Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng liên quan gì đến đất ‘vàng’ Sài Gòn
Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc duyệt chủ trương cho Sabeco thoái vốn, khiến 6.000 m2 đất “vàng” ở quận 1 vào tay tư nhân với giá rẻ.
Ngoài việc khởi tố ông Vũ Huy Hoàng về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) cũng cáo buộc nguyên thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) với vai trò đồng phạm, ngày 10/7.
Động thái này được nhà chức trách đưa ra sau hơn một năm rưỡi điều tra sai phạm liên quan khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương).
Khu đất 6.000 m2 này có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn, bốn mặt tiền là: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và hướng ra Công trường Mê Linh. Theo giá thị trường năm 2016, khu đất trị giá gần 6.800 tỷ đồng.
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) được phê duyệt làm dự án khu phức hợp 6 sao nhưng hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Trung Sơn.
Khu đất này được Bộ Tài chính giao cho Sabeco xây dựng trụ sở văn phòng và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công. Tuy nhiên, suốt nhiều năm dự án không được triển khai.
Tháng 2/2015, Sabeco tái khởi động dự án với việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl có vốn điều lệ 567 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn, các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chấp thuận phương án này.
Tháng 6/2015, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị của TP HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê lô đất trên, để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ (xây dựng khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê). Quyết định này cho phép Sabeco Pearl sử dụng đất trong 50 năm, tiền thuê đất trả một lần là hơn 997 tỷ đồng. Công ty đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính ngày 17/6/2015
Tuy nhiên, từ năm 2016, Bộ Công thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl. Giữa năm 2016, HĐQT Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu tại Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về khoản tiền gần 200 tỷ đồng. Các cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán cổ phần của mình dẫn đến khu “đất vàng” rơi vào tay tư nhân.
Video đang HOT
Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, việc thoái vốn khỏi Sabeco Pearl của Sabeco có nhiều vi phạm. Lúc đó, để xác định giá khởi điểm, Sabeco thuê Công ty TNHH Cushman&Wakefield, Công ty TNHH Chứng khoán ACB và Công ty CT Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam thực hiện thẩm định giá trị doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Cushaman & Wakefield (đơn vị đưa ra giá trị doanh nghiệp cao nhất) ngày 26/2/2016 – giá trị khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là 54 triệu USD, Sabeco xác định giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần, giá trúng đấu giá là 13.347 đồng/cổ phần, đơn vị trúng đấu giá mua toàn bộ cổ phần là Công ty CP Attland (thành viên sáng lập).
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trong 3 công ty được thuê thẩm định, chỉ có Công ty CP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam là doanh nghiệp có chức năng và đủ điều kiện thẩm định giá được Bộ Tài chính chấp thuận.
Việc Công ty TNHH Cushman & Wakefield (không có chức năng) xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở kết quả thẩm định theo phương pháp so sánh và phương pháp thặng dư. Nhưng trong phương pháp so sánh, việc điều chỉnh các yếu tố khác biệt không trên cơ sở chứng cứ thị trường là không đúng hướng dẫn của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08 “Cách tiếp cận từ thị trường” ban hành theo Thông tư 126/2015 của Bộ Tài chính ngày 20/8/2015.
Theo cơ quan điều tra, phương án thoái vốn của Sabeco được ông Vũ Huy Hoàng đồng ý về mặt chủ trương, bà Hồ Thị Kim Thoa là người ký các văn bản.
Nguyên thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (trái), ông Vũ Huy Hoàng (giữa) và Phan Chí Dũng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an.
Liên quan đến vụ án, tháng 11/2018, ông Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường), Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM) và Trương Văn Út (Phó phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên TP HCM) bị khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có thể đối diện án tù cao nhất 20 năm
Theo luật sư, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có thể đối mặt mức hình phạt cao nhất 20 năm tù, nếu gây thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên.
Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Những vi phạm của ông Hoàng liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Ông Vũ Huy Hoàng khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương. (Ảnh: Xuân Hoa)
Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc xử lý thêm một cựu Bộ trưởng do liên quan đến kinh tế, cho thấy rõ sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc chỉnh đốn Đảng, xử lý kiên quyết các cán bộ, Đảng viên suy thoái, sai phạm.
Theo phân tích của luật sư, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can là giai đoạn đầu của quy trình tố tụng hình sự. Công an sẽ thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh bị can là người có chức vụ, quyền hạn, là người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng cố ý vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên.
Trong vụ việc này, ngoài việc xem xét yếu tố về chủ thể, về vai trò, nhiệm vụ, chức năng trong việc quản lý tài sản nhà nước, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản bị thất thoát, lãng phí là bao nhiêu. Nếu trường hợp tài sản thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 10 năm đến 20 năm tù.
"Với quy định của Bộ Luật Hình sự hiện nay, vị cựu Bộ trưởng này có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, trong trường hợp tài sản của nhà nước bị thất thoát từ 1 tỷ đồng trở lên", luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường nhận định, đối với những vụ án tội phạm về chức vụ, kinh tế, tham nhũng thì thường sẽ có đồng phạm, có tổ chức, liên quan đến yếu tố thu lợi bất chính. Bởi vậy trong vụ việc này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định vai trò, trách nhiệm pháp lý.
Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có cá nhân, cán bộ, nhân viên khác có cùng ý chí thực hiện tội phạm thì những người này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
"Trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện ra các hành vi vi phạm khác về chức vụ, kinh tế thì sẽ xem xét, nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì tiếp tục khởi tố về các tội danh khác và có thể đối với những người khác có liên quan", luật sư Cường nói.
Ông Vũ Huy Hoàng từng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016. Sau khi ông Hoàng nghỉ hưu, từ cuối năm 2016-2017, Ban Bí thư và Chính phủ quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm.
Ông Hoàng được xác định thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội", luật sư Cường chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố.
Ban Bí thư xác định, các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Hoàng.
Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Phúc thẩm vụ giao đất 'vàng' số 15 Thi Sách: Viện kiểm sát đề nghị y án sơ thẩm Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, sai phạm do các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án sơ thẩm. Ngày 22/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ giao "đất vàng" số 15 Thi Sách (quận 1, TP.HCM) trái quy định cho...