Đà Nẵng mở cửa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Đà Nẵng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và sẽ dần mở cửa trở lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngày 24-9, TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nhằm lắng nghe những kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh chuẩn bị mở lại các hoạt động kinh tế – xã hội từ ngày 1-10.
Mong muốn được tự chống dịch
Ông Vy Văn Việt, Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, cho rằng TP cần có cơ chế thẻ xanh COVID để sớm đưa DN trở lại hoạt động bình thường. Bởi nhân sự của ngành phần mềm đã về các tỉnh khá đông, cần hỗ trợ để họ quay lại làm việc.
Nhiều DN khác kiến nghị tiếp tục được giảm lãi suất cho vay, giãn các khoản nợ đến hạn, miễn hoặc giảm các loại phí, lệ phí, thuế… để DN có nguồn tiền vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. Đồng thời, các DN cũng đề nghị TP đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine cho người lao động, cho DN nhỏ tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động. Ngành y tế cũng cần hướng dẫn DN test COVID-19 cho người lao động, chủ động ứng phó với dịch bệnh tại DN.
Ở nhóm DN nước ngoài (FDI), đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Silver Shores cho rằng TP không nên buộc DN và cộng đồng vào với nhau mà nên để cho DN tự thực hiện phòng chống dịch, chính quyền chỉ phụ trách ở cộng đồng. “Khi chúng tôi tự chống dịch, đương nhiên chính quyền có thể kiểm tra, xử lý những DN làm không tốt” – vị này nói.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Heineken TP Đà Nẵng, cho hay mô hình “ba tại chỗ” và hạn chế đi lại hiện nay là không bền vững. Công nhân làm việc “ba tại chỗ” thời gian dài ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, DN cũng mất khoản tiền rất lớn để triển khai nên cần sớm kết thúc việc này.
Theo ông Phúc, chính quyền phải cho phép lưu thông tất cả hàng hóa không thuộc danh mục cấm và đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan. Đồng thời, Đà Nẵng cần sớm xây dựng kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới.
Doanh nghiệp tại Đà Nẵng nêu nhiều khó khăn, kiến nghị với lãnh đạo TP. Ảnh: BTC
Video đang HOT
Rút ngắn thời gian cách ly, đơn giản giấy đi đường
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản – Chi hội Đà Nẵng (JCCID), thông tin hiện rất nhiều DN bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Bởi lẽ Đà Nẵng phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu từ các TP lớn, nếu không có sự lưu thông kết nối thì rất khó cho DN.
Hiệp hội này cũng đề nghị TP mở rộng giấy thông hành. Vì thực tế có một số DN đã tuyển được nhân sự mới nhưng người lao động không thể đến làm việc do vướng giấy đi đường.
“Có những DN phải làm thủ tục xin giấy thông hành cho hàng ngàn lao động tốn rất nhiều nhân lực và thời gian nhưng cũng không kịp tiến độ. Vì vậy, mong muốn của DN được hoạt động với 100% công suất để hoàn thành đơn hàng cho các đối tác” – ông Naoatasu nói.
Ông Jose Sanchez – Barroso Gonzalez, đại diện Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), bày tỏ nguyện vọng sớm được mở cửa để làm việc. TP cần có kế hoạch phục hồi kinh tế trên cơ sở tham khảo các địa phương khác.
Hiện các chuyên gia gặp nhiều khó khăn về thủ tục nhập cảnh nên khi máy móc hư hỏng không thể sửa chữa được. Về vấn đề cách ly khi chuyên gia nhập cảnh, hiệp hội đề nghị rút ngắn thời gian cách ly, dựa vào số mũi tiêm vaccine và số lần xét nghiệm PCR.
Giải quyết nhiều bức xúc của doanh nghiệp
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cam kết TP sẽ tạo điều kiện cho DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển TP với lãi suất 0%. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng sẽ triển khai chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, miễn phí đào tạo nghề. TP cũng sẽ điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt, điều chỉnh bổ sung hệ số phân vệt khu đất theo chiều sâu thửa đất.
“Cho phép gia hạn thuê đất thêm một năm đối với DN thuê đất theo hiện trạng sử dụng. Cho phép DN được điều chỉnh giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư với thời gian không quá 24 tháng” – ông Minh cho hay.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thay mặt lãnh đạo TP nhận trách nhiệm về việc không thông tin tình hình dịch bệnh bằng nhiều ngôn ngữ và thông tin chưa kịp thời cho các DN đầu tư nước ngoài.
Theo ông Quảng, Đà Nẵng đang tính toán các phương án để mở lại một số hoạt động kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh… từ ngày 1-10.
Ông Quảng cũng đề nghị ngành y tế có hướng dẫn sớm cho DN về thời hạn cách ly y tế đối với chuyên gia nước ngoài, có thể rút ngắn thời gian cách ly đối với chuyên gia đã tiêm vaccine. Ông cũng khẳng định đến giữa tháng 10 sẽ tiêm đủ vaccine mũi 1 cho người lao động trong khu công nghiệp và có kế hoạch tiêm phủ vaccine mũi 2.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quảng, DN phải có phương án cụ thể trong việc phòng ngừa, xử lý các tình huống xảy ra khi có F0 và Sở Y tế sẽ tập huấn cho các DN. “TP luôn hoan nghênh việc DN chủ động phòng chống dịch nhưng nếu như có F0 thì riêng DN không thể làm được, phải có sự hỗ trợ, thậm chí có sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và chính quyền mới làm được” – ông Quảng nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng cho hay lãnh đạo TP đã thấy bất cập trong văn bản hướng dẫn của ngành y tế và đã chỉ đạo khắc phục, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân trong việc ra vào TP. Quan điểm của TP là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân ra khỏi TP, quan tâm hơn với người vào TP để kiểm soát.
