Đại án Vinashinlines: Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Tranh luận tại tòa, luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra bổ sung, làm rõ các vấn đề liên quan đến đại án Vinashinlines. Trong khi đó, đại diện Vinashin và Vinalines lại “giành nhau” khoản tiền được xác định bị các bị cáo tham ô.
“Giành nhau” khoản tiền hơn 260 tỷ đồng
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, đại diện Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin), bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, Vinashinlines thuộc sở hữu 100% của Vinashin. Tiền mua tàu của Vinashinlines được Vinashin phụ trách và ủy thác cho vay thông qua VFC. Do vậy, Vinashinlines phải chịu trách nhiệm trả lãi và gốc cho VFC.
Theo bà Nguyệt, Vinashinlines là đơn vị trực tiếp bị thiệt hại, Vinashin bị thiệt hại gián tiếp trong việc mua tàu của Vinashinlines. Theo số liệu VFC cung cấp, Vinashinlines đang nợ 48 triệu USD và 73 tỷ VNĐ. Khả năng thu hồi số tiền này rất khó
Đại diện Viện KSND nêu quan điểm tại tòa.
Đại diện Vinashin cho rằng, vụ việc xảy ra trong giai đoạn 2006-2009, thời điểm Vinashinlines đang thuộc Vinashin. Từ đó, bà Nguyệt đề nghị các khoản tiền thu hồi trong vụ án này được chuyển về cho Vinashin.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Khôi, đại diện Tổng Công ty hàng hải (Vinalines), trả lời HĐXX, thời điểm xảy ra vụ án, Vinashinlines không thuộc tổng công ty. Tháng 6/2010 theo quyết định 926 của Thủ tướng Chính phủ, công ty này được chuyển về Vinalines. Vinalines phải nhận toàn bộ nợ và phải trả nợ cho Vinashinlines.
Theo ông Khôi, tổng số tiền nợ của công ty này mà Vinalines đang phải gánh là hơn 6.000 tỷ đồng. Do đó, đại diện của Vinalines đề nghị, các khoản tiền thu hồi được trong vụ án này phải chuyển trả cho Vinalines.
Tiếp tục tranh luận, đại diện của Vinashin lập luận, thời điểm chuyển giao, Vinalines phải trả cho Vinashin một khoản tiền nhưng đến nay vẫn chưa trả hết nên việc thu hồi các khoản tiền trong vụ án này, đại diện Vinashin đề nghị HĐXX tuyên trả cho Vinashin.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Văn Liêm – nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines – đề nghị, nếu các bị cáo bồi thường thì trước mắt chuyển tiền về cho Vinashinlines quản lý. Số tiền này xử lý như thế nào thì… chờ chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan chủ quản.
Video đang HOT
Đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Tại phần tranh luận, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Giang Kim Đạt) đề nghị HĐXX cũng như Viện KSND làm rõ hàng loạt những vấn đề liên quan. Mở đầu phần tranh luận của mình, luật sư Hoài cho rằng Giang Kim Đạt không phải là chủ thể của tội phạm “Tham ô tài sản” vì Đạt có thời gian làm việc ngắt quãng tại Vinashinlines. LS đề nghị đại diện VKS tranh luận để làm rõ, Đạt giữ chức năng nhiệm vụ gì tại công ty trong giai đoạn xảy ra vụ án.
Luật sư Hoài đặt câu hỏi về việc làm thế nào để Đạt có thể chiếm đoạt được số tiền hơn 260 tỷ đồng. “Phải có cơ chế và vấn đề này cần làm rõ.” – luật sư Hoài quả quyết.
Các luật sư tranh luận, bào chữa cho thân chủ mình.
Luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt cũng đề nghị làm rõ ke hở nào để Đạt có thể chiếm đoạt số tiền lớn như vậy. Theo luật sư Hoài, một mình Đạt không thể ra quyết định việc mua tàu và định giá cước.
