Cựu quan chức CIA cảnh báo nguy cơ chiến tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông
Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn có nguy cơ tuyên chiến với nhau trong tương lai gần, cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell nhận định ngay sau sự kiện Hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông.
Xe lội nước Trung Quốc trong một cuộc tập trận đổ bộ – Ảnh: Reuters
“Khi có đối đầu kiểu này, sẽ có nguy cơ thực sự về khả năng chuyện tồi tệ sẽ xảy ra. Trung Quốc đang là một thế lực đang nổi lên. Chúng ta thì đã là một thế lực… Nhưng họ muốn có thêm ảnh hưởng”, ông Morell, cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nói trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 21.5.
“Liệu chúng ta sẽ sấn tới thêm một chút không? Liệu họ có phản kháng lại không? Rồi vũ điệu này liệu có hiệu quả không? Đây là một vấn đề lớn cho vị tổng thống sắp tới của Mỹ”, cựu quan chức CIA cho hay.
Ông Morell cũng cảnh báo rằng việc tuyên chiến với Mỹ “không phải là điều họ (Trung Quốc) muốn và cũng không phải là điều chúng ta (Mỹ) muốn. Nhưng hoàn toàn đang có nguy cơ (xảy ra chiến tranh)”.
Ông Morell đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh máy bay P8-A Poseidon của Mỹ vừa chạm trán lực lượng Hải quân Trung Quốc ngày 21.5 trên Biển Đông.
Video đang HOT
Có mặt trên máy bay, phóng viên CNN nghe được tiếng cảnh báo của phía Trung Quốc qua vô tuyến khi chiếc P8-A Poseidon bay ngang các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa: “Đây là Hải quân Trung Quốc… Hãy đi chỗ khác…”.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định không có đối đầu
Sau khi vụ việc diễn ra, trong cuộc họp báo ngày 21.5, bà Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết phía Mỹ không gọi sự cố này là đối đầu.
“Tôi không nghĩ sẽ gọi đây là một cuộc đối đầu. Rõ ràng đã có cảnh báo, những cảnh báo bằng miệng, từ phía Trung Quốc. Không rõ họ dựa vào đâu để đưa ra những cảnh báo này”, bà Harf nói.
“Máy bay quân sự Mỹ tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế khi bay tại khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông, vì thế quân đội Mỹ vẫn đang và sẽ tiếp tục các hoạt động phù hợp với quyền lợi, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển tại Biển Đông”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trong khi đó, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngang ngược cho rằng nước này có quyền bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ” của mình khi nói rằng “Trung Quốc có quyền giám sát vùng trời và vùng biển có liên quan để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và ngăn không cho tai nạn xảy ra trên biển”.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc xua đuổi
Washington cho biết sẽ tiếp tục việc tuần tra trên biển và trên không ở vùng biển quốc tế bất chấp việc bị hải quân Trung Quốc cảnh báo "rời đi ngay".
Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Airheadfly
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm qua khẳng định máy bay trinh sát của nước này ở Biển Đông là "hoàn toàn thích đáng", hải quân Mỹ và máy bay quân sự sẽ "tiếp tục thực hiện trọn vẹn" quyền hoạt động trong các vùng biển và không phận quốc tế, Reuters đưa tin.
Ông Russel cho rằng Mỹ thậm chí còn có thể "tiến xa hơn" để bảo đảm tất cả các nước có thể đi lại ở các vùng biển và không phận quốc tế. Mỹ tin rằng mọi nước và người dân đều có quyền tiếp cận vùng biển và không phận quốc tế.
"Chẳng ai có lý trí mà lại cố gắng ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động, đó không phải là điều khả thi", ông Russel nói.
Đoạn video do CNN công bố hôm qua cho thấy hải quân Trung Quốc liên tiếp yêu cầu máy bay tuần tra P8-A Poseidon của Mỹ rời khỏi khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây dựng các đảo nhân tạo. Đáp lại, các phi công Mỹ đều khẳng định họ đang bay trong không phận quốc tế.
Các chuyên gia an ninh lo ngại Bắc Kinh có thể chuẩn bị áp đặt vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua cho biết không có thông tin về sự kiện hải quân nước này chặn máy bay Mỹ, bày tỏ hy vọng các nước liên quan "tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông".
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các nước "có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông". Việt Nam cũng khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNLCOS).
Khánh Lynh
Theo VNE
Hải quân Trung Quốc thách thức máy bay Mỹ ở Biển Đông Hải quân Trung Quốc ngang ngược thách thức, 8 lần đưa ra cảnh báo xua đuổi khi máy bay tuần tra săn ngầm tân tiến nhất của Mỹ, chiếc P-8A Poseidon, thực hiện sứ mạng tuần tra những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông vào ngày 20.5....