Cựu Tổng thống Maldives tuyên bố đang đợi người đến bắt tại nhà
Cựu Tổng thống vừa bị lật đổ của Maldives Mohamed Nasheed hôm qua tuyên bố ông đang đợi bị bắt tại nhà mình và cho biết sẽ quyết chiến với chính phủ mà ông cho rằng đã lật đổ ông trong cuộc đảo chính được quân đội và cảnh sát hậu thuẫn.
Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed (giữa) bắt tay người ủng hộ bên ngoài nhà ông ở Male ngày 9/2.
Nhưng khi mưa đổ xuống Male, thủ đô của quốc đảo Ấn Độ Dương, nổi tiếng với những khu nghỉ mát sang trọng, và những người ủng hộ đứng bên ngoài dinh thự của gia đình ông Nasheed chờ sẵn, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy cảnh sát hoặc chính phủ mới sẽ tiến hành lệnh bắt giữ mà họ đã đưa ra trước đó.
Sỹ quan cảnh sát Abdullah Riyaz từ chối bình luận về việc liệu ông Nasheed có bị bắt giữ. Chính phủ mới cũng chưa lên tiếng về vấn đề này.
Ông Nasheed, tổng thống được bầu đầu tiên của quốc đảo Maldives, dường như đang thách thức chính phủ hiện đang do người từng là phó tổng thống của ông lãnh đạo, ông Mohamed Waheed Hussain Manik. Chính phủ mới đã phát lệnh bắt giữ ông sau khi các vụ biểu tình bạo lực hôm thứ tư vừa qua lan rộng ra bên ngoài Male.
“Bộ trưởng nội vụ đã cam kết tôi sẽ là cựu tổng thống đầu tiên phải sống sau song sắt”, ông Nasheed cho hay. Ông mỉm cười đầy thoải mái và không thấy dấu hiệu ông bị đánh vào hôm thứ tư vừa qua.
Video đang HOT
Ông cho biết ông hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ hành động nhanh “trước thực tế rằng ngày mai tôi sẽ bị bỏ tù”.
Ông Nasheed cho hay ông chấp nhận bị bắt giữ, như đã từng bị 37 lần trước khi cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom đang nắm quyền. Ông Nasheed đã chiến thắng sát nút trước ông Gayoom trong cuộc bầu cử năm 2008, đánh bại người đàn ông đã giam giữ ông trong tổng cộng 6 năm.
Hông thứ tư vừa qua, ông Nasheed tuyên bố việc ông từ chức một ngày trước đó trên thực tế là bị ép buộc khi bị hàng chục cảnh sát, binh sỹ và các đối thủ chính trị chĩa súng vây quanh.
Chỉ khoảng 330.000 người định cư ở quốc đảo nhỏ bé Maldives song nơi đây là “miếng mồi” lớn, bởi một lượng lớn du khách hạng sang tới nước này mỗi năm. Cụ thể Maldives đón khoảng 1 triệu khách mỗi năm, và hầu hết nghỉ ở những “thiên đường” nghỉ dưỡng có giá lên tới 1.000USD/đêm.
Bạo lực lan rộng
Sớm ngày hôm qua, quan chức cảnh sát Riyaz cho biết 18 đồn cảnh sát và 2 tòa án ở những đảo san hô vòng khác, trong đó có đảo đông dân cư thứ hai nước này, đảo Addu, bị những người ủng hộ ông Nassheed đốt và tấn công vào ngày hôm trước.
Song ông Nasheed cho rằng vụ việc trên là tự phát.
Bộ trưởng Nội vụ mới nhậm chức Mohamed Jameel trong cuộc họp báo ngày hôm qua đã cáo buộc ông Nasheed và người ủng hộ phạm tội khủng bố, nhắc lại cáo buộc của cảnh sát một ngày trước.
Các nhà ngoại giao phương Tây hiện đã tới Male, cùng với một nhóm thuộc Khối thịnh vượng chung, nhóm đã gặp ông Nasheed và các nhà lãnh đạo khác vào hôm qua. Trợ lý Tổng thư ký LHQ, phụ trách các vấn đề chính trị Fernandez-Taranco cũng đã tới Maldvies trong chuyến công du 3 ngày.
“Phải làm rõ rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng cũng phải xuất phát từ những người trong nước. Không thể có giải pháp xuất phát từ bên ngoài cho điều mà chính người dân Maldvies có thể tự giải quyết”, ông Fernandez-Taranco khẳng định.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ của ông Nasheed nổ ra khi ông yêu cầu quân đội bắt giữ người đứng đầu tòa án hình sự, vì cho rằng ông này đang ngăn chặn các vụ xét xử tham nhũng hàng triệu đô cũng như các vụ xâm phạm nhân quyền đối với đồng minh của ông Gayoom, người đã từng nắm quyền 30 năm và là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở châu Á, cho đến khi ông Nasheed lên thay thế.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho hay họ muốn tất cả các đảng phái, trong đó có cả đảng của ông Nasheed, kiềm chế và tham gia chính phủ hợp nhất, trong khi các cuộc điều tra về sự kiện xung quanh cuộc khủng hoảng hiến pháp và về việc từ chức của ông Nasheed được tiến hành.
Theo Dân Trí
Maldives: Biểu tình ủng hộ ông Nasheed lan rộng
Ngày 8/2, hàng nghìn người ủng hộ cựu Tổng thống Maldives, Mohamed Nasheed, đã đụng độ với cảnh sát và các binh sỹ chính phủ tại Quảng trường Cộng hòa ở thủ đô Male.
An ninh được tăng cường tại thủ đô Male. (Nguồn: Getty Images)
Tình trạng trên xảy ra một ngày sau khi ông Nasheed từ chức trong bối cảnh mà ông cáo buộc là một cuộc đảo chính.Với những khẩu hiệu ủng hộ ông Nasheed, người biểu tình tại quảng trường đã ném đá trong khi các lực lượng an ninh sử dụng hơi cay để đối phó và cuối cùng đám đông đã phải rời khỏi quảng trường.
Tin cho biết cựu Tổng thống Nasheed cùng một số thành viên của đảng Dân chủ Maldives (MDP) tham gia cuộc biểu tình trên. Theo một người thân của ông Nasheed, cựu Tổng thống này cùng một số thành viên MDP đã bị đánh và bị thương nhẹ phải vào viện.
Trước đó, ông Nasheed có cuộc họp với các lãnh đạo MDP và đảng này đã thông qua một nghị quyết khẳng định chính phủ mới của tân Tổng thống Mohammed Waheed Hassan là bất hợp pháp.
Ông Hassan, giữ chức Phó Tổng thống Maldives dưới thời ông Nasheed, ngày 7/2 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống chỉ vài giờ sau khi ông Nasheed từ chức.
Tại cuộc họp của MDP, ông Nasheed đã kêu gọi người kế nhiệm Hassan từ bỏ quyền lực, đồng thời hối thúc tòa án tối cao điều tra cuộc đảo chính ngày 7/2 và đưa ra công lý những người phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính này.
Theo ông Nasheed, ông bị các sỹ quan cảnh sát và quân đội ép từ chức trong một âm mưu đảo chính. Điện đàm với phóng viên hãng tin AFP (Pháp), cựu Tổng thống này cho biết ngày 7/2, ông đã tới sở chỉ huy quân đội, nơi có khoảng 18 sỹ quan cảnh sát và quân đội đang nắm quyền kiểm soát. Các nhân vật này đe dọa nếu ông không từ chức họ sẽ sử dụng đến vũ khí. Ông Nasheed bày tỏ nghi ngờ người kế nhiệm Hassan "biết rõ kế hoạch này."
Về phần mình, ông Hassan đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới "đảo chính" và cho biết ông sẽ tuân thủ quy định của pháp luật, trong khi quân đội Maldives cũng phủ nhận việc họ lật đổ ông Nasheed.
Tân Tổng thống Hassan đã tuyên bố thành lập một chính phủ liên minh với sự tham gia của tất cả chính đảng, trong đó có cả MDP. Phát biểu lần đầu tiên trước truyền thông kể từ khi nhậm chức, ông Hassan cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra, đồng thời khẳng định sẽ làm việc trên tinh thần liên minh với nhiều đối tác trên cả nước nhằm xây dựng một quốc gia dân chủ ổn định, tôn trọng tự do cá nhân. Ông Hassan cũng đã rút lại lệnh cấm xuất ngoại do cảnh sát áp đặt đối với ông Nasheed và các quan chức khác trong chính quyền cũ.
Trong phản ứng quốc tế sau những biến động chính trường ở Maldives, quan chức cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và kêu gọi giới chức Maldives bảo đảm an toàn và các quyền dân chủ cho người dân.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các bên bình tĩnh, duy trì ổn định đồng thời thông báo một phái viên cao cấp của Mỹ sẽ tới Maldives cuối tuần này./.
Theo TTXVN
Bạo động ở đảo quốc thiên đường Maldives Tổng thống Maldives, Mohamed Nasheed, tuyên bố từ chức và chuyển giao quyền lực lại cho Phó tổng thống, sau cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài hàng tuần của cảnh sát và phe đối lập. Tổng thống Maldives, Mohamed Nasheed, tuyên bố từ chức trên đài truyền hình quốc gia. Ảnh: BBC AFP đưa tin, tuyên bố từ chức của ông...