Hàng loạt kiến nghị khác cũng được luật sư Phan Trung Hoài đề nghị làm rõ như số tiền chiếm đoạt có phải của Vinashinlines; có hay không việc Trần Văn Liêm đàm phán tiền hoa hồng; vai trò của Giang Kim Đạt…
Từ những lập luận trên, luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án.
Cũng đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra bổ sung, luật sư thứ 2 bào chữa cho Giang Kim Đạt lại đưa quan điểm bào chữa của mình liên quan đến vấn đề tố tụng, thẩm quyền điều tra vụ án. Luật sư thứ 3 bào chữa cho Đạt thì đề nghị HĐXX loại trừ các hợp đồng mà thời điểm Đạt không làm việc tại Vinashinlines. Đồng thời, luật sư này còn đề nghị xem xét lại số tiền nhận của bị cáo Giang Kim Đạt có phải là tiền hoa hồng hay hưởng chênh lệch giá cho thuê tàu hay không vì có những lần đối tác gửi vào tài khoản của Giang Văn Hiển, bố Giang Kim Đạt, lớn gấp 10 lần tỉ lệ có thể được hưởng so với giá thuê tàu.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Liêm nêu quan điểm của mình cho rằng, việc công tố viên khẳng định bị cáo Liêm giữ vai trò chỉ đạo, thống nhất là oan sai. Luật sư viện dẫn một số tình tiết của vụ án, lời khai của Giang Kim Đạt cho rằng không có cơ sở, chứng cứ để chứng minh Trần Văn Liêm có vai trò chỉ đạo trong vụ án tham ô 16 triệu USD này.
Về việc yêu cầu bị cáo Liêm phải bồi thường, theo luật sư bào chữa, bị cáo Liêm không tư lợi trong vụ án. Số tiền Đạt chuyển cho Liêm cũng đã được dùng để lo cho “anh em” trong công ty. Tuy nhiên, việc làm này không có giấy tờ chứng minh.
Đồng tình với những lập luận trên, các luật sư khác bào chữa cho bị cáo Trần Văn Liêm đều đề nghị xem xét giảm án cho bị cáo Liêm và cho rằng, bị cáo Liêm chỉ phải chịu trách nhiệm liên quan đến số tiền 40.000 USD.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Xét xử đại án tham nhũng 16 triệu USD: Bị cáo cười cợt khai báo
Ngoài lời khai bất nhất, cựu kế toán trưởng Vinashinlines còn bị tòa nhắc nhở về thái độ cười cợt khi khai báo.
Ngày 16.2, TAND Hà Nội đưa 4 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines) ra xử sơ thẩm. Thẩm phán, Nguyễn Quốc Thành là chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên xử diễn ra trong 2 ngày liên tiếp. Ngay từ sáng sớm, an ninh phiên tòa đã được thắt chặt.
Trong phần xét hỏi chiều cùng ngày, Trần Văn Khương (67 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) đề nghị HĐXX trả lại sự trong sạch cho mình bởi bản thân ông ta không tham ô.
Theo lời khai của bị cáo Khương, ông ta không nhận số tiền 110.000 USD mà Trần Văn Liêm (62 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) đưa, chỉ đạo để ngoài sổ sách.
Thấy vậy, HĐXX công bố một số bút lục lời khai của ông ta tại cơ quan điều tra thừa nhận có nhận số tiền trên. Khi đối chất ông ta vẫn nói có nhận 110.000 USD từ Liêm.
Nghe vậy, bị cáo 62 tuổi cười cợt nói không nhận, không biết gì. Trước thái độ khai báo cợt nhả của Trần Văn Khương, HĐXX nhắc nhở: "Bị cáo nghiêm túc trả lời, đừng có cười như thế. Bị cáo không thể cứ nói không biết, không có là được".
Bị cáo Trần Văn Khương bị HĐXX nhắc nhở về thái độ cười cợt khai báo. Ảnh: Vân Thanh
Trước đó, cấp trên của ông ta là Trần Văn Liêm phủ nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo Giang Kim Đạt như quy kết của cơ quan tố tụng.
