Đại dịch Covid-19 có thể kết thúc như thế nào vào năm tới?
Khi thế giới tiến gần đến mốc 2 năm chống chọi với cuộc khủng hoảng Covid-19, các chuyên gia đưa ra dự đoán về việc liệu tình hình có thể thay đổi như thế nào vào năm 2022.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Nhật Bản (Ảnh: Japan Times).
Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng thế giới có thể bắt đầu kiểm soát được đại dịch vào mùa xuân tới, trong khi Giám đốc điều hành của hãng dược Moderna, Stéphane Bancel, cho rằng đại dịch có thể kết thúc sau một năm nữa.
“Nếu nhìn vào năng lực sản xuất vắc xin mở rộng trong 6 tháng qua, thì đến giữa năm tới, sẽ có đủ liều vắc xin để tiêm chủng cho mọi người trên Trái đất”, giám đốc điều hành Moderna dự đoán.
Albert Bourla, giám đốc điều hành của hãng dược Pfizer, cũng đưa ra dự đoán tương tự khi cho rằng “trong vòng một năm nữa, chúng ta có thể sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường”.
“Chúng ta sẽ có một tỷ liều vắc xin vào cuối năm nay. Và chúng ta sẽ sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vào năm tới. Tôi nghĩ những con số này đã nói lên tất cả”, ông Bourla nói.
Theo mô hình toán học được áp dụng gần đây, biến chủng Delta đang đạt đỉnh và các ca nhiễm sẽ giảm dần qua mùa đông.
“Tôi nghĩ vào thời điểm này, thật khó để đoán trước được điều gì”, Tiến sĩ Vidya Mony, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Santa Clara Valley ở San Jose, bang California, Mỹ nói với Healthline .
Video đang HOT
Bà Mony cũng chỉ ra tín hiệu “khá lạc quan” khi tin rằng đại dịch sẽ kết thúc trong một năm tới, đồng thời nhấn mạnh bản chất của đại dịch đòi hỏi các giải pháp toàn cầu.
“Về bản chất, đây là căn bệnh truyền nhiễm lây lan trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không thể tiêm chủng cho toàn thế giới, nhiều khả năng sẽ tiếp tục có các biến chủng và dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm”, bà Mony nhận định.
Trung tâm mô hình hóa kịch bản Covid-19, được điều phối bởi các nhà nghiên cứu cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhận định virus gây đại dịch Covid-19 và biến chủng Delta dường như đã đạt đỉnh và bắt đầu suy yếu. Mô hình này dự đoán sẽ không còn đợt bùng phát dịch đáng kể khác vào mùa đông năm nay.
Theo mô hình trên, tới tháng 3/2022, số ca nhiễm tại Mỹ có thể giảm từ khoảng 130.000 ca mỗi ngày hiện nay xuống còn khoảng 9.000 ca mỗi ngày. Số ca tử vong vì Covid-19 cũng sẽ giảm từ mức trung bình hiện tại là 1.500 ca xuống dưới 100 ca mỗi ngày. Nếu dự đoán này là chính xác, Mỹ có thể quay trở về giai đoạn đầu năm 2020, khi dịch mới bắt đầu lây lan tại nước này.
Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nói với Business Insider rằng dự đoán của giám đốc điều hành Moderna có thể đúng.
“Giai đoạn nghiêm trọng của đại dịch này có thể sẽ kết thúc trong năm 2022. Khi ngày càng nhiều người có khả năng miễn dịch tự nhiên hơn và nhiều người được tiêm chủng hơn, thế giới sẽ không còn phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Khi đó, virus không thể khiến nhiều người bệnh nặng, nhập viện và tử vong như trong giai đoạn hiện nay của đại dịch”, chuyên gia Adalja nói.
John Brownstein, nhà dịch tễ học tại Bệnh viện Nhi Boston, cũng cho biết ông thấy “có lý do để lạc quan rằng chúng ta có thể thoát khỏi đại dịch”.
Tuy vậy, hiện chưa thể khẳng định chắc chắn dự đoán của các chuyên gia cũng như lãnh đạo của các hãng dược là chính xác và vẫn có thể xảy ra nhầm lẫn.
Hồi tháng 11/2020, giám đốc điều hành của Moderna từng nói rằng cuộc sống bình thường sẽ trở lại trong mùa hè năm 2021. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Pfizer hồi tháng 6 (thời điểm trước khi biến chủng Delta bùng phát) từng nói với CNBC rằng, ông dự đoán các nước phát triển có thể trở lại cuộc sống bình thường vào cuối năm 2021, còn phần còn lại của thế giới sẽ vào năm 2022.
Khủng hoảng COVID-19 ảnh hưởng tới thành công của Thế vận hội Tokyo
Chiến lược ứng phó COVID-19 không quyết liệt đã khiến đại dịch bùng phát mạnh đúng dịp diễn ra Thế vận hội mùa Hè (Olympic Tokyo 2020), làm ảnh hưởng tới sự kiện thể thao lớn này.
Người hâm mộ xem các vận động viên thi đấu trong cuộc thi marathon nam tại Thế vận hội mùa hè 2020, ở Sapporo, Nhật Bản ngày 8/8. Ảnh AP
Theo hãng tin CNA, nhìn từ góc độ thể thao, Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 là một thành công lớn đối với Nhật Bản. Đoàn thể thao chủ nhà đã đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn, sau Mỹ và Trung Quốc, với kỷ lục 27 huy chương vàng.
