh họa)
Trong tháng 10/2015 tới, dự kiến sẽ có hai cuộc sáp nhập giữa ngân hàng - Công ty tài chính sẽ trình ĐHCĐ thông qua là Ngân hàng SHB- Công ty tài chính VVF, Ngân hàng MB- công ty Tài chính Sông Đà. Hai cuộc sáp nhập này đã được NHNN chấp thuận về chủ trương sáp nhập, chờ ý kiến thông qua của ĐHCĐ để tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Trong số các cặp đôi tiến hành M&A, đa phần có chung sở hữu cổ đông, hoặc sở hữu chéo lẫn nhau, có đầu tư chéo... nên việc thu gọn "về chung một nhà" diễn ra khá thuận lợi, được các bên đồng thuận.
Như vậy, đến cuối năm 2015, dự kiến sẽ có tổng số 9 tổ chức tín dụng (TCTD) biến mất sau các thương vụ hợp nhất, sáp nhập, giải thể. Không chỉ giảm nhanh số lượng tổ chức, NHNN đã xem xét, yêu cầu các ngân hàng TMCP xây dựng phương án tái cơ cấu làm sao sau M&A phải cải thiện hoạt động kinh doanh, tài chính lành mạnh, giảm nợ xấu, tăng cường quản trị rủi ro...
>> Sở hữu chéo ngân hàng: Nên sớm xoá sổ?
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, đánh giá về chặng đường tái cơ cấu hơn 3 năm qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Các TCTD yếu kém đã được kiểm soát, xử lý một bước theo các phương án tái cơ cấu, và đều có tình hình hoạt động ổn định, cải thiện hơn trước khi cơ cấu lại. Từ đó, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi, tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội..."
Hiện, vẫn còn một số ngân hàng có liên quan sở hữu chéo lẫn nhau thông qua các công ty và đơn vị thành viên của chủ sở hữu. Song, NHNN vẫn đang xem xét, đánh giá để có quyết định cho các cặp đôi này sáp nhập hay không, đảm bảo việc sáp nhập thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, đúng pháp luật.
Với nỗ lực sàng lọc các ngân hàng yếu kém, NHNN khuyến khích các TCTD tìm kiếm, lựa chọn đối tác phù hợp để M&A hoặc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia để có nguồn lực thực sự, giúp ngân hàng tái cơ cấu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, "việc tái cơ cấu các TCTD và xử lý các tổ chức yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định"- Báo cáo thẩm ra nêu rõ.
Nợ xấu giảm nhanh
Trước những yêu cầu của Quốc hội đặt ra cho hệ thống ngân hàng, Chính phủ và NHNN đã hoàn thiện cơ chế, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ xấu, ngân hàng yếu kém.
Động thái mạnh tay nhất gần đây là NHNN đã đặt một số ngân hàng có sai phạm vào diện kiểm soát đặc biệt, hoặc mua lại các ngân hàng có nguy cơ phá sản, kinh doanh mất vốn dưới mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng...
Riêng về nợ xấu, những giải pháp xử lý tích cực hơn đã được áp dụng như: bán nợ cho Công ty VAMC, xử lý thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm... Kết quả là đã giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu, dư nợ xấu trong hệ thống.
>> Thêm "rào" chặn sở hữu chéo ngân hàng
Số liệu của Chính phủ cho hay, đến cuối tháng 8/2015, toàn hệ thống ngân hàng chỉ còn tỷ lệ nợ xấu 3,2% tổng dư nợ và phấn đấu giảm về mức dưới 3% đến ngày 30/9/2015. Song Chính phủ cũng nhận định công tác xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong vòng 3 năm qua, hệ thống ngân hàng đã xử lý được tổng số 311.100 tỷ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 67% tổng số nợ xấu (số liệu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012).
Chất lượng tín dụng được cải thiện, báo cáo chính xác, minh bạch hơn. Tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm song quy mô vẫn lớn, gây khó khăn cho hoạt động đẩy vốn ra thị trường.
Dù vậy, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá cao những chính sách, biện pháp kiểm soát, xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tín dụng của NHNN và hệ thống từ năm 2012 đến nay. Nhất là ngân hàng đang phải dồn sức tái cơ cấu, dọn dẹp nợ xấu nhưng vẫn có những hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Theo Thời báo Kinh doanh
Dự án Luật đấu giá tài sản: VAMC và các TCTD bị lãng quên? Để tạo thuận lợi cho TCTD trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo cần có quy định riêng cho TCTD về việc xử lý đấu giá tài sản không thành. Dự án Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 77 điều, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến với sự đồng thuận của đa số...