Cuối tháng 10 sẽ “cắt ngọn” xong nhà 8B Lê Trực
Chủ tịch quận Ba Đình khẳng định, cuối tháng 10, toàn bộ tầng 19 của tòa nhà 8B Lê Trực sẽ được phá dỡ.
Chiều cao công trình được cấp phép 18 tầng, cao 53m, nhưng chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19 (ảnh: Tất Định)
Sáng 26.9, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1.1.2016 đến 15.9.2016.
Tại cuộc họp, báo cáo về giải quyết cưỡng chế nhà số 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, quận đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, trước hết quận giao cho chủ đầu tư tự khắc phục. Trong quá trình khắc phục chậm trễ, TP đã chỉ đạo cưỡng chế, UBND quận đã phối hợp với các sở, ban, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện.
“Đây là công trình sát với mặt đường, mật độ dân cư đông nên giải pháp là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho dân sinh, là công trình cắt gọt nên phải đảm bảo an toàn cho công trình tiếp tục được sử dụng sau khi cắt gọt nên phương án xử lý cắt gọt phải thận trọng và kỹ lưỡng. Với tiến độ đó, quận và thành phố đã nghiêm túc thực hiện, có chậm là do cơ sở”, ông Bình cho hay.
Video đang HOT
Ông Bình cho biết, đến ngày 14.9 đã xử lý xong toàn bộ sàn, chỉ còn lại hệ thống dầm và cột. Do hệ thống dầm cột to lớn, phải dùng trục cẩu tháp bơm hơi nước vào, cắt khúc, hạ chuyển xuống nên có chậm.
Theo ông Bình, trong ngày mai (27.9), Công ty Phương Bắc sẽ hoàn tất thủ tục với những cơ quan chức năng có thẩm quyền, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cần trục tháp hoạt động, vì phải đổ móng, ngăn đường Trần Phú – Kim Mã đoạn đó để đảm bảo an toàn phương tiện đi lại nên phải hoàn tất thủ tục.
Dự kiến ngày 28.9 cẩu chính thức hoạt động và cắt toàn bộ hệ thống dầm cột tầng 19 để đảm bảo hoàn thành trong tháng 10 theo đúng chỉ đạo sẽ xong tầng 19.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Chủ tịch quận Ba Đình chốt thời hạn phá dỡ phần sai phạm nhà 8B Lê Trực.
Ông Bình khẳng định: “Xử lý sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 1 sẽ xong trong tháng 10, phá dỡ xong toàn bộ tầng 19. Giai đoạn 2 còn phải tiếp tục thực hiện cùng với các bộ ngành và TP Hà Nội lên phương án, phải có thẩm định, kiểm định, có khoảng giật và lùi”.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Ngoài ra, công trình chỉ được cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao khoảng 69 m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2.
Theo Tất Định (Dân Việt)
"Hạn chế xe ngoại tỉnh là học từ Trung Quốc"
"Việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội thực ra là học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Singapore, vì các nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam...".
Ngày 20/9, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ GTVT (cơ quan phối hợp với Sở GTVT Hà Nội), khẳng định đề án "tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội" chưa trình các cơ quan bộ, ngành.
Hiện cơ quan này đang phối hợp Sở GTVT Hà Nội tổ chức làm báo cáo phục vụ hội thảo xin ý kiến xây dựng đề án trên.
Liên quan đến thông tin dự thảo đề án có nội dung hạn chế xe các tỉnh vào nội đô, ông Mười cho rằng đó là nội dung trong báo cáo phục vụ hội thảo. Việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội thực ra là học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Singapore, vì các nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam:
"Tuy nhiên, không phải chúng ta bê nguyên mà có chắt lọc để xin ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia hội thảo..." - ông Mười khẳng định.
Các cơ quan chức năng cho rằng việc hạn chế xe từ các tỉnh vào nội đô sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Ảnh: PHI HÙNG
Ông Mười cũng cho rằng việc hạn chế xe phải có lộ trình. Cụ thể, khi nào các phương tiện vận tải công cộng được nâng lên lúc đó mới thực hiện hạn xe cá nhân, chứ không phải đùng cái là mình hạn chế thì người dân đi bằng gì.
"Chúng tôi vẫn nhấn mạnh với Hà Nội, xe buýt vẫn là phương tiện xương sống cho đến năm 2030. Vì vậy, phải tập trung phát triển kết cấu mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt để phù hợp với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân có thể xảy ra. Mục tiêu của đề án không phải là cấm phương tiện cá nhân mà quản lý và hạn chế để phù hợp với tình hình giao thông" - ông Mười khẳng định.
Liên quan đến nội dung hạn xe cá nhân, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng hiện vận tải hành khách công cộng phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, do đó phương tiện cá nhân phát triển là điều tất yếu, đúng quy luật.
"Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và tôi đồng tình và ủng hộ việc thực hiện đề án hạn chế xe máy và hạn chế ô tô một cách hợp lý. Tuy nhiên, cấm xe máy chỉ được thực hiện khi phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại tối thiểu của người dân.
Từ đó, đại đa số người dân tự nguyện loại bỏ và chấp nhận phương tiện giao thông công cộng. Kinh nghiệm các nước cho thấy phát triển giao thông công cộng chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế có lộ trình sẽ đạt được mục tiêu cấm xe máy"- ông Liên nói.
Trước đó, trong báo cáo gửi cho các chuyên gia để chuẩn bị tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã đưa ra lộ trình hạn chế xe vào thành phố. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2020) sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần và các ngày lễ, tết. Từ năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội ô (đường vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 (từ năm 2023) sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Theo VIẾT LONG (Pháp luật TP.HCM)
Bệnh viện lớn nhất miền Bắc đóng cửa bãi gửi xe Chiều 20/9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã ra thông báo đóng cửa 2 khu vực trông xe cho khách và người bệnh từ ngày 1/10. Người dân khổ sở vì vào BV Bạch Mai không có chỗ gửi xe. (Ảnh: Ngọc Dung) Theo lý giải của Bệnh viện Bạch Mai, hiện bệnh viện đang triển khai các hoạt động nhằm giảm...