Cựu ngoại trưởng Mỹ cảnh báo nguy cơ Mỹ – Trung xung đột ‘thảm khốc’
Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là “không tránh khỏi”, sẽ dẫn đến “hậu quả tàn khốc” và “tồi tệ hơn hai cuộc chiến tranh thế giới” nếu hai nước không giải quyết được khác biệt, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger
“Chúng ta giờ đang ở một giai đoạn rất khó khăn. Tôi tin lãnh đạo cả hai nước sẽ nhận ra rằng tương lai của thế giới phụ thuộc vào cách hai bên tìm ra giải pháp và quản lý những khó khăn không thể tránh khỏi”, ông Kissinger nói tại một sự kiện do Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ – Trung ở New York tổ chức hôm 14/11.
“Không nghi ngờ gì rằng có nhiều khía cạnh trong sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thách thức Mỹ”, nhà ngoại giao 96 tuổi đánh giá. “Trước đây chưa từng có 2 cường quốc lớn ở hai khu vực khác nhau của thế giới lại ở vị trí ngang hàng”, ông nói. Cựu quan chức ngoại giao này cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải hiểu rằng xung đột lâu dài giữa họ sẽ không giúp bên nào chiến thắng và sẽ kết thúc bằng “hậu quả thảm khốc” đối với cả Bắc Kinh và Washington.
Nếu không tìm ra giải pháp, “tình hình sẽ tồi tệ hơn 2 cuộc chiến tranh thế giới đã tàn phá văn minh châu Âu”, ông nói.
“Giờ không còn có thể nghĩ rằng một bên có thể thống trị bên kia. Họ cần phải quen với thực tế rằng họ phải ganh đua với nhau”, cựu ngoại trưởng nói.
Phát biểu của ông Kissinger, người đóng vai trò chủ chốt đằng sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972, được đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thoát khỏi cuộc chiến thương mại dai dẳng.
Video đang HOT
Là người từng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, ông Kissinger vừa nói rằng “khi chúng ta bắt đầu mối quan hệ này thì đó đã là mối quan hệ chiến lược”.
“Có những khác biệt ngay từ khi bắt đầu quan hệ. Nhưng chúng ta đã học cách sống cùng nhau trong mấy thập kỷ qua”, ông nói.
Về tương lai, cựu ngoại trưởng Mỹ tin rằng cuộc chiến thương mại sẽ được giải quyết “theo cách tích cực”.
BÌNH GIANG
Theo .tienphong.vn/SCMP
Phiên điều trần luận tội khiến phe Dân chủ thất vọng
Các nhân chứng điều trần trên truyền hình trực tiếp dường như không giúp đảng Dân chủ chứng minh được Trump đáng bị luận tội.
Người dân Mỹ hôm 13/11 được theo dõi phiên điều trần công khai đầu tiên trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump trên truyền hình. Hai nhân chứng là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor và Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent đã tiết lộ một số chi tiết mới liên quan đến cáo buộc Trump hối thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden, đối thủ của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Scott Jennings của LA Times, không có chi tiết nào trong buổi điều trần này có thể làm thay đổi quan điểm của công chúng về cuộc điều tra luận tội Trump. Những người nung nấu mong muốn luận tội Trump kể từ khi ông đắc cử Tổng thống vẫn giữ nguyên ý kiến, trong khi những người ủng hộ ông chủ Nhà Trắng sẽ không thay đổi quan điểm. Nói cách khác, đây là một ngày thất bại của đảng Dân chủ.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff (trái) và nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes trong phiên điều trần tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington hôm 13/11. Ảnh: Reuters.
Gánh nặng của việc tìm ra bằng chứng đặt lên vai Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff. Họ cần dẫn dắt các phiên điều trần theo hướng có thể xoay chuyển dư luận và làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ đến mức mở ra khả năng Thượng viện kết tội Tổng thống.
Để làm được điều này, phe Dân chủ cần cung cấp cho các thượng nghị sĩ Cộng hòa những bằng chứng đủ thuyết phục để thay đổi quan điểm của họ về hành vi của Trump trong chính sách đối ngoại với Ukraine. Những cáo buộc hiện nay có thể khiến nhiều thành viên đảng Cộng hòa khó chịu, nhưng không tới mức khiến họ phải yêu cầu Trump rời nhiệm sở, bình luận viên Jennings nhận xét.
Trong phiên điều trần, Taylor kể lại những gì phụ tá của mình nghe được về cuộc trò chuyện giữa Trump với đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland, còn Kent cung cấp lời khai và nêu ý kiến dựa trên những lần trao đổi với các quan chức khác. Điều đó có nghĩa là họ không có mối liên hệ trực tiếp với những cuộc trò chuyện của Trump, cũng không trao đổi trực tiếp với Tổng thống.
