Đặc sản trời cho mọc trên đá ở Tây Bắc, muốn ăn phải mang chày ra giã
Từ món ăn bình dị của đồng bào người Tày, người Thái ở vùng Tây Bắc, rêu suối đã được nâng tầm, trở thành thứ đặc sản “lạ tai, lạ mắt” hấp dẫn thực khách gần xa.
Nhắc đến ẩm thực Tây Bắc, người ta thường nghĩ tới các món ăn nổi tiếng như thịt gác bếp, cơm lam, măng rừng, lợn cắp nách,… Thế nhưng, ở vùng đất này còn xuất hiện một món ăn đặc biệt được ví như đặc sản “trời ban” mà ít người biết tới, đó chính là rêu suối.
Rêu suối là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày hay xuất hiện trong những dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Thái, Tày ở các tỉnh như Sơn La, Yên Bái, Hà Giang,… Ở mỗi nơi, rêu đá lại có hương vị và cách chế biến riêng nhưng vẫn là “thức quà” từ nhiên nhiên không chỉ bà con vùng Tây Bắc yêu thích mà còn “được lòng” cả thực khách gần xa.
Rêu mọc tự nhiên, bám quanh những tảng đá ở dưới suối, chỉ xuất hiện theo mùa, vào tầm cuối thu, đầu đông. Rêu có nhiều loại nhưng rêu mọc ở chỗ nước sạch, chảy xiết thì mới có thể ăn.
Người dân thường hái rêu ở khu vực suối có mực nước nông đến đầu gối. Chỗ nước sâu, nước tù thì rêu ít mọc, nếu có thì rêu cũng không được sạch vì dính nhiều sạn cát.
Chị Nguyễn Thị Lài (sinh sống tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, vài năm gần đây, cứ đến mùa lại ra suối thu hoạch rêu về ăn và đem bán.
Theo những người có kinh nghiệm, cần tránh thu hoạch rêu vào ngày rằm vì thời điểm này, ốc sẽ sinh sản và bám vào các đám rêu. Ảnh: Thơm Mỹ
“Nên hái ở những bãi rêu lớn bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Khi vớt rêu phải đứng ở dưới suối rồi tiến dần lên trên, tránh làm đục nước. Vì nước đục sẽ khó nhìn thấy rêu và làm cát sạn dính vào rêu.
Rêu chỉ sống khoảng một tuần, tức là đến mùa rêu mọc được 3-4 ngày thì phải ra vớt ngay. Khi ấy rêu mọc tốt nhất và non. Nếu thu hoạch chậm thì rêu sẽ chuyển sang màu trắng và không dùng làm thức ăn được nữa”, chị nói.
Quá trình sơ chế rêu cũng khá kỳ công. Ảnh: Hoàng Yên
Sau khi thu hoạch rêu từ suối, người dân thường dùng chày gỗ, khúc gỗ hoặc chuôi dao để đập rêu nhiều lần trên mặt tảng đá to, sạch hay trên mặt thớt cứng. Sau đó nhặt sạch rác, sỏi đá lẫn trong rêu rồi dùng rổ, rá để đãi sạch sạn cát. Cuối cùng là công đoạn “giặt rêu”.
Rêu được thả vào những chậu nước lớn. Người dân dùng tay vò qua lại giống động tác giặt quần áo để giũ sạch những chất bẩn, nhớt còn sót lại nám ở rêu. “Giặt” qua nhiều lần nước xong, rêu được vắt ráo nước, túm lại thành từng nắm chắc nịch.
Video đang HOT
Rêu thu hoạch theo mùa nên ngoài chế biến ngay, người dân còn phơi khô rêu để ăn dần. Ảnh: Trần Huyền Châu
Ban đầu, người dân địa phương thường chỉ hái rêu suối về ăn, làm món rau cho các bữa cơm trong gia đình. Khi rêu được biết đến nhiều hơn bởi hương vị lạ miệng, người ta lại thu hoạch rêu đem ra chợ bán.
Rêu được nặn thành từng tảng hình tròn, nặng khoảng trên dưới 1kg với giá bán dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/nắm tùy từng nơi.
Những tảng rêu tròn trịa, chắc nịch với màu xanh bắt mắt được bà con bày bán tại các khu chợ cóc ven đường thu hút sự chú ý của du khách. Ảnh: Phạm Huyền
Rêu là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn ngon như rêu nướng, canh rêu, rêu xào tỏi, nộm rêu… Mỗi món lại có cách chế biến khác nhau, mang đến những hương vị đặc trưng riêng.
