Đã giải mã được ‘lời nguyền Pharaoh’ khiến hơn 20 người tử vong?
Một nhà khoa học tuyên bố đã giải mã được ‘ lời nguyền của Pharaoh’ được cho khiến hơn 20 người bỏ mạng sau khi mở lăng mộ Vua Tutankhamun năm 1922.
Những hình ảnh ban đầu khi lăng mộ Vua Tutankhamun được mở. Ảnh: Getty Images
Ai Cập cổ đại từng cảnh báo bất kỳ ai làm xáo trộn xác ướp hoàng gia sẽ chết bởi một căn bệnh mà không bác sĩ nào có thể chẩn đoán. Tuy nhiên, nhà khoa học Ross Fellowes cho rằng có lý do sinh học đằng sau những cái chết. Nghiên cứu của ông được công bố trên Tạp chí Scientific Exploration ngày 9/4.
Ông Ross Fellowes nhận định nguyên nhân là do nhiễm độc phóng xạ từ các yếu tố tự nhiên chứa uranium cũng như chất thải độc hại bên trong hầm kín. Việc tiếp xúc với các chất này có thể dẫn đến một số bệnh ung thư. Đáng chú ý, nhà khảo cổ học Howard Carter – người đầu tiên bước vào lăng mộ Vua Tutankhamun hơn 100 năm trước – đã qua đời vì ung thư.
Vào ngày 4/11/1922, nhóm của Carter đã tìm thấy những bậc thang dẫn đến lăng mộ Vua Tutankhamun và dành vài tháng để lập danh mục cấu trúc bên trong. Nhóm nghiên cứu đã mở phòng chôn cất và phát hiện chiếc quách chứa xác ướp Vua Tutankhamun vào tháng 2 năm sau.
Carter qua đời năm 1939, có khả năng vì đau tim sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư hạch Hodgkin và ngộ độc phóng xạ. Lord Carnarvon, một trong những người đàn ông cũng đi qua những căn phòng chứa đầy kho báu của lăng mộ Vua Tutankhamun năm 1922, đã chết vì nhiễm độc máu 5 tháng sau đó.
Những người khác tham gia cuộc khai quật đã chết vì ngạt thở, đột quỵ, tiểu đường, suy tim, viêm phổi, ngộ độc, sốt rét và phơi nhiễm tia X. Tất cả đều qua đời ở độ tuổi ngũ tuần. Nhà Ai Cập học người Anh Arthur Weigall tham dự lễ mở lăng mộ Vua Tutankhamun qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 54.
Lord Carnarvon (trái) và Howard Carter. Ảnh: Getty Images
Nghiên cứu của nhà khoa học Ross Fellowes giải thích rằng các nghiên cứu hiện đại xác nhận mức độ bức xạ rất cao trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại, gấp 10 lần tiêu chuẩn an toàn. Một cuộc khảo sát với các nhà Ai Cập học từng làm việc trong các ngôi mộ cho thấy tỷ lệ cao mắc bệnh ung thư, tim mạch và các trường hợp tử vong đột ngột/bất thường khác do triệu chứng đặc trưng của nhiễm độc phóng xạ.
Ông Fellowes cho biết mức độ phóng xạ cao cũng được ghi nhận trong các tàn tích lăng mộ của thời kỳ Old Kingdom (từ năm 2649 đến 2130 trước Công nguyên) tại hai địa điểm ở Giza và trong một số ngôi mộ dưới lòng đất ở khu mộ cổ Saqqara.
Các nghiên cứu khác đã đo trực tiếp khí hiếm phóng xạ không màu radon tại nhiều vị trí khác nhau trong nhiều ngôi mộ ở Saqqara. Nồng độ radon trong môi trường xung quanh đã được ghi nhận tại sáu địa điểm ở Saqqara.
Hàng ngàn chiếc bình được khai quật dưới Kim tự tháp Step vào những năm 1960 chứa tới 200 tấn chất vẫn chưa được xác định. Các nhà khoa học nghi ngờ thấy chất độc đã được chôn cùng với xác ướp. Những dòng chữ được tìm thấy bên trong các ngôi mộ khác trên khắp Ai Cập cho thấy người cổ đại biết về chất độc. Các dòng chữ cảnh báo rằng đây là khu vực bị cấm bởi “linh hồn ma quỷ”.
Kích thước nhỏ của phòng chôn cất Tutankhamun khiến các chuyên gia bối rối trong nhiều năm. Carter và nhóm của ông đã mất 10 năm để dọn sạch kho báu trong ngôi mộ. Chúng được đưa vào đó để hỗ trợ vị Pharaoh trẻ tuổi trong chuyến hành trình sang thế giới bên kia.
