Đại án Đăng kiểm với nhiều quan điểm luận tội và cơ sở rõ ràng
Sau khi kết thúc phần thẩm vấn 247/254 bị cáo (6 bị cáo xin xét xử vắng mặt, riêng bị cáo Đỗ Trung Học bỏ trốn) trong đại án ngành Đăng kiểm, ngày 6/8, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục qua phần tranh luận.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.
Trong phần xét hỏi, liên quan hành vi nhận hối lộ tại các trung tâm đăng kiểm, hầu hết các bị cáo là lãnh đạo, đăng kiểm viên… thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, một số bị cáo gọi đây là “tiền bồi dưỡng” chứ không “làm luật” với người đưa phương tiện đến đăng kiểm. Một số bị cáo yêu cầu xem xét lại số tiền mà họ hưởng lợi, để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Các bị cáo trong phiên xét xử sáng 6/8.
Trước lời khai của các bị cáo, đại diện VKS xác định, số liệu về những khoản tiền nhận hối lộ mà cáo trạng đã thể hiện là đầy đủ cơ sở. Cơ quan điều tra và VKSND dựa trên thông tin đã thu thập được tại các trung tâm đăng kiểm (số liệu về số lượng xe được kiểm định, hồ sơ kiểm định). Các bị cáo được xác định đã nhận hối lộ hằng ngày, hằng tuần, dẫn đến tổng số tiền lớn như cáo trạng đã truy tố.
VKS cũng làm rõ rằng tất cả bị cáo đều phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ, bởi hành vi này được thực hiện có tổ chức và có sự phối hợp giữa các cá nhân. VKS cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng bị cáo, dựa trên số tiền mà mỗi người được hưởng lợi riêng. Điều này bảo đảm rằng trách nhiệm hình sự được phân định một cách công bằng, phản ánh đúng mức độ tham gia và hưởng lợi của mỗi bị cáo trong vụ án.
Những bị cáo được tại ngoại có mặt tại tòa.
Theo đại diện VKS, hành vi đưa nhận hối lộ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) diễn ra trong thời gian dài, việc các bị cáo khai không biết chủ trương từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam này là không có căn cứ.
Video đang HOT
Trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, các bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là nhưng người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam. 2 bị cáo được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm trên phạm vi cả nước. Bị cáo Nguyễn Vũ Hải là Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng tàu sông.
Trong thời gian công tác bị cáo Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, Nguyễn Vũ Hải đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật. Trong đó Hình, Hà đã để xảy ra tiêu cực, sai phạm có hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước, đã nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn. 2 bị cáo phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu.
Việc luận tội 3 bị cáo này căn cứ vào lời khai của các bị cáo, dữ liệu thu thập được từ Phòng kiểm định xe cơ giới (phòng VAR) và nhiều tài liệu chứng cứ khác, có đủ căn cứ để xác định các bị cáo chủ chốt của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận hối lộ của các trung tâm đăng kiểm khối V, phòng VAR và một số trung tâm đăng kiểm khối D.
Bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ với tổng số tiền là 40,2 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Đặng Việt Hà hưởng lợi số tiền 8,55 tỉ đồng.
Công tác kiểm tra an ninh nghiêm ngặt tại tòa.
Đối với bị cáo Trần Kỳ Hình nhận tiền hối lộ với tổng số tiền là 7,1 tỉ đồng và 12.000USD, hưởng lợi hơn 2,85 tỷ. Ngoài ra, bị cáo này còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.
Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở đóng tàu. Bị cáo Nguyễn Vũ Hải phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.
Các bị cáo là Lãnh đạo, Đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới, là đơn vị được giao trọng trách quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, lợi dụng vị trí công tác của mình, các bị cáo đã nhận tiền từ các chủ phương tiện cần thẩm định hồ sơ xe cải tạo, nhận tiền từ các Trung tâm đăng kiểm để không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bị cáo Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là hơn 60 tỷ đồng đồng, hưởng lợi số tiền hơn 11,7 tỷ đồng.
Phiên toà vẫn đang tiếp tục với phần luận tội đối với các bị cáo khác
Làm rõ số hồ sơ không đủ điều kiện được lãnh đạo Phòng Tàu sông bỏ qua
Ngày 1/8, kết thúc phần xét hỏi các bị cáo thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và các bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm Khối V, Khối D, HĐXX chuyển qua thẩm vấn 40 bị cáo cuối cùng trong đại án đăng kiểm, trong số này có nhóm bị cáo Phòng Tàu sông, Cục ĐKVN.
Trong đó có cựu Phó trưởng phòng Đỗ Trung Học, đang bị truy nã và xét xử vắng mặt.
Trước đó, phần sai phạm của bị cáo Đỗ Trung Học đã được đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh công bố. Theo cáo trạng, để được cấp thông báo năng lực, chủ các cơ sở đóng tàu tại Long An liên hệ bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An). Sau đó bị cáo Hà giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Hào (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu.
Bị cáo Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng/xưởng trọn gói đến khi được cấp thông báo năng lực, Nguyễn Xuân Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục ĐKVN tiến hành đánh giá.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo các Phòng, Chi cục và trung tâm đăng kiểm tại tòa.
Là người soát xét hồ sơ, bị cáo Học đã cung cấp số tài khoản và yêu cầu Phạm Hoài Hà đưa tiền để duyệt hồ sơ. Hà yêu cầu Nguyễn Xuân Hào chuyển tiền vào tài khoản của Đỗ Trung Học. Quá trình điều tra, bị cáo Đỗ Trung Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can. Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy nã. Cáo trạng xác định, hành vi của bị cáo Đỗ Trung Học đã cấu thành tội "Nhận hối lộ" với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Tại tòa, HĐXX cho biết, TAND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định (được công bố tại phiên tòa) chỉ định luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Đỗ Trung Học.
Ngoài Đỗ Trung Học (đang bị truy nã) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", cáo trạng còn xác định bị cáo Bùi Quốc Hưng (cựu Trưởng Phòng Tàu sông) trong quá trình soát xét hồ sơ cấp thông báo năng lực cho cơ sở đóng tàu, bị cáo Bùi Quốc Hưng đã đánh giá 62 cơ sở và soát xét 98 hồ sơ. Kết quả điều tra xác định 30 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực. Bị cáo Đậu Ngọc Bình (cựu Phó trưởng Phòng Tàu sông), đã đánh giá 1 hồ sơ, soát xét 57 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Ngoài ra còn có các bị cáo Phan Huy Liêm, Phạm Thế Dương và Vũ Văn Sơn đều là đăng kiểm viên Phòng Tàu sông, trong đó Phan Huy Liêm đã đánh giá 24 cơ sở, soát xét 21 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 5 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực và Vũ Văn Sơn đã đánh giá 8 cơ sở và soát xét 9 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 3 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Trả lời HĐXX về việc bị VKS truy tố về hành vi sai phạm, các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng của VKS truy tố hoàn toàn đúng, đồng thời các bị cáo còn trình bày các tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Xét xử đại án đăng kiểm: Thuộc cấp loanh quanh 'gỡ tội' cho các cựu cục trưởng Thừa nhận đưa hối lộ cho hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm, nhưng thuộc cấp vẫn ra sức bảo vệ cho hai ông này. Người thì khai không nhớ đưa bao nhiêu tiền, người thì khẳng định 'việc này là theo thông lệ làm ăn xưa nay'. Ngày 29/7, phiên xét xử đối với 254 bị cáo trong vụ sai phạm xảy...