Cứu bệnh nhân, bác sĩ sợ… đổ máu
Bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung ngay tại phòng bệnh, nhưng vì y đức nên không thể… đánh trả. Theo các chuyên gia y tế, cần phải có những hình thức mạnh hơn để bảo vệ nhân viên y tế.
Máu nhuộm blouse trắng
Trường hợp bị hành hung gần đây nhất là bác sĩ Lê Quang D – Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội). Theo đó, trưa 16.4, khi người nhà một bệnh nhi yêu cầu chuyển viện, bác sĩ đã đến phòng bệnh để xem bệnh án. Đang cúi đầu xem bệnh án, bác sĩ D bất ngờ bị bố bệnh nhi dùng cốc thủy tinh đánh mạnh vào đầu, máu đổ lên áo blouse trắng, vương lên bệnh án và nền nhà phòng cấp cứu, bác sĩ ngất tại chỗ. Bác sĩ D được đưa vào phòng cấp cứu, vết thương phải khâu 7 mũi và phải theo dõi chấn thương sọ não.
Với các ca cấp cứu, bác sĩ khó có thời gian giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhân (chụp tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức). Ảnh: D.L
Theo bác sĩ Vương Trung Kiên – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất: “Bệnh nhi 10 tháng tuổi nhập viện hôm 13.4, với chẩn đoán tiêu chảy do virus. Sau hơn 3 ngày điều trị, bệnh nhi đã ổn định, không còn tiêu chảy. Sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã cho bệnh nhi chuyển lên tuyến trên theo đề nghị của gia đình”.
Đây không phải lần đầu tiên bác sĩ đổ máu, bị đánh khi đang làm nhiệm vụ. Ngày 2.1, một bác sĩ Bệnh viện đa khoa Việt Yên (Bắc Giang) đã bị bệnh nhân chửi bới thô tục và đạp mạnh vào bụng khi đang xem xét chấn thương cho anh ta. Clip từ camera bệnh viện ghi lại cho thấy, bác sĩ đã bị đạp rất mạnh, bị bật lùi lại phía sau. Tuy nhiên sau đó, bác sĩ này vẫn phải nén đau, nén giận để tiếp tục khâu vết thương, băng bó cho bệnh nhân. Bác sĩ bị đánh kể lại, bệnh nhân và người nhà đã ra về ngay mà không có lời xin lỗi hay cảm ơn bác sĩ.
Ngày 7.10.2015, một bác sĩ của Bệnh viện Việt – Tiệp, Hải Phòng bị bệnh nhân Đỗ Văn Bình (31 tuổi, trú xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng) nhảy ra khỏi cáng “song phi”. Trước đó, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sỏi thận nên chỉ định đi chiếu chụp. Bố bệnh nhân đi nộp tiền rồi chỉ tay vào mặt bác sĩ quát tháo và bị nhắc nhở. Thấy có người to tiếng với bố, Bình từ trên cáng cấp cứu nhảy xuống lao vào đánh bác sĩ trực.
Ngày 20.9.2014, bác sĩ Phạm Thanh Tùng (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) bất ngờ bị một thanh niên lao vào chửi mắng, đánh trọng thương khi đang cấp cứu cho người nhà của họ. Bác sĩ Tùng đã bị gãy xương gò má. Đối tượng hành hung bác sĩ cho rằng bác sĩ chậm trễ cấp cứu người nhà mình…
Video đang HOT
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) bị đánh ngày 16.4. Ảnh: I.T
Cần có chế tài bảo vệ bác sĩ
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phòng cấp cứu thường là “điểm nóng” hay xảy ra vụ việc nhân viên y tế bị hành hung. Theo tổng kết của Bộ Y tế, có đến 90% vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 30% là khi nhân viên y tế giải thích cho bệnh nhân và người nhà.