Xác ướp Tutankhamun. Ảnh: EPA
Tutankhamun là Pharaoh thuộc triều đại thứ 18, trị vì từ năm 1332 trước Công nguyên đến năm 1323 trước Công nguyên. Ông lên ngôi khi mới chín hoặc mười tuổi. Khi Tutankhamun trở thành vua, ông kết hôn với em gái cùng cha khác mẹ của mình, Ankhesenpaaten. Ông qua đời vào khoảng 18 tuổi và nguyên nhân cái chết vẫn chưa được kết luận. Tuy nhiên, vị vua trẻ lại gặp nhiều vấn đề về sức khỏe do cha mẹ của ông vốn là anh chị em.
Video đang HOT
Việc tái tạo lại khuôn mặt và cơ thể của Vua Tutankhamun đã cho thế giới nắm bắt thoáng qua về những căn bệnh mà ông có thể đã phải chịu đựng. Vua Tutankhamun có hàm răng hô, bàn chân khoèo và hông to. Các nhà nghiên cứu cho biết, thay vì trở thành một vị vua trẻ đam mê đua xe ngựa, Tutankhamun phải dựa vào gậy để đi lại trong thời gian cai trị của mình.
Hình ảnh mô phỏng về Vua Tutankhamun. Ảnh: BBC
Một cuộc khám nghiệm tử thi ảo, bao gồm hơn 2.000 lần quét máy tính, được thực hiện song song với phân tích di truyền của gia đình Tutankhamun, nhằm hỗ trợ bằng chứng cho thấy cha mẹ ông là hôn nhân cận huyết. Các nhà khoa học tin rằng điều này khiến Tutankhamun suy giảm thể chất do mất cân bằng nội tiết tố. Và lịch sử gia đình cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm của Vua Tutankhamun ở tuổi thiếu niên. Nhiều thần thoại khác nhau cho rằng ông đã bị sát hại hoặc tử vong do tai nạn xe ngựa bởi người ta tìm thấy những vết nứt ở hộp sọ và các bộ phận khác trong xương của ông.
Nhưng gần đây, các nhà khoa học cho rằng Vua Tutankhamun có thể đã chết vì một căn bệnh di truyền và bàn chân bị tật có thể khiến ông khó tham gia đua xe ngựa. Hutan Ashrafian, giảng viên phẫu thuật tại Đại học Hoàng gia London nhận định rằng một số thành viên trong gia đình Vua Tutankhamun dường như đã mắc các bệnh do mất cân bằng nội tiết tố. Bằng chứng về những hạn chế về thể chất của Vua Tutankhamun cũng được củng cố bởi 130 cây gậy đã qua sử dụng được tìm thấy trong lăng mộ của ông.
Bí ẩn lời nguyền xác ướp trong lăng mộ Vua Ai Cập Tutankhamun
Năm 1922, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter đã tìm thấy thứ mà ông đã bỏ suốt 6 năm tìm kiếm: lăng mộ Vua Tutankhamun.
Lăng mộ nép mình trong Valley of the Kings (Thung lũng các vị vua) gần Luxor (Ai Cập) và kho báu trong lăng mộ vẫn được coi là một trong những phát hiện huyền thoại nhất của ngành khảo cổ học.
Lời nguyền xác ướp
Từ trái sang: Bá tước Carnarvon, con gái của ông là Lady Evelyn Herbert, và nhà khảo cổ học Howard Carter đứng ở lối vào lăng mộ Vua Tutankhamun. Ảnh: Getty Images
Theo trang Business Insider, nhưng vinh quang và danh tiếng của ông Carter phải trả giá: Vào ngày ông Carter mở lăng mộ, một con rắn đã giết chết con chim hoàng yến của ông. Theo tờ New York Times, một số nhân viên Ai Cập coi đó là lời cảnh báo từ linh hồn của vị vua đã khuất rằng không được xâm phạm thêm lăng mộ của ông.
Tin đồn tiếp tục xoay quanh lời nguyền xác ướp mà ông Carter đã khai quật, đặc biệt là khi những người liên quan đến cuộc khai quật bắt đầu chết.
Tuy nhiên, khi nhiều thập kỷ trôi qua và ngày càng có nhiều thành viên trong đội của ông Carter qua đời, các nhà khoa học bắt đầu tự hỏi liệu có lý do nào khác giải thích về những cái chết đó hay không.
