Cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV và 11 bị cáo lĩnh án
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt 12 bị cáo liên quan đến vụ án BIDV thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên xét xử.
Sau một tuần xét xử, chiều 2/11, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 12 bị cáo liên quan vụ BIDV thất thoát 1.672 tỉ đồng.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy việc làm của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Trong đó, 8 bị cáo thuộc BIDV là người có trách nhiệm quản lý tài sản của nhà nước nhưng vẫn làm trái quy định, cấp tín dụng sai đối tượng, gây thiệt hại cho BIDV. Vì vậy, cả 8 bị cáo thuộc BIDV cần có mức hình phạt tương xứng.
4 bị cáo còn lại là những người đứng đầu tổ chức kinh tế có quan hệ vay vốn với BIDV nhưng lợi dụng sơ hở trong quản lý để chiếm đoạt tiền, tài sản phải chịu hình phạt tù theo quy định.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt, đối với 8 bị cáo thuộc BIDV phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” gồm:
Trần Lục Lang – nguyên Phó TGĐ BIDV, bị tuyên phạt 8 năm tù.
Đoàn Ánh Sáng – nguyên Phó TGĐ BIDV, 6 năm 6 tháng tù.
Kiều Đình Hòa – nguyên GĐ BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, bị tuyên phạt 5 năm tù.
Video đang HOT
Lê Thị Vân Anh – nguyên Trưởng phòng thuộc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, bị tuyên phạt 36 tháng tù, hưởng án treo.
Ngô Duy Chính – nguyên GĐ BIDV Chi nhánh Hà Thành, 7 năm tù.
Nguyễn Xuân Giáp – nguyên Phó GĐ BIDV Chi nhánh Hà Thành, bị tuyên phạt 6 năm tù.
Phạm Hồng Quang – nguyên Trưởng phòng thuộc BIDV Chi nhánh, Hà Thành, bị tuyên phạt 4 năm tù.
Đặng Thanh Nam – nguyên cán bộ BIDV Chi nhánh Hà Thành, bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
Đối với 4 bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” gồm:
Trần Anh Quang – cháu ông Trần Bắc Hà, nguyên Tổng GĐ Cty Bình Hà, bị tuyên phạt 13 năm tù.
Đinh Văn Dũng – nguyên Tổng GĐ Cty Bình Hà, bị tuyên phạt 12 năm tù.
Đoàn Hồng Dũng – nguyên GĐ Cty Trung Dũng, bị tuyên phạt 18 năm tù.
Nguyễn Thị Thanh Sơn – vợ Đoàn Hồng Dũng, GĐ Cty Hà Nam, bị tuyên phạt 3 năm tù.
Về dân sự, Công ty Bình Hà được BIDV được giải ngân hơn 2.687 tỷ đồng và đến nay còn nợ hơn 1.252 tỷ đồng. Tòa án yêu cầu Bình Hà phải hoàn trả BIDV chi nhánh Hà Tĩnh 1.231 tỷ đồng. Các bị cáo Trần Anh Quang, Đinh Văn Dũng phải trả 21 tỷ đồng theo tỷ lệ Quang 70%, Dũng 30%.
Công ty Trung Dũng cũng phải trả BIDV hơn 864 tỷ đồng còn nợ. Vợ chồng Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn phải trả hơn 263 tỷ đồng chiếm đoạt.
Trong vụ án, ông Trần Bắc Hà bị xác định vi phạm pháp luật dẫn tới thất thoát tiền của BIDV nên cần tiếp tục kê biên tài sản của ông để xử lý các khoản nợ tại Công ty Bình Hà trước, nếu còn sẽ xử lý khoản nợ của Trung Dũng.
Con ông Hà là Trần Duy Tùng là người chỉ đạo, điều hành tại Công ty Bình Hà nhưng đã bỏ trốn nên chưa bị xem xét trách nhiệm hình sự nhưng phải tiếp tục kê biên tài sản của bị can này để xử lý.
Các cán bộ, nhân viên khác của BIDV đều có sai phạm nhất định nhưng do ảnh hưởng của ông Trần Bắc Hà. Họ không hưởng lợi gì và phía điều tra không đề cập nên tòa án không xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của những người này.
Hai cựu phó tổng BIDV xin hưởng mức án nhẹ nhất
Ông Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng, cựu phó tổng giám đốc BIDV, đều thừa nhận sai phạm, mong được hưởng mức án nhẹ nhất.