PGS Khuê phân tích, tại phòng cấp cứu, người nhà bệnh nhân thường có tâm lý sốt ruột, lo lắng cho người bệnh, muốn các bác sĩ can thiệp ngay. Người nhà bệnh nhân không hiểu rằng cấp cứu phải có quy trình, khi có nhiều bệnh nhân thì bệnh nhân nặng phải được ưu tiên cấp cứu trước, hoặc có những bệnh phải đợi theo dõi, dù bệnh nhân vẫn đang đau đớn… Một phần nữa cũng do các nhân viên y tế còn chưa có kỹ năng để giải thích, thuyết phục người nhà để họ hiểu và kiên nhẫn. Có những khi bệnh viện quá tải, các bác sĩ cũng không có thời gian để “nói nhiều” khiến người nhà bệnh nhân dễ hiểu lầm là bác sĩ lơ là, chậm trễ cấp cứu cho bệnh nhân.
Theo một bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, xã hội đang yêu cầu nhân viên y tế phải tươi cười, đón tiếp bệnh nhân như nhân viên hàng không đón tiếp khách hàng. Tuy nhiên, nếu nhân viên hàng không bị hành hung thì mức xử phạt đối tượng côn đồ rất nghiêm khắc, nhưng nhân viên y tế bị đánh thì lại bị xem nhẹ, thậm chí các bác sĩ bị đánh xong vẫn phải nhẫn nhịn quay sang khám chữa bệnh cho chính đối tượng hành hung mình. “Đánh bác sĩ cũng có thể là hành vi đe dọa tính mạng của nhiều người, nhất là trong phòng cấp cứu, khi có nhiều bệnh nhân nặng đang cần được bác sĩ cứu giúp tính mạng” – vị bác sĩ này nhận định.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đó là chưa kể hàng trăm vụ nhân viên y tế bị chửi mắng, đe dọa hành hung diễn ra khá thường xuyên…
Bác sĩ Võ Xuân Sơn – một người đã có nhiều năm thực hiện chương trình chống bạo hành nhân viên y tế cũng cho rằng: “Nhân viên y tế vì vấn đề y đức nên không thể đánh trả lại bệnh nhân hay người nhà họ, dù bị hành hung. Đó là một nghịch lý khiến nhân viên y tế khó bảo vệ mình. Còn bệnh nhân và người nhà lại sẵn sàng trút bức xúc lên nhân viên y tế – những người không được phép phản kháng”.
Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cũng chia sẻ, bệnh viện đóng trên địa bàn khá phức tạp về an ninh nên các vụ việc đe dọa tính mạng, xúc phạm, cản trở bác sĩ khám chữa bệnh diễn ra với tần suất khá lớn. Chỉ tính riêng năm 2016, Bệnh viện Thanh Nhàn đã có 8 vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gây rối trật tự, đe dọa nhân viên y tế… Chưa kể các vụ đánh nhau ngoài bệnh viện, nhập viện vẫn kéo hàng chục người vào tiếp tục trả thù, ăn cắp, ăn trộm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã có 7 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bị mất đồ, 3 vụ xô xát, gây rối trong bệnh viện…
“Cần phải có các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn với các đối tượng gây rối, đe dọa nhân viên y tế. Vì hiện nay đa số các đối tượng gây rối chỉ được xử lý với hình thức răn đe là quá nhẹ, không hiệu quả. Việc các vụ việc xúc phạm, đe dọa nhân viên y tế khiến tâm lý của họ bị ảnh hưởng, gây cản trở lớn đối với công tác khám chữa bệnh” – vị đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn nói.
