Đại án VNCB: Góc khuất những khoản hoa hồng tiền gửi
Điểm nhấn trong tuần đầu tiên xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng ( VNCB) là việc tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về việc huy động vay – trả và rút ruột khoản tiền gần 5.500 tỷ đồng tại VNCB.
Theo bị cáo Thành Mai, việc gửi, vay lại, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012
Trước áp lực mất thanh khoản trong thời gian đầu tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB (tiền thân là TrustBank) đã chỉ đạo cấp dưới trả lãi suất ưu tiên ngoài (vượt trần quy định của Ngân hàng Nhà nước), với số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng cho khoản tiền gửi trên 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích.
Trong phiên thẩm vấn các bị cáo ngày 22/7, trả lời tòa, bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB thừa nhận, 5.190 tỷ đồng là cứu cánh của VNCB thời điểm đó. Theo lời khai của bị cáo Thành Mai, để thu hút khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ phải tự điều chỉnh tỷ lệ trả riêng cho khách hàng (ngoài lãi suất quy định), có thể lên tới 10% khoản tiền (vào năm 2013) và giảm dần trong các năm sau. Toàn bộ số tiền trả ngoài này không có giấy tờ, khách hàng đến gửi tiền sẽ nhận được hoa hồng ngay lập tức.
“Bị cáo biết rằng, việc cho nợ chứng từ này là sai, nhưng vì áp lực thanh khoản, chủ trương của Ngân hàng lúc đó là phải giữ khách”
- Bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân cũng cho thấy, tại cơ quan điều tra, để huy động được khoản 5.190 tỷ đồng tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, bị cáo Phạm Công Danh đã phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2-4%/năm theo từng thời điểm. Theo lời khai, tổng số tiền đã trả lãi ngoài cho nhóm này vào khoảng 2.500 tỷ đồng.
Cũng trong phiên tòa ngày 22/7, Hội đồng xét xử đã xét hỏi đối với Hoàng Đình Quyết (33 tuổi), trú tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. HCM, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo đối với số tiền 5.190 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích. Bị cáo Quyết cho biết, tình hình khó khăn của Ngân hàng đã tồn tại từ trước, có thời điểm khách hàng đến rút tiền nhưng cả tuần không có tiền để trả. Do đó, toàn bộ cán bộ nhân viên Ngân hàng đều phải tìm cách thu hút khách hàng gửi tiền và ưu đãi trả tiền ngoài lãi suất của Ngân hàng lên tới 4%/năm.
Video đang HOT
Đồng thời, bị cáo Quyết khai, nhận thấy nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng quan trọng, lại có quen biết với Phạm Công Danh, cùng với đó là áp lực thanh khoản của VNCB nên bị cáo đã cho nợ chứng từ kế toán.
“Bị cáo biết rằng, việc cho nợ chứng từ này là sai, nhưng vì áp lực thanh khoản, chủ trương của Ngân hàng lúc đó là phải giữ khách. Tại thời điểm đó, VNCB không có nhiều khách hàng gửi tiền, nhóm Trần Ngọc Bích là khách hàng có khoản tiền gửi lớn nên được ưu tiên, giao dịch thực hiện nhưng có thể nợ chứng từ”, bí cáo Quyết nói.
Không chỉ có nhóm của Trần Ngọc Bích gửi tiền được VNCB trả lãi suất ưu tiên “khủng” vượt trần quy định, mà các khách hàng gửi tiền khác cũng nhận được chính sách ưu tiên này.
Những khoản tiền gửi của khách hàng VNCB sau đó được nhóm Trần Ngọc Bích vay lại dưới hình thức cầm cố sổ tiết kiệm và cuối cùng lại “chảy” vào tài khoản của bị cáo Phạm Công Danh. Theo lời khai của bị cáo Quyết, số tiền 5.190 tỷ đồng đã được Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB dưới các sổ tiết kiệm mang tên nhiều người, sau đó những người này lại làm hợp đồng thế chấp chính những sổ tiết kiệm này để vay tiền của VNCB.