Vào tháng 4/1923, ông George Herbert, Bá tước Carnarvon đời thứ 5, bị sốt và ho trong bệnh viện Cairo. Khi ông qua đời vào ngày 5/4, đèn trong thành phố đã tắt. Tại nhà ông ở Hampshire (Anh), con chó của Bá tước Carnarvon là Susie đã chết sau vài giờ từ lúc chủ qua đời.
Tờ New York Times cho biết cái chết là do viêm phổi - căn bệnh ông mắc phải mà nguyên nhân ban đầu là do vết côn trùng cắn bị nhiễm khuẩn vì bị dao cạo râu cứa vào. Nhưng bởi vì ông đã có mặt tại lễ khai quật lăng mộ của Vua Tutankhamun vài tháng trước đó, những tin đồn về lời nguyền bắt đầu lan truyền.
Cáo phó đăng trên báo của Bá tước Carnarvon nói rằng ngay cả trước khi ông bị ốm, người ta đã nói về những lời nguyền của người Ai Cập cổ đại, với những câu thần chú thần bí nhằm vào bất kỳ ai dám quấy rầy giấc ngủ của một Pharaoh - vua Ai Cập.
Một ngày sau cái chết của Bá tước Carnarvon, New York Times dẫn lời nhà tâm linh và tác giả tạo ra nhân vật thám tử Sherlock Holmes, ông Arthur Conan Doyle nói rằng: "Một linh hồn độc ác có thể đã gây ra căn bệnh hiểm nghèo của Bá tước Carnarvon".
Cùng khoảng thời gian đó, ông Ernest A. Wallis Budge tại Bảo tàng Anh đã nói với New York Times rằng các thuyết về lời nguyền là nhảm nhí.
Những bàn tán về lời nguyền vẫn tiếp tục khi nhà tài chính người Mỹ George Jay Gould qua đời vào tháng 5/1923 vì bệnh viêm phổi, vài tháng sau khi tới lăng mộ Vua Tutankhamun.
Ông Philip Livingston Poe, họ hàng của nhà văn Edgar Allen Poe, cũng bị viêm phổi vài tháng sau khi đến thăm lăng mộ vào năm 1923. Căn bệnh của ông được đưa vào một nghiên cứu và được cho là có liên quan đến lời nguyền xác ướp, mặc dù ông đã sống thêm 47 năm nữa.
Khi ông Richard Bethell, thư ký của nhà khảo cổ học Howard Carter, qua đời vào năm 1929, nhiều thông tin cho rằng cái chết của ông là cái chết thứ 9, 10 hoặc 13 có liên quan đến cuộc khai quật.
Căn phòng chứa quan tài của Vua Tutankhamun. Ảnh: Getty Images
Tổng cộng, số người chết mà các tờ báo cho là do lời nguyền nằm trong khoảng từ 9 đến trên 20 người, tùy thuộc vào việc có tính những người đến thăm lăng mộ và họ hàng của những người khai quật hay không.
Nhiều cái chết được cho là do lời nguyền gồm những người thiệt mạng trong các vụ tai nạn ô tô, xả súng, cháy nhà và những người tự tử. Một số chưa bao giờ đến thăm lăng mộ và chỉ đơn thuần là họ hàng với một người đã từng đến thăm.
Cho dù lời nguyền xác ướp là chủ đề thu hút trên truyền thông phương Tây, nhưng rất hiếm khi các tờ báo phương Tây đưa tin về cái chết của người Ai Cập trong bài báo viết về lời nguyền. Một trong số ít người mà báo chí phương Tây đưa tin đó là Ali Kamel Fahmy Bey, người đã đến lăng mộ Vua Tutankhamun. Năm 1923, ông này đã bị vợ bắn chết tại khách sạn Savoy ở London.
Trong thực thế, có hàng chục người Ai Cập đã đóng góp sức trong khai quật lăng mộ của Vua Tutankhamun. Bởi vì nhà khảo cổ học Carter không bao giờ nêu tên hầu hết số người này trong các ghi chép của mình và họ hiếm khi được nhắc đến trên báo chí, nên rất khó để biết công việc khai quật ảnh hưởng đến sức khỏe của họ như thế nào.
Lời nguyền của nấm?
Ông Howard Carter (trái) kiểm tra quan tài của Vua Tutankhamun. Ảnh: Getty Images
Nhiều thập kỷ trôi qua, một số nhà khoa học tự hỏi liệu có thứ gì đó chết người ẩn nấp trong lăng mộ của Vua Tutankhamun hay không. Thứ này có phải là nấm?
