Đà Nẵng: ‘Chúng tôi sáng tạo luật để đưa người nghiện đi cai’
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, ví việc áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy như một bài toán không có lời giải.
- Thưa ông, tại sao Đà Nẵng phải ra quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy riêng, không tuân theo quy trình của Luật xử lý vi phạm hành chính?
- Những năm trước đây, Đà Nẵng đã làm quyết liệt với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nhằm ngăn chặn phát sinh người nghiện mới, giảm thiểu người tái nghiện. Người nào bị phát hiện sử dụng trái phép ma túy lập tức bị xử phạt hành chính, giao cho gia đình và địa phương cai nghiện. Nếu phát hiện tái nghiện thì đưa đi cai tập trung, có thể học nghề hoặc học văn hóa, trang bị kỹ năng phòng, chống tái nghiện… Nhờ đó, tỷ lệ người tái nghiện của thành phố chỉ còn 41%, trong khi của cả nước là trên 85%.
Nhưng từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, việc đưa người nghiện đi cai gặp nhiều khó khăn. Số người nghiện ở thành phố đã tăng gấp đôi, hiện có 1.888 người nghiện có hồ sơ quản lý.
- Những khó khăn trong triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính với Đà Nẵng là gì?
- Luật xử phạt vi phạm hành chính hiện hành tiếp cận được với văn minh thế giới, nhưng trình độ dân trí, nhận thức của Việt Nam chưa theo kịp được trình độ xã hội dân sự của các nước phát triển, nên khi ra văn bản rồi nhiều tiêu chí mình không làm được.
Chẳng hạn theo yêu cầu chuyên môn, muốn xác định tình trạng nghiện ma túy phải đưa về theo dõi trong vòng 72 giờ trong khi luật quy định người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị quản thúc trong thời hạn tối đa 24 giờ. Hay như, Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà tổ chức xã hội lại là những người làm việc ở các đoàn thể làm gì có chuyên môn điều trị, cắt cơn giải độc, đâu phải trạm xá nào cũng có 3 phòng kiên cố chống trốn thoát, chống thẩm lậu ma túy, chống nguy cơ tự sát hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người điều trị, các bệnh nhân khác…
Trông coi, chăm sóc quản lý người nghiện là một công việc vô cùng phức tạp, nguy hiểm, nhưng những người ở các tổ chức xã hội làm việc này không có chế độ thù lao, không có công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất làm việc không bảo đảm thì thử đặt câu hỏi có làm được không? Đương nhiên là không rồi, có mấy ai tự giác đi ngồi giữ người cai nghiện đến cả mấy chục ngày.
Ông Lê Minh Hùng trả lời phỏng vấn của VnExpress. Ảnh: Nguyễn Đông
Sự phân quyền, phân thời gian cho các bộ phận khi làm thủ tục xem ra là cải cách hành chính, nhưng thực tế chỉ đứt một mắt xích là hồ sơ không đi tới cùng được. Đơn cử trong vòng 7 ngày công an lập hồ sơ đưa lên tư pháp bị trả về thì đã mất thêm một tuần nữa để làm lại.
Thẩm quyền quyết định đưa người nghiện vào trung tâm cai bắt buộc là tòa quận huyện. Nhưng khi tòa xét xử sẽ hỏi có đương sự không, không có đương sự thì tòa không xử. Theo quy định thì tòa phải xử vắng mặt, mà đã vắng mặt thì làm gì có người thực hiện quyết định của tòa.
Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành đảm bảo nhân quyền cho một bộ phận nhỏ người nghiện mà không lo quyền lợi cho số đông thì đất nước không phát triển được, người dân bất an. Sự gia tăng người nghiện, gia tăng tội phạm là cái giá phải trả rất đắt nếu ta cứ khoanh tay ngồi chờ sửa luật. Quy định của luật có thể ví như ra một bài toán mà học trò không đi đến đáp án cuối cùng được.
- Ý tưởng xây dựng quy chế riêng của Đà Nẵng triển khai như thế nào?