Về số tiền 150.000 USD Đạt đưa, Liêm khai giao 110.000 USD cho Khương để ngoài sổ sách công ty, 40.000 USD còn dùng vào công việc của cơ quan như thưởng, lễ tết và các hoạt động khác, không phải chi tiêu cá nhân.
"Vì không có gì để chứng minh nên bị cáo chịu trách nhiệm về số tiền ấy", cựu Tổng giám đốc Vinashinlines khai.
Cũng trong phần này, Liêm phủ nhận hành vi nhờ Đạt tìm mua một căn hộ chung cư tại dự án Sài Gòn Pearl. Tuy nhiên theo cáo buộc, Đạt nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển lấy tiền gửi giá cước cho thuê tàu mà đối tác nước ngoài gửi về tài khoản của ông Hiển để mua căn nhà trên. Liêm đưa cho Hiển 10.000 USD tiền đặt cọc, số còn lại ông Hiển lấy trong tài khoản trả nốt tiền, tổng cộng hơn 78.000 USD, tương đương 1,2 tỷ đồng theo thời giá lúc đó.
Ngoài căn nhà trên, Đạt còn mua hộ ông Liêm mảnh đất tại Nha Trang (Khánh Hòa) với giá 911 triệu đồng, ôtô cho vợ của cựu Tổng giám đốc Vinashinlines.
Thế nhưng Liêm lại phủ nhận, cho rằng những lời khai ban đầu của Đạt về mình là hoàn toàn sai bởi ông ta không chỉ đạo, không nhờ thuộc cấp. "Mảnh đất ở Nha Trang, Đạt nói anh em mua chung để sau này đầu tư vào khách sạn", bị cáo Liêm khai.
Tiếp lời, ông ta cho biết ôtô mua cho vợ là xe đã qua sử dụng, vì thấy nó xinh đẹp, nhỏ nhẹ nên chọn mua, đưa tiền cho Đạt nhập xe hộ. Trước lời khai của bị cáo Liêm, HĐXX nói tại cơ quan điều tra, cha con bị cáo Giang Kim Đạt khai họ lấy tiền hoa hồng mua tàu để mua nhà đất cho bị cáo. Nghe vậy, Liêm nói: "Bố con họ khai thế nào là việc của họ".
Hôm nay (17.2), HĐXX tiếp tục làm việc.
Theo cáo buộc, trên cương vị Tổng giám đốc, Trần Văn Liêm đã bổ nhiệm Trần Văn Khương và Giang Kim Đạt vào những vị trí quan trọng tại Vinashinlines. Sau đó bộ 3 đã cùng nhau chiếm đoạt tiền của công ty thông qua việc thực hiện các dự án mua tàu, cho thuê tàu biển... Cụ thể Đạt đã đàm phán, thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng mua tàu, cho thuê tàu với công ty đối tác, công ty môi giới, yêu cầu họ trích lại số tiền từ 0,1 đến 5,75% trên giá trị hợp đồng theo chỉ đạo của Liêm. Xong việc, Đạt báo cáo Liêm cụ thể để ông ta quyết định, ký kết. Số tiền chênh lệch chiếm đoạt được từ việc ký kết các hợp đồng trên Liêm chỉ đạo Khương để ngoài sổ sách kế toán để chia nhau chiếm đoạt. Ngoài ra cơ quan chức năng còn xác định trong quá trình đàm phán, thỏa thuận, Giang Kim Đạt đã tự ý nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi giá để chiếm hưởng cá nhân. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Vinashinlines là gần 16 triệu USD (tương đương hơn 260 tỷ đồng), trong đó nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh tham ô 255 tỷ đồng. Để che dấu nguồn tiền phạm pháp trên, Giang Kim Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ.
Theo Vân Thanh (Zing)
Thứ trưởng Công Thương nắm tài sản lớn: Sao không công khai? "Để trả lời công luận, có mấy việc cả cơ quan chủ quản, và bản thân bà Thoa phải chứng minh, đó là nguồn gốc tài sản ấy ra sao?". Đó là vấn đề được ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH đặt ra trước việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim...