Đã lâu mới được khóc…
Tôi chợt ước sao, có một tổ chức xã hội nào đó, bỏ tiền của, thời gian ra làm một cuộc điều tra nho nhỏ, hỏi lấy khoảng vài trăm ông nam giới trưởng thành, chỉ 2 câu thôi: “Lần cuối cùng bạn khóc là khi nào? Vì lý do gì?”.
Lòng người cần những cơn mưa nhỏ…
I. Mới hôm nọ, một cậu em họ viết mail cho tôi kể rằng, nước mắt cậu đã rơi khi đọc bản tin trên mạng về một gia đình nhà nọ, cha bị ung thư gan giai đoạn cuối, con gái thì bị bệnh tim, đã phẫu thuật mấy lần, tốn bao nhiêu tiền của mà vẫn không khỏi bệnh.
Giờ thì nhà họ không còn gì để bán, số tiền đi vay cũng chẳng đủ chữa cho một trong hai người, thế nên cha con họ đã tranh nhau lựa chọn cái chết để người còn lại có một cơ hội sống tiếp.
Cậu vốn là một thanh niên vô tư vô tâm, lớn lên, học hành và đi làm, chưa lập gia đình, bố mẹ cũng không nghèo khó quá, nên mục đích cuộc sống của cậu nằm lung tung lang tang ở khắp nơi. Vài cuộc đi phượt với bạn bè, một chiếc xe máy thể thao đời mới, những đồ chơi công nghệ cao… thiết tưởng so với những trường hợp “phá gia chi tử” hay dính đến hút sách, nghiện ngập, cậu em họ tôi cũng vẫn là ngoan chán.
Nhưng cậu mắc cái thói vô tâm của đứa con một, quen được bố mẹ chiều chuộng phụng sự đến tận chân răng, ví dụ như bố ốm tới mức phải đi viện nằm mấy hôm, cậu cũng chẳng một lần xách cặp lồng cơm cháo vào thăm vì “Đó là việc của mẹ, hôm nào bố khỏe ra viện thì đi taxi về cũng được”.
Video đang HOT
Tôi nghe mẹ cậu kể mà há cả mồm, hay thế hệ 9x bây giờ nó thế. Tôi gọi điện mắng cậu một trận, hỏi rằng sao không thuê ông xe ôm nào đó hàng ngày đưa cháo cho bố luôn đi. Có vẻ hôm ấy cậu bực tôi lắm.
Thế mà rồi cuối cùng cậu bé cũng đã khóc khi đọc câu chuyện về gia đình đáng thương kia. Và tâm sự với tôi: “Em nghĩ tới bố em, nếu em mà có làm sao thì bố mẹ chắc cũng giành phần chết về cho mình thôi. Và em ân hận quá”.
II. Hôm qua, một người bạn nhắn tin nói anh đã khóc trên đường đi làm sáng nay khi gặp cảnh một gia đình nông dân dắt díu nhau lên Hà Nội khiếu kiện. Họ gồm cả 3 thế hệ, ông bà, cha mẹ và mấy đứa con đang độ tuổi đi học. Chẳng biết quê hương bản quán họ ở đâu, nhưng họ đã phải dắt díu cả nhà mà đi như thế, hẳn phải cùng quẫn lắm rồi, chắc lại chuyện liên quan đến đất đai mà thôi.
Bạn tôi xuất thân từ nông thôn, sản nghiệp cả nhà anh cũng chỉ có hai đầu trâu và vài sào ruộng khoán, nhưng từ đó, cha mẹ đã vắt sức nuôi anh ăn học nên người. Người đàn ông tóc đã hoa râm bảo tôi, nhìn gia đình nọ mà anh cứ tưởng tượng đó là gia đình mình. Cũng những người cha, người mẹ nhăn nheo đen đúa gầy khô, những đứa trẻ còi cọc tóc cháy nắng. Và mắt anh nhòa nước.
Nông dân xứ mình xảy ruộng hẳn nhiên là ra thất nghiệp, còn mảnh ruộng trong tay, dẫu cho cả đời quần quật lam lũ cấy hái nhưng vẫn còn được làm người. Ruộng hết, đất biến thành sân golf, thành nhà cao tầng rồi, đời họ, đời con cháu họ sẽ ra sao đây?
III. Đàn ông thường không mau nước mắt như đàn bà. Phụ nữ chúng tôi được trời phú cho cái nết dễ khóc, nên giải tỏa tâm lý cũng dễ hơn. Còn đàn ông, khóc đã là một chuyện hiếm hoi, thừa nhận với người khác mình vừa khóc lại là chuyện càng hiếm hoi hơn nữa.
Nhưng dẫu thế, đàn ông cũng cần phải khóc chứ?
Tôi chợt ước sao, có một tổ chức xã hội nào đó, bỏ tiền của, thời gian ra làm một cuộc điều tra nho nhỏ, hỏi lấy khoảng vài trăm ông nam giới trưởng thành, chỉ 2 câu thôi: “Lần cuối cùng bạn khóc là khi nào? Vì lý do gì?”. Chắc chắn kết quả sẽ có nhiều điều lý thú.
Tôi cả gan mà dự đoán rằng sẽ có khoảng 70% các ông, các anh sẽ không thể nhớ nổi lần họ rơi nước mắt gần đây nhất là khi nào. Trong 30% còn lại, thể nào cũng nhặt ra được một vài lý do dễ thương hoặc dễ đồng cảm như hai trường hợp tôi kể trên kia.
Những giọt nước mắt của những người thuộc trường phái “đã lâu mới khóc” ấy, một khi đã rơi ra là hẳn là có lý do rất xác đáng. Cứ tạm cho là nó sẽ “đắt giá” hơn những giọt nước mắt của phụ nữ chúng tôi, có thể xếp vào dạng “bỗng dưng muốn khóc” vì bất cứ điều gì.
