Cựu thủ tướng Australia đền chiếc bàn vỡ trong tiệc chia tay
Ông Tony Abbott, người bị mất ghế thủ tướng vào tay Malcolm Turnbull tháng trước, cho hay ông sẽ thanh toán khoản tiền hơn 400 USD, là trị giá của chiếc bàn.
Cựu thủ tướng Australia Tony Abbott. Ảnh: SMH
“Đó là bữa tiệc của tôi nên tôi sẽ chịu trách nhiệm”, BBC dẫn lời ông Abbott nói hôm qua sau khi phe đối lập công bố về thiệt hại tại văn phòng Nội các.
Chiếc bàn này trị giá 428 USD và đã được sử dụng tại đây hơn 20 năm trước. Nhân viên lau dọn phát hiện mảnh vỡ của chiếc bàn hôm 15/10, một ngày sau khi ông Abbott bị mất chức, một ủy ban của quốc hội xem xét vụ việc cho hay.
Ủy ban này cũng nhận được tin từ email của quan chức Cơ quan Lễ tân của quốc hội (DPS) rằng “chiếc bàn có thể bị hỏng do có người đứng lên hoặc khiêu vũ trên đó”.
Trong thông báo của mình, ông Abbott cho hay trong đêm thay đổi lãnh đạo, ông đã tổ chức bữa tiệc ở tiền sảnh của văn phòng nội các dành cho các nhân viên và đồng nghiệp. Ông thừa nhận có một chiếc bàn cafe đã bị hỏng.
“Tôi đã đề nghị văn phòng của mình nhắn với DPS gửi hóa đơn giá trị của chiếc bàn”, ông Abbott nói.
Ông Cory Bernardi, người của đảng cầm quyền Tự do, yêu cầu cần cẩn trọng về vụ việc, cho rằng email nói về nguyên nhân khiến chiếc bàn bị hỏng “chủ yếu là suy đoán”.
Ông Abbott hôm 14/9 bất ngờ bị soán ghế trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng trước Bộ trưởng Nội các Malcolm Turnbull. Ông Turnbull, 60 tuổi, trở thành thủ tướng thứ 4 của Australia kể từ năm 2013.
Video đang HOT
Chiếc bàn bị hỏng có giá hơn 400 USD. Ảnh: SMH
Khánh Lynh
Theo VNE
Ghế thủ tướng Australia bị soán ngôi như thế nào
Với những chính sách không được lòng công chúng, Tony Abbott đánh mất tín nhiệm và để chiếc ghế thủ tướng rơi vào tay Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Turnbull.
Cựu thủ tướng Australia Tony Abbott. Ảnh: AP
Theo Daily Telegraph, chiều hôm qua, Malcolm Turnbull tin nhiệm vụ ngầm của ông đã hoàn thành. Ông nói với ông Abbott rằng ông không còn nhận được sự ủng hộ của đảng. Turnbull từ chức bộ trưởng truyền thông và yêu cầu một "lời thách đấu", đó là một cuộc bỏ phiếu bất ngờ trong nội bộ đảng Tự do.
Trong chính trị Australia, khi một hoặc một vài nghị sĩ cảm thấy rằng nhà lãnh đạo đang dẫn dắt đảng theo hướng không đúng đắn hoặc chỉ đơn giản là không thực hiện được những điều đã hứa hẹn, họ có thể yêu cầu bỏ phiếu để thay thế lãnh đạo hoặc cả phó lãnh đạo đảng. Tại nước này, lãnh đạo đảng cầm quyền giữ chức thủ tướng chính phủ. Vì vậy, khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng hôm qua, ông Tony Abbott đã để mất chức thủ tướng vào tay ông Turnbull.
Chiến dịch soán ngôi Abbott của ông Turnbull đã được các đồng nghiệp biết đến từ tuần trước, khi có những lời thì thầm rằng "Malcolm sắp hành động, chắc là vào tuần tới".
Phe của ông Turnbull nhận thấy cần phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất ngờ trong tuần này vì quốc hội sắp nghỉ ba tuần. Ông Abbott dự kiến có nhiều chuyến làm việc quốc tế cuối năm nay, trong đó có chuyến công du dự Diễn đàn các nền kinh tế lớn (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ và một chuyến đi đến New York vào cuối tháng này. Việc ông xuất hiện cùng lãnh đạo các nước khác là cơ hội để ổn định quyền lực của ông trong chính quyền.
Vì vậy, phe của ông Turnbull biết cần phải hành động ngay bây giờ. Thông điệp mà bên Turnbull đưa ra rất đơn giản: nếu ông Abbott còn tại chức thì liên minh đảng Tự do và Quốc gia sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào giữa năm tới, và ông Abbott sẽ không sa thải Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey. Sức mạnh lớn nhất của chính quyền Australia vốn là kinh tế thì bây giờ nó lại là điểm yếu.
