Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Lỗi của tôi là quá nhiệt tình!”
Bị cáo Vũ Huy Hoàng không đồng tình với bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát và cho rằng, nếu có lỗi thì lỗi của ông là đã quá quan tâm, quá nhiệt tình, lo lắng, chia sẻ với khó khăn của Sabeco.
Sáng 24/4, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được quyền trình bày phần tự bào chữa. Trước đó, ông Hoàng bị đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Tòa tuyên phạt từ 10-11 năm tù về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tự bào chữa tại tòa.
Trước tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, từ khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án năm 2018 đến nay, ông luôn luôn suy nghĩ, trăn trở.
“Nhưng hôm nay, tôi thực sự bất ngờ trước kết luận của đại diện VKS về tội trạng có liên quan đến cá nhân tôi theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tôi chú ý nhiều về cách thể hiện trong văn bản của đại diện VKS, có 2 ý muốn được nói rõ. Đó là VKS nói tôi là người mắc sai phạm chính hay là bị cáo chính; VKS luôn nhắc đến cụm từ tôi chỉ đạo toàn bộ quá trình liên quan đến thực hiện dự án tại Sabeco.
Thế nào là chỉ đạo? Theo tôi hiểu, chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới hay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi theo suy nghĩ của mình dù hành vi đó có phù hợp, có đúng hay không đúng. Vai trò chính phải là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính về công việc cụ thể.” – bị cáo Hoàng trình bày.
“Nếu có lỗi, lỗi của tôi là quá nhiệt tình!”
Theo trình bày của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dự án của Sabeco có nhiều giai đoạn. Giai đoạn bắt đầu, mục tiêu quan trọng, xuyên suốt, nhất quán của dự án là xây dựng trụ sở văn phòng làm việc của Sabeco.
“Với vị thế là Tổng Công ty đóng góp ngân sách lớn cho Nhà nước, cho các địa phương, trụ sở làm việc phải tương xứng với vị thế. Với tình hình đổi mới của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt trên thị trường rượu, bia, nước giải khát, việc xây dựng trụ sở không chỉ để làm việc mà còn để khẳng định vị thế, uy tín của mình.
Bộ Công nghiệp (cũ) từ năm 2004 đến khi thành lập Bộ Công Thương đều có nguyện vọng như vậy. Đó là nguyện vọng chính đáng không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của UBND TPHCM, của các bộ, ban, ngành. Điều này các nguyên lãnh đạo Sabeco hôm qua đã nói. Tôi về Bộ Công Thương cũng chỉ thực hiện nguyện vọng chính đáng của Sabeco. Cá nhân tôi cũng như Bộ Công Thương không hề có đề xuất nào với dự án này.” – ông Hoàng nói.
Về việc thay thế nhà đầu tư, theo bị cáo Hoàng, bản chất việc thay thế nhà đầu tư không thay đổi bản chất nội dung dự án. Đây không phải dự án mới. Theo Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu thì đây là dự án đang triển khai.
“Với sự đề xuất của Sabeco, sự tham mưu của các bộ phận chức năng mà đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ, ý kiến của Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, suốt từ năm 2007 khi Sabeco Land được thành lập đến năm 2012, tôi không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc triển khai dự án này…
Video đang HOT
Đến năm 2012, Sabeco chủ động báo cáo Bộ việc khó khăn trong triển khai dự án, các nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính triển khai dự án. Lúc đó đang xảy ra khủng hoảng bất động sản, sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án này rất hạn chế. Nhu cầu của Sabeco về văn phòng làm việc là cần thiết. Tôi rất chia sẻ với Sabeco khi đề nghị được tìm nhà đầu tư thay thế.
Thời điểm Sabeco gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26. Như tôi đã trình bày trước đó, trong Nghị quyết này, Chính phủ mở ra một khả năng rất hợp lòng dân, chia sẻ với doanh nghiệp. Đó là đối với các dự án dù đầu tư trong hay ngoài ngành, đang triển khai rồi mà gặp khó khăn thì tìm cách tháo gỡ.” – bị cáo Hoàng nói thêm.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, trong quyết định năm 2007 phê duyệt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp đã xác định trụ sở văn phòng làm việc của Sabeco là số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TPHCM.
“Nếu tôi có mắc lỗi thì là quá quan tâm, quá nhiệt tình, quá lo lắng, chia sẻ khó khăn của Sabeco. Vậy tôi có phải là người cố ý làm sai Nghị quyết không, đề nghị HĐXX xem xét.” – cựu Bộ trưởng tâm tư.