Theo PGS Khuê, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định bảo vệ trực tiếp và quyền lợi của nhân viên y tế trong khi thi hành nhiệm vụ khám chữa bệnh. Ở các nước phát triển, hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng. Tại Anh, các phòng chờ, hành lang bệnh viện đều có treo biển ghi rõ: “Tất cả các hành vi xâm phạm nhân viên y tế bằng vũ lực hay lời nói sẽ bị cảnh sát và pháp luật xử lý”. Còn ở Việt Nam, các hình thức xử lý chưa đủ mạnh, các bác sĩ bị chửi vẫn phải cắn răng chữa trị cho người chửi mình…
Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện
Hiện nay, tình trạng thiếu chuyên nghiệp của một số thầy thuốc về phong cách, giao tiếp ứng xử khiến bệnh nhân bức xúc. Trong khi đó, bệnh viện là môi trường có tính đặc thù cao, dễ xảy ra tai biến, rủi ro… Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn, theo dõi, quản lý, giám sát các sự cố y khoa… Tuy nhiên, người dân cũng cần phối hợp với nhân viên y tế, hiểu được quy trình cấp cứu để tránh những xung đột đáng tiếc, giúp bệnh nhân được cứu chữa tốt hơn. PGS-TS Lương Ngọc Khuê
Nên tách bệnh nhân và người nhà ở khu vực cấp cứu
Bác sĩ đang “quay cuồng” cấp cứu cho một ca nguy kịch hơn thì không thể có thời gian để trả lời cặn kẽ các câu hỏi của người nhà một bệnh nhân khác. Vì thế, nếu người dân không thấu hiểu có thể cho rằng thái độ bác sĩ lạnh lùng, vô cảm, dẫn đến nổi xung và xông vào đánh bác sĩ… Khi đó, bác sĩ không thể tập trung vào chuyên môn để cứu giúp các bệnh nhân khác. Nên có hình thức tách bệnh nhân và người nhà, nhất là khu vực cấp cứu để các bác sĩ có thể tập trung cao độ vào cứu chữa, không bị phân tâm lo bị người nhà mắng chửi, hành hung. PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng -
Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt Đức
Hướng dẫn nhân viên y tế cách phòng vệ Bộ Y tế và lãnh đạo các bệnh viện cần có chương trình hướng dẫn cho nhân viên y tế cách phòng vệ và chống lại bạo hành. Những người từng bạo hành nhân viên y tế cũng cần được “đánh dấu” trong toàn hệ thống y tế để các bác sĩ có thể phòng ngừa, hạn chế nguy hiểm. Và quan trọng hơn là khung pháp lý phải có những quy định đặc thù hơn cho nhân viên y tế. Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Theo Danviet
Người nhà vây kín bệnh viện sau cái chết của bé trai 4 tuổi
Tối 11.3, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), hàng chục người thân của một bé trai 4 tuổi đã vây quanh bệnh viện yêu cầu các bác sỹ làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu bé.
Người nhà bệnh nhi vây kín bệnh viện. Ảnh: Vietnam
Theo người nhà nạn nhân, nạn nhân là bé Hoàng Thanh Lộc (4 tuổi).
Vào lúc 13h cùng ngày, người nhà đưa bé Lộc đến Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để cấp cứu. Tại đây, bé Lộc được theo dõi sức khỏe tại phòng cấp cứu nhi của bệnh viện. Tuy nhiên, đến khoảng 18h cùng ngày bé đã tử vong.
Người nhà nạn nhân cho rằng thời điểm bé Lộc nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, bé chỉ bị sốt. Sau khi khám bệnh, các bác sỹ kết luận bé bị viêm màng ruột. Người nhà yêu cầu được chuyển viện thì không được bệnh viện đồng ý.
Cho rằng các bác sỹ thiếu trách nhiệm, hàng chục người thân của gia đình nạn nhân đã vây quanh khu vực cấp cứu nhi của bệnh viện, yêu cầu giải thích lý do.
Đến gần 23h cùng ngày, vẫn còn hàng chục người thân của nạn nhân tập trung tại bệnh viện, lực lượng công an đã phải huy động lực lượng để đảm bảo trật tự.
Nguyên nhân vụ việc đang được bệnh viện cùng công an thành phố Thủ Dầu Một điều tra làm rõ.
Theo P.V (Vietnamnet)
Ân tình ở khoa bệnh "độc nhất vô nhị" Việt Nam Với nhiệm vụ "nâng niu bàn chân", tưởng rằng công việc của các bác sĩ nơi đây không quá nặng nhọc. Tuy nhiên, thực tế công việc của họ rất vất vả và suốt tháng ngày luôn bị ám ảnh bởi những đôi bàn chân lở loét, bốc mùi... Những bàn chân suýt... chết Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - Trưởng khoa Chăm...