Đà tăng giá ngắn ngủi của Bitcoin
Nhiều nhà đầu tư mua vào Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Bitcoin có thực sự là “vàng kỹ thuật số” hay không.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 12/11 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin – đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới – có thời điểm mất mốc 64.000 USD/đồng. Tính đến 16h30, đồng tiền được giao dịch ở mức 64.145 USD/đồng, giảm 1,93% so với một ngày trước đó.
Như vậy, so với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, giá Bitcoin đã sụt giảm 6,65%. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 1.211 tỷ USD.
Giá Ether – đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới – cũng điều chỉnh sau khi lập đỉnh hôm 10/11. Đồng tiền được giao dịch ở mức 4.661 USD/đồng, giảm 1,54% so với 24 giờ trước đó và lao dốc 4,06% từ mức kỷ lục 4.859 USD/đồng.
Nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thế giới cũng chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa sụt giảm 2,47% so với một ngày trước đó xuống 2.800 tỷ USD.
So với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, giá Bitcoin đã sụt giảm 6,65%. Ảnh: CoinMarketCap.
Không phải “vàng kỹ thuật số”?
Theo giới chuyên gia, nhiều nhà đầu tư mua vào Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát. Nhưng đến nay, việc Bitcoin có thực sự là “vàng kỹ thuật số” hay không vẫn còn gây tranh cãi.
“Bitcoin vẫn còn nhiều động lực để tăng giá. Nhưng dường như đồng tiền đang gặp vấn đề trong việc tận dụng những động lực này và rơi khỏi vùng giá kỷ lục”, chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) bình luận với Zing.
Video đang HOT
Theo ông, thông tin về mức lạm phát kỷ lục của Mỹ đã đưa giá Bitcoin lên mức kỷ lục. “Nhưng đà tăng đó không kéo dài. Giá ghi nhận mức giảm 5% vào cuối ngày”, ông Erlam bình lượng.
“Dường như Bitcoin không phải là một hàng rào lạm phát lý tưởng. Đà tăng của đồng tiền đang có dấu hiệu chững lại”, vị chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông, đây không phải lần đầu tiên Bitcoin giảm giá sâu rồi tăng mạnh trở lại. “Việc Bitcoin điều chỉnh giá có thể là cơ hội mua vào”, ông Erlam nói thêm.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.
Các nhà đầu tư thường tìm đến vàng – một “hàng rào lạm phát” truyền thống – trong bối cảnh giá cả leo thang. Tuy nhiên, lãi suất thực tế giảm cũng thúc đẩy nhà đầu tư mua những tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn Bitcoin.
Nhưng nói với Zing, ông Neil Wilson – Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com – cho rằng không phải lúc nào Bitcoin cũng hoạt động như một “hàng rào” chống lạm phát.
Các nhà đầu tư coi Bitcoin là một dạng “vàng kỹ thuật số”. Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là đồng tiền này phải giữ giá trị trong một thời gian rất dài, chẳng hạn như hơn một thế kỷ. Theo giáo sư tài chính Cam Harvey tại Đại học Duke, Bitcoin chưa có lịch sử đủ lâu để làm điều đó.
Giá Bitcoin biến động dữ dội kể từ khi ra đời. Nhưng lý do hầu như không liên quan đến lạm phát. “Giá không chỉ lên xuống bởi quy luật cung tiền, mà còn bị ảnh hưởng từ yếu tố đầu cơ. Đó là nguyên nhân thị trường Bitcoin biến động gấp nhiều lần thị trường chứng khoán”, ông Harvey bình luận.
Thậm chí, có thể hình dung ra viễn cảnh lạm phát có tác động đến Bitcoin ngược với suy đoán của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nếu lạm phát gây ra suy thoái, các nhà đầu tư có thể tránh xa những tài sản rủi ro như tiền mã hóa.
Biến động dữ dội
Hãng tin Bloomberg nhận định Bitcoin không giống hầu hết hàng rào phòng vệ rủi ro lạm phát khác. Giá trị của đồng tiền này hoàn toàn nằm ở niềm tin của người nắm giữ.
Giá trị của Bitcoin không nằm ở bất cứ tài sản nào như dầu, bất động sản hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp. “Có thể lạm phát và giá Bitcoin cùng tăng lên. Nhưng chưa chắc chúng nằm trong mối quan hệ nguyên nhân – kết quả”, Bloomberg khẳng định.
Nói với Zing, ông Edward Moya – chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) – cũng cảnh báo về biến động giá của Bitcoin trong những tuần cuối năm.
Bitcoin chưa có lịch sử đủ lâu để trở thành “vàng kỹ thuật số”. Ảnh: Reuters.
