Đã có thuốc giải cho vấn nạn tin nhắn rác?
Tin nhắn quảng cáo hợp pháp có giá cước cao và liên tục bị gây khó dễ nên để đạt mức doanh thu theo yêu cầu của nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp nội dung trên mạng di động (CSP – tên gọi trước đây là CP – PV) phải tìm cách phát tán tin nhắn rác nếu không muốn bị chấm dứt hợp đồng.
Tin nhắn quảng cáo hợp pháp từ DN nội dung chỉ chiếm 3%
Tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác (là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 90/2008/NĐ-CP – PV) diễn ra chiều 13/11, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm VNCERT (Bộ TT&TT) cho biết, dù Nghị định 90/2008/NĐ-CP được xây dựng với mong muốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp và làm giảm tình trạng tin nhắn rác.
Khi việc quảng cáo hợp pháp bị làm khó thì các doanh nghiệp nội dung phải tìm cách phát tán tin nhắn rác.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, việc một số doanh nghiệp di động không cho phép hoặc đưa ra các chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp quảng cáo khi cung cấp dịch vụ trên hạ tầng di động đã khiến các tổ chức, cá nhân không có cơ hội sử dụng dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn cạnh tranh và quay ra tìm cách thức quảng cáo bất hợp pháp, trong đó có việc phát tán tin nhắn rác. “Những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tên định danh (brandname) để gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp thường sử dụng dịch vụ của nước ngoài, dẫn tới các nguy cơ có thể giả mạo lừa người nhận, gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội”, ông Khánh cho biết thêm.
Ông Khánh khẳng định, theo báo cáo của 5 doanh nghiệp di động lớn, hàng năm có tới chục tỷ tin nhắn quảng cáo, chiếm khoảng 10% lượng tin nhắn nhưng phần lớn các tin nhắn quảng cáo được gửi từ các doanh nghiệp di động. Lượng tin nhắn quảng cáo hợp pháp được gửi đi từ các doanh nghiệp nội dung chỉ chiếm gần 3%.
Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, do các hình thức quảng cáo hợp pháp đang bị các doanh nghiệp thông tin di động hạn chế bằng cách quy định giá cước cao khi gửi tin nhắn từ đầu số, tên định danh (gửi tin nhắn từ đầu số – SMS Brandname thường có mức giá từ 350 – 600 đồng/SMS trong khi gửi tin nhắn rác chỉ có giá 20 – 30 đồng/SMS – PV). Vì thế, nếu doanh nghiệp không quảng cáo hoặc chỉ quảng cáo theo các hình thức hợp pháp thì doanh thu rất thấp nhưng nếu sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo thì doanh thu sẽ tăng hẳn lên, thậm chí tăng vọt đột biến. “Trong khi đó, các công ty di động quy định tổng doanh thu của CSP là 30 triệu đồng/tháng, do vậy để không bị chấm dứt hợp đồng các CSP phải phát tán tin nhắn rác nhằm đạt mức doanh thu tối thiểu”, ông Hùng nói.
Video đang HOT
Hiện có khoảng 5 doanh nghiệp cung cấp đầu số 1900xxxx với khoảng 1411 đầu số được cấp và 3 doanh nghiệp cấp đầu tin nhắn 4 số (8xxx, 7xxx, 6xxx) với 746 đầu số. Tuy nhiên, việc cấp đầu số không thống nhất, xảy ra tình trạng một CSP được Viettel cấp đầu số nhưng đầu số này lại được VinaPhone hoặc MobiFone cấp cho CSP khác dẫn tới không kết nối kỹ thuật được với tất cả các mạng thông tin di động.
Xây dựng cơ chế quản lý đầu số không để DN cấp đầu số cho CSP
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, thời gian tới, để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, phát triển dịch vụ nội dung, Bộ TT&TT sẽ tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện nghiêm túc, sâu rộng các quy định đã ban hành như Nghị định số 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90 về chống thư rác, Thông tư 04/2012/TT-BTTTT Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, Chỉ thị 04/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong dịp Tết, lễ hội…, trong đó đã quy định rất rõ những giải pháp cụ thể. “Bộ TT&TT sẽ xây dựng cơ chế quản lý, cấp và thu hồi đầu số không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các doanh nghiệp CSP như hiện nay và có cơ chế đảm bảo việc kết nối thuận tiện giữa doanh nghiệp nội dung và nhà mạng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung phát triển”, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm việc phát tán tin nhắn rác cũng như việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng SIM điện thoại để phát tán tin nhắn rác.
Bộ TT&TT cũng kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quản lý như Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư hoặc Chính phủ ban hành Nghị định quy định quản lý các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả… hay Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp lý nhằm ứng dụng dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông trở thành công cụ, phương tiện thanh toán điện tử…
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, CSP, CP (doanh nghiệp nội dung không sở hữu đầu số – tên gọi trước đây là SubCP – PV)… rà soát và loại khỏi hệ thống, cơ sở dữ liệu các trò chơi không rõ nguồn gốc, có yếu tố lừa đảo, đồi trụy, mê tín dị đoan, cờ bạc, lô đề hay dự đoán trước kết quả xổ số. Khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn, bình chọn trên tryền hình… phải cung cấp thông tin liên tục, rõ ràng về giá cước; trong đó thông tin về giá cước không bị trôi, chạy khi quảng cáo trên truyền hình, phải có lời thoại thuyết minh về giá cước. “Các CSP, CP cùng với doanh nghiệp di động thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu đầy đủ, an toàn trong vòng ít nhất 1 năm theo quy định tại Nghị định 77/2012/NĐ-CP”, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm VNCERT (Bộ TT&TT), mạng lưới tiếp nhận thông báo tin nhắn rác, phối hợp xử lý tin nhắn rác đã được hình thành bao gồm tổng đài miễn phí 456 của VNCERT và các trung tâm tiếp nhận khiếu nại của các nhà mạng, tạo điều kiện cho hoạt động phối hợp xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác giữa người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp di động. Hàng năm, Tổng đài 456 tiếp nhận và xử lý khoảng 160.000 phản ánh về tin nhắn rác của người sử dụng, các doanh nghiệp di động cũng xử lý khoảng 100.000 phản ánh do thuê bao gửi về. Trong đó, trên 60% doanh nghiệp cung cấp tin nhắn nội dung qua đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx và 140 đầu số 1900 có liên quan ít nhiều đến tin nhắn rác.