Hai bác sĩ đã có một bài viết trên tờ The Lancet vào năm 2003, nói rằng một loại nấm mốc phổ biến tên là aspergillus có thể đã khiến Bá tước Carnarvon bị bệnh.
Aspergillosis có thể gây ho, khó thở nhưng triệu chứng nghiêm trọng hơn đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Ban đầu, Bá tước Carnarvon bắt đầu đến thăm Ai Cập sau một vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng vào năm 1903 khiến phổi của ông bị tổn thương. Tình trạng này khiến ông đặc biệt dễ bị nhiễm nấm mốc.
Còn trong một nghiên cứu năm 2013, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã xem xét các đốm nâu được tìm thấy trên các bức tường của lăng mộ Vua Tutankhamun. Những đốm này xuất hiện khi nhà khảo cổ học Carter lần đầu tiên mở lăng mộ. Các nhà vi trùng học muốn xác định xem nấm hoặc các vi khuẩn khác có phải là nguyên nhân gây ra các đốm này và gây nguy cơ sức khỏe cho người vào lăng mộ hay không.
Mặc dù phân tích đã tìm thấy bằng chứng về cộng đồng nấm và vi khuẩn, nhưng chúng không còn hoạt động và không gây ra mối đe dọa nào cho con người hoặc các bức tranh.
Không thể nói liệu aspergillus hay loại nấm nào khác đã góp phần gây ra cái chết của Bá tước Carnarvon hoặc nhà tài chính Gould. Nhưng ngày nay, các nhà khảo cổ đeo găng tay, khẩu trang và đôi khi là quần áo bảo hộ dùng một lần để tự bảo vệ mình khỏi nấm mốc.
Có lẽ lời giải thích đơn giản nhất về lời nguyền xác ướp là lời giải thích của Frank McClanahan, một bác sĩ đã điều trị cho Bá tước Carnarvon trong thời gian ông bị bệnh ở Luxor. Theo bác sĩ này, những người đã chết là một số nhỏ trong số rất nhiều người đã đến thăm lăng mộ. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1972: "Lúc nào cũng có các nhà khảo cổ học đến đây từ mọi nơi trên thế giới. Nếu theo dõi một nhóm người nào đó và kiểm tra lại sau đấy, người ta sẽ tìm thấy có một tỷ lệ tử vong nhất định trong số đó".
Lăng mộ bí ẩn của Vua Tutankhamun
Phát hiện ra lăng mộ Vua Tutankhamun đã vén bức màn bí ẩn về các nền văn minh Ai Cập cổ đại mà trước đó con người chưa từng được biết tới. Đây được xem là thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử ngành khảo cổ học ở thế kỷ XX.
Tutankhamun là vị vua đời thứ 18 thuộc Vương triều Ai Cập, lên ngôi năm 1332 trước Công nguyên lúc vừa tròn 9 tuổi. Đây là vị vua trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Triều đại vua Tutankhamun được coi là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất trong mọi triều đại Pharaoh. Tuy nhiên, vào năm 1352 trước Công nguyên, khi vừa tròn 19 tuổi, Vua Tutankhamun đột ngột qua đời một cách bí ẩn.
Trải qua qua mấy nghìn năm, trong khi các ngôi mộ Hoàng gia Ai Cập đều đã bị đào bới gần hết và tất cả các hiện vật trong các lăng mộ này đều đã bị lấy trộm hết, thì riêng lăng mộ của Vua Tuttankhamun lại không có dấu tích. Chính điều này đã thu hút nhiều sự quan tâm chú ý của giới khoa học.
Cho đến thời điểm nhóm khai quật của nhà khảo cổ học Carter tìm thấy các bậc dẫn đến lăng mộ Vua Tutankhamun, thì đây vẫn là lăng mộ nguyên vẹn nhất trong số những lăng mộ từng được tìm thấy trong Thung lũng các vị vua. Khi bắt đầu tiến hành khai quật, nhóm khảo cổ đã khám phá ra một kho tàng vô giá vượt ngoài sức tưởng tượng. Đó là những đồ vật bằng vàng khối, những bảo thạch, những đồ dát ngọc trong chiếc quan tài nhiều màu sắc chứa thi thể Vua Tutankhamun.
Mặt nạ bằng vàng của Vua Tutankhamun được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo. Ảnh: Reuters
Thi thể của Vua Tutankhamun được ướp trong một cái quách được trang trí công phu và úp lên mặt ông là chiếc mặt nạ vàng có nạm những viên đá quý.