Chiều 28/10, tự bào chữa trong phiên xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng khi cho vay trái quy định tại ngân hàng BIDV, ông Sáng cho biết gần 30 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều vị trí khác nhau đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhiều đóng góp lớn cho mối quan hệ Việt Nam - Lào.
Những sai phạm của ông trong vụ án do theo chỉ đạo của cấp trên là cựu chủ tịch Trần Bắc Hà (đã chết) nên mong HĐXX xem xét cho hưởng mức án nhẹ nhất.
Giống ông Lang, cựu phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng cũng mong được giảm nhẹ mức phạt so với đề nghị của VKS (6-7 năm tù). Ông thấy rõ trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm song "buộc phải ký" trong quá trình phê duyệt, giải ngân dự án cho vay.
Bào chữa cho ông Lang, luật sư Trần Minh Hải, cho biết thân chủ "từng là cái tên rất quyền lực ở BIDV". Trong sai phạm tại dự án cho Công ty Bình Hà (sân sau của ông Trần Bắc Hà) vay vốn, vai trò của ông Lang rất mờ nhạt. Hơn nữa, ông Lang bị cáo buộc ký văn bản chỉ đạo cho vay và 8 lần sửa đổi điều kiện nhưng thực tế "ký với tinh thần chỉ đạo chung từ Hội đồng quản trị BIDV".
Luật sư Hải còn cung cấp thêm tài liệu về việc Công ty Bình Hà đã tái cơ cấu hoạt động, dòng tiền đầu tiên đã chuyển về tài khoản mở tại BIDV. Từ đó, luật sư Hải đề nghị coi đây là tình tiết mới để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ BIDV.
Cùng bào chữa, luật sư Bùi Thị Hồng Giang nói ông Lang đã khai báo thành khẩn giúp cơ quan điều tra tìm ra sự thật vụ án và khui ra vụ rửa tiền 10 triệu USD ra nước ngoài của Trần Duy Tùng (con trai ông Hà).
Luật sư Giang đề nghị HĐXX áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với ông Lang khi thành khẩn khai báo, giúp thu hồi được hơn 200 tỷ đồng cho nhà nước. Hơn nữa khoản vay của Bình Hà cũng đã được BIDV giải quyết một phần để không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: TTXVN.
Bào chữa cho ông Sáng, luật sư Hoàng Văn Dũng chung quan điểm khi nói cựu phó tổng giám đốc BIDV ký 5 văn bản trong quá trình phê duyệt, giải ngân vốn dự án cho Công ty Bình Hà nhưng đều trong hoàn cảnh làm theo tinh thần của Hội đồng quản trị.
Hơn nữa khoản vay của Công ty Bình Hà Có được duyệt hay không đều do Hội đồng quản trị quyết định, do đó cần xem xét thêm hoàn cảnh, điều kiện phạm tội cho ông Sáng. Luật sư Dũng cho rằng ông Sáng không được tự do về ý chí để thực hiện công việc nên đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt.
Sáng hôm nay trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị tòa phạt ông Sáng và Lang mỗi người 6-7 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3 điều 179 Bộ luật Hình sự 1999. 10 bị cáo còn lại bị đề nghị thấp nhất từ 3-4 năm, cao nhất 18-19 năm.
Theo cáo buộc, ông Hà thành lập công ty sân sau là Bình Hà để vay vốn của BIDV, thực hiện dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh. Ông Hà bị cáo buộc chỉ đạo, ký quyết định tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà để thực hiện dự án với tổng giá trị cho vay hơn 3.100 tỷ đồng. Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện.
Từ 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng. Quá trình giải ngân, BIDV không kiểm soát được dòng tiền có được sau kinh doanh để các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại gần 800 tỷ đồng.
Chủ tịch Hà còn gây áp lực cho các bị can là cấp dưới ở BIDV chi nhánh Hà Thành để giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản, trong đó 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ. Hậu quả, BIDV thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cáo buộc ông Hà phải chịu trách nhiệm chính song đã chết nên được đình chỉ điều tra.
Cháu họ ông Trần Bắc Hà: 'Giờ bán hết cả nhà cũng không đủ tiền đền BIDV' Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trần Anh Quang, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà, nói bản thân là lái xe, được ông Trần Bắc Hà dựng lên làm giám đốc nhưng "chỉ như là cái bóng, không tự quyết được gì". Các bị cáo nghe bản luận tội của đại diện Viện KSND TP.Hà Nội . ẢNH THÁI SƠN...