Với món canh rêu, rêu sau khi sơ chế sạch sẽ được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm. Lúc chín tới, mùi rêu kết hợp với nước hầm tạo nên hương thơm hấp dẫn. Được thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh, thực khách mới cảm nhận được cái thú ẩm thực độc đáo nơi vùng cao Tây Bắc.
Với những mẻ rêu non, bà con dân tộc thường dùng để làm nộm. Rêu được làm sạch, cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng các gia vị như gừng, mùi, mắc khén, muối, mì chính. Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Trộn đều tất cả là đã có ngay món nộm rêu thơm ngon, hấp dẫn.
Món rêu xào. Ảnh: Trần Huyền Châu
Rêu được chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất, đặc trưng nhất có lẽ vẫn là rêu nướng (hay còn gọi là rêu pho). Rêu được nêm nếm với các loại rau thơm và gia vị rồi gói vào lá chuối hoặc lá dong rồi kẹp tre, nướng trên bếp than hồng.
Khi nướng, không được để rêu quá gần ngọn lửa, tránh để rêu cháy, chảy gia vị ra ngoài hay dính tro bếp. Thỉnh thoảng phải xoay chiều gói rêu để các mặt đều được tiếp xúc đủ lửa, giúp rêu bên trong chín đều. Khi phần vỏ hơi cháy xém là rêu chín, dậy mùi thơm phức. Rêu nướng được dùng để ăn ngay khi nóng hoặc ăn kèm với cá suối nướng, thịt lợn, thịt gà,…
Anh Trần Huy (đến từ Hà Nội) vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức các món ăn chế biến từ rêu suối khi tới du lịch Yên Bái. “Khi chín, rêu không còn giữ được màu xanh lá lạ mắt nhưng ăn rất lạ miệng, có vị thơm ngon.
Rêu mềm, có hương vị riêng, bùi bùi, thoang thoảng cả vị của nước suối, ăn một lần vẫn nhớ mãi. Tôi thích nhất món nộm rêu. Tôi cũng mua vài cân rêu về làm quà cho cả nhà, ai ăn cũng khen ngon và thích thú”, anh nói.
May mắn được thưởng thức rêu nướng ở Hà Giang 2 năm trước, chị Phạm Thu Nga (đến từ Hải Phòng) “phải lòng” món đặc sản này ngay từ lần đầu. “Có những lần thèm rêu nướng quá, tôi lại bắt xe khách lên Hà Giang chơi vài ngày để được thưởng thức hương vị của món ăn này.
Những gói rêu nóng hổi, vừa mở ra đã nức mùi thơm từ các loại nguyên liệu hòa trộn với nhau. Vị rêu rất lạ, kèm với mùi thơm hạt dổi, chút cay cay của hạt tiêu rừng càng làm món ăn thêm đậm vị hơn”, chị Nga bày tỏ.
Từ món ăn bình dị của đồng bào dân tộc Thái, Tày ở Tây Bắc, rêu suối trở thành đặc sản lạ miệng hấp dẫn thực khách mọi nơi. Trong hình là món rêu nướng. Ảnh: Hoàng Hằng
Theo lời của bà con dân tộc vùng Tây Bắc, các món ăn từ rêu không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có tác dụng chữa bệnh như giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Còn theo kinh nghiệm dân gian, rêu có tính thanh mát nên có thể trị mụn nhọt, sốt rét, phòng hàn. Rêu chủ yếu là chất xơ, có tác dụng giảm mỡ trong máu, thích hợp cho những người muốn giảm cân.
Thưởng thức món ngon trứ danh ở Sơn La
Đến Sơn La, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn cảm nhận sự hấp dẫn của những món ăn đặc sản của núi rừng Tây Bắc.
Những món ăn từ cây rừng, từ ao vườn, ruộng đồng, được chế biến bởi những bàn tay khéo léo của người dân bản địa đã trở thành những món ăn ngon khó quên.
1. PA PỈNH TỘP (CÁ GẬP NƯỚNG)
Nếu một lần lên Sơn La mà chưa thưởng thức món cá nướng gập, thì cuộc hành trình của bạn thật sự chưa trọn vẹn. Nhiều người thích món cá nướng nổi tiếng này không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi bàn tay khéo léo của người chế biến. Với người dân tộc Thái, từ xa xưa, khi đứa trẻ sinh ra đã được người mẹ lấy đũa gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, để đứa bé sẽ được hưởng miếng cá mà lớn khôn.