“Tôi bị miễn nhiệm rồi, ai nghe tôi chỉ đạo?”
Về cáo buộc là người chỉ đạo xuyên suốt vụ án, cựu Bộ trưởng phân tích, trong vụ án này, Sabeco là người đề xuất, Vụ Công nghiệp nhẹ soạn văn bản trả lời.
“Thứ trưởng đề nghị hỏi ý kiến của tôi, tôi tham gia ý kiến, chỉ thêm 1 câu là việc chọn nhà đầu tư phải báo cáo Bộ. Việc này là để đảm bảo rằng Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco phải chọn nhà đầu tư xứng đáng, đủ năng lực thực hiện dự án.” – ông Hoàng nói về văn bản số 5594 có ý kiến của mình.
Theo bị cáo Hoàng, khi có nhà đầu tư mới, bản chất dự án không thay đổi, Sabeco vẫn là chủ đầu tư, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, quyền sử dụng đất và quyền làm chủ đầu tư lại bị chuyển từ Sabeco sang liên doanh Sabeco Pearl.
“Tôi không hề tham gia vào bất cứ hành vi nào liên quan đến quá trình này. Nguyên lãnh đạo Sabeco và cả bị cáo Phan Chí Dũng ngày hôm qua đều khẳng định tôi không có chỉ đạo nào trong khâu này.” – ông Vũ Huy Hoàng quả quyết.
Về cáo buộc sau khi Sabeco chuyển giao quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl, ông Hoàng lại chỉ đạo ngay việc thoái vốn, cựu Bộ trưởng khẳng định bản thân không chỉ đạo cả hai hành vi trên.
“Việc thực hiện thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đề xuất của Sabeco, không phải lãnh đạo Bộ chỉ đạo xuống. Thực chất vấn đề thoái vốn từ phương án, phê duyệt, quyết toán xảy ra sau khi tôi bị miễn nhiệm. Lúc đó, tôi làm gì có tư cách, có khả năng, ai nghe tôi chỉ đạo? Viện Kiểm sát cáo buộc như thế là không phù hợp, không thực tế.” – cựu Bộ trưởng phân trần.
Đối với cáo buộc đóng vai trò chính, ông Vũ Huy Hoàng phân tích: “Vai trò chính là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Trong quá trình này tôi chủ trì cái gì?
Chính thức tôi chỉ chủ trì phiên họp 29/3, xem xét chủ trương thoái vốn và xây dựng trụ sở mới cho Sabeco. Cuộc họp này cũng chỉ dừng ở chủ trương, định hướng. Tất cả việc liên quan đến dự án đều xuất phát từ đề xuất của cơ sở. Đây là quy trình từ dưới lên, không phải từ trên xuống, không phải áp đặt, chỉ đạo, duy ý chí!”.
Kết lại, bị cáo Hoàng cho rằng, tội danh và định khung hình phạt VKS đề nghị đối với ông là quá nặng nề, không phù hợp tình hình thực tế. Cựu Bộ trưởng lo lắng, với tình trạng sức khỏe của mình, liệu ông có đủ thời gian chấp hành phán quyết của tòa án theo như đề nghị của VKS hay không?!
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sabeco thoái vốn khi tôi đã... về hưu
Trả lời về quá trình Sabeco thoái vốn, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, Sabeco xây dựng phương án thoái vốn chính thức về giá, phương thức, cách thức... khi ông đã bị Quốc hội bãi miễn.
Tại phần thẩm vấn ngày 23/4, trả lời về quá trình thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl, bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định, sau cuộc họp ngày 29/3/2016, ngày 8/4/2016, ông bị Quốc hội khóa 13 cùng Chủ tịch nước bãi miễn chức Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng.
"Từ đó, tôi không tham gia bất cứ khâu, công đoạn nào của quá trình thoái vốn. Đến ngày 30/5/2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức về giá, phương thức, cách thức...; ngày 26/8/2016, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt. Quá trình thoái vốn của Sabeco kết thúc năm 2017 và tôi không hề can thiệp. Nếu cần kiểm tra, HĐXX có thể hỏi những người liên quan." - bị cáo Hoàng nói.
Cựu Bộ trưởng cũng khẳng định bản thân không trực tiếp quản lý Sabeco nên cuộc họp trên, ông chủ trì thay bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng, hiện bỏ trốn) do lúc đó bà Thoa đi vắng.