Số đồ tùy táng quý giá trong lăng mộ Vua Tutankhamun nhiều tới mức đã làm các nhà khảo cổ học phải choáng ngợp. Có hơn 5.000 tác phẩm thủ công thời cổ đại, chưa kể rất nhiều đồ trang sức, tượng, bùa chú, đồ đạc và thậm chí cả một quan tài tạc bằng vàng ròng. Tất cả đã khiến cả thế giới kinh ngạc và giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử Ai Cập thời kỳ đó.
Các nhà khảo cổ học đã phải dành cả 10 năm chỉ để thống kê và đặt tên cho những đồ vật được tìm thấy trong mộ của Vua Tutankhamun.
Chỉ đến khi nhà khảo cổ học Carter công bố công trình nghiên cứu về sự tồn tại của lăng mộ Tutankhamun thì giới khảo cổ học mới tin rằng "kho báu Tutankhamun" là thật chứ không phải chỉ có trong truyền thuyết.
Sau khi công bố các nghiên cứu của ông Carter về xác ướp Vua Tutankhamun, người ta mới biết chiều cao của vị vua này: 1,6m. Cũng như tổ tiên của mình, ông đã được nuôi dạy để trở thành chiến binh. Trong lăng mộ ông, có 6 cỗ xe ngựa, 50 cái cung, 2 thanh gươm, 8 cái khiên, 2 lưỡi dao găm, súng cao su đủ loại. Trên những cái rương gỗ trong lăng mộ của ông, có hình ảnh miêu tả ông đang cưỡi ngựa xông vào thành, tay đang giương cung lên bắn và bánh xe ngựa của ông nghiền nát quân xâm lược Nubian.
Ông Carter (giữa) và các thợ mộc Ai Cập chuẩn bị niêm phong lại lăng mộ của Vua Tutankhamun vào khoảng năm 1923. Ảnh: Getty Images
Sau rất nhiều cuộc nghiên cứu, mãi đến ngày 3/11/2013, bí ẩn về cái chết của Vua Ai Cập Tutakhamun đã được hé lộ sau hơn 3.000 năm. Các nhà khoa học Anh đã dựng hình ảnh ba chiều chi tiết về xác ướp của Vua Tutankhamun và nhận thấy có vết bánh chiến xe cán qua cơ thể ông. Sau khi khôi phục đầy đủ hình ảnh về các chấn thương, các nhà nghiên cứu kết luận nửa thân bên trái của vị vua Ai Cập này đã bị bánh xe cán phải khiến ông bị thương nặng và chết ngay lập tức.
Kể từ khi lăng mộ Tutankhamun được phát hiện với các hiện vật còn gần như nguyên vẹn, Thung lũng các vị vua của Ai Cập trở nên nổi tiếng. Thung lũng này trở thành di sản thế giới năm 1979 và cho đến giờ, các hoạt động thăm dò, khai quật, bảo tồn vẫn đang được tiếp tục.
Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều du khách đến đây, tác động tiêu cực tới các di tích lịch sử. Sau khi mở cửa, lăng mộ bị hư hỏng do thay đổi nhiệt độ... Ngoài ra, vi khuẩn và độ ẩm từ hơi thở của du khách, nhiệt từ cơ thể người cũng như từ các bóng đèn đã tổn hại đến khu lăng mộ.
Với mong muốn bảo tồn những di tích quý giá, chính quyền Ai Cập cho xây dựng lại một khu lăng tẩm y hệt khu thật. Các nhà khảo cổ học mất 5 tuần để ghi lại từng chi tiết của khu mộ. Họ còn dùng máy quét laser để chụp lại hình dáng, kết cấu và màu sắc rồi dùng máy để tạo ra những bản sao chính xác. Điều này khiến cho du khách có cảm nhận như họ đang được xem "đồ thật".
Thùy Dương/Báo Tin tức (Business Insider)
Bí ẩn những xác ướp dị nhất thế giới: Từ lời nguyền xác ướp Pharaoh đến xác ướp 'du hành thời gian' có 1-0-2 Những xác ướp được chôn vùi trong các lăng mộ vẫn luôn ẩn chứa bí mật chưa thể tìm ra câu trả lời. Những xác ướp cổ đại luôn là một bí ẩn hấp dẫn trí tò mò của con người trong nhiều thế kỷ và là nguồn cảm hứng bất tận cho các bộ phim điện ảnh. Tuy nhiên, chúng không chỉ...