Món cá nướng nổi tiếng ở Sơn La.
Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cho rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng...Nhưng món ăn này nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị vào tẩm ướp cho ngấm đều. Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng.
Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.
2. CƠM LAM
Với những người yêu Tây Bắc, không ai lạ lẫm gì món cơm lam, một món ăn đặc trưng của vùng cao. Cơm lam ngon phải được chế biến từ gạo nương, ngon nhất là gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch lúa xong vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gạo cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm, đãi sạch rồi cho vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, sau đó cho lên bếp lửa đốt.
Khi ăn, người ta nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới, lẫn với chút hương vị của tre, của khói bếp, làm cho miếng cơm thật sự mang hương vị của núi rừng.
Cũng tùy từng sở thích của mỗi người mà người ta chọn châm cùng muối vùng hay chẩm chéo, món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống nứa, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.
Cơm lam là món ăn dân dã của người Tây Bắc
3. CHẲM CHÉO
Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, chẳm chéo là một món chấm cổ truyền của người Thái luôn mang đến cho du khách một cảm giác lạ lẫm khi thưởng thức. Đây được coi là "linh hồn ẩm thực của vùng Tây Bắc".
Người Thái ở Sơn La sử dụng chẳm chéo trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra họ còn dùng để tiếp khách. Nó là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của vùng núi rùng.
Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường... và nhất là không thể thiếu bột mắc khén, loại gia vị đặc trưng của người Thái. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.
4. NẬM PỊA
Nếu như người Mông có món thắng cố được coi là món ăn đặc trưng thì người Thái có món nậm pịa. Vì vậy đến Sơn La, bạn đừng quên thưởng thức món nậm pịa nổi tiếng.
Để chế biến được món này cần có ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta đem tuốt hết phần ruột bên trong, dùng vải bông sạch lọc nước lấy từ ruột non sau đó đập gừng, xả, mắc khén, ớt, lá chanh băm thêm một ít thịt bạc nhạc, thái thêm ít tiết tươi, đuôi, dạ dày, cuống tim... của bò hay dê cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành món ăn sền sệt.
Nậm pịa thưởng thức khi nóng sẽ rất ngon. Du khách nào mới ăn sẽ thấy có vị đăng đắng nơi cổ họng, nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt và thơm thơm của mắc khén, của các loại gia vị như xả, lá chanh, gừng, ớt.
Người ta thường thưởng thức nậm pịa với thịt bò hoặc dê luộc, khi chấm những miếng thịt luộc vào bát nậm pịa sẽ cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa ngào ngạt, tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Món nậm pịa được coi là món ăn đặc trưng của người Thái.
5. ỐC SUỐI BÀNG
Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt, chúng thường bò ra để ăn lá cây. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp, vì vậy, lên Sơn La được thưởng thức món ốc Suối Bàng béo ngậy trong ngày rét mướt thì không gì tuyệt bằng.
Món ốc luộc của người Sơn La được chế biến rất đơn giản, nhưng vị ngon ngọt của nó sẽ khiến người ăn một lần nhớ mãi. Ốc rửa sạch, không cần phải hấp cùng lá chanh hay gừng, sả. Nước chấm cũng chỉ cần cho vài lát ớt xanh đỏ, cũng đã đủ tạo nên một món ăn hấp dẫn. Con ốc đá béo ngậy khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo.
Ngoài ra, ốc đá còn có thể chế biến thành nhiều món khác như nấu canh. Sau khi luộc ốc, thịt ốc khêu ra nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua... đều ngon. Cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị như lá mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi cũng rất hấp dẫn. Vì vậy, nếu đến Suối Bàng thăm hang Ma, thăm làng văn hóa của người Mường, bạn đừng quên thưởng thức món ốc đặc sản núi đá nơi đây.
Thơm ngon cơm nếp chân đèo Khau Phạ Có người chẳng biết Tú Lệ ở đâu nhưng lại biết gạo nếp Tú Lệ, ăn một lần mà nhớ mãi. Thậm chí "phải lòng" thứ gạo nếp chỉ có ở nơi sơn cùng thủy tận dưới chân đèo Khau Phạ này. Đặc sản xôi nếp chỉ có ở Tú Lệ xa xôi Gạo nếp Tú Lệ là sản phẩm nông nghiệp của...