Ông nói rằng thủ tướng đã thất bại trong việc lãnh đạo nền kinh tế, làm các doanh nghiệp mất lòng tin, thất bại trong việc giải thích cho công chúng những thách thức và cơ hội mà quốc gia phải đối mặt và đã phát triển các chính sách không hiệu quả.
Giảm uy tín
Theo BBC, chính quyền của ông Abbott bắt đầu nhiệm kỳ vào hai năm trước với nhiều lợi thế. Chính quyền thực hiện lời hứa bãi bỏ tiền thuế carbon - loại thuế môi trường nhằm giảm lượng khí nhà kính phát thải. Họ cũng bãi bỏ thuế 30% lợi nhuận đối với than và khai thác mỏ quặng sắt.
Chính sách nhập cư thắt chặt, bao gồm việc bắt thuyền chở di dân trở lại Indonesia, đã ngăn chặn dòng người tị nạn.
Những động thái này được công chúng ủng hộ, nhưng câu thần chú thường xuyên của ông Abbott rằng ông đã "dừng những con thuyền tị nạn" và "cắt bỏ các khoản thuế" cũng dần hết hiệu nghiệm.
Các biện pháp về ngân sách và kinh tế của ông không được lòng công chúng, trong đó có kế hoạch tính phí thêm 5 USD cho mỗi lần khám bệnh, cắt giảm tài trợ các trường đại học và đề xuất yêu cầu thanh niên phải chờ đợi một thời gian trước khi họ được nhận trợ cấp thất nghiệp.
Việc thu hồi chính sách cũng bào mòn uy tín của ông Abbott. Hồi tháng hai, ông từ bỏ một trong những chính sách mang dấu ấn nhất của mình là người lao động được trả lương khi nghỉ đẻ, vì khó tài trợ và không được các nữ cử tri muốn hưởng trợ cấp chăm sóc trẻ ủng hộ.
Ông Abbott dường như còn làm mất lòng công chúng với các vấn đề như kết hôn đồng giới. Trong khi nhiều người Australia muốn hợp pháp hóa việc này, thì ông Abbott vẫn kiên quyết phản đối.
Ông dường như đã đánh giá sai sự sẵn sàng của người dân trong việc chấp nhận người tị nạn Syria, khi công bố rằng Australia sẽ tiếp nhận 12.000 người Syria trong năm tới.
Ông cũng hứng chịu chỉ trích là quá cảm tình với một số nghị sĩ. Cựu chủ tịch Hạ viện, Bronwyn Bishop, phải đối mặt với chỉ trích gay gắt vì chi hơn 3.500 USD để thuê trực thăng từ Melbourne đến Geelong nhằm tham dự một buổi gây quỹ của đảng Tự do. Sau vụ việc này, bà Bishop vẫn được ông Abbott "chống lưng" cho đến khi bà từ chức vào tháng 8.
Theo giới chuyên gia chính trị, ông Abbott thực ra chưa bao giờ được công chúng đặc biệt yêu thích. Ông chiến thắng cuộc bầu cử năm 2013 vì đa phần cử tri không muốn ủng hộ Công đảng.
Hồi tháng một, ông hứng bão dư luận vì tuyên bố phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Anh Philip. Ông Abbott sau đó hứa sẽ tham khảo ý kiến đồng nghiệp nhiều hơn.
Nhiều người cũng bất mãn với phong cách cá nhân của ông. Abbott có tiếng là rất thẳng thắn, và điều đó được chứng minh sau chuyến thăm quân đội Australia tại Afghanistan năm 2010, nơi truyền thông ghi lại cuộc hội thoại mà ông dùng từ tục khi nói về cái chết của một hạ sĩ Australia.
Trong chính quyền, những phụ tá của ông thường khuyên ông kiềm chế, và nên nhắc đi nhắc lại thành tựu của chính quyền là "ngăn chặn các thuyền di dân".
Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để thuyết phục người Australia tin rằng chương trình nghị sự của ông là đúng đắn, khi chúng bị ông Turnbull đả kích vào hôm qua. "Chúng ta cần vận động, không cần khẩu hiệu", ông Turnbull nói.
Malcolm Turnbull, tân thủ tướng Australia. Ảnh: The Australian
Phương Vũ
Theo VNE
Chính biến cung đình Úc đang ở trên con đường thẳng nhất hướng tới truyền thống chính trị mà cho tới nay mới chỉ thấy có ở những nước như Nhật Bản, Ý hay Hy Lạp là thay đổi chính phủ và thủ tướng quá thường xuyên. Trong 2 năm qua, ở nước này đã có tới 3 thủ tướng, do tổng tuyển cử và bởi đảo...