Đường đi của dòng tiền này, theo bị cáo Quyết biết, đó là Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB và giữ các sổ tiết kiệm, các sổ này đứng tên các cá nhân là người thân trong gia đình và nhân viên công ty của Trần Ngọc Bích. Các nhân viên này sau đó thế chấp các sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền. Tiền sẽ được chuyển ngược về tài khoản của các cá nhân và bà Bích. Tuy nhiên, sau đó, số tiền được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản. Việc gửi tiền, vay lại tiền, chuyển tiền cho bị cáo Danh trả nợ đã được thực hiện từ cuối năm 2012 thông qua rất nhiều hợp đồng gửi tiền, vay tiền, cũng như các bản sao kê tài khoản với cùng cách thức như trên.
Theo Tin Nhanh Chứng Khoán
'Đại án' Phạm Công Danh: Đường đi lằng nhằng của 5.490 tỉ đồng
Hôm nay (25.7), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác trong nhóm bà Bích phải có mặt tại phiên xét xử sơ thẩm "đại án" Phạm Công Danh.
Bị cáo Quyết (ngồi) và Phạm Công Danh trước phiên xử ngày 22.7
* Trang "phố núi" đã xuất cảnh
Việc này nhằm để làm rõ hành vi cố ý làm trái của bị cáo Danh và đồng phạm trong việc rút 5.490 tỉ đồng từ sổ tiết kiệm của bà Bích (con gái ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), dù chưa được phép của chủ tài khoản, theo yêu cầu của HĐXX tại phiên tòa ngày 22.7.
Không ký ủy nhiệm chi là theo thỏa thuận với chủ tài khoản?
Theo cáo trạng, từ 28.12.2012 - 30.7.2013, nhóm bà Bích vay của Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) hơn 17.700 tỉ đồng, sau đó, Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") thỏa thuận, thống nhất với Bích việc điều chuyển dòng tiền vào tài khoản do Trang chỉ định, trong đó hơn 16.000 tỉ đồng được chuyển đến tài khoản của bị cáo Danh. Đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay này đã được hai bên tất toán. Riêng ngày 21, 26.8.2013, có 5.490 tỉ đồng được rút ra từ VNCB - tài khoản của bà Bích, nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản, đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền trên.
Trong phiên tòa ngày 22.7, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - chi nhánh (CN) Sài Gòn, Giám đốc VNCB - CN Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - CN Sài Gòn) đều khai, khoản vay 5.490 tỉ đồng của nhóm bà Bích dù chưa có chữ ký ủy nhiệm chi (UNC) của chủ tài khoản để đi đến tài khoản của ông Danh nhưng thực tế bà Bích đã đồng ý, tương tự khoản tiền hơn 17.700 tỉ đồng, hồ sơ sẽ được hoàn thiện sau khi hai bên tất toán.
Bị cáo Quyết khai, để nhóm bà Bích gửi tiền, Danh chỉ đạo Quyết phối hợp và thực hiện theo các yêu cầu của bà Bích. Quyết lập các hồ sơ cho nhóm bà Bích vay tiền, chuyển hồ sơ cho nhóm bà Bích ký nhưng các UNC để chuyển tiền từ tài khoản của bà Bích sẽ không có chữ ký của chủ tài khoản; đồng thời bị cáo Quyết còn phải lập hợp đồng tiền gửi (nhóm bà Bích gửi) đúng bằng số tiền bị cáo Danh vay, ký và đóng dấu của VNCB - CN Sài Gòn, chuyển một bản cho bà Bích giữ nhưng không có chữ ký của bà Bích, các hợp đồng tiền gửi đó không được hạch toán, theo dõi trên hệ thống của VNCB.
Theo lời khai của Quyết, việc UNC không có chữ ký của chủ tài khoản và hợp đồng tiền gửi nhằm ràng buộc trách nhiệm của VNCB phải trả tiền gửi, chỉ khi ông Danh tất toán khoản vay cho nhóm bà Bích mới hoàn thiện ký UNC và trả lại hồ sơ cho VNCB.
