Cựu chiến binh Hậu Lộc giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Sau 5 năm triển khai thực hiện, phong trào “ Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ở huyện Hậu Lộc đã đem lại nhiều kết quả nổi bật.
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) vượt khó, trở thành điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Mô hình kinh tế của cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến (người bên trái), thị trấn Hậu Lộc cho hiệu quả cao.
Đến thăm khu vườn của CCB Nguyễn Văn Chiến ở thị trấn Hậu Lộc, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí của người lính như ông. Trò chuyện với chúng tôi, CCB Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Sau khi rời quân ngũ, tôi đi làm ăn xa ở nhiều nơi. Năm 2014, tôi trở về địa phương và quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà. Với bản lĩnh của người lính vốn không ngại khó, không ngại khổ, tôi quyết định nhận thầu 3 ha đất đồng kém hiệu quả để phát triển kinh tế. Với số vốn 1,2 tỷ đồng, tôi đầu tư đào ao nuôi cá và san lấp mặt bằng trồng 500 gốc nhãn, 350 gốc bưởi Diễn, 200 gốc ổi, 150 gốc cam cùng nhiều chanh và táo. Vượt qua bao khó khăn thách thức của buổi đầu lập nghiệp, đất đã không phụ công người, vườn cây ăn quả của gia đình tôi đã cho quả ngọt”. Suốt 7 năm lao động chăm chỉ, CCB Nguyễn Văn Chiến đã biến vùng đất năng suất thấp thành khu vườn bạt ngàn màu xanh cây trái. Theo tính toán, sau khi trừ mọi chi phí, bình quân mỗi năm CCB Nguyễn Văn Chiến thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng. Chưa dừng lại ở những gì đạt được, CCB Nguyễn Văn Chiến đang nghiên cứu, tìm hướng đi mới để đầu tư trồng các loại cây ăn quả và một số con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn trong thời gian tới.
Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, nhiều CCB huyện Hậu Lộc đã vượt khó vươn lên trở thành những tấm gương điển hình, không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để. Ngoài CCB Nguyễn Văn Chiến còn có CCB Nguyễn Thế Thương, xã Hoa Lộc với mô hình kinh doanh chế biến lâm sản cho lợi nhuận 950 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương; CCB Hoàng Văn Tuấn, xã Ngư Lộc với mô hình kinh doanh hải sản, tạo việc làm cho 18 lao động địa phương; CCB Trịnh Hùng Cường, xã Hòa Lộc với mô hình cung cấp hậu cần nghề cá và tàu đánh bắt cá tạo việc làm cho 10 lao động là hội viên và con em hội viên CCB; CCB Lê Hồng Huân, xã Quang Lộc với mô hình nuôi lợn công nghệ cao… Dù mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh, một cách làm giàu khác nhau nhưng các CCB đều có chung ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt khó vươn lên bằng chính sức lao động của mình.
Video đang HOT
Để giúp hội viên CCB giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi, việc huy động các nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Hội CCB huyện Hậu Lộc đã huy động được 49,59 tỷ đồng từ ngân hàng chính sách xã hội và hơn 11 tỷ đồng từ nguồn quỹ nội bộ do cán bộ, hội viên đóng góp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác hơn 870 triệu đồng, vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm 50 triệu đồng cho hội viên vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Để các nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, các cấp hội đã thành lập 27 tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến trình giải ngân, quy định trả lãi vay đúng kỳ hạn. Định kỳ, các cấp hội tham gia cùng ngân hàng và các tổ chức tín dụng đánh giá chất lượng ủy thác, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục và phân loại chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đánh giá, toàn huyện có 26 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, 1 tổ hoạt động khá, không có tổ trung bình và tổ yếu kém. Chất lượng, hiệu quả các nguồn vốn vay được phát huy, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,01%, dưới mức cho phép. Hầu hết hội viên được vay vốn đã phát triển sản xuất, kinh doanh có lãi, nhiều người có thu nhập cao, ổn định. Hiện nay, toàn huyện có 38 doanh nghiệp, 9 HTX, 8 tổ hợp tác sản xuất, 444 trang trại và gia trại, 410 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho hơn 3.600 lao động.
Ngoài vốn vay, các cấp hội CCB huyện Hậu Lộc đã triển khai nhiều cách làm đa dạng giúp hội viên vươn lên thoát nghèo. Nổi bật là mô hình “5 1″ (5 gia đình hội viên khá giúp đỡ 1 gia đình hội viên khó khăn về cây giống, con giống, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi); toàn huyện cũng đã thành lập được 6 câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế. Công tác xóa nhà dột nát được triển khai tích cực, quỹ “Nghĩa tình CCB” được phát động đã lan tỏa mạnh mẽ để giúp đỡ hội viên khó khăn. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm, 5 năm qua hội CCB huyện đã hỗ trợ sửa chữa, làm mới được 36 nhà cho hội viên với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng… Với sự giúp đỡ của tổ chức hội, sự nỗ lực vượt khó của mỗi hội viên, giai đoạn 2016-2021, toàn huyện đã giúp được 198 hộ thoát nghèo, 365 hộ thoát cận nghèo, số hộ khá và giàu tăng 557 hộ. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 26 hộ CCB nghèo, 166 hộ cận nghèo, 14 xã, thị trấn không còn hội viên nghèo.