- Khi thấy luật nhiều bất cập như vậy, ngành Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố cho xây dựng quy chế phối hợp lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện ma túy và được Ủy ban đồng ý ngay. Khi họp để thống nhất quy chế, nhiều ngành lo vướng luật. Trong một cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trần Thọ thừa nhận quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính đang vướng mắc, nhưng Đà Nẵng vẫn phải tìm ra hướng đi, đích thân ông sẽ đứng ra nhận trách nhiệm trước trung ương nếu làm sai.
Cách làm của Đà Nẵng là các ngành cùng ngồi lại để lập hồ sơ, tổ chức đưa người nghiện vào trung tâm. Đà Nẵng không chờ 72 giờ để xác định nghiện nữa. Ngay khi lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ người có biểu hiện nghiện ma túy, người này sẽ được test ngay với sự có mặt của người có thẩm quyền, nếu có kết quả dương tính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật: Phạt tiền nếu vi phạm lần đầu; lập hồ sơ đề nghị bắt buộc cai nghiện nếu từng có hồ sơ chứng minh liên quan đến sử dụng ma túy dưới 4 năm; giao cho gia đình quản lý trong khi chờ lập thủ tục nếu có nơi cư trú ổn định. Trong trường hợp không có nơi cư trú ổn định sẽ được lập hồ sơ đưa vào cơ sở quản lý chờ làm thủ tục chuyển tòa án xét xử. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị người nghiện hoặc thân nhân của họ được đọc hồ sơ theo quy định.
Các quận huyện sẽ lập ra một tổ tư vấn thẩm định hồ sơ bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi nhận được hồ sơ do UBND xã, phường đề nghị thì trong vòng 3 ngày tổ tư vấn thẩm định họp xem xét thống nhất tính pháp lý, nội dung hồ sơ rồi chuyển qua tòa án, thay vì phải mất 17 ngày như quy định tại Nghị định số 221/2013.
Phía tòa án cũng ủng hộ việc xem xét và ra quyết định trong vòng từ 5 đến 7 ngày chứ không phải chờ đến 15 ngày như quy định.
Đà Nẵng lập riêng một cơ sở xã hội để quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ mà chưa đưa vào cai nghiện tập trung. Cơ sở này có đầy đủ chức năng về y tế, trang thiết bị, chế độ hỗ trợ cho người bị quản lý và đội ngũ cán bộ, chống được thẩm lậu ma túy, chống hành vi trốn thoát và đe dọa sức khỏe, tính mạng những người xung quanh, hỗ trợ tư pháp trong quá trình xét xử và chấp pháp…
Tôi cho rằng đây không phải là làm trái luật mà là sáng tạo luật, tốt cho xã hội và cho bản thân người nghiện.
- Hiệu quả của quy chế mà Đà Nẵng đang thực hiện đến nay ra sao?
Video đang HOT
- Trong 10 ngày quy chế quản lý người nghiện của Đà Nẵng có hiệu lực, tòa Đà Nẵng đã xem xét và ra phán quyết với 7 trường hợp. Với cách làm này, chắc chắn sẽ có hiện tượng người nghiện chạy đi nơi khác.
Tháng 9 vừa qua, khi nói về tình hình ma túy hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng địa phương nào có mô hình hay trong việc quản lý người nghiện thì trung ương ủng hộ. Tôi ngầm hiểu đó là đồng thuận với những việc làm có lợi cho dân, cho nước.
Đà Nẵng không phải cố làm trái luật mà thực tế là đang làm cho luật tốt hơn. Nếu quy chế của Đà Nẵng khả thi, theo tôi trung ương chỉ cần ra thông tư hướng dẫn cho địa phương cùng làm, thực hiện đồng bộ thì việc quản lý người nghiện sẽ hiệu quả.
