Đà Lạt cấm cửa nông sản Trung Quốc
Đã có nhiều hộ kinh doanh nhập hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc để mạo doanh nông sản Đà Lạt đưa đến TP HCM tiêu thụ
Sáng 6-9, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban báo chí. Một trong những nội dung được báo chí quan tâm là việc nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt mà Báo Người Lao Động đã liên tục phản ánh thời gian qua.
Nhiều cơ sở nhập nông sản Trung Quốc
Đề cập vấn đề này, ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết các tiểu thương, đơn vị kinh doanh nông sản nhập từ Trung Quốc là do có đơn đặt hàng của các đầu mối. Có cơ sở nhập 30 – 60 tấn khoai tây trong vòng 2 ngày. Tại Đà Lạt, có 6 cơ sở nhập nông sản Trung Quốc về sơ chế, sau đó đưa đến các chợ đầu mối tại TP HCM tiêu thụ. Trong số này, có 4 cơ sở đưa hàng về chợ đầu mối Thủ Đức.
Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt quả tang nhiều cơ sở trộn đất vào khoai tây để giả nông sản Đà Lạt
Ngoài ra, tại Đơn Dương và Đức Trọng cũng có 11 cơ sở hoạt động tương tự. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các loại nông sản này đều bảo đảm chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá ngưỡng quy định. Một số cơ sở có hành vi trộn đất ở Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Hoàng Sỹ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nhận định nông sản Trung Quốc nhập về Đà Lạt như hành tây, khoai tây, cà rốt số lượng quá ít, chưa tới 0,1% so với tổng số lượng được sản xuất tại đây. Một số cơ quan báo chí thông tin rầm rộ như thời gian vừa qua “dễ gây hiểu lầm, dư luận hoang mang” (!?)
Tuy nhiên, vị này lại nhấn mạnh: “Điều cấp thiết nhất hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, không vì hám lợi mà làm hàng giả, hàng nhái nông sản của Đà Lạt, làm mất uy tín nhãn hiệu nông sản địa phương, thiệt hại cho nhà nông ở Lâm Đồng. Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và địa phương để tiếp tục triển khai, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản để xử lý vi phạm nếu có”.
Đã nhập 578 tấn khoai tây
Video đang HOT
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), khẳng định: “Ngày 15-9 tới, các tiểu thương kinh doanh tại chợ Nông sản Đà Lạt chỉ được kinh doanh các mặt hàng xuất xứ tại Đà Lạt. Nghiêm cấm mọi hành vi lưu trữ, kinh doanh hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương để mạo danh nông sản Đà Lạt”.
Theo ông Sơn, Đà Lạt sẽ nghiêm cấm các hành vi gọt rửa, sơ chế khoai tây, cà rốt… hoặc tiếp tay cho các đơn vị khác có hành vi lừa dối người tiêu dùng. Đồng thời, lắp đặt 4 camera tại khu vực chợ Đà Lạt để giám sát các hoạt động vận chuyển, kinh doanh các loại nông sản; không được đem đất vào chợ Nông sản Đà Lạt với bất kỳ mục đích gì… “Những việc làm này là nhằm kiện toàn quản lý hoạt động chợ nông sản Đà Lạt trước thông tin hàng Trung Quốc mạo danh sản phẩm của Đà Lạt thời gian qua” – ông Sơn nói .
Trước đó, Báo Người Lao Động có loạt bài phản ánh nông sản Trung Quốc nhái hàng Đà Lạt. UBND TP Đà Lạt đã vào cuộc kiểm tra, xác định 6 hộ kinh doanh của bà Lê Thị Nhung, Nguyễn Thị Vân, Đỗ Thị Mỹ, Trần Thị Thùy Trang, Đoàn Thị Chè (đều có địa chỉ tại TP Đà Lạt) và Vũ Kim Tùng (huyện Lạc Dương) trực tiếp thu mua khoai tây Trung Quốc nhập khẩu từ các tỉnh phía Bắc vào chợ Nông sản Đà Lạt để tiêu thụ. Từ ngày 16-8, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 tấn khoai tây được nhập về Đà Lạt. Đến nay, các hộ kinh doanh này đã tiêu thụ 578 tấn khoai tây Trung Quốc, trị giá hơn 2,2 tỉ đồng.
Lãi lớn
Hầu hết các hộ kinh doanh này nhập khoai tây Trung Quốc với giá 3.500 – 4.000 đồng/kg, sau đó trộn đất Đà Lạt vào rồi đưa đi tiêu thụ tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số hộ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng… Công an TP Đà Lạt đã tịch thu gần 2 tấn khoai tây Trung Quốc, nhiều máy rửa khoai tây và xử phạt hành chính gần 15 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh vi phạm.
Bài và ảnh: ĐÌNH THI
Theo nld.com.vn
Hàng Trung Quốc "đội lốt" đang giết nông sản Đà Lạt
Tình trạng nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt trong thời gian qua đang dấy lên sự lo ngại về việc thương hiệu rau củ quả của Lâm Đồng bị ảnh hưởng và đánh cắp trắng trợn.
Bắt vi phạm liên tục
Chỉ trong hai ngày 21 - 22.8, Công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) và lực lượng chức năng đã liên tục bắt quả tang các vụ vi phạm liên quan đến gian lận thương mại tại thủ phủ rau, củ, quả của cả nước với hàng tấn khoai tây Trung Quốc giả danh hàng Đà Lạt.