Tuy nhiên, trong lúc diễn ra lễ bế mạc hoành tráng, trên đường phố Tokyo, các xe cấp cứu đang nối đuôi nhau chuyển bệnh nhân từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, trong tình trạng tuyệt vọng tìm kiếm giường bệnh còn trống.
Trong tuần đầu tháng 8, Nhật Bản có tới 2.897 trường hợp mắc COVID-19 không được tiếp nhận điều trị tại các bệnh viện tăng mạnh so với các tuần trước. Giờ đây, khi biến thể Delta chiếm ưu thế, quốc gia này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 hàng ngày tăng kỷ lục.
Ngay trước Thế vận hội, mọi thứ dường như đang đi đúng hướng. Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đã đạt được mốc ấn tượng, với 1 triệu ca tiêm chủng/ngày, số ca bệnh dường như đã kiểm soát. Cả Ủy ban Olympic Quốc tế và Chính phủ Nhật Bản đều cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả người dân. Nhưng sau đó, tình hình đã xấu đi trầm trọng.
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với không chỉ các ca bệnh tăng vọt mà còn ghi nhận số lượng bệnh nhân nặng tăng kỷ lục, với 1.974 trường hợp tính đến ngày 26/8. Riêng tại Tokyo, số ca nhiễm hàng ngày đã vượt mức 4.000 ca trong suốt tháng 8, trong đó có trên 270 ca nặng tính đến ngày 30/8.
Trong khi đó, hướng dẫn mới quy định rằng chỉ những bệnh nhân có nguy cơ cao mới phải nhập viện. Điều đó nghĩa là hiện có trên 20.000 người mắc COVID-19 ở Tokyo ở nhà. Nhiều báo cáo cho biết một số trường hợp có tình trạng xấu đi nhanh chóng, thậm chí có người đã tử vong.
Người dân đeo khẩu trang đi bộ qua một ngã tư ở Tokyo hôm 30/8. Ảnh: AP
Để đối phó với sự gia tăng đột biến những bệnh nhân không được chăm sóc y tế, Thủ tướng Yoshihide Suga đã vạch ra kế hoạch thành lập các "trạm ôxy" để cung cấp ôxy bổ sung ngoài bệnh viện, thực hiện phương pháp điều trị bằng kháng thể Ronapreve cho người mắc COVID-19 tại nhà. Giới chức Nhật Bản cũng khuyến cáo ở thời điểm này, người dân nên tự thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ mình.
Các chuyên gia của chính phủ mô tả tình hình đã "ngoài tầm kiểm soát" khi các bệnh viện hiện đều đã quá tải nghiêm trọng. Nhưng khi sự chú ý của công chúng đổ dồn vào khu vực Tokyo, virus đã lây lan khắp đất nước.
Trước khi diễn ra Thế vận hội, làn sóng phản đối việc tổ chức sự kiện thể thao này lan rộng. Và đúng là sự kiện này đã giúp virus SARS-CoV-2 lây lan. Song dịch bệnh không lây lan do các vận động viên, mà bởi cách thức nước chủ nhà tổ chức sự kiện lớn nhất thế giới giữa đại dịch. Bất chấp lệnh cấm khán giả đến các địa điểm tổ chức Thế vận hội, người dẫn vẫn tụ tập xem các trận đấu tại các công viên, quán bar trên khắp đất nước. Mức độ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của công chúng đã giảm sút.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản, ông Shigeru Omi, cho rằng Olympic 2020 "đã ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng" về cuộc khủng hoảng COVID-19, làm giảm mức độ nghiêm trọng của thông điệp không ra khỏi nhà của chính phủ và việc ban bố tình trạng khẩn cấp.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Moderna tại một điểm tiêm chủng ở Saitama hôm 23/8. Ảnh: Bloomberg
Làn sóng dịch bệnh hiện tại của Nhật Bản đã bắt đầu dịu đi nhưng vẫn chưa đạt đỉnh. Tác động của nó đối với hệ thống y tế đã rõ ràng và có thể sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Việc tổ chức Thế vận hội chỉ là sự kiện mới nhất khiến công chúng Nhật Bản hoài nghi chiến lược chống dịch COVID-19 của chính phủ. Trường hợp nhiễm biến thể Lambda đầu tiên của Nhật Bản, có liên quan đến Thế vận hội, cũng làm tăng thêm sự ngờ vực của công chúng đối với các biện pháp phòng dịch.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng phạm vi tình trạng khẩn cấp ở thêm nhiều tỉnh. Các chuyên gia y tế đã kêu gọi giảm 50% lượng người di chuyển để làm phẳng đường cong dịch bệnh và giảm áp lực cho các bệnh viện. Các chuyên gia cũng khuyến nghị thay đổi pháp lý để tiến hành các biện pháp phong toả chặt chẽ hơn, giống như các biện pháp được thực hiện ở châu Âu. Tuy nhiên, những thay đổi pháp lý sẽ đòi hỏi thời gian.
Mỹ đề cao vị thế Việt Nam trong an ninh y tế Việc đặt văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội cho thấy Mỹ coi trọng hợp tác với Việt Nam nhằm giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống, theo chuyên gia. "Chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam là một bên tham gia tích cực trong việc tiếp cận các cơ chế trong khu vực, như ASEAN. Việt Nam cũng...