Cuối năm, cảnh giác “bẫy” cho vay tiêu dùng1
Ẩn sau những điều kiện vay dễ dãi, “không cần tài sản thế chấp” là “giá đắt” mà phần đông người vay không lường tới khi sử dụng các dịch vụ cho vay tiêu dùng, đặc biệt đang nở rộ dịp cuối năm.
Muôn nẻo “vợt” khách
Tháng Chạp (âm lịch) đang đến gần, đây là thời điểm các ngân hàng rầm rộ triển khai các gói cho vay tiêu dùng, vay mua sắm cuối năm. Không chỉ tiếp cận khách hàng bằng cách nhắn tin, gọi điện, hàng loạt chương trình khuyến mãi quảng cáo rầm rộ được các ngân hàng, công ty tài chính triển khai đến tận các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm như phát tờ rơi, gửi email,… thậm chí “cài cắm” vào các chương trình khuyến mại của từng sản phẩm để dụ khách hàng. Khách hàng dù có hay chưa có nhu cầu vay vốn đều được mời chào đáp ứng và giải quyết mọi nhu cầu mua hàng, đặc biệt là với hình thức tiêu dùng trả góp.
Chị Thu Hương, nhân viên một Viện nghiên cứu tại Hà Nội cho biết: Mỗi ngày chị nhận được không ít hơn 4-5 cuộc gọi từ các nhân viên tư vấn tín dụng của đủ các ngân hàng, từ ANZ, VP Bank đến Công ty tư vấn Tài chính Prudential. Nội dung các cuộc gọi 100% là để tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng. “Nhiều khi liên tiếp chỉ trong 10 phút tôi còn nhận được điện thoại của hai nhân viên tư vấn thuộc cùng một ngân hàng. Nghe điện thoại nhiều đến nỗi phát bực”, chị Thu Hương phàn nàn.
Khác với chị Hương, anh Hoài Nam, nhân viên một công ty Du lịch thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết: “Khoản vay 100 triệu đồng mà anh vừa được giải ngân từ ngân hàng ANZ là do tình cờ anh nhận được điện thoại xin tư vấn cho vay tiêu dùng của nhân viên ngân hàng này. Và thế là nhu cầu chợt nảy sinh khi anh muốn thực hiện kế hoạch sửa lại căn nhà đón Tết vốn đã ấp ủ từ lâu mà chưa có điều kiện thực hiện”.
Với yêu cầu cung cấp bản photocopy Hợp đồng lao động và bảng lương (có công chứng) xác nhận mức lương hiện tại là 9 triệu đồng, anh Nam dễ dàng được ngân hàng cho vay khoản vay tiêu dùng thời hạn 60 tháng với mức lãi suất 20%/năm. Mỗi tháng tính cả gốc và lãi anh phải thanh toán cho ngân hàng gần 3 triệu đồng.
Video đang HOT
Cái giá đắt đỏ khi thủ tục đơn giản
Thế nhưng, ẩn trong những hợp đồng cho vay dễ tính là những cái giá “lãi suất” không hề rẻ, thậm chí cả cách tính phí phạt cao từ 5-8% tùy ngân hàng.
Chiêu của các ngân hàng, công ty tài chính khi cho vay tiêu dùng là chia nhỏ mức lãi suất theo ngày, theo tháng để khách hàng yên tâm sẽ trả cả gốc lẫn lãi được dễ dàng. Nhưng ẩn sau đó là phí phạt và mức lãi suất cao ngất ngưởng ở mức từ 19,5% – 25%/năm. Thậm chí các ngân hàng cũng có chiêu quảng cáo hấp dẫn, lãi suất 0% trong 3 – 6 tháng đầu. Tháng tiếp theo, lãi suất sẽ tính theo lãi suất thị trường cộng với biên độ nhất định từ 3-5%/tháng.
