Đã đến lúc dừng tranh cãi vô bổ giữa LMHT và DOTA 2
Cộng đồng gamer LMHT và DOTA 2 nên cảm thấy vui vì họ đang sống trong những ngày tháng đỉnh cao nhất của tựa game MOBA.
Kể từ khi Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) đặt chân tới thị trường Việt cho tới nay, ngoài những thành công mà nó mang lại thì nó cũng khiến cho cộng đồng phải lao vào một cuộc chiến dường như không có hồi kết: Cuộc chiến DOTA 2 vs LMHT.
Tất cả có lẽ bắt đầu từ việc LMHT mượn danh DOTA 2 để đánh bóng tên tuổi trước khi chính thức Việt hóa. Điều này đã tạo nên một hiệu ứng không hề tốt khi tất cả các game thủ DOTA 2, DOTA khi đó đều mang một suy nghĩ rằng LMHT là hàng nhái “Thấy sang bắt quàng làm họ”.
Đã đến lúc nên dừng các cuộc tranh cãi vô bổ.
Tiếp theo đó, vì LMHT là một game dễ chơi nên đã thu hút được một lượng lớn người tham gia. Đương nhiên, việc đông người chơi thì trình độ cũng sẽ bị dàn trải rất nhiều, có nhiều cao thủ nhưng cũng cực kì nhiều “người chơi không có kỹ năng”.
Các game thủ DOTA 2 sang test LMHT thì thường gặp những bạn thuộc nhóm 2, đánh kém nhưng lại rất hay nói bậy, từ đó họ có ác cảm với LMHT và cho rằng game này chỉ toàn “trẻ trâu” chơi chứ không “try hard” như DOTA 2.
Video đang HOT
Chỉ cần lướt qua các topic có DOTA 2 và LMHT bạn sẽ rất dễ bắt gặp các cuộc tranh cãi với hàng trăm chủ đề được đặt ra. Ai cũng có định kiến riêng của mình, nhưng có lẽ đã đến lúc nên dừng các cuộc tranh cãi vô bổ đó lại.
Rất nhiều topic so sánh giữa DOTA 2 và LMHT xuất hiện trên mạng.
Thứ nhất, dù bạn là game thủ DOTA 2 hay LMHT thì việc bạn mong muốn nhất vẫn là tựa game yêu thích của mình ngày một phát triển, ngày một nhiều người quan tâm, thế nhưng tranh cãi hay gây war không giúp ích cho điều đó.
Ngược lại, nó còn khiến cả hai bị kìm hãm không thể phát triển. Tại sao ư? Thông thường trong các cuộc tranh cãi, người chơi DOTA 2 sẽ tìm mọi điểm xấu của LMHT để “chém” và đương nhiên người chơi LMHT cũng sẽ như vậy. Đặt bạn vào một người đang phân vân giữa MOBA và Game online, lên mạng tìm hiểu thông tin lại nhận được hàng loạt comment nói xấu lẫn nhau giữa hai game MOBA đình đám thì bạn có lựa chọn chơi?
Thứ 2, các fan của LMHT cũng như DOTA 2 đáng lẽ nên cảm thấy hạnh phúc bởi họ đang sống trong những ngày tháng đỉnh cao nhất của thể loại MOBA nói riêng và làng game Việt nói chung.
Dù DOTA 2 hay LMHT thì nó cũng đã và đang nhận được sự đầu tư rất mạnh mẽ từ NPH (Riot, Valve). Hàng loạt giải đấu, event liên tục được tổ chức với những phần thưởng lên tới hàng triệu đô. Việc được sống trong không khí “Beyond the game” như vậy thì tại sao chúng ta không tự tận hưởng niềm vui của mình thay vì sang “nhà người khác” để “gây war”?
DOTA 2 được đầu tư cực mạnh với những giải đấu triệu $.
Trong vấn đề “Tranh cãi giữa LMHT và DOTA 2″, chúng tôi có tham khảo một vài ý kiến của game thủ đã từng chơi cả hai. Hầu hết họ đều khẳng định gây war có hai thể loại. Đầu tiên là trẻ trâu gây war, cái này thì không cần bàn vì nó “quá nguy hiểm”.
Tiếp theo là gây war vì so sánh tính năng, gameplay giữa hai game. Vì là hai tựa game MOBA hàng đầu nên tất nhiên không tránh khỏi sẽ có rất nhiều topic so sánh, phân tích cái hay cái dở của DOTA 2 và LMHT. Và đây chính là nơi để hàng loạt cuộc “khẩu chiến” bắt đầu.
Cũng theo chia sẻ của các game thủ chơi lâu năm cả LMHT và DOTA 2 thì mỗi game đều có cái hay, cái đẹp riêng. Không thể nói LMHT bắt chước DOTA 2 bởi xét về cội nguồn thì chúng đều xuất phát từ một map trong StarCraft, ngoài ra trên thực tế LMHT và DOTA 2 có quá nhiều điểm khác xa nhau.
Thực tế LMHT và DOTA 2 có rất nhiều điểm khác biệt.
Mỗi game thủ hãy cứ theo đuổi niềm đam mê riêng của mình, nếu chưa làm gì giúp được tựa game yêu thích đi lên thì chí ít cũng đừng khiến nó mất điểm trong mắt cộng đồng.
Nói có vẻ không liên quan nhưng chính những vụ việc tranh cãi với hàng loạt câu từ khiếm nhã như vậy đã tạo nên thói quen trong cộng đồng Việt. Và khi người Việt mang thói quen đó ra chơi game nước ngoài thì hậu quả ra sao có lẽ các bạn cũng đã biết. Hàng loạt NPH loại thẳng tay IP Việt Nam, cứ ra nước ngoài nghe thấy game thủ Việt là game thủ quốc tế “sợ xanh mặt, tránh xa ngay”.
Kết
Vẫn biết việc ganh đua là một yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển. Nhưng ganh đua không có nghĩa là lao đầu vào các cuộc tranh cãi vô bổ, vừa mất thời gian lại vừa tạo thói quen xấu cho cộng đồng. Hãy gạt bỏ mọi khúc mắc để thả hồn mình vào không khí của những lễ hội game khi bạn còn có thể. Chỉ như vậy thôi là bạn đang giúp chính tựa game yêu thích của mình ngày một phát triển.
Theo VNE