Hương vị quê hương: Dế xào ngày lụt
Lại gió, trời cứ mưa dầm dề, má đưa tay quẹt ngang mấy giọt mưa đọng trên mặt, nhanh nhẹn xắn tay vào bếp cùng một bình nhựa đầy dế cơm.
THANH LY
Một lúc sau, mâm cơm nóng hổi nhưng chỉ độc món dế xào ớt tỏi của má thơm lừng ( ảnh ). Nhâm nhi vị ngọt ngào của bát cơm quê ngày mưa bão mà nghe lòng rưng rưng.
Ở vùng hạ lưu xứ Quảng (Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An …), cứ đến mùa mưa người dân lại “hóng” dế cơm. Dế cơm như một món quà bù đắp cho người dân hai bên triền sông mỗi trận lụt. Khi những con nước ngập đồng, xâm xấp tràn vào vườn mỗi nhà cũng là lúc lũ dế từ các hang chui ra, tìm chỗ náu thân. Có những chú dế còn ngoi ngóp trong biển nước mênh mông, chú nào nhanh chân thì bu bám trên các cành cây, tán lá.
Quả thật, chỉ đến ngày lụt mới bắt dế dễ dàng như vậy, lội bì bõm ra sân vớt dế hoặc men ra vườn bắt dế bỏ vào bình, thoáng chốc đã có đủ cho một bữa cơm. Đặc biệt, sau thời gian trốn cái nóng oi ả của mùa hè, vùi sâu dưới đất nên thời điểm này dế cơm chú nào cũng béo tròn, được dân quê xem là đặc sản. Dế có thể chế biến nhiều kiểu khác nhau như nấu cháo, rang muối, nướng… Nhưng ngày mưa gió sụt sùi, trong bếp người xứ Quảng nhất định phải có món gì mặn mặn làm chủ lực, ngon miệng hết cơm nhưng ít “hao” thức ăn; vậy là má quyết định làm dế xào .
Dế bắt về bỏ vào một chậu nước, lấy que củi to xoáy thật đều và mạnh tay. Chỉ vài phút sau, dế say đứ đừ, cả nhà chung tay làm sạch. Dế bỏ phần gai chân, giữ lại phần đùi, bỏ cánh, ngắt nhẹ phần đuôi rồi lấy ruột. Lấy ruột là cả một quá trình khéo léo nếu không muốn làm mất đi cái vị “bùi bùi” còn sót lại trong bụng dế khi ruột được lấy ra. Chỉ cần bấm nhẹ vào phía đuôi dế rồi kéo phần ruột không ăn được bỏ đi. Tiếp tục rửa sạch bằng nước muối và để ráo nước.
Ngày lụt dù chật vật đến mấy má cũng ướp dế với đủ gia vị (dầu ăn, muối, tỏi, ớt, hành, thêm ít đường, tiêu giã nhuyễn) chừng mười lăm phút. Để món dế xào trở nên hấp dẫn và vàng giòn hơn, trước khi cho dế vào chảo nên cho muối ớt vào rang trước, sau đó bỏ dế vào xào.
Bữa cơm ngày lụt má nấu không cầu kỳ, thậm chí có phần qua loa, đôi khi chỉ có đĩa rau luộc, chén mắm, nay lại thêm món dế xào , cả nhà xúm xít, ai cũng vừa ăn vừa tấm tắc. Vị mặn cay của ớt, ngọt béo của dế tạo nên một nguồn năng lượng ấm áp, tiếp thêm sức mạnh giúp người dân quê tôi tiếp tục chống chọi với con nước lên.
Ấm lòng chè khoai nhà nấu
Gió bấc thổi từng cơn. Mưa rơi rào rạt lùa qua cánh đồng tạt vào nhà. Mới hơn 5 giờ chiều mà đã tối trời. Thím út ghé nhà cho mấy củ khoai môn, má "đề nghị" nấu chè ăn chơi.
Nguyên liệu khoai môn, chuối nấu món chè nóng THANH LY
"Chứ lâu lắm rồi má chưa nếm lại chè khoai môn nóng hổi, không khéo quên luôn cả mùi vị", má cười hiền. Giống má, tôi vốn là "con sâu chè", chỉ cần nghe má nói thèm là tôi ra tay, chị hai cũng xôn xen tất bật.
