Đại dịch Covid-19: Các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Không chỉ các doanh nghiệp mà năm nay, hệ thống ngân hàng dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng.
Tín dụng có dấu hiệu tích cực
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng cả nước đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song tín dụng có sự cải thiện từng tháng, cho thấy tín hiệu tích cực. Cụ thể, tín dụng tháng 1 chỉ tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,007% nhưng tháng 3 tăng tới 1,1%.
Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng đã thận trọng hơn khi giải ngân mới, nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai. Điều này được ghi nhận tại 3 ngân hàng thương mại nhà nước và hai ngân hàng thương mại là ACB và MB.
Trong khi ngược lại, một số ngân hàng như VPBank, HDBank và TPBank vẫn giữ mức tăng trưởng tín dụng cao. Trong đó, HDBank, tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp, đã được ký trước đó vào cuối năm 2019. Trong khi VPBank và TPBank tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, dự kiến năm nay, tín dụng toàn hệ thống sẽ vẫn tăng 11-14%.
Theo dự báo của NHNN, tín dụng năm nay sẽ vấn ở mức 11-14%
Video đang HOT
Trong bối cảnh các doanh nghiệp và người dân chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực có những động thái giảm lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến 2-2,5%/năm. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01 yêu cầu các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid- 19
“Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18 nghìn tỷ đồng. Đã thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126 nghìn tỷ đồng. Đã cho vay mới 65.208 tỷ đồng với 354.286 khách hàng” – Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết.
Ngân hàng đối mặt hàng loạt khó khăn
Dù Thống đốc NHNN khẳng định bất luận trong tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế”, tuy nhiên trên thực tế không phải doanh nghiệp cứ muốn vay là được.
Theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, hiện nay nhu cầu giảm lãi, cơ cấu nợ của khách hàng là quá lớn nên các ngân hàng phải khảo sát, đánh giá kỹ đúng đối tượng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tự cân đối giảm lãi, giảm phí trong khả năng tài chính của mình và dựa trên sự tín nhiệm của doanh nghiệp với ngân hàng, khả năng phục hồi của doanh nghiệp… để triển khai
TS Cấn Văn Lực cho rằng, bức tranh về hoạt động các ngân hàng trong năm nay sẽ không mấy sáng sủa. Cụ thể, hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt 2 khó khăn lớn. Thứ nhất là nhu cầu tín dụng giảm, cùng các chương trình giảm lãi, giảm phí sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu, nhất là doanh thu từ cho vay, từ lãi.
Thứ hai, nợ xấu sẽ tăng lên: Một là đối với những khoản nợ xấu hiện tại phải giãn, hoãn; Hai là các khoản cho vay mới với những điều kiện hỗ trợ như vậy cũng tiềm ẩn nợ xấu về lâu về dài.
Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với với hoạt động ngân hàng.
Cụ thể hơn, theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, dịch Covid-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3 nên tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý I không lớn, ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, trong quý II thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu giảm xuống khi các ngân hàng triển khai các gói lãi suất cho vay ưu đãi và giảm phí giao dịch và thanh toán cho doanh nghiệp, cá nhân.
SSI dự báo tỉ lệ hình thành nợ xấu sẽ cao hơn và nợ xấu gia tăng có thể bắt nguồn từ giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Đồng thời, SSI điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn được nghiên cứu với mức giảm 11,1% nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, và sẽ giảm tới 16,4% nếu dịch bệnh không được kiểm soát đến cuối năm 2020.
Hà Loan
Ngân hàng dự phòng trái phiếu đặc biệt của VAMC như thế nào?
Trái phiếu đặc biệt do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành là giấy tờ có giá có thời hạn do VAMC phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng hạch toán nghiệp vụ mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt theo hướng dẫn trong Công văn số 8499/NHNN-TCKT do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 14/11/2013 và Công văn số 925/NHNN-TCKT do NHNN ban hành ngày 19/02/2014.
Trái phiếu đặc biệt này được phân loại là chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, được ghi nhận theo mệnh giá vào ngày giao dịch và sau đó được phản ảnh theo mệnh giá trừ dự phòng rủi ro.
Mỗi khoản nợ xấu được bán cho VAMC, ngân hàng nhận được tương ứng 01 trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt tương ứng với giá trị ghi sổ dư nợ gốc của khoản nợ xấu sau khi khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó.
Khi hoàn thành thủ tục mua bán nợ xấu, tổ chức tín dụng ghi giảm giá trị ghi sổ của khoản nợ xấu, sử dụng dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng và tất toán tài khoản ngoại bảng theo dõi lãi chưa thu được của khoản nợ xấu đó.
Đồng thời ghi nhận trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành vào tài khoản chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành được giữ đến ngày đáo hạn.
Đối với trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, dự phòng cụ thể được tính và trích lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2013/TT-NHNN do NHNN ban hành ngày 06/09/2013 (Thông tư 13) quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC và Thông tư số 41/2015/TT-NHNN do NHNN ban hành ngày 28/8/2015 (Thông tư 41) và Thông tư số 08/2016/TT-NHNN (Thông tư 08) do NHNN ban hành ngày 16/06/2016.
Theo đó, dự phòng cụ thể tối thiểu phải trích lập mỗi năm là khoản chênh lệch dương giữa (mệnh giá của trái phiếu đặc biệt chia kỳ hạn của trái phiếu đó) trừ số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu có liên quan trong năm.
Hàng năm, trong thời hạn 5 ngày làm việc liền kề trước ngày tương ứng với ngày trái phiếu đặc biệt đến hạn, ngân hàng phải trích lập đủ số dự phòng cụ thể nói trên.
Đối với các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành từ năm 2015-2017, ngân hàng thực hiện việc trích lập dự phòng cụ thể theo Công văn số 9924/NHNN của NHNN ban hành ngày 28/12/2016 và Công văn số 1164/NHNN-TTGSNH do NHNN ban hành ngày 15/12/2018.
Ngân Giang
Theo Infonet.vn
"Soi" kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của 4 ông lớn ngân hàng Kết thúc 9 tháng năm 2019, sự cách biệt ở một số khía cạnh giữa Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank ngày càng lớn. Tuy các ngân hàng tư nhân đang lớn lên rất nhanh nhưng nhóm 4 NHTM nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank vẫn luôn có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường. Những năm về trước, Agribank được xem như "anh...