Cụ thể, vào chiều ngày 21.8, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một số quầy sạp kinh doanh tại Chợ nông sản Đà Lạt và phát hiện quầy số 19 do bà Đoàn Thị Chè có một số người đang tổ chức tẩy rửa rồi đấu trộn đất vào khoai tây. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện một máy chuyên dùng để rửa cà rốt được nhóm người dùng để rửa khoai tây. Mỗi đợt rửa được khoảng 100kg, thời gian từ 3 - 4 phút/đợt.
Khoai tây Trung Quốc được trộn đất để giả danh hàng Đà Lạt.
Qua làm việc, bà Chè trình bày, sau khi rửa và trộn đất sẽ đóng gói khoai tây vào bao, dán tem do Ban quản lý chợ Đà Lạt (bộ phận chợ nông sản) phát hành để đưa đi tiêu thụ. Việc rửa khoai tây bằng máy, sau đó phủ đất lên bề mặt là do mối hàng yêu cầu để dễ bán ra thị trường.
Tiếp đó, sáng ngày 22.8, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Đà Lạt) lại phát hiện thêm một vụ trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc nữa để bán ra thị trường.
Theo đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Hiệp, tại số 340 Tự Phước, phường 11 (TP.Đà Lạt) đã phát hiện một lượng lớn khoai tây trong tổng số 4 tấn khoai tây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, đã được nhuộm đất đỏ đặc trưng của Đà Lạt.
Bà Hiệp cho biết, việc rửa và nhuộm đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc là theo đơn đặt hàng của các cơ sở tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Được biết mỗi tháng, cơ sở này cung cấp từ 6 - 12 tấn khoai tây Trung Quốc đã nhuộm đất đỏ Đà Lạt về các chợ đầu mối tiêu thụ.
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều tấn khoai tây khi đang trộn đất để mạo danh khoai Đà Lạt.
Tại các nhà vườn ở Đà Lạt, người dân cũng đang rất thất vọng về giá các loại nông sản, họ cũng cho rằng việc giảm giá rất mạnh như thế này là do hàng Trung Quốc được nhập về địa phương quá nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hùng (phường 7, TP. Đà Lạt) chua xót: "Gia đình tôi có 1,5ha bắp sú và cải thảo, như mọi năm là đã có các thương lái đến mua cả vườn, thế nhưng năm nay lại không thấy ai đến hỏi, bắp cải để thối ngoài vườn, nếu bỏ công thu hoạch không bán được lại còn lỗ nặng hơn".
Rất khó xử lý
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lại Thế Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, việc quản lý các loại nông sản được nhập về Lâm Đồng rất khó. "Khi các tiểu thương nhập khoai tây của Trung Quốc về Đà Lạt thì họ thừa nhận và có hóa đơn chứng từ, tuy nhiên khi các thương lái ở tỉnh khác cần hàng thì họ ngang nhiên nói đó là nông sản của Đà Lạt. Việc này chúng ta không thể kiểm soát được, khi đã ra khỏi địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì trách nhiệm xử lý lại là của địa phương khác. Đây cũng là bài toán rất khó của tỉnh khi quản lý các mặt hàng này", ông Hưng chia sẻ.
Những chiếc máy dùng để trộn đất vào khoai tây có công suất khoảng 100kg/4 phút.
Ông Hưng cho biết thêm, để bước đầu giải quyết vấn đề này, hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt, nhằm chống lại tình trạng khoai tây Trung Quốc ồ ạt về địa phương này, sau đó mạo danh thương hiệu khoai tây Đà Lạt rồi đưa đi tiêu thụ tại một số thị trường trong nước. Được biết, tổng kinh phí để thực hiện đề án này là hơn 1 tỷ đồng, trong đó có trên 70% số tiền được trích từ ngân sách nhà nước, hiện đề án thí điểm đang được đơn vị tích cực triển khai.
Trung tá Phạm Văn Huấn - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Đà Lạt cho rằng: "Những vụ việc vừa qua đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới thương hiệu nông sản của Đà Lạt, đặc biệt là những người dân địa phương bởi giá của các loại nông sản Trung Quốc rất rẻ và chất lượng không thể bằng nông sản ở Lâm Đồng vì vậy lợi nhuận của thương lái rất lớn. Đội cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác tăng cường công tác kiểm tra, xử lý để giảm thiểu tối đa những vụ gian lận thương mại trên địa bàn".
Người dân Đà Lạt đang rất khó khăn khi giá các mặt hàng nông sản xuống giá thê thảm. (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm với trung tá Phạm Văn Huấn, ông Kiều Xuân Việt - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho hay, đơn vị thường xuyên tích cực phối hợp với Sở NNPTNT để kiểm tra, xử lý những vụ việc tương tự, tránh việc thương hiệu của nông sản Đà Lạt bị lấn át bởi hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, rất khó để xử lý tình trạng thương lái nhập hàng ở nơi khác về rồi mạo danh nông sản Đà Lạt. Bởi theo ông Sơn, hành động này không cấu thành hành vi tội phạm bởi không có luật cấm, trừ khi tỉnh phát hiện các mặt hàng nhập không rõ nguồn gốc và kiểm tra vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới tịch thu và xử phạt hành chính.
Theo Danviet
Loay hoay đối phó nông sản Trung Quốc Tư thương chở đất Đà Lạt sang các địa phương khác trộn vào nông sản Trung Quốc để mạo danh nông sản Đà Lạt rất khó kiểm soát UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai "Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt". Giải pháp này được kỳ vọng sẽ chống lại tình trạng nông sản Trung Quốc, trong...