Chè khoai nhà nấu, nguyên liệu rất giản đơn: khoai môn, chuối và nếp, nếu thêm một ít đậu xanh, bột báng lại càng
tăng độ dẻo thơm. Riêng đường má thích nấu kiểu nửa đường cát vàng, nửa đường cát trắng để màu chè không quá sẫm nhưng lại có vị ngọt ngào thấm đượm. Và tôi chắc rằng chỉ có chè nhà mới nấu kiểu nguyên liệu thập cẩm như thế, vậy mà ngon đáo để.
Hấp dẫn chén chè nóng ngày đông
Cái mùi của nếp, khoai môn, chuối chín, gừng thơm nồng đan quyện với mùi khói củi, tất cả tạo nên một hương vị khó tả trong ngày mưa mùa đông vốn thèm chút gì cho ấm bụng và ngọt ngào xoa dịu hơi lạnh từ bên ngoài.
Chè khoai có vẻ đơn giản nhưng thực tế để có chén chè mềm dẻo, ngọt ngào phải hội tụ đầy đủ sự khéo léo, lòng kiên trì và tình yêu thương. Nấu chè bằng bếp củi mới ngon, nhóm một lần đỏ cả hai bếp củi. Một bếp rim khoai môn và chuối, bếp còn lại nấu mềm nếp và đậu xanh. Khoai môn sau khi đã gọt vỏ, cắt miếng vuông mang đi hấp gần chín (vừa mềm) mới tiếp tục rim với lượng đường đủ độ ngọt cho cả nồi chè. Riêng nếp, đậu xanh được đun sôi bên bếp còn lại. Một tay tôi khuấy đều nồi khoai, mắt lại luôn canh chừng nồi nếp, đậu xanh. Chị hai loay hoay đòi phụ nhưng tôi lắc đầu quyết liệt bởi nồi chè một người nấu, canh lửa, cân đối nguyên liệu mới ngon, vì chỉ có vậy thì tất cả hương thơm và mùi vị đạt được độ hài hòa, cân bằng.
Cái mùi của nếp, khoai môn, chuối chín, gừng thơm nồng đan quyện với mùi khói củi, tất cả tạo nên một hương vị khó tả trong ngày mưa mùa đông vốn thèm chút gì cho ấm bụng và ngọt ngào xoa dịu hơi lạnh từ bên ngoài
Khi khoai môn thoảng đưa hương đường và chuẩn bị sền đặc, bỏ thêm chuối chín cắt lát nhỏ vào, một ít gừng củ giã nhuyễn. Tiếp tục đun lửa liu riu, đến khi nước đường sóng sánh, thấm đượm lát khoai môn, ôm từng lát chuối thì cũng đúng lúc nồi nếp, đậu xanh vừa nhuyễn. Nhanh tay đổ chung hỗn hợp khoai chuối đã rim với nếp, đậu xanh. Lúc này, tôi dụi hết củi còn bén lửa, chỉ để bếp than đỏ, nồi chè sôi kêu sục sục, thi thoảng khuấy nhẹ nhưng đều tay.
Khi thành phẩm hạt nếp, khoai môn, chuối chín hòa quyện cùng nhau, mềm nhưng còn vẫn còn nguyên vẹn hình dạng, tôi "canh me" than đỏ thêm mười lăm phút là cả nhà đã ngồi trên cái phản gỗ kê giữa nhà, ngay cửa chính ngó chừng ra cánh đồng lồng lộng gió, nhâm nhi từng chén chè nóng hổi. Những muỗng chè dẻo quẹo, ngọt thanh ấm cả chiều đông lạnh giá.
Má vừa thưởng thức vừa tấm tắc khen. Bất chợt nhận ra, có những mùi vị sẽ không bao giờ thấy chán chê, ngao ngán dù tháng năm có mang lại sự giàu có, ấm no, bởi đó là hương vị, là tinh túy của quê nhà.
Hương vị quê hương: Ngọt mát canh khoai khai nấu tôm Nhiều món ngon, dân dã được chế biến từ khoai khai nhưng món nằm lòng phải kể đến là khoai khai nấu canh với tôm. Khoai khai và tôm - những nguyên liệu chính để nấu món canh NGÔ MÃ THIÊN Khoai khai nấu canh với tôm là món ăn bài thuốc, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Khoai khai luôn dân dã...