Theo lời khai của bị cáo Hoàng, Sabeco thoái vốn vì Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl gửi văn bản cho ông, đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh này.
"Các nhà đầu tư này không đại diện cho Sabeco nên theo đúng thủ tục, tôi chuyển văn bản của họ cho Vụ Công nghiệp nhẹ để Vụ này yêu cầu Bộ phận quản lý vốn nhà nước và HĐQT Sabeco báo cáo Bộ. Sabeco sau đó đề nghị cho thoái vốn, chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn gồm xây dựng phương án thoái vốn đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của các cổ đông và nhất là cổ đông nhà nước." - ông Hoàng trình bày.
Về việc cáo trạng xác định dự án tại số 2-4-6 được bổ sung chức năng căn hộ, đại diện Công ty CP đầu tư Mê Linh (một đơn vị góp vốn thành lập liên doanh Sabeco Pearl) bác bỏ, khẳng định UBND TPHCM mới đồng tình chủ trương, chưa có quyết định chấp thuận.
"Chức năng ở chưa được thể hiện ở giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Về các thủ tục nhiều nhưng quan trọng nhất, chủ đầu tư sau khi được UBND thông báo nghĩa vụ tài chính về chuyển mục đích, phải thực hiện nhưng thực tế chưa làm. Vụ án điều tra từ tháng 11/2018 nên từ đó đến nay không có hoạt động nào giấy tờ, bổ sung chức năng đó." - đại diện Công ty Mê Linh nói.
Bị cáo Lâm Nguyên Khôi. (Ảnh: TTXVN)
Đồng tình ý kiến này, bị cáo Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM) khai: "Tôi biết, nếu có chức năng ở, phải có quyết định của ủy ban chấp thuận chủ trương đầu tư và sau đó, doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục tiếp theo như Mê Linh nói là đóng thêm tiền chuyển đổi.".
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thẩm vấn ngày 22/4, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khai nhận, trong cuộc họp ngày 29/3/2016, ông thấy không có thông tin TPHCM đã chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ ở đối với dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.
"Đến thời điểm tháng 6/2016, anh Hà (ông Võ Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN tại Sabeco) báo cáo cũng chưa có quyết định chính thức cho bổ sung chức năng căn hộ ở. Theo tôi hiểu đến nay cũng chưa có." - cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng quả quyết.
Cựu Chủ tịch Sabeco nói "không bị Bộ trưởng gây áp lực"
Bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt ra một số câu hỏi đối với lãnh đạo (Sabeco) xung quanh các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư.
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó TGĐ), ông Phan Đăng Tuất (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN tại Sabeco) đều cho rằng đã ký các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác đầu tư bởi áp lực từ nhiều phía.
Đó là áp lực từ việc Sabeco Land không có tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính; áp lực về vốn xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 3.000 tỷ đồng và áp lực từ phía lãnh đạo Bộ Công Thương thường xuyên nhắc nhở, phê bình, yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư.
Bị cáo Phan Chí Dũng. (Ảnh: TTXVN)
Ông Phan Đăng Tuất cho biết, suốt thời gian thực hiện dự án, ông nhận được sự chỉ đạo của các Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Nam Hải và Hồ Thị Kim Thoa. Còn bị cáo Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng đi đàm phán ở nước ngoài nên không có chỉ đạo gì. Bản thân ông Tuất cũng chưa lần nào bị Bộ trưởng gây áp lực.
Bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) cho rằng: Các văn bản do bị cáo tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Bộ Công Thương ký đều đã được lấy ý kiến của vụ chức năng khác trong Bộ Công Thương. Bị cáo Dũng cũng khai, trong các cuộc họp, không có cá nhân hay bộ phận nào cảnh báo với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc đầu tư ngoài ngành, về việc vi phạm quản lý đất đai.
Bản thân bị cáo Phan Chí Dũng cũng nhận thức rằng đây là dự án xây dựng trụ sở cho Sabeco nên là dự án trong ngành, phục vụ ngành.
Sai phạm bị cáo buộc của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc có vai trò chính trong chuyển nhượng 6.080 m2 "đất vàng" ở TP HCM cho tư nhân, gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng. Ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Công Thương từ 8/2007 đến 4/2016, chịu trách nhiệm về quản lý ngành công thương và có quyền, nghĩa vụ của...