Nguyễn Đông thực hiện
Theo VNE
Tìm lối ra cho cai nghiện ma túy
"Người nghiện ma túy tràn lan", bạn đọc báo kêu lên như vậy. Nạn hút chích, mua bán ma túy diễn ra công khai giữa đường, giữa ban ngày, các tấm ảnh do phóng viên chụp về cũng nói lên điều đó.
Dạy nghề cho các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Tọa đàm về cai nghiện ma túy tại báo Tuổi Trẻ sáng 31-10-2014 - Ảnh: Tiến Long
Làm sao giảm thiểu vấn nạn này? Đó là nội dung xuyên suốt cuộc tọa đàm được Tuổi Trẻ tổ chức sáng 31-10.
Cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, trong đó có biện pháp mạnh như cách ly, biện pháp nhẹ như dùng thuốc hỗ trợ, tư vấn tâm lý... đều đã được áp dụng ở TP.HCM nhưng vẫn không làm giảm được người nghiện ma túy.
Làm thế nào để tìm ra một giải pháp khả thi cho cai nghiện ma túy? Câu hỏi này được những người làm công tác phòng chống ma túy lẫn những người nghiện thảo luận sôi nổi với những đề xuất cụ thể, xuất phát từ tình hình thực tiễn.
"TP.HCM đang đề xuất một cơ chế riêng là thành lập trung tâm cai nghiện tập trung với đầy đủ nhân lực, vật lực về y tế, tâm lý để đưa người nghiện vào đó trong giai đoạn cắt cơn, tư vấn. Hiện có thể tận dụng những cơ sở hạ tầng, con người có sẵn là đội ngũ bác sĩ tại 17 trung tâm cai nghiện của TP."
Ông Lê Văn Tám (phó trưởng phòng quản lý cai nghiện phục hồi - Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội)
Người nghiện cần gia đình, xã hội giúp đỡ
- Ông Bùi Quang Thủy (Q.Phú Nhuận, nghiện ma túy 40 năm): Người nghiện nào cũng mong muốn cai nghiện thành công, nhưng rồi sau khi cắt cơn, sau khi cơ thể đã không còn đòi hỏi ma túy nữa thì trong óc não chúng tôi lại vẫn nhớ. Không vượt qua nổi chính mình thì tái nghiện.
Theo trải nghiệm của tôi, quan trọng nhất để cai nghiện là giải quyết vấn đề tâm lý. Người nghiện rất cần được sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng để tự kéo mình ra xa ma túy, tăng sức đề kháng tâm lý.
Các buổi sinh hoạt, tư vấn ở địa phương cũng rất có hiệu quả, khuyến khích người cai nghiện tiến bộ và giúp cộng đồng giảm kỳ thị.
- Anh Chu Thái Bảo (Q.Gò Vấp, nghiện ma túy tám năm): Tôi đang được cai nghiện bằng liệu pháp uống methadone, đồng thời được mẹ giúp đỡ, bạn bè khuyên nhủ, nên tôi tin rằng mình sẽ bỏ được ma túy. Lần cai nghiện này với tôi là lần thứ 10.
Tôi nghiện ma túy từ năm 15 tuổi. Ngày biết mình bị nghiện, tôi đã khóc và quyết tâm sẽ bỏ. Nhưng rồi không bỏ được, dù ở nhà, đến trung tâm cai nghiện dịch vụ hay lên trường cai nghiện tận trong rừng...
Hiện giờ, sáng tôi ra khỏi nhà, gặp người nghiện hút chích ngay cửa, trưa đi về gặp người bán ma túy giữa đường. Môi trường như vậy, nếu không được uống methadone, tôi chỉ có cách chích heroin.
Bằng kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng thuốc và các biện pháp hỗ trợ cắt cơn chỉ chiếm 30% trong cai nghiện thôi, phần còn lại là do tâm lý. Nhưng tâm lý cũng cần được giúp đỡ.
- Ông Trần Văn Thông (cán bộ phụ trách cai nghiện ma túy, Phòng LĐ-TB&XH Q.4): Nghiện ma túy vừa là bệnh, vừa là tệ nạn, hai mặt của vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể và song hành.