Cuộc sống rất cần nước mắt. Không phải những giọt nước mắt tràn lan nhạt nhèo của kẻ yếu đuối khi vấp phải chút trở ngại tí ti, mà những giọt nước mắt của tỉnh thức, của sự động lòng thương xót trước những cảnh đời oái oăm của đồng loại.
Vì những giọt nước mắt ấy, tuy nhỏ nhoi nhưng có thể làm mềm ra những vùng khô cằn rộng lớn hoang hoải trong tâm hồn bạn. Và để mỗi chúng ta thấy cuộc đời ấm áp hơn, giữa muôn trùng băng giá của sự lạnh lùng,vô cảm
Theo Bưu Điện Việt Nam
Yêu người mới, vẫn muốn gặp người cũ
Có những hôm đi chơi với người mới về, tôi lại ôm mặt khóc và bấm số điện thoại gọi cho người yêu cũ, chỉ để được nghe giọng nói của anh, và để được khóc với anh.
Đã yêu người mới, nhưng tôi vẫn muốn gặp người cũ
Tôi năm nay 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học. Những năm sinh viên tôi đã có một mối tình rất đẹp với một bạn trai trong trường. Chúng tôi đã yêu nhau từ cuối năm thứ nhất. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời sinh viên đã từng trải qua. Cứ tưởng, tình yêu ấy sẽ mãi mãi cho đến khi ra trường, nhưng rồi chúng tôi lại chia tay nhau chỉ sau khi tốt nghiệp được vài tháng.
Nguyên nhân bởi năm cuối đại học, bố anh ốm nặng, mà nhà anh thì lại chỉ có một mình anh là con trai, các chị gái đã đi lấy chồng. Vì thế, anh muốn về quê để xin việc làm, cho tiện chăm sóc bố.
Còn tôi, tôi là người Hà Nội, bố mẹ tôi không bao giờ chấp nhận tôi về quê theo anh. Tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ về quê để sống, vì từ nhỏ tôi đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, và bố mẹ tôi cũng ở đây. Tôi không muốn xa những gì tôi yêu quý,... đó là lý do chúng tôi chia tay nhau.
Thật buồn, cả tôi và anh đều cảm thấy điều đó. Nhưng cả 2 vẫn quyết định chia tay, vì quan điểm sống va hoàn cảnh của chúng tôi khác nhau nhiều quá. Chia tay, nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua chat, và điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc của nhau.
Anh đã xin được công việc ở gần nhà, còn tôi, hiện đang làm kế toán trong một trường đại học ở Hà Nội.
Công việc đã ổn định, nên cũng có nhiều người dòm ngó ướm hỏi, rồi đặt vấn đề yêu đương, nhưng tôi chẳng có tình cảm đặc biệt với ai. Vì tôi ngại lại bắt đầu một mối quan hệ mới với một ai đó.
Bố mẹ tôi sợ tôi không chịu lấy chồng, mà tuổi thì cũng không còn trẻ, vì thế cũng hay giục tôi chuyện chồng con. Không để bố mẹ sốt ruột, tôi cũng nhận lời yêu một anh- anh ấy là bạn của một chị làm cùng cơ quan với tôi.
Tôi không có tình cảm gì đặc biệt với anh để nói là yêu, nhưng tôi nhận được sự an toàn nếu như đặt mối quan hệ với anh. Vì anh hiền lành, công việc ổn định, nhà cửa lại ở Hà Nội, vì thế chắc sẽ không có lý do chia tay như tôi và người yêu cũ.
Có điều, đã nhận lời yêu anh, nhưng không hiểu sao tôi lại luôn nhớ về người yêu cũ của mình. Mỗi khi đi cùng anh, tôi lại tưởng tượng đây là hình ảnh của người yêu cũ- người mà đã gắn bó với tôi mấy năm sinh viên.
Và tôi luôn có cảm giác mình có lỗi với anh, vì đã không cùng anh về quê. Cứ như thế, tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định với người mới, và luôn sợ hãi khi nghĩ đến một ngày sẽ cưới và làm vợ anh.
Có những hôm đi chơi với người mới về, tôi lại ôm mặt khóc và bấm số điện thoại gọi cho người yêu cũ, chỉ để được nghe giọng nói của anh, và để được khóc với anh. Có những lần, anh có dịp ra Hà Nội công tác, tôi bỏ cả công việc để đi gặp anh, và khi anh về, tôi lại thẫn thờ như người mất hồn vậy.
Tôi không hiểu nổi lòng mình, tôi không muốn về quê sống với anh, vì tôi sợ cuộc sống ở quê không phù hợp với tôi. Nhưng tôi lại không dám bảo anh lên thành phố sống cùng với tôi, vì tôi biết ở quê anh còn có mẹ già, có người bố đang ốm đau cần anh chăm sóc, nếu làm như vậy tôi sẽ là người ích kỷ, và tham lam.
Tôi phải làm gì để quên anh, quên những kỷ niệm thời sinh viên mà tôi và anh chia sẻ. Tôi phải làm gì để có thể yêu được người mới, và để anh ấy thay thế được người cũ trong trái tim tôi?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hạnh phúc ngọt ngào Cô chợt hiểu ra rằng, chẳng có hạnh phúc nào to lớn, chính những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống mới đắp xây nên một hạnh phúc ngọt ngào... Sau khi kết hôn, anh không còn giữ vị trí độc tôn trong lòng cô nữa. Cô cũng chẳng còn là đại tiểu thư được anh nuông chiều. Những thiên sứ trong phút...