"Những gì tôi có thể làm tại đây hôm nay là kể lại điều mình được nghe từ người khác", Taylor phát biểu trước quốc hội. Theo Jennings, những bằng chứng kiểu gián tiếp này khó có thể thuyết phục được người dân Mỹ rằng hành động của Trump khiến ông đáng bị phế truất. Taylor cũng nói rằng ông không đứng về bên nào trong cuộc tranh luận này, nhưng Jennings nhận định phe Dân chủ rõ ràng hy vọng người dân Mỹ coi cựu đại sứ là nhân chứng hữu ích thúc đẩy cuộc điều tra luận tội.
Một trong những lời biện hộ mạnh mẽ nhất giúp Trump chống lại các cáo buộc là Tổng thống Zelensky từng tuyên bố ông không cảm thấy bị gây áp lực trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ hôm 25/7. Trả lời câu hỏi của nghị sĩ Cộng hòa John Ratcliffe trong phiên điều trần, Taylor cũng cho biết ông "không có lý do gì để nghi ngờ" phát biểu của Zelensky.
Ratcliffe còn "ghi điểm" giúp Trump bằng cách hỏi cả hai nhân chứng rằng họ đã bao giờ báo cáo bất kỳ sai phạm nào trong cuộc điện đàm Trump - Zelensky hay chưa. Không ai trả lời "có", khiến phe Dân chủ dường như chùng xuống.
Nghị sĩ Elise Stefanik, một thành viên khác của đảng Cộng hòa tham gia phiên điều trần hôm 13/11, cũng bảo vệ Tổng thống bằng cách đề cập tới chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Ukraine. Cô dẫn lại lời của Kent rằng vấn đề tham nhũng là một phần trong đối thoại cấp cao giữa các lãnh đạo Mỹ và Ukraine, bất kể ai đang giữ chức tổng thống, nhằm chứng minh hành động của Trump là bình thường.
Trump nghi ngờ Biden dùng quyền lực khi còn tại nhiệm để giúp công ty năng lượng Ukraine Burisma, nơi con trai Hunter của ông từng làm việc, không bị điều tra tham nhũng. Vì vậy, Tổng thống muốn người đồng cấp Ukraine xem xét vấn đề này, theo bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm hôm 25/7 do Bộ Tư pháp Mỹ công bố.
Stefanik lập luận rằng Burisma nổi tiếng vì vấn đề tham nhũng, nên việc Trump muốn điều tra công ty này và vai trò của cha con Biden là đúng đắn. Cô còn lưu ý Washington hồi năm 2014 từng cam kết sẽ cố gắng chuyển lại cho Kiev hàng chục tỷ USD tài sản tham nhũng được cho là của Mykola Zlochevsky, người sáng lập Burisma. Yêu cầu điều tra Zlochevsky của Washington cũng được đưa ra dưới thời chính quyền cựu tổng thống Barack Obama.
Trump bị cáo buộc dùng khoản viện trợ quân sự gần 400 triệu USD để gây sức ép buộc Zelensky mở cuộc điều tra cha con Biden, dù Tổng thống Mỹ giải thích rằng ông hoãn viện trợ vì muốn các nước châu Âu khác cũng phải đóng góp cho Ukraine.
Tuy nhiên, bình luận viên Jennings cho biết Trump cuối cùng cũng cấp viện trợ, điều mà chính quyền Obama không thực hiện như một động thái nhằm chống lại Nga. Taylor và Kent cũng thừa nhận quyết định này tốt hơn so với chính quyền tiền nhiệm.
Đối với nhiều người ủng hộ Trump, cuộc điều tra luận tội chỉ là một nỗ lực mang tính đảng phái của phe Dân chủ nhằm lật đổ người mà họ không thể đánh bại hồi năm 2016. Joe D'Ambrosio, một thợ cắt tóc 76 tuổi tại thành phố Bethlehem, bang Pennsylvania, cho biết quan điểm của ông sẽ không bị tác động bởi các phiên điều trần như vậy.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ Tổng thống. Rất nhiều người hài lòng với chính sách hưu trí cũng như công việc của họ. Nhưng đảng Dân chủ không muốn nói về điều đó. Tôi nghĩ họ sẽ phải trả giá", D'Ambrosio nói.
Theo VNE
Hy Lạp - cửa ngõ cho tham vọng châu Âu của Trung Quốc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm chính thức Hy Lạp hôm 11/11, đánh dấu "kỷ nguyên mới" của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, vốn đang được EU và Mỹ theo dõi sát sao. "Hy Lạp không chỉ công nhận Trung Quốc là siêu cường, mà còn là một quốc gia đã tự mình giành chiến thắng, vượt...