Đề nghị nhận lại 5.881 tỉ đồng
Về khoản tiền hơn 16.000 tỉ đồng được chuyển từ tài khoản của bà Bích sang bị cáo Danh, theo hồ sơ thể hiện, bà Bích không thừa nhận cho Danh vay, chỉ thừa nhận cho Trang "phố núi" vay tiền và chuyển tiền đến tài khoản Danh là do Trang yêu cầu; cũng không có tài liệu, chứng cứ thể hiện thỏa thuận vay mượn của nhóm bà Bích và bị cáo Danh nên không đủ căn cứ xác định bà Bích là đồng phạm giúp sức Danh trong hành vi rút 5.490 tỉ đồng của VNCB.
Tuy nhiên, cáo trạng nêu, đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra công khai làm rõ tại phiên tòa để tránh bỏ lọt tội phạm giải quyết tài sản bị kê biên là 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỉ đồng của nhóm bà Bích gửi tại VNCB; với số tiền này, nhóm bà Bích cũng có yêu cầu VNCB trả lại vì lý do số tiền 5.490 tỉ đồng nhóm bà Bích vay nhưng đã bị Phạm Công Danh tự ý chỉ đạo cấp dưới chuyển sang tài khoản của Danh để Danh tất toán các khoản vay trước đó của nhóm này hoặc chi tiêu.
Bà Trần Ngọc Bích nói gì?
Trả lời PV Thanh Niên chiều qua (24.7), bà Trần Ngọc Bích cho biết hiện nay bà giữ vai trò đại diện pháp luật cho Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, thời điểm 2012 - 2014 bà Bích không giữ chức vụ này. "Những vụ việc liên quan đến gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đại Tín trước đây và VNCB sau này đều là việc của cá nhân tôi", bà Bích nói.
Theo bà Bích, bà đã gửi tiền vào Ngân hàng TMCP Đại Tín từ tháng 6.2012, các khoản tiền gửi này đều dài hạn. Đến cuối năm 2012, do cần tiền nhưng các khoản tiền gửi chưa đến hạn thanh toán, nên bà vay của ngân hàng, cầm cố bằng chính các sổ tiết kiệm này. Các khoản vay này đều chỉ được vay nhỏ hơn tiền trong sổ tiết kiệm và thực hiện đúng các thủ tục vay phù hợp với quy định của ngân hàng.
"Nếu đáo hạn sổ tiết kiệm tại thời điểm đó thì chúng tôi sẽ mất tiền lãi gửi dài hạn. Đây là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng mà trong quá trình gửi tiền phía Ngân hàng TMCP Đại Tín cũng như sau này là VNCB đều cho rằng là thông thường, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền tiết kiệm", bà Bích nói.
Về số tiền 5.490 tỉ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, ông Phạm Công Danh khai phải trả lãi thêm 2 - 4%/tháng (tùy thời điểm) và đã trả thêm lãi ngoài 2.500 tỉ đồng, bà Bích nói: "Con số đó hoàn toàn không có thật. Hiện nay HĐXX đang thẩm vấn các bên để tìm ra sự thật khách quan, không ai có thể bình luận lời khai nếu không có chứng cứ. Lãi suất chúng tôi nhận được đúng như thể hiện trên hợp đồng tiền gửi, và theo tôi nhớ thì mức lãi suất được ngân hàng niêm yết công khai".
Bà Trần Ngọc Bích cho biết, hôm nay (25.7), bà sẽ có mặt tại tòa theo yêu cầu của HĐXX.
Trang "phố núi" đã xuất cảnh
Đối với nhân vật Trang "phố núi", theo tài liệu vụ án, Trang đã xuất cảnh khỏi VN từ 29.7.2014 (2 ngày sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố Danh và một số đồng phạm) nhưng với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa thấy có đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với Trang. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị HĐXX trong quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa, nếu có căn cứ thì xem xét kiến nghị khởi tố hoặc quyết định khởi tố.
Theo Thanh Niên
Phạm Công Danh "rút trộm" hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, tiền đó chạy đi đâu? Theo cáo trạng, 5.190 tỷ đồng rút từ tài khoản nhóm Trần Bích được Danh dùng để trả cho chính nhóm này, về tài khoản của ông Trần Quí Thanh, lần 1 là 3.160 tỷ và lần 2 là 2.090 tỷ đồng. Bà Trần Ngọc Bích (ảnh: Internet) Khoản vay sau trả cho khoản vay trước, trong vòng 7 tháng có 122 khoản...