Chị Hà Thu, nhân viên một Trung tâm đào tạo ngoại ngữ bộc bạch với Dân Việt: Cách đây vài tháng chị vay 50 triệu đồng của ngân hàng X. để mua chiếc xe máy. Nhưng chỉ sau đó vài tháng chị lo liệu được một khoản tiền nên muốn trả lại khoản nợ đã vay. Đến khi đến ngân hàng làm thủ tục chị mới tá hỏa khi biết rằng trong số tiền gần 2 triệu chị đã thanh toán hàng tháng thì hơn một nửa trong số đó là tiền lãi. Nên kết quả mấy tháng “kẽo kẹt” trả cả gốc và lãi mà số tiền vay của chị chỉ giảm từ 50 triệu xuống 48 triệu đồng. Chấp nhận trả trước hạn, chị Hà cho biết chị còn bị phạt gần 5 triệu đồng tiền phí trả trước hạn.
Đưa ra lời tư vấn cho người tiêu dùng, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Nhu cầu vay tiêu dùng của người dân là rất lớn, từ nhu cầu mua sắm cho gia đình, cá nhân…thậm chí người thì có nhu cầu vay cho con đi học, người thì chữa bệnh cần nhiều tiền…
Về phía ngân hàng thì cho vay tiêu dùng là lĩnh vực rủi ro rất cao, chính vì vậy lãi suất cũng sẽ luôn ở mức cao để các ngân hàng đảm bảo việc quản trị rủi ro. Để giải quyết cho nhu cầu về vốn, tín dụng nên các ngân hàng đẩy mạnh hình thức cho vay này. Tuy nhiên, theo ông Kiêm : Đây là lĩnh vực rất cần NHNN có chính sách quản lý mức lãi suất đối với lĩnh vực cho vay này để tránh sự rủi ro cho cả phía ngân hàng, công ty tài chính và cả bản thân người tiêu dùng. Bởi khi có nhu cầu về vốn mà không có tiền họ chấp nhận vay bằng bất cứ giá nào, thậm chí với lãi suất tới 25%/năm. Nếu như vậy thì rất dễ gây ra lạm phát và sự bắt chẹt người tiêu dùng, dễ gây ra tiêu cực.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi vay tối đa không được quá 150% lãi suất cơ bản. Mức lãi suất cơ bản mà NHNN công bố năm 2010 là 9%/năm (vẫn giữ đến nay), có nghĩa lãi vay không được quá 13,5%, song thực tế, lãi vay tín chấp của các ngân hàng, công ty tài chính có thể lên cao vượt mốc 13,5%/ năm này rất nhiều.
Theo_Dân việt
Kích cầu mua sắm cuối năm với sự liên kết "3 nhà"
Sự văn minh, tiện dụng của hình thức trả góp với sự liên kết của "3 nhà" khiến cho hình thức hỗ trợ tài chính này đã và đang trở thành động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ tăng trưởng.
Trong mùa cao điểm mua sắm năm nay, hầu hết các cửa hàng siêu thị đều áp dụng các chương trình cho vay trả góp có liên kết với các ngân hàng và đặc biệt là các tổ chức tài chính. Sự văn minh, tiện dụng của hình thức trả góp với sự liên kết của "3 nhà" (ngân hàng, các công ty tài chính, các nhà bán lẻ) khiến cho hình thức hỗ trợ tài chính này đang trở thành động lực cho thị trường bán lẻ tăng trưởng.
Cũng như nhiều người có thu nhập trung bình khác, muốn sở hữu ngay một chiếc điện thoại Smartphone và một máy tính xách tay nhưng anh Nguyễn Ngọc Bình (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) lại chưa thể đủ năng lực tài chính chi trả cho món hàng trên, trong khi lại chưa có thẻ tín dụng cũng như các điều kiện để đảm bảo quy trình cho vay chặt chẽ của các ngân hàng, cho nên anh đã tham khảo giải pháp mua hàng trả góp từ các công ty tài chính với hồ sơ chỉ bao gồm chứng minh thư và hóa đơn điện nước.
"Trong khi chưa có đủ tiền để thanh toán hết một lần món đồ mình muốn mua, với tôi, hình thức trả góp này rất thuận tiện. Tôi cũng đang tính mua thêm cả chiếc máy tính xách tay hiệu Dell trả góp trong 6 tháng. Mức trả góp này hoàn toàn phù hợp với khả năng chi trả của tôi", anh Bình chia sẻ.
