Cựu thủ tướng Hungary mời người tị nạn về nhà
Ông Ferenc Gyurcsany nhiệt tình gắp hành và cà rốt cho vào nồi đậu lăng đang sôi sùng sục. Đó không phải là bữa ăn truyền thống của người Hungary nhưng ông muốn các vị khách đặc biệt của mình cảm thấy như đang ở nhà.
Cựu thủ tướng Ferenc Gyurcsany và vợ Klara Dobrev (góc phải phía trên) mời người tị nạn ăn sáng tại nhà của họ ở Budapest. Ảnh: NPR
Ông Gyurcsany là thủ tướng Hungary từ năm 2004 đến 2009. Hiện nay ông lãnh đạo phe đối lập trong quốc hội. Ông cho biết ngôi nhà nằm ở khu đô thị cao cấp tại Budapest của mình đủ rộng để chia sẻ cho nhiều người khác.
Và trong vài tuần qua, ông và vợ, bà Klara Dobrev, đã chào đón những người tị nạn đến nhà họ để tận hưởng những gì ông gọi là “một đêm bình thường”.
Trong khi chính phủ Hungary đưa ra chính sách chống lại hàng nghìn người di cư đang cố gắng vượt biên vào nước này, ông Gyurcsany lại dang rộng vòng tay với họ.
“Chúng tôi mất vài giờ để làm việc đó nhưng làm sao so sánh được với số phận của những con người kia?”, ông Gyurcsany. “Nó không đáng gì cả”.
Ông nói rằng giúp đỡ những người khó khăn theo cách này mang lại cho ông một cảm xúc đặc biệt, hơn tất thảy những gì ông đã làm những năm qua.
Chính trị gia trung tả 54 tuổi cho rằng cách xử lý của chính phủ bảo thủ trước cuộc khủng hoảng di cư là rất tệ hại, khi đảng cầm quyền đang cố gắng thu hút các cử tri từ phe cực hữu.
Xem thêm: Rào thép gai chặn giấc mơ châu Âu của người tị nạn
“Có một sự đối địch rất khắc nghiệt giữa phe trung hữu và cực hữu Hungary”, ông Gyurcsany nói.
Video đang HOT
Vợ chồng ông Gyurcsany và những người tị nạn. Ảnh: BBC
Gyurcsany và Dobrev có 5 đứa con. Họ đã đưa con út 6 tháng tuổi vào phòng ngủ của hai vợ chồng để dành chỗ cho các gia đình tị nạn. Họ cũng đang phối hợp với một nhóm từ thiện để xác định những người tị nạn đã kiệt sức cần tiếp nhận.
Sáng qua, khi một gia đình và hai nam thanh niên Syria thức dậy, bà Dobrev đã mời họ cà phê ở hành lang phía sau nhà nhìn ra một bãi cỏ xanh mướt.
Almoen, 38 tuổi, cho hay ông chạy trốn khỏi Syria cùng vợ và ba con. Hành trình rất cực khổ và gia đình họ đã kiệt sức sau khi trải qua ba trại tị nạn khác nhau ở Hungary.
Khi ngồi tại nhà của ông Gyurcsany và uống cà phê, Almoen nhìn quanh và dường như vẫn không tin được những gì đang diễn ra. Một trong những cậu con trai nhỏ của ông thích thú chơi với mấy chú chó và mèo trong nhà Gyurcsany.
“Mọi chuyện đã qua thật tồi tệ. Còn mọi người ở đây thật tốt bụng. Họ mỉm cười. Ở đây thật khác biệt. Tôi rất hạnh phúc”, ông nói.
Bà Dobrev tin rằng điều quan trọng nhất mà bà và chồng bà có thể làm đơn giản là đối xử nhân văn với mọi người.
“Đôi khi tôi cảm thấy rằng quan trọng không phải là việc cho họ đồ ăn hay tắm rửa và gội đầu mà là bản thân cử chỉ đó, vì những con người này nhận được rất ít cử chỉ nhân văn trong những tháng qua”, bà nói.
Tiếng Hungary, tiếng Arab và tiếng Anh hòa vào nhau rôm rả khi mọi người cùng ngồi xuống bàn thưởng thức bữa sáng thịnh soạn. Món đậu lăng rất được ưa thích. Ông Gyurcsany thì giục các vị khách thử món bánh ngọt Hungary.
Vợ chồng ông đề nghị phóng viên tắt micro khi họ trao đổi về việc sẽ đưa gia đình Syria này đi đâu khi họ rời khỏi ngôi nhà. Không có sự lựa chọn nào tốt. Những người Syria muốn sang Đức nhưng không biết liệu họ có đến được biên giới Áo hay không, hay có vượt qua được không.
Hungary đang mạnh tay trấn áp người di cư và những người tiếp tay cho họ. Gyurcsany cho biết gia đình ông đã phải tổ chức một cuộc họp riêng để bàn bạc xem liệu họ có nên tiếp tục đưa người tị nạn về nhà khi tình hình ngày càng xấu đi.
Và họ đã đồng lòng đưa ra một quyết định.
“Cuộc sống có quy tắc của cuộc sống, chính phủ Hungary có quy tắc của chính phủ. Và nếu hai quy tắc này đối nghịch nhau, chúng tôi sẽ chọn quy tắc của cuộc sống”, ông Gyurcsany nói.
Anh Ngọc
Theo NPR
Cậu bé tị nạn cuối cùng vượt biên trước khi Hungary đóng cửa
Hamza, cậu bé 5 tuổi người Syria, là người tị nạn cuối cùng được bước vào lãnh thổ Hungary từ biên giới giáp với Serbia trước khi những hàng rào lớn đóng lại.
Trẻ em tị nạn chơi đùa bên hàng rào ở Horgos, Serbia, sát biên giới với Hungary. Ảnh: Reuters
Hamza vừa đủ tuổi đi học nhưng thay vì đến trường, em lại phải chịu đựng cái nắng gay gắt giữa tháng 9 để cùng gia đình chạy trốn sang châu Âu. Cậu bé đi cùng mẹ là Fatima, anh trai 8 tuổi Abdullah và 4 cô em gái khác. Gia đình họ xuất thân từ vùng Daraa của Syria.
Một cô em gái của Hamza kéo theo chiếc vali du lịch nhỏ màu hồng trong khi người mẹ vác một túi đồ khá nặng nề khác. Đây là những tài sản duy nhất họ có. Họ lê bước chân mệt mỏi dọc đường ray xe lửa bên những cánh đồng ở biên giới Hungary.
Tuy nhiên, gia đình Hamza vẫn kịp có mặt ở biên giới khi quân đội Hungary đóng hàng rào để ngăn dòng người tị nạn đang dồn dập đổ về. Họ chỉ vừa băng qua hàng rào, cách đường ray xe lửa vài bước chân, thì lực lượng cảnh sát Hungary, trang bị mũ bảo hiểm, dùi cui và bình xịt hơi cay, bắt đầu dàn hàng đứng chặn ở đường biên giới.
Hamza không hề biết rằng, mình chính là người cuối cùng được đặt chân vào lãnh thổ Hungary, là người kết thúc cho hành trình trung chuyển từ Hy Lạp tới Đức và xa hơn nữa của hơn 180.000 người tị nạn.
Gia đình của Hamza sau đó được các tình nguyện viên cung cấp nước uống và ổn định chỗ ngồi trên một chuyến tàu. Suốt ngày 14/9, chính phủ Hungary đã đưa những người di cư như gia đình Hamza lên các chuyến chạy từ thị trấn Roszke tới vùng Hegyeshalom, nằm sát biên giới với Áo.
Riêng cuối tuần trước đã có khoảng 20.000 người vượt qua tuyến đường ray trên để vào Hungary.
Trước khi xảy ra nạn di cư ồ ạt, đường biên giới giữa Hungary và Serbia chỉ được đánh dấu bằng những cột bêtông màu trắng và tháp quan sát hoen gỉ từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên hiện nay, chính phủ Hungary đã cho lắp những hàng rào thép gai cao 4 m, dài hơn 170 km với 5 vòng cuốn.
Người tị nạn mệt mỏi chờ đợi bên hàng rào biên giới Hungary, sau khi bị chặn lại ở phía Serbia hôm qua. Ảnh: Reuters
Ở cánh đồng đầy rác bên kia hàng rào, các binh lính, cảnh sát cùng chó đặc nhiệm tập trung để bảo vệ biên giới từ nửa đêm theo lệnh khẩn cấp của chính phủ. Một trực thăng cảnh sát quần thảo ở phía trên.
Họ được phép sử dụng đạn cao su và lưới để bắt những người tị nạn vượt biên trái phép. Thậm chí, họ có thể sử dụng súng AK nếu cảm thấy tính mạng mình bị đe dọa. Những người cố tình vượt biên trái phép đối mặt với 3 năm tù, còn những người cố tình phá hoại hàng rào sẽ bị phạt 5 năm tù.
Khi hàng rào thép gai được dựng lên thì một gia đình khác cùng khoảng 30 người tị nạn cũng vừa tới rìa biên giới với Hungary. Người cha đôi co với binh lính, trong khi người mẹ bồng đứa con nhỏ. Cô con gái lớn khoảng 3 tuổi hồn nhiên nghịch những viên đá dưới chân.
10 phút sau đó, họ từ bỏ ý định vượt biên và bắt đầu đi bộ dọc theo hàng rào, với hy vọng tìm thấy một lối thoát. Những người khác ngồi lại bên đường ray, gối đầu lên tay mệt mỏi chờ đợi.
Một số người chui qua hàng rào thép gai để vào Hungary. Ảnh: AJENews
Kim Dung
Theo VNE
Người tị nạn bị phóng viên ngáng chân: 'Tôi không thể tha thứ' Người tị nạn bị nữ phóng viên ngáng chân ngã trong lúc chạy trốn cảnh sát Hungary cho hay con trai ông đã rất hoảng sợ và ông sẽ không tha thứ cho hành động trên. Nữ quay phim Petra Laszlo ngáng chân khiến cha con ông Alghadab ngã chúi xuống đất. Ảnh: Reuters Ông Osama Abdel-Muhsen Alghadab cuối cùng đã đặt chân...