Cựu danh thủ hài lòng với cuộc sống của cảnh sát giao thông
Nguyễn Tuấn Thành từng là tiền đạo hàng đầu của Công an Hà Nội và tuyển Việt Nam.
Thành danh ở đội Công an Hà Nội, Tuấn Thành không có duyên với đội tuyển Việt Nam. Hết đời cầu thủ chuyên nghiệp, anh vẫn bâng khuâng về nỗi buồn ấy. Song giờ đây, anh khá hài lòng với cuộc sống của một cảnh sát giao thông.
Tuấn Thành từ giã bóng đá chuyên nghiệp đã hơn chục năm. Dù vậy, tên tuổi của ngôi sao vang bóng một thời vẫn còn in dấu trong lòng người hâm mộ. Bởi những phẩm chất kỹ thuật, sự khéo léo, tinh tế, khả năng săn bàn của tiền đạo có thể hình khiêm tốn, quê Hưng Yên không thể lẫn vào đâu.
Tuấn Thành trên sân cỏ và làm cảnh sát giao thông. Ảnh: BĐP.
Video đang HOT
Đến với bóng đá chuyên nghiệp khá muộn, khi đã 18 tuổi (năm 1993), nhưng Tuấn Thành nhanh chóng thành danh trong màu áo đội bóng Công an Hà Nội – một trong những biểu tượng của bóng đá Việt Nam khi đó. Chỉ một năm sau, Tuấn Thành cùng đội bóng thủ đô thăng hạng và thêm một năm nữa, anh trở thành “Vua phá lưới Cup quốc gia 1995″.
Năm 1998, với đầy đủ phẩm chất của tay săn bàn hàng đầu Việt Nam khi đó, Tuấn Thành đương nhiên được triệu tập lên đội tuyển quốc gia ở chiến dịch Tiger Cup tiền thân của giải AFF Cup. Nhưng thành công ở CLB bao nhiêu, Tuấn Thành lại vô duyên ở tuyển bấy nhiêu, dù phong độ và năng lực chuyên môn đều đang ở giai đoạn đỉnh cao. Nỗi buồn ấy đều gắn với HLV Riedl.
Tiger Cup 1998, Tuấn Thành chỉ xếp thứ tư, sau Lê Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng và “lão tướng” Nguyễn Văn Dũng, trong danh sách ưu tiên của HLV người Áo. Sau trận bán kết thắng oanh liệt Thái Lan, Sỹ Hùng bị hai thẻ vàng và phải vắng mặt, những tưởng Tuấn Thành sẽ được xung trận, bởi ban huấn luyện tính đến phương án sử dụng anh cho trận chung kết.
Nhưng rồi anh phải nhường chỗ cho “lão tướng” Nguyễn Văn Dũng. Ngay cả khi Việt Nam bị Singapore dẫn trước, anh cũng không được vào sân dù đã háo hức và khởi động rất kỹ, để rồi tuyển Việt Nam mất Cup đầy đau đớn bởi bàn thắng từ… cái lưng của hậu vệ khổng lồ Sasi Kumar, ngay trên sân nhà.
Đến Tiger Cup 2000, với phong độ ổn định ở CLB, đương nhiên Tuấn Thành vẫn được gọi lên tuyển, dù anh có ý định từ giã màu áo quốc gia từ hai năm trước. Nhưng khi đó, HLV Nguyễn Văn Nhã của Công an Hà Nội khuyên Tuấn Thành nên lên Nhổn tập trung.
Với bản tính thẳng thắn và dứt khoát, Tuấn Thành gặp HLV Riedl và bày tỏ nguyện vọng được đá chính, nếu mình tập tốt và có phong độ tốt. Ông thày hứa chắc nịch, khiến Tuấn Thành đầy tự tin.
Chuyến đi đá giao hữu ở Pháp, anh “tập như trâu”, thực sự là “sát thủ” của tuyển Việt Nam, với 7 bàn trong 5 trận giao hữu. Trong khi đó, tiền đạo số một Lê Huỳnh Đức chỉ ghi được ba bàn với số lần ra sân tương tự…
Tuy nhiên, từ lúc ở Pháp về, ông Riedl gọi bổ sung Triệu Quang Hà và “lão tướng” Vũ Công Tuyền, để rồi ở Songkhla – thành phố miền Nam Thái Lan xa xôi, hẻo lánh – Tuấn Thành bị loại vào giờ chót, khi ông Riedl gút danh sách 22 tuyển thủ.
Gặp nhau sau tin buồn bị bỏ rơi khi mình đang có phong độ tốt, bất bình vì ông Riedl không giữ lời hứa, Tuấn Thành thề rằng, sẽ không bao giờ trở lại đội tuyển và ôm mãi mối ấm ức cho đến hết đời cầu thủ chuyên nghiệp. Lúc đó là năm 2003, khi đội Hàng không Việt Nam giải tán sau khi tiếp nhận đội Công an Hà Nội được đúng một năm.
Dù trải qua những thời điểm thất vọng tột độ, với Tuấn Thành, bóng đá cho anh được nhiều hơn là mất. Giã từ bóng đá đỉnh cao, Tuấn Thành được phân công đi học tại trường trung cấp cảnh sát giao thông rồi trở thành chiến sĩ cảnh sát giao thông chuyên nghiệp.
Nhưng anh không thể quên sân cỏ và trái bóng. Tuấn Thành thường xuyên đến các sân “phủi”, tham gia với đội lão tướng Công An Hà Nội hay đồng nghiệp, anh em, bạn bè. Ngoài bóng đá, môn thể thao mà Tuấn Thành say mê và chơi tốt, đó là tennis.
Trong công việc hiện tại, thi thoảng Tuấn Thành cũng gặp những niềm vui bất chợt, như khi xử phạt người vi phạm luật giao thông, có người nhận ra anh, chào hỏi rồi vui vẻ nộp phạt. Cũng có người năn nỉ xin, khiến nhiều khi anh cảnh sát giao thông xuất thân từ sân cỏ cũng mủi lòng và chỉ nhắc nhở lần sau chấp hành nghiêm.
Nhiều khi bạn cũ tụ tập, bị những người hoạt khẩu kiểu như Phong “Chéc” (Hoàng Trung Phong cùng đội Công an Hà Nội, giờ cũng là cảnh sát giao thông) trêu chọc, cộng thêm anh em bạn bè vào hùa, Thành “Gà tre” chỉ biết gãi đầu cười trừ, nhất là khi có vợ đi cùng. Thế thôi, như tính Thành vẫn vậy, thường tỏ rõ quan điểm của mình, hệt như ngày xưa thích gì làm đấy, miễn là bản thân anh cho là đúng.
Theo Bóng Đá Plus