Cựu giám đốc cảnh sát trong vụ Bạc Hy Lai bị buộc tội đào nhiệm
Cựu cảnh sát trưởng trong vụ bê bối chính trị lớn nhất tại Trung Quốc trong nhiều thập niên đã bị buộc tội đào nhiệm, lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ, báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay cho hay.
Cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân.
Những cáo buộc đối với Vương Lập Quân, cựu cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh và là cánh tay phải của chính trị gia bị thất sủng Bạc Hy Lai, được đưa ra sau khi ông này trốn tới lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi tháng 2 vừa qua. Được biết khi đó ông đã xin tị nạn.
Ngoài ra, theo Tân Hoa xã, Vương Lập Quân cũng bị buộc tội “bóp méo luật pháp vì tư lợi cá nhân”.
Tân Hoa xã dẫn bản cáo trạng cho biết ông Vương “đã biết trước” rằng bà Cốc Khai Lai, vợ của cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, “là tình nghi chính” của vụ giết doanh nhân Anh Neil Heywood, nhưng đã không hành động. Bà Cốc đã bị tuyên án tử hình nhưng hoãn thi hành 2 năm trong một phiên tòa vào tháng trước.
“Ông ta đã cố tình làm ngơ trước nghĩa vụ của mình và bóp méo luật pháp vì lợi ích riêng để bà Cốc Khai Lai không bị chịu trách nhiệm pháp lý”, Tân Hoa xã dẫn lời cáo trạng.
Video đang HOT
“Khi đang thực hiện nghĩa vụ chính thức của mình, ông Vương đã rời vị trí mà không được phép và chạy tới tổng lãnh sự quán Mỹ”, bản cáo trạng cho biết thêm.
Trước khi vụ bê bối vỡ lở, ông Bạc Hy Lai được xem là ứng viên sáng giá cho một trong những vị trí trong ban thường vụ bộ chính trị quyền lực của Trung Quốc. Tuy nhiên hiện ông đang bị điều tra vì “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ ám chỉ tham nhũng.
Được biết trước khi bỏ trốn tới lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên, và nói chuyện với các quan chức Mỹ tại đây trong nhiều giờ, ông Vương đã đối đầu với ông Bạc về các thông tin liên quan đến vụ giết hại Heywood. Các lực lượng an ninh đã bao vây lãnh sự quán và ông Vương sau đó đã được giao nộp cho giới chức Trung Quốc. Chính vụ đào tẩu này đã nổ phát đạn đầu tiên quật ngã ông Bạc và các thành viên trong gia đình quyền lực của ông.
Tân Hoa xã cho biết, cáo buộc đối với với ông Vương đã được đệ lên tòa án nhân dân thành phố Thành Đô.
Hiện chưa rõ liệu ông Vương có phải ra hầu tòa hay khi nào phiên tòa sẽ diễn ra.
Theo Tân Hoa xã, “bên công tố đã thông báo cho bị đơn quyền được thuê luật sư bảo vệ” trong quá trình điều tra. “Bên công tố cũng thẩm vấn bị đơn, nghe ý kiến của luật sư bảo vệ và xem xét tất cả hồ sơ về vụ việc”.
Những cáo buộc đối với ông Vương đã làm “sống dậy” vụ bê bối mà giới phân tích cho rằng đã phơi bày bất đồng sâu sắc bên trong nội bộ đảng ở Trung Quốc, ngay trước thềm cuộc chuyển giao lãnh đạo một thập niên mới diễn ra một lần vào cuối năm nay.
Cáo buộc cũng được đưa ra sau khi kiến trúc sư người Pháp, người đã bị thẩm vấn ở Trung Quốc trong cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối Bạc Hy Lai, trở lại Campuchia. Patrick Devillers, 52 tuổi, người được cho là đối tác làm ăn thân cận và bạn của ông Bạc cùng bà Cốc, trước đó đã bị thẩm vấn ở Bắc Kinh.
Theo Dantri
Giám đốc tình báo dưới thời Gadhafi bị dẫn độ về Libya
Mauritania hôm nay đã giao nộp cựu giám đốc tình báo của Libya Abdullah al-Senussi, người đã phục vụ dưới thời ông Gadhafi và bị Tòa án hình sự quốc tế truy nã vì tội ác chống lại loài người.
Abdullah al-Senussi (trái) từng là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Gadhafi.
Abdullah al-Senussi đã bị bắt hồi tháng 3 vừa qua tại Mauritania khi ông cố gắng vào nước này từ Morocco bằng hộ chiếu Malia, dưới một cái tên khác. Việc dẫn độ cựu giám đốc tình báo chế độ cũ ở Libya được đài truyền hìnhMauritania thông báo. Tại thủ đô Tripoli của Libya, phó tổng chưởng lý Taha Baara xác nhận ông Senussi đã được dẫn độ về nước.
Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy ông Senussi, để râu, đang bước từ trực thăng xuống ở Tripoli.
Libya đã cam kết tổ chức một phiên tòa công bằng cho Senussi, người bị cáo buộc phạm tội trong thời gian ông là "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Gadhafi, người đã bị lật đổ và sau đó bị giết chết trong cuộc nổi dậy vào năm ngoái. Còn ông Senussi đã bỏ trốn sau khi đại tá Gadhafi bị lật đổ.
Ngoài Tòa án hình sự quốc tế (ICC), Pháp cũng phát lệnh truy nã ông.
Sau khi bị bắt ở Mauritania, ông Senussi bị nước sở tại muốn đem ra xét xử vì tội nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, phía Libya liên tục yêu cầu được dẫn độ ông này về nước.
Trong suốt sáu tháng kể từ khi Senussi bị bắt ở Mauritania, đã xảy ra một cuộc chiến về nơi xét xử đối với cựu giám đốc tình báo. Là "cánh tay phải" của đại tá Gadhafi, Senussi bị cáo buộc tham gia vào vụ đánh bom chuyến bay của Pan Am trên bầu trời Lockerbie, đánh bom một máy bay của hãng hàng không Pháp trên bầu trời Niger và phạm các tội ác khác ở Libya, trong đó có vụ thảm sát tai tiếng ở nhà tù Abu Salim.
ICC, Pháp và người Mỹ đều muốn xét xử Senussi. Nhưng giới chức Libyacuối cùng đã giành được quyền xét xử.
Quyết định của Mauritania giao nộp Senussi cho giới chức Libya được xem là một đón giáng mạnh đối với ICC. Điều này cũng đồng nghĩa có rất ít khả năng con trai của đại tá Gadhafi, Seif al-Islam, sẽ bị đem ra xét xử tại The Hague.
Theo Dantri
'Hồng ca và đả hắc' của Bạc Hy Lai thất sủng Bạc Hy Lai tỏ ra khá căng thẳng và lo lắng trong suốt buổi biểu diễn nhạc đỏ ở Bắc Kinh hồi năm ngoái, bởi những vị khách quan trọng bậc nhất được mời mà không đến dự. Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh nổi tiếng với phong trào "hồng ca" và "đả hắc". Ảnh: Bloomberg Máy quay truyền hình ghi lại...