Ở Q.4, chúng tôi đang tăng cường các biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; khuyến khích người nghiện tự đăng ký để nâng cao ý thức, đề nghị cơ sở y tế xác định mức độ nghiện để tư vấn cụ thể, kỹ lưỡng.
Chúng tôi cũng duy trì các hoạt động câu lạc bộ, nhóm để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh; thường xuyên đến thăm, tư vấn, hỗ trợ lẫn nhau.
Tôi cho rằng những hoạt động nhằm vào việc xây dựng lại cách sống cho người nghiện, ngăn chặn tái nghiện còn quan trọng hơn việc cắt cơn tập trung.
Ông Lê Văn Tám - Ảnh: Tiến Long
Nên mở rộng sử dụng methadone
- Anh Chu Thái Bảo: Tôi xin hiến kế: công an phường, dân phòng chia nhau đến túc trực ở những địa điểm người bán ma túy và người nghiện hay tập trung. Đây là biện pháp cần thiết để hạn chế buôn bán, giảm kích thích người vừa cai nghiện.
Tôi mới được nghe về các hình thức sinh hoạt nhóm đồng đẳng ở cộng đồng. Nếu địa phương tôi ở có thành lập, tôi sẵn sàng tham gia.
Chúng tôi rất khao khát bỏ được ma túy để trở lại làm một con người đúng nghĩa, làm lại cuộc đời mình. Mọi người hãy giúp chúng tôi.
- Ông Bùi Quang Thủy: 40 năm nghiện hút, cai nghiện nhiều lần không hiệu quả nhưng nay được uống methadone, tôi rất tin tưởng. Tuy nhiên, methadone đang được tài trợ cho người cai nghiện nên phạm vi áp dụng còn hẹp.
Tôi đề nghị hãy mở rộng việc sử dụng methadone và các loại thuốc thay thế khác để nhiều người nghiện có thể tiếp cận và có thêm cơ hội cai nghiện.
- Ông Lê Văn Tám (phó trưởng phòng quản lý cai nghiện phục hồi - Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội): Việc cai nghiện được hay không chính do ở bản thân mình. Tự bản thân anh em không quyết tâm thì không ai giúp được.
Còn nói về phía các cơ quan chức năng, tôi xin khẳng định rằng việc hỗ trợ cai nghiện ma túy là một quá trình dài cần nhiều biện pháp phối hợp. Chủ trương mới, luật mới của chúng ta quy định lần lượt ba biện pháp cai nghiện:
1 - Cai nghiện tự nguyện tại nhà hay cơ sở y tế từ 3-6 tháng.
2 - Giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng.
3 - Đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh tập trung.
Còn rất nhiều bất cập trong việc áp dụng ba biện pháp này: các điều kiện cơ sở về nhân viên, dịch vụ y tế, tổ tư vấn, tham vấn tâm lý chưa đủ để thực hiện có hiệu quả cai nghiện tại cộng đồng.
Còn nhiều bất cập khi thực hiện luật mới
- Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.3): Chúng ta từng coi ma túy là tệ nạn xã hội nên giao cho ngành LĐ-TB&XH quản lý, nhưng luật mới thì coi người nghiện là người bệnh cần phải được điều trị.
Như vậy, đúng luật là phải giao ngành y tế chăm sóc họ, nhưng luật vẫn quy định bên tổ chức cai nghiện, lập hồ sơ trình ra tòa để đưa đi cai nghiện (theo bước ba) vẫn là ngành LĐ-TB&XH.
Điều này cho thấy ngành LĐ-TB&XH đang vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm hồ sơ cai nghiện, vừa quản lý các trại cai nghiện.
Tôi cho rằng các nhà làm luật đã hết sức vội vàng khi xây dựng quy trình xử lý cai nghiện. Chúng ta chưa chuẩn bị được hạ tầng: ngay từ đầu để xác định người nghiện cần phải có bác sĩ chuyên môn.
