Đại đội từng tử thủ trước 3.000 phiến quân
158 lính gìn giữ hòa bình Ireland từng kiên cường chiến đấu với phiến quân Cộng hòa Congo đông gấp gần 20 lần suốt 5 ngày vào năm 1961.
Quân đội Ireland cử lực lượng tới Cộng hòa Congo làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh làn sóng bạo lực càn quét quốc gia Trung Phi này trong những ngày đầu sau khi giành độc lập từ Bỉ tháng 6/1960.
Cộng hòa Congo rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng phần lớn tập trung tại vùng Katanga ở phía đông nam. Tin rằng có thể tập hợp liên minh giữa lực lượng vũ trang địa phương Katanga và lính đánh thuê châu Âu, chính trị gia kiêm doanh nhân Moise Tshombe đã kêu gọi Katanga ly khai khỏi Cộng hòa Congo.
Lính gìn giữ hòa bình Ireland triển khai ở Cộng hòa Congo năm 1960. Ảnh: Wikipedia .
Bất ổn chính trị và xung đột sắc tộc ở Cộng hòa Congo bất ngờ bùng phát thành nội chiến toàn diện, khiến Liên Hợp Quốc quyết định triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này. Sau đợt triển khai quân đầu tiên, lãnh đạo Cộng hòa Congo tiếp tục yêu cầu chi viện và binh sĩ Ireland được điều động.
Đơn vị gìn giữ hòa bình được triển khai đến Katanga là Đại đội A thuộc Tiểu đoàn bộ binh số 35 Ireland, gồm 158 binh sĩ chưa có kinh nghiệm chiến đấu, được trang bị phần lớn vũ khí sót lại từ Thế chiến II như súng máy Vicker, cối 60 mm, súng chống tăng và súng máy hạng nhẹ Bren.
Video đang HOT
Họ còn có một xe tải và hai xe jeep, trong khi liên lạc vô tuyến không thông suốt. Với khí tài như vậy, họ không đủ hỏa lực để chống lại lực lượng phiến quân với 3.000 tay súng được máy bay và pháo binh yểm trợ.
Tình hình chính trị ở Katanga liên tục xấu đi, trong khi dân địa phương cũng phản đối sự hiện diện của lính Ireland. Thiếu tá Pat Quinlan, đại đội trưởng Đại đội A, lường trước nguy cơ và lệnh cho binh sĩ đào hào sâu 1,5 m, tích trữ nước và luôn mang theo vũ khí tại khu tổ hợp Jadotville, vốn là các tòa nhà bị bỏ hoang được trưng dụng làm nơi đóng quân.
Ngày 13/9, nhóm phiến quân Katanga bắt đầu tấn công Đại đội A. Sáng hôm đó, phần lớn binh sĩ đều tập trung làm lễ sáng chủ nhật, trong khi trung sĩ John Monahan vừa cạo râu xong và phát hiện phiến quân Katangan cùng lính đánh thuê đang tiến về phía họ.
Monahan vội lao đến khẩu súng máy gần nhất và nhanh chóng khai hỏa, đồng thời báo động cho đồng đội.
Trong lúc đưa vũ khí chủ lực vào tác chiến, lính Ireland bị bất ngờ bởi một loạt đạn cối của đối phương và nhận ra mình bị áp đảo về hỏa lực. Không lâu sau đó, họ phát hiện đối phương có ít nhất 3.000 tay súng, gấp gần 20 lần so với lực lượng phòng thủ tại Jadotville.
Đại đội A bị tấn công bằng cối và súng máy hạng nặng, trong khi một máy bay huấn luyện Fouga CM.170 Magister quần thảo trên đầu. Chính phi cơ này đã thả bom phá hủy phương tiện và tòa nhà binh sĩ Ireland đồn trú. “Khi đạn pháo dội xuống, tôi chỉ nghĩ chuyện quái gì đang xảy ra vậy. Chúng tôi là những người gìn giữ hòa bình, giờ tất cả sẽ bị giết”, binh sĩ Carey hồi tưởng.
Chuyên viên điện đài thuộc Đại đội A tại Cộng hòa Congo năm 1960. Ảnh: Wikipedia .
Đại đội trưởng Quinlan đã ra lệnh tích trữ nước sạch trước cuộc tấn công, nhưng cuộc giao tranh kéo dài nhiều ngày khiến họ cạn dần nguồn nước uống và đạn dược. Đối phương đã giành quyền kiểm soát một con sông gần đó, cắt đứt mọi đường tiếp tế.
Mỗi đợt tấn công thường có 600 tay súng được yểm trợ bởi cối 81 mm và pháo dã chiến 75 mm. Trung đội cối 60 mm của phía Ireland vô hiệu hóa phần lớn trận địa hỏa lực đối phương, phá hủy nhiều khẩu cối và pháo 75 mm.
