“Đặc sản” một thời khốn khó
Cháy cơm sẽ tự tróc ra khỏi nồi, óng màu cánh gián, thơm mùi mắm mỡ. Món này cứ phải ăn ngay, ăn nóng mới thật ngon.
Thế hệ tôi, hẳn ai cũng cảm thấy mình giàu có, cái giàu ở đây là giàu về hiểu biết, về cảm xúc và về kí ức. Bởi, thế hệ chúng tôi đã được trải qua ít nhất hai thời kỳ xã hội, đủ để thấy rõ từng thứ thay đổi thế nào.
Ký ức rõ nét nhất về căn bếp của nhà tôi ngày xưa là cơm cháy, nói chính xác hơn là món “cháy cơm”. Ngày xưa nấu cơm nồi gang, đốt mùn cưa, rơm hoặc củi. Để có được nồi cơm chín đều là không dễ. Nấu không khéo thì cháy hoặc khê cả nồi, nên cháy cơm thực ra cũng không phải món xa xỉ như bây giờ, có khi còn là nỗi ám ảnh của cả nhà!
Ngày xưa, “cháy cơm” không phải là món xa xỉ như bây giờ mà là nỗi ám ảnh của cả nhà.
Chị tôi thuộc tuýp phụ nữ thuần Việt. Những việc vặt hay chăm sóc mọi người trong nhà chị đều đảm đương trọn vẹn. Món cháy cơm của chị cũng khiến tôi nhớ mãi không quên. Vừa nấu cơm vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa trông em, nhưng chị luôn nhớ khi nồi cơm cạn là ra “vần” cho nồi cơm chín đều, chỉ có một ít cháy.
Video đang HOT
Cháy cơm nồi gang thì chẳng cần tả nhiều, lớp cháy mỏng vàng rộm, giòn thơm. Mỡ lợn thời đó với nhà nghèo “quý như vàng”, nhưng thi thoảng vì chiều thằng em là tôi mà chị vẫn lấy một ít để làm món cháy cơm thêm phần hấp dẫn. Khi cơm chín, chị xới hết cơm sang nồi khác, để lại phần cháy mỏng ở đáy nồi, rồi rưới đều một thìa mỡ lợn và một ít mắm lên trên và lại đặt lên bếp. Tiếng củi lửa cùng tiếng cháy nổ giòn tí tách thật kích thích các giác quan.
Cơm cháy với lớp cháy mỏng vàng rộm, giòn thơm đầy hấp dẫn (Ảnh minh họa).
Người ta bảo “đói mờ mắt” nhưng người tôi thì mới nghe tiếng tí tách trong nồi thôi là sáng bừng cả mắt. Cháy cơm sẽ tự tróc ra khỏi nồi, óng màu cánh gián, thơm mùi mắm mỡ. Món này cứ phải ăn ngay, ăn nóng mới thật ngon.
Thằng em thì lúc nào cũng vòi vĩnh món mới, còn chị thì lại hay mềm lòng chiều các em. Chỉ cần nghe thấy món gì hay, món gì lạ là chị tìm hiểu và làm bằng được. Đơn giản như món “ Kho quẹt” ở tận miền nam mà chị tôi cũng làm bằng được cho thằng em nhỏ. Cũng chính vì thế mà chị luôn cực kỳ quan trọng với tôi.
Ở bên chị, tôi hiểu rằng dù chỉ là vài muỗng nước mắm, vài muỗng đường, một chút tiêu, một chút hành khô, một chút tóp mỡ là có ngay món kho quẹt đựng trong nồi đất bé như lòng bàn tay. Nhưng khi làm phải chú tâm và đặt cả tấm lòng của mình vào trong đó thì kho quẹt mới vừa miệng và sánh đẹp.
Cơm cháy ăn cùng chút kho quẹt là “ngon hết sẩy” (Ảnh minh họa).
Chị tôi thường nói bí quyết để có nồi kho quẹt ngon là phải có miếng mỡ gáy heo, luộc qua rồi xắt hạt lựu, rán lấy tóp mỡ béo giòn nhưng không ngấy. Nếu lười biếng mà dùng dầu ăn thay thế là hỏng bét. Kho quẹt ngọt ngọt béo béo lại cay cay thấm đẫm từng hạt cơm cháy giòn tan. Nói thôi cũng đủ thấy nhớ, đủ để ứa nước bọt rồi. Kho quẹt không chỉ ngon “hết sẩy” với củ quả luộc mà còn “trên cả tuyệt vời” với cơm cháy.
Cuộc sống dân dã, những món ăn thân thuộc luôn chứa đựng những ký ức ngọt ngào. Mỗi món ăn thời khốn khó (nay thành đặc sản) đâu chỉ là chuyện ăn uống.