“TP cố gắng phấn đấu để mỗi người dân đều có một QR Code khi quét sẽ hiện đầy đủ thông tin cá nhân, số mũi vaccine, xét nghiệm… thay cho tất cả giấy đi đường trước đây. Tức là hướng đến việc người dân đi đâu cũng phải có ứng dụng trên điện thoại để quét QR Code giống như thẻ xanh” – ông Quảng nói.
Đà Nẵng bảo đảm an toàn cho các cơ sở cách ly y tế tập trung trước bão số 5
Chiều 10/9, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 và ứng phó với cơn bão số 5.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, giám sát, đảm bảo tàu thuyền neo đậu an toàn trước mưa bão.
Theo dự báo, bão số 5 là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp; dự kiến cơn bão này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền thành phố Đà Nẵng vào rạng sáng 12/9, gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, nguy cơ mưa lớn, lũ lớn gây ngập lụt vùng trũng thấp và các khu dân cư, mực nước biển và sóng biển dâng cao.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, với bão cấp từ 8 đến 11 như bão số 5, toàn thành phố sẽ tổ chức sơ tán 58.683 người (tập trung: 18.733 người; tại chỗ: 39.950 người). Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng hiện có 32 cơ sở cách ly y tế tập trung để phòng, chống dịch COVID-19, đang thực hiện cách ly tập trung 1.029 người.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo trước diễn biến phức tạp của bão, các sở, ngành, địa phương phải có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho các trường học, công sở đang được trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung.
Các công trình này có thể nguy hiểm, không đảm bảo an toàn khi trời mưa gió lớn, vì vậy trong ngày mai 11/9, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các quận, huyện, sở, ngành cần tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đối với những người sống trong nhà không kiên cố, ở khu vực nguy hiểm, cần tổ chức di dân đến nơi an toàn nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Về nguyên tắc, cần tổ chức cho mỗi gia đình ở trong 1 phòng riêng để an toàn, tránh trường hợp lây nhiễm chéo.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng lưu ý các quận, huyện phải có phương án chống ngập úng, nhất là tại huyện Hòa Vang, nơi đang thi công nhiều công trình xây dựng trọng điểm và nhiều khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở. Về đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tránh trú bão, đồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các lực lượng hướng dẫn ngư dân khẩn trương đưa tàu thuyền vào neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang. Lực lượng chức năng cần kiểm soát, xét nghiệm nhanh và yêu cầu ngư dân phải ở yên trên tàu, khi bão đổ bộ thì phải tổ chức sơ tán ngư dân lên địa điểm cách ly tập trung an toàn trên đất liền.
Về công tác ứng phó với bão, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng yêu cầu Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng xây dựng phương án cung ứng cụ thể về tích trữ lương thực, thực phẩm, đảm bảo nhu cầu cho người dân thành phố trong và sau thời gian chống bão. Ông Lê Trung Chinh cũng yêu cầu các Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường tạo điều kiện tối đa cho nhân dân trong việc sửa chữa, chằng chống nhà cửa trước bão. Với các cá nhân có nhu cầu đi sửa chữa nhà thì phải nhanh chóng cấp giấy đi đường, đồng thời cho phép các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, đồ điện nước được mở cửa phục vụ nhân dân...
Bộ đội Biên phòng đồn Sơn Trà chỉ dẫn cho tàu thuyền vào neo đậu an toàn trong Âu thuyền Thọ Quang.
Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, từ 13 giờ ngày 9/9 đến 13 giờ ngày 10/9, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 30 ca mắc mới, trong đó 22 ca có khả năng lây ra cộng đồng, có 99 ca khỏi bệnh và 3 ca tử vong. Trong ngày 10/9, lực lượng y tế đã tiêm tổng cộng 21.469 liều vaccine; cộng dồn đã tiêm 318.005 liều (trong đó: 260.730 người tiêm mũi 1 và 57.275 người tiêm mũi 2).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh chỉ đạo, hiện nay một số phường, xã vẫn yêu cầu người đang cách ly tại nhà phải đến cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm, nếu người đang cách ly mắc COVID-19 có nguy cơ làm lây lan ra cộng đồng. Trong thời gian tới, các xã, phường phải đảm bảo tất cả các F1 cách ly tại nhà thì phải được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện lên phương án tạo điều kiện cho các vùng xanh được hoạt động trở lại bình thường, tiến tới cho người dân các quận, phường "vùng xanh" được đi lại, làm việc.
Nếu không có 20 ngày ở tại chỗ, dịch ở Đà Nẵng sẽ bước tới 'ranh giới đỏ' Đó là nhận định tổng kết của ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sau 20 ngày địa phương này thực hiện triệt để biện pháp chống dịch yêu cầu dân "ai ở đâu ở yên đấy". Cùng với việc yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đấy", thành phố Đà Nẵng mở 5 đợt xét nghiệm đại...