Cựu binh Trường Sa: “Tôi đau đáu khi chưa tìm được hài cốt đồng đội”
“Tôi còn sống và có được như hôm nay là quá đủ rồi! Đồng đội tôi đã hi sinh và ngay cả hài cốt cũng không tìm thấy nên lúc nào tôi cũng đau đáu. Tôi muốn đóng góp, làm một thứ gì đó cho con em đồng đội của tôi…”, cựu binh Dũng trăn trở.
Cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng trò chuyện cùng PV Dân trí.
Đến phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) hỏi thăm cựu binh Nguyễn Văn Dũng, không ai là không biết. Không chỉ là cựu binh Trường Sa, ông Dũng còn được biết đến là người làm ăn kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho địa phương. Gần ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), dù công việc kinh doanh bận rộn, nhưng cựu binh Dũng vẫn sắp xếp công việc để chuẩn bị đi thăm gia đình một số đồng đội đã hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa.
Như mọi năm, vào dịp này ông Dũng sẽ thăm 3 gia đình có liệt sĩ đã hi sinh trong trận hải chiến không cân sức bảo vệ Gạc Ma năm 1988. Đó là hai gia đình ở TP Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và một gia đình ở Tuy Hòa, Phú Yên. Ngày ấy, ông Dũng là lính thông tin (nhập ngũ tháng 2/1987), thuộc Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân. Sự kiện 14/3/1988, cách đây 27 năm, trước sự hung hãn, cưỡng đoạt trái phép của lính Trung Quốc, các đồng đội ông Dũng ngã xuống thành “vòng tròn bất tử” để bảo vệ Gạc Ma thiêng liêng.
Cựu binh Dũng hồi tưởng, lính Trung Quốc đã nã đạn vào đồng đội ông “như mưa”. Bản thân ông Dũng lúc ấy làm nhiệm vụ kết nối thông tin đã bị thương và sau khi hồi tỉnh thì “không biết sống bằng cách nào”. Vết thương làm tổn thương toàn bộ xương chậu, mất khả năng chân trái đã khiến cựu binh Dũng mất sức khỏe 61%, thương binh hạng 2/4.
Xuất ngũ trở về địa phương, thể trạng của cựu binh Dũng khá “teo tóp” khi chỉ nặng 36kg, cùng nhiều bệnh tật khiến cuộc sống khá chật vật. Tuy nhiên, bằng tinh thần vượt khó của một cựu binh, ông đã xắn tay vào lao động, làm bất cứ việc gì có thể để nuôi sống bản thân. Ông kể, ngày ấy ông đi làm khắp nơi, làm nhiều nghề, ai thuê gì làm nấy chỉ để “kiếm cơm ăn là đủ”.
Ấy vậy mà sau bao năm lăn lộn, chẳng ai ngờ cựu binh Dũng lại trở thành người kinh doanh có tiếng ở thành phố biển Nha Trang. Ban đầu ông kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ rồi thành lập công ty. Do kinh doanh uy tín, nhà hàng Thiên Phước, chuyên kinh doanh ăn uống, dịch vụ, sinh thái – nơi ông làm chủ, thường có rất đông du khách ghé quán. Làm ăn thuận lợi, không chỉ đóng thuế cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cựu binh Dũng còn tạo công ăn việc làm cho 40 đến 50 lao động, với mức lương từ 4-10 triệu đồng/người/tháng. Phần lớn nhân viên của ông là con em đồng đội, con thương binh liệt sĩ.
Cựu binh Dũng trong hoạt động kinh doanh.
Cựu binh Nguyễn Văn Dũng đã được Bộ LĐ-TB&XH tặng nhiều bằng khen trong vì có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất. Cựu binh Dũng cũng được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội cựu chiến binh Việt Nam khen tặng danh hiệu doanh nhân – cựu chiến binh xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời kỳ đổi mới.
Video đang HOT
Cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng cũng được mọi người cảm mến vì có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng, địa phương nơi ông sống. Hàng năm ông đều hỗ trợ hàng chục suất quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại địa phương, hoặc ủng hộ hàng chục triệu đồng nhằm tri ân anh hùng Gạc Ma nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Trường Sa.
