Đa Chiều: Kim Jong-un đối nội đại thanh trừng, đối ngoại phá vòng vây
Kim Jong-un đã đạt 3 mục đích: Có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe; Củng cố quyền lực và đại thanh trừng nội bộ; Thu hút sự chú ý đặc biệt.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn là nhân vật bí ẩn với truyền thông quốc tế.
Đa Chiều ngày 23/10 bình luận, thời gian qua liên tục nổ ra những thông tin “bom tấn” xung quanh nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, động thái này có liên hệ chặt chẽ với tính cách của “thống soái tối cao thế hệ 8X”.
Từ ngày lên nắm quyền, Kim Jong-un có nhiều đặc điểm khác hẳn với cha mình và lại có phần giống ông nội, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Về nhãn quan thẩm mỹ, vợ chồng Kim Jong-un thể hiện rõ xu hướng “Tây hóa”, tính cách cởi mở hơn cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Video đang HOT
So với tác phong làm việc cẩn thận, chắc chắn của Kim Jong-il thì phong cách của Kim Jong-un lại giống ông nội ở chỗ hành động bất ngờ khó đoán trước. Trong hơn 1 tháng “biến mất” khỏi truyền thông, Kim Jong-un đã đạt 3 mục đích: Có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe; Củng cố quyền lực và đại thanh trừng nội bộ; Thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Khi truyền thông thế giới liên tục đồn đoán về sự vắng mặt của ông, Kim Jong-un lại bất ngờ xuất hiện và thực hiện một loạt điều chỉnh về chính sách ngoại giao một cách bất ngờ.
Ngày 8/7 khi dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất Kim Nhật Thành, ông Kim Jong-un viếng lăng trong bộ dạng khập khiễng. Ở Bắc Triều Tiên, hình ảnh lãnh tụ vô cùng quan trọng, không được phép sai sót. Nhưng truyền thông nhà nước vẫn phát sóng cảnh ông đi “cà nhắc” một chân để cố ý bộc lộ tình trạng sức khỏe Kim Jong-un không được tốt. Ngày 26/9 truyền thông Triều Tiên lần đầu thừa nhận Kim Jong-un không được khỏe.
Tới hôm 14/10 Kim Jong-un chống gậy xuất hiện sau 40 ngày vắng mặt, trái hẳn với truyền thống xây dựng hình tượng lãnh tụ thiên tài từ bé: 3 tuổi biết bắn súng, 8 tuổi đã lái xe hơi của Bình Nhưỡng lâu nay.
Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề sức khỏe của bản thân để tiến hành cải cách triệt để trong đối nội và đối ngoại lại thực sự là một “thủ đoạn chính trị” đặc biệt, một mũi tên trúng 2 đích, Đa Chiều bình luận.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un “bỗng nhiên biến mất” rồi lại bất ngờ xuất hiện với cây gậy.
Thế giới bên ngoài có lẽ đã đánh giá hơi thấp Kim Jong-un trong hơn 1 tháng ông “mất tích”. Chỉ vỏn vẹn 40 ngày ông đã loại bỏ nhiều quan chức cấp cao như thế không phải nhà lãnh đạo nào cũng làm được, cho dù cách làm có thể còn bàn cãi, nhưng khả năng kiểm soát chính quyền của Kim Jong-un thì không thể coi thường.
Tháng 6/2012 Kim Jong-un cũng “mất tích” 23 ngày, sau khi tái xuất hiện thì Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-ho mất chức. 40 ngày vắng mặt khỏi truyền thông lần này, Kim Jong-un một mặt dưỡng thương, mặt khác cũng “dọn dẹp bộ máy” và củng cố quyền lực không có gì lạ.
Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng theo Đa Chiều ông Kim Jong-un có năng lực làm chính trị và nắm giữ quyền lực rất lớn, chủ yếu thông qua cách thức phân tán quyền lực của các chức vụ quan trọng. Hiện nay không có quan chức nào ở Bắc Triều Tiên có quyền lực quá lớn dám vượt mặt Kim Jong-un. Ngược lại việc liên tục “thanh trừng” thay thế nhân sự cấp cao còn tạo ra cục diện “cạnh tranh lòng trung thành” với nhà lãnh đạo này.
Cũng hơn 1 tháng trở lại đây, mặc dù Kim Jong-un không xuất hiện trên truyền thông, nhưng các hoạt động ngoại giao của Bình Nhưỡng không vì ông vắng mặt mà bị đình trệ. Trái lại Bình Nhưỡng còn triển khai một loạt cuộc “tấn công quyến rũ” về mặt đối ngoại.
Trong khoảng thời gian Kim Jong-un vắng mặt, các quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên liên tục xuất ngoại, tranh thủ các diễn đàn khác nhau để truyền đi thông điệp với thế giới rằng Bắc Triều Tiên muốn đối thoại đã lâu.
Là một nhà lãnh đạo tối cao, xử lý các vấn đề đối ngoại của Kim Jong-un là một quá trình học hỏi và điều chỉnh. Đầu tiên Bình Nhưỡng thực thi chính sách ngoại giao cứng rắn nhưng chẳng đi đến đâu, sau đó buộc phải thay đổi sang tìm kiếm cơ hội đối thoại với cộng đồng quốc tế và cởi mở hơn, phá thế cô lập.
Theo Giáo Dục