Theo vị chuyên gia tại Oanda, đà tăng giá của Bitcoin và Ether sẽ giảm tốc sau khi giá đạt lần lượt 70.000 USD/đồng và 5.000 USD/đồng.
“Giá Bitcoin đã tăng hơn 136% trong năm nay. Còn Ether tăng giá 550%. Một số quỹ đầu tư và quản lý tài sản sẽ tìm cách chốt lời trước khi kết thúc năm”, ông Moya giải thích.
“Động thái chốt lời của các nhà đầu tư có thể khiến Bitcoin và Ether mất một số mốc giá quan trọng, kích hoạt đà giảm khoảng 5-10% trước khi bật tăng trở lại”, vị chuyên gia dự báo.
Theo ông, triển vọng của Bitcoin và Ether trong dài hạn vẫn rất lạc quan. “Tuy nhiên, đến cuối năm, sự biến động vẫn tăng cao”, ông Moya nói thêm.
Chứng khoán Mỹ: Nhà đầu tư tháo chạy vì lạm phát tăng kỷ lục, Dow Jones "bay" hơn 200 điểm
Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên ngày 10/11 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước lo ngại về lạm phát tăng cao.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Dow Jones giảm 240 điểm sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy dữ liệu lạm phát trong tháng 10 tăng cao nhất kể từ năm 1990.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones rớt 240,04 điểm, tương đương 0,7%, xuống còn 36.079,94 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,8% về mức 4.646,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm gần 1,7% còn 15.622,71 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn có xu hướng giảm trong những tuần gần đây, đã tăng 11 điểm cơ bản vào ngày thứ Tư sau dữ liệu về CPI. Một phiên đấu thầu ảm đạm trái phiếu kỳ hạn 30 năm trong chiều ngày 10/11 cũng khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Khi lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán nhóm cổ phiếu công nghệ và mua vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giới đầu tư cũng chuyển sang kênh trú ẩn an toàn như vàng.
Bà Liz Ann Sonders - nhà đầu tư chiến lược tại công ty Charles Schwab nhận xét: "Báo cáo CPI ngày hôm nay đã tác động tiêu cực đến thị trường Phố Wall. Ở một mức độ nào đó, thị trường cổ phiếu sẽ biến động theo tín hiệu từ thị trường trái phiếu".
Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo 5,9% của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát theo năm cao nhất kể từ 1990. Chỉ số này cũng tăng 0,9% so với tháng trước đó và cao hơn so với ước tính 0,6% của các nhà kinh tế.
Bà Nancy Davis, nhà sáng lập công ty quản lý quỹ Quadratic Capital Management cho biết: "Số liệu CPI công bố ngày thứ Tư cho thấy mức lạm phát tăng cao hơn nhiều mức mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang (FED), chủ yếu do các vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Nếu lạm phát tiếp tục duy trì đà tăng, FED sẽ phải đẩy nhanh tốc độ giảm nguồn cung tiền mặt ra thị trường và tăng lãi suất, điều này ảnh hướng đến thị trường cổ phiếu cũng như trái phiếu".
Nhóm cổ phiếu công nghệ chịu áp lực trong phiên ngày thứ Tư khi lãi suất tăng làm giảm giá trị lợi nhuận trong tương lai, do đó có thể tác động nhiều đến các cổ phiếu tăng trưởng. Cổ phiếu Advanced Micro Devices lao dốc 6,1%, cổ phiếu Nvidia sụt 3,9% và cổ phiếu Alphabet giảm 2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được lực đẩy từ đà tăng của lợi suất trái phiếu, nhờ đó hạn chế đà giảm điểm trên sàn Phố Wall. Lãi suất cao hơn có nghĩa là các ngân hàng tính lãi cao hơn cho các khoản vay, điều này cũng giúp tăng thêm lợi nhuận. Cổ phiếu Bank of America tăng gần 0,8%, còn cổ phiếu Wells Fargo cộng 0,9%.
Giới đầu tư cũng tìm kiếm những kênh đầu tư khác ngoài cổ phiếu và trái phiếu để phòng ngừa lạm phát. Vàng và đồng Bitcoin tăng khi nhà đầu tư chuyển hướng lựa chọn các tài sản có thể giữ giá tốt hơn khi lạm phát tăng./.
Giá Bitcoin hôm nay (ngày 11-11) lập kỷ lục, vượt ngưỡng 69.000 USD/coin Giá bitcoin đã tăng khoảng 2.500 USD (4%) trong phiên giao dịch ngày 10-11, chỉ trong vòng 45 phút sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hàng tháng về chỉ số giá tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN Trong phiên giao dịch ngày 10-11, đồng tiền số lớn nhất thế giới bitcoin đã có thời điểm xác lập mức cao...