Đời sống vật chất của hội viên ngày càng được nâng cao đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Ông Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch Hội CCB huyện Hậu Lộc, cho biết: “Thông qua phong trào, nhiều hội viên nghèo đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà chủ động vượt khó vươn lên, từ hộ nghèo trở thành hộ khá, từ hộ khá trở thành hộ giàu. 5 năm qua, cán bộ, hội viên CCB trong huyện đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng, hiến hơn 81.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, khắc phục thiên tai bão lũ, phòng chống dịch bệnh, giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin… gần 2,3 tỷ đồng. Phát huy hiệu quả của phong trào, giai đoạn 2021-2026, các cấp hội tiếp tục đưa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đi vào chiều sâu, qua đó khẳng định vai trò của hội CCB trên mặt trận mới – mặt trận chống đói nghèo, đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương”.
Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế
Phong trào "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" đã được các cấp hội CCB trong tỉnh Khánh Hòa triển khai toàn diện, hiệu quả.
Trong đó, các cấp hội đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giúp nhau nâng cao đời sống...
Tích cực giúp nhau giảm nghèo
Thời gian qua, các cấp hội CCB trong tỉnh luôn chú trọng thúc đẩy phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi". Nhờ đó, phong trào phát triển ngày càng sâu rộng và bền vững. Cán bộ, hội viên tích cực nâng cao kiến thức làm kinh tế, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau giảm nghèo.
Mô hình trang trại trồng bưởi da xanh của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hải (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh).
Các hội cơ sở đã triển khai phân công CCB sản xuất giỏi có điều kiện giúp đỡ các hộ CCB nghèo bằng việc hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, vốn, giống... để động viên nhau vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ CCB sản xuất giỏi giúp nhau giảm nghèo ngày càng được nhân rộng và đi vào nề nếp, với hình thức tự chủ, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm. Trước năm 2016, toàn tỉnh chưa có mô hình này, nhưng đến tháng 6-2021 đã có 2 câu lạc bộ cấp huyện, 36 câu lạc bộ cấp xã...
Xác định công tác giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của hội, do vậy, hàng năm, từ cơ sở đến Tỉnh hội đều chú trọng tổ chức thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn Tỉnh hội đã xóa được 447 hộ CCB nghèo; xóa 63 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Đến nay, toàn Tỉnh hội có 266 doanh nghiệp vừa và nhỏ do CCB làm chủ, thu hút 4.646 lao động, hàng năm đóng góp 5% ngân sách cho tỉnh. Hiện nay, có 4 hợp tác xã (HTX) do CCB làm giám đốc; những HTX này mới thành lập trong 3 năm gần đây, tuy quy mô tuy không lớn nhưng cũng góp phần tập hợp các tầng lớp xã viên thi đua lao động sản xuất. Ngoài việc tập hợp lao động, giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các HTX còn góp phần quan trọng giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 15 doanh nghiệp do CCB làm chủ có doanh thu 30 tỷ đồng/năm trở lên; có 57 doanh nghiệp, HTX, trang trại do CCB làm chủ có doanh thu 10-30 tỷ đồng/năm.
Ở những vùng chưa có điều kiện, các CCB đã liên kết hình thành tổ hợp tác, tập hợp các hội viên và nhân dân cùng nhau sản xuất những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của địa phương, góp phần xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, điển hình như tổ hợp tác trồng và chăm sóc sầu riêng ở xã Sơn Lâm, tổ hợp tác phân phối vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sầu riêng ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn); tổ hợp tác ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) thuê đất của địa phương, tập hợp CCB trồng lúa; tổ hợp tác nuôi gà đẻ ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm)... Các tổ hợp tác của CCB đã thu hút 350 lao động cùng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao đời sống gia đình, giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hội viên CCB đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn vay vốn xây dựng, phát triển các trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động thường xuyên và thời vụ. Điển hình như trang trại của CCB Nguyễn Tiến Cường (xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) trồng 60ha mía đường, keo lai và dâu nuôi tằm; trang trại của CCB Phương Thục (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) có 3,5ha nuôi tôm, cá mú và ốc hương công nghệ cao; trang trại của CCB Mai Văn Khang (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn) trồng 12ha sầu riêng cao sản... Đối với các hội viên không có điều kiện làm trang trại nhưng có đất vườn rộng cũng đã hình thành các gia trại cải tạo vườn tạp để trồng cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giải quyết việc làm cho con em hội viên, mang lại thu nhập khá, nâng cao đời sống gia đình.
Ông Trần Văn Hạnh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: "Thời gian qua, phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" đã phát triển sâu rộng không chỉ trong CCB, mà còn lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống của CCB và nhân dân. Qua đó cho thấy, việc triển khai hiệu quả phong trào này gắn với phong trào thi đua "CCB gương mẫu đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế Năm 2020 chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế" (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty Unilever Việt Nam phối hợp tổ chức) đã truyền cảm hứng tự tin kinh doanh và đem đến các lớp đào tạo trang bị kiến thức kỹ năng khởi sự kinh doanh cho gần 2.000 phụ nữ tại 10 tỉnh, thành...