Chia sẻ với PV Dân trí, cựu binh Dũng xúc động tâm sự, là một cựu binh Trường Sa, ông luôn muốn đóng góp một chút gì đó cho xã hội, nhất là với gia đình các liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa. Ông nói ngoài việc làm ăn kinh doanh, thì hoạt động từ thiện đã “ăn vào máu ông”.
“Tôi còn sống và có được như hôm nay là quá đủ rồi! Đồng đội tôi đã hi sinh và ngay cả hài cốt cũng không tìm thấy nên lúc nào tôi cũng đau đáu hướng về đồng đội. Tôi muốn đóng góp, làm một thứ gì đó cho con em đồng đội của tôi…”, cựu binh Dũng trăn trở tâm sự.
Viết Hảo
Theo Dantri
Cựu binh Gạc Ma tưởng nhớ đồng đội
Những người đồng đội cũ lặng lẽ thắp nén hương, cúi đầu chào rồi theo chiếc cano ra biển thả vòng hoa xuống biển Đông để tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa 27 năm trước.
Sáng 14/3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa giai đoạn 1984-1988, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn E83 (nay là Lữ đoàn 83 công binh Hải quân) đã cùng nhau về cầu cảng của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng) tổ chức Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/31988. Chiếc bàn thờ được đặt cùng danh sách 64 liệt sĩ treo hướng ra biển Đông.
Một vòng hoa lớn kết hoa hình quốc kỳ được những đồng đội đưa đến buổi lễ. Đây là lần thứ 2 lễ tưởng niệm được tổ chức tại Đà Nẵng.
Cựu binh Dương Văn Dũng, người sống sót sau khi lính Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm bãi đá Gạc Ma, đến dự lễ tưởng niệm. Trong trận Gạc Ma, riêng ở Đà Nẵng có 9 liệt sĩ.
Ông Dũng bị phía Trung Quốc bắt giữ cùng 8 đồng đội khác. Khi đó, giấy báo tử được gửi về gia đình, người thân lập bàn thờ ông. Hơn 1 năm sau, ông cùng đồng đội được phía Trung Quốc trả về nước qua đường ngoại giao.
Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83, thay mặt ban liên lạc nhắc lại sự kiện của 27 năm trước. Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải và bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thì 4 tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở Len Đao và HQ-505 ở Cô Lin, dùng vũ lực cưỡng chiếm Gạc Ma, giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam.
Dòng người lặng lẽ thắp nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ trong trận hải chiến. Đến nay, nhiều hài cốt của các liệt sĩ vẫn đang nằm lại lòng biển lạnh.
"64 cán bộ, chiến sĩ dùng cảm chiến đấu với Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn không trở về đất mẹ với bao ước vọng của tuổi xuân chưa kịp thực hiện. Các anh đã hi sinh cho Tổ quốc và sẽ mãi sống trong lòng Tổ quốc, trong lòng nhân dân", lời của thượng tá Hoan khiến mọi người xúc động.
Theo thượng tá Hoan, lễ tưởng niệm này nhằm ghi công những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, góp phần giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay rằng chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.
Những cái tên đồng đội từ khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa... được mọi người dự lễ đọc tỷ mỉ. Câu chuyện về từng người vẫn được các đồng đội ghi nhớ.
Cựu binh Dũng (bên phải) thả vòng hoa xuống cho 64 đồng đội, rồi lặng lẽ đưa tay chào. 27 năm qua, ông Dũng luôn sống với những ký ức về đồng đội, về trận chiến.
Những người đồng đội luôn tin rằng những vòng hoa được thả xuống biển sẽ làm những liệt sĩ Gạc Ma thêm ấm lòng.
3 chiếc cano chở Ban liên lạc Trường Sa tiếp tục chạy chậm quanh vòng hoa trước khi về lại đất liền.
Trước đó, sáng 13/3, tại Công viên Biển Đông - bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Sẵn sàng cho đại lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma Nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và 64 liệt sĩ Gạc Ma nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam (27/7), chùa Vĩnh Nghiêm - TPHCM sẽ tổ chức đại Lễ tưởng niệm - cầu siêu mang tên "Hạt giống Tâm hồn - Gạc Ma - Việt Nam - Vòng tròn bất tử". Sáng 20/7, các công tác...