Khoảng 500 lính gìn giữ hòa bình Ireland và Thụy Điển, cùng lực lượng Gurkha của Ấn Độ triển khai gần Katanga nhiều lần tìm cách tiếp cận giải vây cho Đại đội A. Tuy nhiên, các đơn vị lính đánh thuê, với nòng cốt là cựu binh Pháp, Đức, Bỉ và Nam Phi từng trải qua Chiến tranh Algeria, đã chặn đứng nỗ lực này.
Phiến quân Katanga liên tục bị đẩy lùi, nhưng vẫn tiến gần hơn đến các vị trí của lính Ireland. “Cho đến ngày nay, tôi không biết chúng tôi đã làm điều đó như thế nào, nhưng Quinlan là một nhà chiến thuật bậc thầy”, binh sĩ tên Gorman nói.
Một phi công người Na Uy dũng cảm lái trực thăng đến hồ nước gần đó để lấy nước tiếp tế cho Đại đội A, nhưng nước ở đây đã bị ô nhiễm và không thể sử dụng. Đây là nỗ lực cuối cùng của Liên Hợp Quốc nhằm cứu giúp nhóm binh sĩ Ireland.
Từ ngày 13-17/9, binh sĩ Ireland hứng chịu các cuộc tấn công ác liệt với khả năng đáp trả hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn khiến đối phương tổn thất nặng với 300 tay súng bị tiêu diệt, trong khi chỉ có 5 lính Ireland bị thương.
Sau 5 ngày cầm cự, Đại đội A đầu hàng phiến quân sau khi cạn kiệt nước và đạn dược. Họ bị bắt làm con tin và trở thành quân bài để phiến quân Katanga mặc cả với Liên Hợp Quốc nhằm giành độc lập. Tuy nhiên, toàn bộ 158 binh sĩ Ireland được thả chỉ sau 5 tuần.
Các binh sĩ Đại đội A bị coi là những kẻ hèn nhát trong suốt hàng chục năm sau, nhưng bộ phim “Cuộc vây hãm Jadotville” năm 2016 về trận đánh này đã giúp làm sáng tỏ quá trình chiến đấu của họ. Chính phủ Ireland cũng đồng ý trao bằng khen cùng huân chương cho tập thể và các cá nhân Đại đội A.
Mất an ninh lương thực đang đe dọa Tây và Trung Phi
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 16/4 tại Senegal, Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cho biết, không ít hơn 31 triệu người có thể bị đói trong chuyển giao mùa từ tháng 6-8/2021 ở khu vực Tây và Trung Phi.
Người tị nạn Ethiopia chờ nhận lương thực cứu trợ tại một trại tị nạn ở Mafaza, miền Đông Sudan ngày 8/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Dữ liệu từ Cadre Harmonisé, một phân tích về an ninh thực phẩm xuất bản dưới sự bảo trợ của Ủy ban liên bang thường trực chống hạn hán ở Sahel (Cilss) ước đoán con số này "cao hơn năm ngoái hơn 30% và ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua".
Theo FAO, tình trạng mất an ninh lương thực xảy ra có thể do giá lương thực tăng vọt ở những vùng này, nơi bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột và các tác động kinh tế xã hội từ đại dịch COVID-19. Tổ chức nhân đạo thế giới về cuộc chiến chống nạn đói này tin rằng một hành động ngay lập tức là cần thiết để tránh một thảm họa trong giai đoạn trước vụ thu hoạch tiếp theo, khi đó lương thực dự trữ đã cạn kiệt.
Theo ông Chris Nikoi, Giám đốc FAO ở khu vực này, các cuộc xung đột đã và đang thúc đẩy nạn đói và sự nghèo khó cùng cực ở Tây Phi. Giá cả tăng không ngừng đóng vai trò như một hệ số nhân làm tăng sự nghèo đói, đẩy hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và tuyệt vọng.
Ngoài ra, ông Nikoi chỉ ra rằng, ngay cả khi thực phẩm có sẵn, các gia đình không thể mua được vì giá cả tăng cao, đưa một bữa ăn thiết yếu vượt quá tầm với của hàng triệu gia đình nghèo, vốn đã chật vật từ trước. PAM cho biết so với mức trung bình của nhiều năm trước, các sản phẩm địa phương đã tăng gần 40% và trong một số khu vực, giá đã tăng hơn 200%.
Cộng hòa Trung Phi ban bố tình trạng khẩn cấp Ngày 21/1, Cộng hòa Trung Phi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi các tay súng nổi dậy tìm cách phong tỏa thủ đô Bangui và lật đổ Tổng thống Faustin Archange Touadera vừa tái đắc cử. Tổng thống CH Trung Phi Faustin Touadera. Ảnh: AFP/TTXVN Trong tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia, ông Albert Yaloke Mokpeme, người...