Phương thức trả góp với lãi suất 0%, đặc biệt phổ biến nhiều trong năm nay, được các siêu thị, cửa hàng coi như một "thỏi nam châm" để thu hút khách hàng đến với siêu thị, cửa hàng của mình. Nhờ những giải pháp hỗ trợ tài chính, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn và mạnh tay chi tiêu hơn. Đây là cơ sở để sự liên kết "3 nhà" giữa ngân hàng, các công ty tài chính, các nhà bán lẻ trong năm 2015 tạo ra nhiều tín hiệu tích cực về doanh thu, doanh số.
Bà Vũ Thị Huệ - Giám đốc Marketing CTCP Pico cho biết, Pico coi việc bán hàng trả góp là một công cụ để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng. Trước đây, khách hàng thường có thói quen tiết kiệm đến khi có đủ tiền để mua một món đồ nào đó, nhất là đối với những đối tượng không có thu nhập ổn định hay học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, với phương thức mua trả góp, họ vẫn có thể sở hữu ngay lập tức một món đồ mà họ đang có nhu cầu khi thực hiện thủ tục vay từ những công ty tài chính. Chỉ cần cung cấp một số giấy tờ đơn giản, họ có thể mua hàng trả góp với lãi suất 0% tới 6 tháng.
Anh Nguyễn Viết Chiến (Quản lý cửa hàng FPT shop 45 Thái Hà) cho biết, cách đây 1 năm, FPT shop chỉ hỗ trợ 1-2 nhà trả góp và hình thức này cũng không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thời điểm tháng 11/2015, hình thức trả góp đã trở thành một cứu cánh cho cửa hàng. Hiện nay, doanh số từ mua hàng trả góp trong hệ thống của FPT shop chiếm gần 20% doanh số tổng hệ thống FPT shop.
Thực tế, các khoản vay tiêu dùng đang ngày càng được thực hiện nhanh hơn, tuy nhiên, lãi suất của các khoản vay này thường rất cao, đặc biệt sau khi hết thời hạn trả góp 0%. Chính lý do này đã khiến nhiều người tiêu dùng vẫn còn ngần ngại khi sử dụng hình thức cho vay này.
Lý giải cho những nghi ngại này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, đối tượng khách hàng vay tiêu dùng thường là những khách hàng có thu nhập trung bình thấp, không có cơ sở để đánh giá tình hình tài chính cũng như thu nhập để xác định khả năng trả nợ. Chính vì vậy, các khoản cho vay tiêu dùng có mức độ rủi ro cao hơn những khoản vay thông thường. Trong khi đó, vốn của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng chủ yếu là vốn tự có, huy động từ các tổ chức kinh tế, vay từ nước ngoài thậm chí đi vay trung, dài hạn từ các tổ chức tín dụng khác, chứ không được huy động nguồn vốn trong dân.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý đặc thù quy định về hình thức cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Các chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành văn bản này để tạo hành lang thuận lợi cho các tổ chức tài chính hoạt động, đồng thời tác động tích cực vào hoạt động tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập.
Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, hình thức liên kết "3 nhà" cũng ngày càng phổ biến, góp phần tích cực đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng. Đứng trước nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng có thể chi tiêu mạnh tay hơn, nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng khả năng trả nợ của mình để đưa ra quyết định hợp lý, trở thành người tiêu dùng thông thái./.
CTV Minh Huệ
Theo_VOV
TS. Vũ Tuấn Anh: Kinh tế thị trường buộc phải có tiêu dùng 'Kinh tế tiêu dùng chính là nguồn nuôi dưỡng của kinh tế thị trường, và một nền kinh tế thị trường cũng chính là nền kinh tế tiêu dùng'. Đây là khẳng định của chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tuấn Anh, khi nói về kênh tín dụng tiêu dùng. Theo TS. Vũ Tuấn Anh,...