Theo Genk
Việt Nam: Cấm gửi tin nhắn quảng cáo sau 22 giờ
Chỉ được gửi SMS từ 7-22 giờ.
Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2013 sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các CP. Một trong số đó là quy định không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ, và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận. Quy định này nhằm làm giảm các hành vi gây bức xúc trong xã hội thời gian qua như dùng 3,4 SIM rác nhắn cùng nội dung tin đến một thuê bao chỉ trong vòng một vài phút hay nhắn tin gây khó chịu cho người dùng vào lúc 1-2 giờ sáng.
Người dùng ngày càng bị Spam nhiều hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ra đời được hơn 4 năm và nhiều quy định còn mang tính hình thức, không được các CP thực hiện. Ví dụ như quy định hàng tháng CP phải gửi báo cáo, thống kê số lượng tin nhắn, thư điện tử quảng cáo, nhưng do không có sự tương tác về hệ thống nên khó có thể kiểm tra được tính chính xác của các báo cáo, thống kê. Vì thế, Nghị định 77/2012/NĐ-CP ra đời đã có những quy định mang tính kỹ thuật như quy định khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ TT&TT. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng quản lý các doanh nghiệp hơn.
Mặt khác, Nghị định số 90/2008/NĐ-CP khi ra đời từng được các công ty cung cấp quảng cáo qua tin nhắn đặt nhiều kỳ vọng nhưng trong quá trình triển khai nhiều doanh nghiệp dù được cấp mã số quản lý cho dịch vụ gửi tin nhắn nhưng vẫn rất khó thực hiện. Nguyên do là nhà mạng đã đưa ra các chính sách hạn chế bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo không được phép chủ động gửi đi tin nhắn quảng cáo từ đầu số được cấp.
Hệ quả là thị trường quảng cáo qua tin nhắn không phát triển được và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đành phải sử dụng phương án mua SIM trả trước để tự quảng cáo, hoặc đi mua các gói dịch vụ gửi tin nhắn từ nước ngoài để gián tiếp gửi tin quảng cáo cho khách hàng trong nước. Điều này vừa gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo vừa thất thu cho thị trường Việt Nam. Do đó, quy định "không phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo là đơn vị thành viên của mình với các nhà cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo khác" được xem là một cải tiến của Nghị định mới nhưng hiệu quả đến đâu thì phải đợi thời gian trả lời.
Vẫn còn nhiều quy định chưa rõ ràng
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty VMG, Nghị định 77/2012/NĐ-CP đã bổ sung Điều 22a quy định về việc sử dụng tên định danh cho mục đích quảng cáo bằng tin nhắn (SMS Brandname), theo đó doanh nghiệp muốn đăng ký, sử dụng tên định danh phải đăng ký với Bộ TT&TT và nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng thực tế, từ trước tới nay muốn cung cấp dịch vụ, khi sử dụng tên định danh trong tin nhắn quảng cáo, doanh nghiệp đã phải đăng ký với các nhà mạng để nhận mã số, tài khoản sử dụng và giá do từng nhà mạng quy định. "Vậy khi Nghị định 77/2012/NĐ-CP có hiệu lực, doanh nghiệp đã đăng ký với nhà mạng có phải tiếp tục đăng ký với Bộ TT&TT và trả một lần phí nữa hay không?", ông Hà thắc mắc.
Marketing hay là Spam?
Còn đại diện Galaxy Mobile cho biết, dù Điều 7 quy định: "cá nhân, tổ chức chỉ được phép gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận" nhưng khái niệm thế nào là "sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận" phải được làm rõ. Bởi nếu khách hàng sử dụng một dịch vụ cách đây 1 tháng nhưng hiện đã ngừng sử dụng, nếu doanh nghiệp tiếp tục nhắn tin quảng cáo dịch vụ đó cho khách hàng thì có vi phạm Nghị định 77/2012/NĐ-CP hay không?
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Hà cho rằng: "Một doanh nghiệp có thể đưa ra hàng trăm dịch vụ, nếu khách hàng chỉ sử dụng một dịch vụ thì có được coi như đã đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo của các dịch vụ khác không. Ngược lại người dùng đăng ký từ chối nhận quảng cáo một dịch vụ thì có nên hiểu là họ từ chối quảng cáo tất cả những dịch vụ còn lại do CP này cung cấp không?". Các khái niệm này khá mơ hồ và cần được làm rõ nếu không sẽ khó cải thiện được những hạn chế trong khâu kiểm tra, kiểm soát việc thực thi của các CP.
Theo Genk
SIM 3 tháng không dùng sẽ bị cắt Bộ TT&TT sắp ra quy định sau thời gian 3 tháng kể từ ngày khách hàng ký hợp đồng hòa mạng với nhà mạng mà thuê bao đó không phát sinh lưu lượng thì giao kết hợp đồng sẽ chấm dứt. Điều này sẽ tác động mạnh đến giới kinh doanh sim số đẹp. SIM 3 tháng không dùng sẽ bị cắt hợp...