Đà Nẵng: Ngân hàng hỗ trợ gì cho doanh nghiệp vượt qua Covid-19?
Ngày 2/3, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho hay vừa có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 28/2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên có văn bản gửi NHNN chi nhánh Đà Nẵng nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đang gây nhiều ảnh hưởng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN).
NHNN chi nhánh Đà Nẵng đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: HC)
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đề nghị NHNN chi nhánh Đà Nẵng sớm chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của các khách hàng, DN đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Qua đó xem xét tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, và cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.
Ông Võ Minh cho hay, trên cơ sở đề nghị của UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo của Thống đốc NHNN, NHNN chi nhánh Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các TCTD trên địa bàn xem xét thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, đề nghị các TCTD trên địa bàn TP Đà Nẵng tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01 đến ngày 31/3/2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Các TCTD chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng dẫn của NHNN, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Ông Võ Minh cho biết: “Hiện NHNN đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi chờ Thông tư được ban hành thì tinh thần hiện nay là tạm thời thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN tại văn bản 1117/NHNN-TD để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trước mắt”.
Video đang HOT
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Hiệp hội Du lịch TP ngày 12/2, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ là “rất lớn, trước mắt chưa thể đánh giá bằng con số cụ thể được”.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cũng cho biết, cùng với các DN ngành vận tải, lữ hành, ăn uống, lưu trú… thì các DN có hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Để từng bước khắc phục những ảnh hưởng do dịch bệnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đề nghị chính quyền TP xem xét một số vấn đề cụ thể như giảm tiền thuê đất, giảm chi phí quảng cáo…; đồng thời đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các TCTD giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất; giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội… để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng nặng vượt qua khó khăn hiện nay.
Các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng
Ngày 14/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020, trong đó giao “ Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân do ảnh hưởng của dịch”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Trong vòng 03 tuần kể từ khi họp với NHNN, các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Bước đầu ghi nhận từ các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng… để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân khắc phục thiệt hại.
HẢI CHÂU
Theo vietnamnet.vn
Covid-19 đang "phủ bóng đen" lên nợ xấu của các ngân hàng
Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chao đảo, với các ngân hàng thì nguy cơ nợ xấu có nguy cơ gia tăng.
Sự hoành hành của dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến các ngành nghề, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng. Ngoài giảm tốc tộ tăng trưởng tín dụng thì còn gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Đến thời điểm này, mặc dù đã có 12 ngân hàng tất toán trước hạn nợ xấu đã bán cho VAMC, nhưng xu hướng ngân hàng làm sạch nợ tại VAMC đang bị chững lại trước rủi ro của đại dịch. Theo đánh giá chung của các ngân hàng, hàng nghìn tỷ đồng dư nợ có nguy cơ chuyển nhóm do doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh.
Những khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch là doanh nghiệp trong các lĩnh vực: vận tải, kho bãi, lưu trú, du lịch, nhà hàng - ăn uống... Tiếp đó là các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc như: doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thủy sản; các khách hàng phải nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc...
Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do vậy nguy cơ gia tăng nợ xấu rất khó tránh khỏi.
Nợ xấu có nguy cơ gia tăng bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank cho biết, hiện, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng chắc chắn rằng, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền và khả năng trả nợ của khách hàng với Ngân hàng.
Việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi cơ cấu cho vay của ngân hàng với ngành nông nghiệp chiếm tới 70%. Điều này có thể tác động tiêu cực và làm gia tăng nguy cơ nợ xấu tại ngân hàng này.
Còn theo ước tính của Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), tổng số khách hàng của ngân hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 đã lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể sẽ gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nợ xấu rất có thể sẽ gia tăng.
Đề cập đến vấn đề nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát, TS. Cấn Văn Lực phân tích, dịch Covid-19 có một số tác động đến lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Thứ 1, thời điểm này, nhu cầu tín dụng sẽ giảm, bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị chậm lại, khả năng tài chính yếu đi, khó có khả năng trả nợ, từ đó dẫn đến nợ xấu tăng.
Một tác động nữa mà chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra là do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
"Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép, nếu hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp nào khó khăn sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu. Do vậy, đây sẽ là tiềm ẩn nợ xấu về lâu dài chứ không phải đẩy nợ xấu năm nay lên ngay lập tức", TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, đại dịch khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thêm phần khó khăn, làm tăng trưởng tín dụng chậm lại. Cùng với đó, việc ưu đãi miễn, giảm lãi suất có thể phần nào gây sức ép lên biên lãi ròng cũng như lợi nhuận của các ngân hàng. Chất lượng tài sản bị tác động tiêu cực do dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo đơn vị này, hiện tại chỉ có doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được cơ cấu lại nợ mà không bị chuyển nhóm nợ nhờ Nghị định 116. Còn lại, nguy cơ nợ xấu tăng lên vẫn hiện hữu ở các nhóm du lịch, vận tải.
Nhìn nhận xa hơn, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán định, yếu tố rủi ro bất ngờ của dịch bệnh vẫn đe dọa nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tác động mạnh đến triển vọng của ngành ngân hàng nếu dịch bệnh khó kiểm soát, nợ xấu sẽ gia tăng và đáng lo ngại hơn./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN
Doanh nghiệp lao đao vì COVID-19, Đà Nẵng đề nghị giảm lãi vay UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng có giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ngày 2-3, UBND TP Đà Nẵng cho hay vừa ra văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo...