Cựu Tổng thống Jimmy Carter sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden
Cựu Tổng thống Jimmy Carter sẽ không tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Trong khi đó, cựu Tổng thống George W. Bush và phu nhân sẽ tham dự buổi lễ này, đại diện của các cựu lãnh đạo cho biết.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn Carter theo dõi trận bóng bầu dục tại thành phố Atlanta hồi tháng 9/2018. Ảnh: AP
Theo đài CNN (Mỹ), cựu Tổng thống Jimmy Carter, 96 tuổi, và phu nhân, Rosalynn Carter, 93 tuổi, sẽ không đến Washington để tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden ngày 20/1 sắp tới. Ông Jimmy Carter và phu nhân, thay vào đó sẽ gửi “những lời chúc tốt đẹp nhất” đến Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và “mong chờ một chính quyền thành công”.
Deanna Congileo, phát ngôn viên tại Trung tâm Carter tại thành phố Atlanta, cho biết hôm 5/1 đây sẽ là lần đầu tiên ông Carter bỏ lỡ một buổi lễ nhậm chức kể từ khi ông tuyên thệ năm 1977. Trước đó, ông đều có mặt trong các buổi lễ nhậm chức, bao gồm cả lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump vào năm 2017 và cựu Tổng thống Barack Obama trước đó.
Ở tuổi 96, ông Carter là vị tổng thống sống thọ nhất của Mỹ. Ông may mắn sống sót sau khi được chẩn đoán có một khối u ác tính di căn tới não hồi năm 2015. Ông đã gặp một số vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây. Cựu Tổng thống đã bị ngã một số lần và phải nhập viện để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu hồi năm 2019. Hiện tại, ông thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 cao do đã cao tuổi.
Trong khi đó, ông Freddy Ford, Chánh văn phòng của cựu Tổng thống George W. Bush hôm 5/1 cho biết ông Bush và cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush, sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris tại thủ đô Washington D.C vào ngày 20/1 sắp tới. Vợ chồng ông Bush cũng đã tham dự lễ nhậm chức đầu tiên của ông Barack Obama và Tổng thống Donald Trump.
George W. Bush – cựu Tổng thống duy nhất còn sống của đảng Cộng hòa – cho biết ông sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Ảnh: AFP
Video đang HOT
“Cựu Tổng thống và Phu nhân mong được trở lại Điện Capitol để làm lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris. Tôi tin rằng đây sẽ là lễ nhậm chức thứ 8 mà họ có vinh dự được tham dự, gần đây nhất là lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Chứng kiến sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình là một dấu ấn của nền dân chủ của chúng ta, điều không bao giờ cũ”, ông Ford cho hay.
Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ cũng là một trong những thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa đầu tiên chúc mừng chiến thắng của ông Biden, sau khi CNN và các hãng truyền thông khác dự đoán ông Biden sẽ đắc cử tổng thống hồi tháng 11.
“Mặc dù chúng ta còn có khác biệt chính trị, tôi biết Joe Biden là người tốt, người đã giành lấy cơ hội để lãnh đạo và đoàn kết nước Mỹ. Tổng thống đắc cử nhiều lần khẳng định ông tranh cử với tư cách người của đảng Dân chủ, nhưng sẽ lãnh đạo vì tất cả người dân Mỹ. Tôi gửi lời chúc mừng tới ông ấy như cách đã từng làm với hai Tổng thống Trump và Obama: Cầu chúc ông thành công và tôi cam kết sẽ trợ giúp bất cứ khi nào có thể”, cựu Tổng thống nói.
Vào ngày nhậm chức 20/1 sắp tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ không tiến hành màn diễu hành rầm rộ theo nghi lễ truyền thống sau khi tuyên thệ tại Điện Capitol. Lễ nhậm chức của Tổng thống sẽ được tổ chức trực tuyến, với một cuộc diễu hành trên truyền hình thay cho sự kiện lớn, đông đúc thông thường. Đội ngũ xây dựng kế hoạch nhậm chức của ông Biden cũng kêu gọi người ủng hộ không đổ về thủ đô Washington D.C để tham gia lễ nhậm chức.
Nỗ lực phe Dân chủ thách thức phiếu đại cử tri năm 2005
Giữa phiên họp quốc hội kiểm phiếu đại cử tri ngày 6/1/2005, thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer đứng dậy phản đối chiến thắng của George W. Bush.
Theo quy tắc trong Hiến pháp và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, phiên họp quốc hội xác nhận kết quả bầu tổng thống vào ngày 6/1 sau ngày bầu cử sẽ dừng lại nếu một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản phản đối phiếu đại cử tri của một bang.
Boxer, khi đó là thượng nghị sĩ Dân chủ đại diện cho bang California, cho biết hạ nghị sĩ Dân chủ Stephanie Tubbs Jones, đại diện cho bang Ohio, người qua đời hồi năm 2008, đã thuyết phục bà tham gia nỗ lực thách thức kết quả bầu cử năm 2004 tại bang này, bằng cách chỉ ra nhiều vấn đề xuất hiện trong quá trình bỏ phiếu.
Một trong những điểm bất thường đáng chú ý nhất là những dòng người xếp hàng dài quá mức khiến cử tri phải chờ đợi suốt nhiều giờ tại các điểm bầu cử, phần lớn thuộc khu vực đô thị, nơi đảng Dân chủ chiếm ưu thế. Nhiều máy bỏ phiếu gặp trục trặc. Tỷ lệ phiếu tạm thời bị từ chối tại những cộng đồng người Mỹ gốc Phi khá cao.
Thượng nghị sĩ Barbara Boxer (trái) và hạ nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones trả lời báo chí về việc phản đối chiến thắng ở Ohio của George W. Bush tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, Washington, ngày 6/1/2005. Ảnh: Reuters .
Kể từ khi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri được thông qua năm 1887, đây mới chỉ là lần thứ hai nghị sĩ từ cả hai viện nhất trí phản đối kết quả phiếu đại cử tri tại một bang, sau tranh cãi về bang Bắc Carolina trong cuộc bầu cử năm 1969. Tuy nhiên, Boxer khẳng định mục đích của họ không phải nhằm đảo ngược kết quả bầu cử chung cuộc, mà là hướng sự chú ý của dư luận vào tình trạng "áp bức cử tri" ở Ohio.
Trước khi Boxer và Tubbs Jones đệ đơn phản đối, chiến thắng với cách biệt khoảng 118.000 phiếu của Bush trước ứng viên Dân chủ John Kerry tại Ohio, bang định đoạt cuộc bầu cử năm 2004, vốn đã gây nhiều hoài nghi và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của dư luận. Nhiều người cáo buộc Bush giành phiếu đại cử tri của Ohio một cách không công bằng.
Nỗ lực của hai nữ nghị sĩ Dân chủ buộc các thành viên Thượng viện và Hạ viện phải dừng phiên họp chung, trở về hai nghị trường riêng, nằm ở hai phía đối diện của tòa nhà quốc hội, để thảo luận về kiến nghị của họ. Sau khi thảo luận, hai viện sẽ tiến hành bỏ phiếu riêng rẽ về việc có chấp nhận kiến nghị hay không. Kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri của một bang chỉ có thể thành công nếu cả hai viện đều biểu quyết nhất trí.
"Quyết định phản đối này không bắt nguồn từ hy vọng hay ý đồ lật ngược chiến thắng của tổng thống, mà là cơ hội cần thiết, kịp thời và phù hợp để xem xét và khắc phục quá trình quý giá nhất trong nền dân chủ của chúng ta", Tubbs Jones phát biểu trong phiên tranh luận tại Hạ viện. "Tôi tin rằng chúng ta cần tiến hành một cuộc tranh luận chính thức và hợp pháp về những điểm bất thường trong bầu cử".
"Tôi không muốn làm phiền bạn bè mình, nhưng có lẽ việc làm sáng tỏ những vấn đề này đáng để dành ra một chút thời gian. Nhiều người Mỹ đang đổ máu ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm nhiều người từ bang của tôi, vì lý do gì chứ? Đó là để đem nền dân chủ tới những ngóc ngách xa xôi trên toàn cầu. Vậy thì trước hết hãy sửa chữa nó ngay tại đây", Boxer nói tại phiên tranh luận ở Thượng viện.
Bất chấp nỗ lực thuyết phục của bà, cuộc tranh luận ở Thượng viện kết thúc sau khoảng một giờ, với 74 người tán thành giữ nguyên kết quả phiếu đại cử tri ở Ohio và Boxer là người duy nhất bỏ phiếu chống. Phiên tranh luận ở Hạ viện kéo dài hơn, nhưng kết quả cũng không khác so với Thượng viện, với 267 phiếu đồng ý giữ nguyên kết quả, 31 phiếu chống.
Các nghị sĩ từ cả hai viện sau đó tập trung trở lại và hoàn thành quá trình kiểm đếm phiếu đại cử tri. Dick Cheney, phó tổng thống Mỹ khi đó, cuối cùng tuyên bố Bush tái đắc cử với 286 phiếu đại cử tri, trong khi Kerry giành được 251 phiếu.
Đảng Cộng hòa từng cho rằng nỗ lực khiếu nại kết quả bầu cử ở Ohio của Boxer và Tubbs Jones là "tào lao". Một số người còn gọi đây là hành động của "những kẻ thua cuộc cay cú". Scott McClellan, phát ngôn viên Nhà Trắng khi đó, cáo buộc Boxer và những người khác "đang tham gia các thuyết âm mưu vì lý do chính trị đảng phái".
"Ngày kiểm phiếu đó, tôi là một người vô cùng khó ưa tại Thượng viện. Mọi người có lẽ chỉ muốn chặn họng tôi. Tuy nhiên, đấy là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất đối với tôi, dù đơn độc", Boxer hồi tưởng.
Kịch bản tương tự rất có thể sẽ diễn ra tại quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021, sau khi Tổng thống Donald Trump công khai kêu gọi đồng minh phản đối chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại các bang chiến trường.
Một nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng đệ đơn khiếu nại tại phiên họp quốc hội kiểm đếm phiếu đại cử tri và cần thêm ít nhất một thượng nghị sĩ ủng hộ nỗ lực của họ. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell được cho là đã kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa tránh tham gia vào nỗ lực này, nhưng một số người vẫn để ngỏ khả năng hợp tác, bất chấp thực tế là cơ hội "lật ngược thế cờ" của Trump gần như bằng không.
Tuy nhiên, Boxer lưu ý tình huống năm nay hoàn toàn khác so với trường hợp của bà. "Ý định khi đó của chúng tôi không phải là lật ngược kết quả bầu cử. Còn bây giờ họ đang nói rằng Trump bị đánh cắp nhiệm kỳ tổng thống. Đây thậm chí không phải một phép so sánh", cựu thượng nghị sĩ nói.
Mỹ trở thành 'vùng đất hứa' cho dịch vụ cá cược thể thao trực tuyến vào năm 2021 Năm 2021 dự kiến là năm có nhiều tiềm năng với dịch vụ cá cược thể thao trực tuyến tại Mỹ. Một người đàn ông theo dõi trận thi đấu bóng bầu dục tại New Jersey. Ảnh: Reuters Theo công ty nghiên cứu Bernstein, thị trường cá cược thể thao trực tuyến tại Mỹ có thể đạt giá trị lên tới 23 tỷ...