Nhớ hoài cơm cháy...
Bao năm rồi, tôi vẫn không quên được mùi vị ấy, mùi của khói củi vườn, lá cây khô, vị của lúa gạo đồng quê, nắng mưa chất phác quyện hòa trong miếng cơm cháy vàng giòn của tuổi thơ nơi quê nghèo.
Đó là những năm tháng người quê tôi còn nhọc nhằn ra vườn gom lá khô, củi mục về chất vô góc bếp, nhóm lửa thổi cơm. Căn bếp xưa lỉnh kỉnh nồi niêu, rổ rá, thúng mủng, ở giữa mẹ đặt chiếc lò đất nung cũ kỹ, lem lấm mùn tro và bụi đất. Chiếc lò lặng thầm trên kệ, xung quanh vương vãi lá khô, vỏ củi, bên cạnh là hai chiếc que sắt mẹ để khều than. Ngồi trên cái ghế cũ, mẹ tảo tần nhóm lửa, chụm củi, rồi nhẹ nhàng bắc lên lò chiếc nồi gang kín nắp đựng gạo đã vo sạch.
Tiếng củi bén lửa xì xèo, lẫn trong tiếng vỏ cây nổ lách tách, tiếng nước chảy trong veo từ cái chum lọc nước. Mẹ vừa lom khom nhặt rau, thái củ, vừa giữ cho lửa cháy đều, chờ cơm sôi thơm hương gạo mới. Khi nắp đậy bắt đầu nhảy lách tách và hơi trắng phả ra khỏi mép miệng nồi, bên trong cơm đã sôi ùng ục, mẹ giở nắp ra khuấy đều rồi chờ cơm cạn nước. Trong lúc chờ, mẹ gạt bớt lửa, chỉ còn để củi cháy liu riu, sau đó đậy nắp lại đợi cơm chín. Biết ý con thích ăn cơm cháy, mẹ dùng que sắt gắp vài cục than nóng đỏ đặt lên nắp nồi, hạt cơm cháy sẽ vàng giòn. Khi mâm cơm được dọn ra tấm phản gỗ, bao giờ tôi cũng háo hức đợi khi nồi cơm gần hết, sẽ được ăn cơm cháy mẹ vét ở đáy nồi.
Cơm cháy chấm cùng kho quẹt, những hôm không có kho quẹt, mẹ sẽ làm muối đậu phộng, ăn vào những ngày mưa. Tôi nhớ món muối đậu phộng của mẹ, món ăn chỉ đơn thuần là muối trộn với ít đường, rắc thêm đậu phộng rang đã bóc vỏ và giã thành hạt nhỏ, giòn rụm, mà vương vấn cả tuổi thơ. Cơm cháy khi còn nóng thì cứng, giòn, để lâu một chút, miếng cơm sẽ vừa dẻo vừa dai, nên tôi chỉ thích ăn lúc nóng. Nhớ những ngày thơ ấu ham chơi, đến giờ cơm, mẹ sai chị tôi ra bãi đất trống ngoài đồng gọi tôi về, bao giờ chị cũng dọa: "Về ăn nhanh chứ hết phần cơm cháy!". Và lần nào nghe xong câu nói đó, dù đang giữa cuộc chơi cùng chúng bạn, tôi đều chạy ù về. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi lại thương đến nao lòng bàn tay mẹ dồn sức vét cơm, thương tiếng chị gọi từ xa, bóng ngả hanh hao giữa nắng chiều...
Tôi xa quê đi học, tá túc ở nơi phố thị đua chen, đủ đầy của ngon vật lạ, mà lòng có bao giờ quên giề cơm cháy ngọt bùi, thảo thơm tình mẹ. Ở quê nhà, mẹ vẫn giữ thói quen nấu cơm bằng củi, dù anh tôi đã sắm cho mẹ chiếc nồi điện cùng bếp gas, đỡ đần mẹ chuyện cơm nước, nhưng mẹ bảo, cơm nấu bằng bếp củi mới ngon. Thành ra, một trong những niềm hạnh phúc của tôi mỗi lần về bên mẹ, là được trệu trạo nhai miếng cơm cháy vàng giòn và bùi ngùi nhớ về những tháng ngày xưa xa...
Cơm cháy Ninh Bình - Thương hiệu Việt Cơm cháy là đặc sản đất Cố Đô từ lâu, ai cũng biết đến. Không chỉ là món ăn ngon, cơm cháy kết hợp với một số loại thuốc còn có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Cốt cách của món ngon truyền thống Cơm cháy kết hợp với ruốc bông là món ăn rất hợp với khẩu vị của cả người...