Bác sĩ chuyên môn là những ai? Ai được cấp giấy chứng nhận? Rõ ràng là chưa có ai. Vấn đề người nghiện của TP đang dừng lại ở đây và đang bế tắc.
Việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện cũng quá nhiêu khê với 29 biểu mẫu do Bộ Tư pháp triển khai. Giấy tờ nhiều quá, ai sẽ làm? Công an hay ngành LĐ-TB&XH? Hiện vẫn chưa tập huấn, chưa vận hành.
Luật xác định với những người lang thang, không nơi cư trú hợp pháp, sẽ giao cho tổ chức xã hội trong thời hạn 30 ngày trước khi trả về địa phương để thực hiện cai nghiện tại cộng đồng.
Vấn đề ở đây là tổ chức xã hội nào? Ở TP.HCM có 12.000 người nghiện không có hộ khẩu. 12.000 người này sẽ giao cho tổ chức nào, kinh phí ở đâu? Đó là chưa kể quy định đưa họ về địa phương là vi phạm Luật cư trú.
Chúng ta coi người nghiện là người bệnh để tăng nhân quyền, nhưng lại xảy ra việc phân biệt đối xử khi người nghiện có hộ khẩu hay KT3 ở TP.HCM thì được uống methadone, người khác thì không được. Như vậy là không thể xử lý được cái gốc.
Trước đây, một buổi ngành LĐ-TB&XH xét được 20 hồ sơ đưa người đi cai nghiện nhưng nếu đưa qua tòa thì ông thẩm phán nào xét được 20 hồ sơ một buổi? Có thể nói từ luật, quy định tới thực hiện còn rất "vênh".
Tại sao lại có tình trạng người nghiện ma túy tràn lan? Ví dụ ở Q.3 có khoảng 500 người sử dụng ma túy thì chưa đầy 20 công an trong đội phòng chống ma túy. Mà họ còn phải đi làm án chứ không phải chỉ lập hồ sơ cai nghiện.
Không để người nghiện trở thành nguồn gốc của tội phạm
Chiều 31-10, ông Đặng Đình Luyến - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - chủ trì cuộc họp với bộ ngành gồm: Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ LĐ-TB&XH để xem xét các kiến nghị của TP.HCM về việc thí điểm mô hình "cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý" cho người nghiện ma túy trong khi chờ phán quyết của tòa án.
Ông Huỳnh Thành Lập, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, trình bày lại các vấn đề mà TP.HCM kiến nghị.
Ông Lập nói TP.HCM có ba vấn đề cần giải quyết: Thứ nhất, việc hút chích công khai sẽ chấm dứt, không để người nghiện ngang nhiên thách thức chính quyền, thách thức xã hội.
Thứ hai, không để người nghiện trở thành nguồn tội phạm, nguồn lôi kéo gia tăng người nghiện mới.
Thứ ba, đề nghị các cơ quan chức năng trung ương chỉ rõ cho TP "địa chỉ để quản lý" người nghiện trong thời gian làm thủ tục có phán quyết của tòa án.
Địa chỉ này có thể là Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh... nhằm giúp TP xúc tiến việc tiếp nhận người nghiện trong thời gian chờ thủ tục.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan trung ương đều chia sẻ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý người nghiện của TP.HCM trong bối cảnh người nghiện ma túy tăng cao, đồng thời lắng nghe tất cả giải pháp, phương án mà TP đề xuất để báo cáo, nghiên cứu và chọn ra giải pháp hợp lý nhất.
Theo Tuổi Trẻ
Kiến nghị đưa ngay người nghiện vào trung tâm Đoàn ĐBQH TP.HCM vừa có bản kiến nghị trình lên QH cho phép TP.HCM khẩn cấp áp dụng giải pháp tình thế để giúp người nghiện đi cai. Xung quanh vấn đề này, Thanh Niên đã trao đổi thêm với ông Huỳnh Ngọc Ánh (ảnh), ĐBQH, Phó chánh án TAND TP.HCM. Ảnh: Trường Sơn Người dân TP.HCM vô cùng bất an và lo...